Hai loại trái cây khô có tác dụng dưỡng dạ dày, cải thiện gan nhiễm mỡ
Lời của biên tập viên: Dùng trái cây khô nấu nước uống, một hành động lại có thể đạt được ba lợi ích: bổ sung dinh dưỡng, bổ sung nước và làm ấm thân thể. Tuyệt vời hơn nữa chính là có thể dùng trọn trái cây mà không lãng phí, không tạo rác thải cho nhà bếp, tất cả tinh túy đều có thể phát huy được tác dụng đối với thân thể. Giáo sư Trung y người Nhật Yu Takagi Sachiko sẽ hướng dẫn cách dùng các loại trái cây phổ biến nhất để nấu nước uống, có tác dụng dưỡng dạ dày, dưỡng da, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.
Nước trái cây họ cam quýt khô dưỡng dạ dày, giảm cân, cải thiện gan nhiễm mỡ
Hương thơm của trái cây họ cam quýt tươi mát, sảng khoái, khi cắn vào vỏ có vị đường còn thêm chút vị đắng. Cảm giác này khiến cho người ta muốn từ từ thưởng thức.
Khuyên dùng cho người ngày thường dạ dày không tốt, tinh thần dễ mệt mỏi, làn da thô ráp, người muốn giảm cân.
Cách thực hiện:
Cho 10gr trái cây họ cam quýt khô vào nồi, đổ thêm 700ml nước rồi nấu. Khi nước sôi lăn tăn thì hạ nhỏ lửa, nấu 10-15 phút. (Nếu sử dụng bình giữ nhiệt thì lượng nước khoảng 500ml).
Công hiệu:
- Công hiệu về Trung y:
Tăng cảm giác thèm ăn, điều hòa khí dạ dày (khí phụ trách chức năng dạ dày). Cũng có thể dùng trị chứng nấc cụt, buồn nôn, nôn, chán ăn và tức ngực. Sinh tân giải khát, nhuận phế, giảm ho, tiêu đờm. Còn có thể thúc đẩy tiết sữa mẹ.
- Công hiệu về dinh dưỡng:
Ngoài chứa vitamin C và các khoáng chất, điểm đặc biệt nhất của trái cây họ cam quýt là chất Hesperidin tăng cường mạch máu và cải thiện lưu lượng máu, cùng với Inositol (thường được gọi là Vitamin B8) giúp chống béo phì và gan nhiễm mỡ.
Mặt khác, trong thành phần hương thơm của nó có chứa Limonene, rất hữu hiệu với chứng suy nhược thần kinh.
Nước dâu tây khô dưỡng da, chống lão hóa, cải thiện chức năng gan
Nước trái dâu tây khô vừa lóng lánh màu mạch nha, lại nóng ấm, uống một ngụm, hương thơm của dâu sẽ từ từ tỏa ra, cảm giác tươi mát lan tỏa khắp cơ thể, rất dễ chịu.
Dâu tây có thể tăng cường sức đề kháng, đồng thời là loại trái cây hàng đầu trong chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Ngoài ra, nó cũng có thể được sử dụng để đối phó với các bệnh liên quan đến thói quen sinh hoạt.
Cách thực hiện:
Dùng 10-15gr trái dâu tây khô (nếu còn nguyên cả trái thì cần cắt thành lát mỏng hoặc cắt thành miếng nhỏ) cho vào nồi, thêm 700ml nước và đun sôi. Khi nước sôi lăn tăn thì hạ nhỏ lửa, nấu tiếp khoảng 10-15 phút là được. (Nếu sử dụng bình giữ nhiệt chỉ cho lượng nước là 500ml).
Công hiệu:
- Công hiệu về Trung y:
Dâu tây có tác dụng bổ huyết, sinh thể dịch, hạ nhiệt, có thể dùng khi tâm trạng cáu gắt, huyết áp cao, bụng đầy trướng hoặc táo bón.
Nó còn có công hiệu nhuận phế, giúp cải thiện hệ thống hô hấp và làn da thô ráp, cũng có thể kiện tỳ vị, giúp ngừng tiêu chảy.
- Công hiệu về dinh dưỡng:
Ngoài vitamin B1, B2, C, β-carotene và khoáng chất, dâu tây còn chứa nhiều loại polyphenol có tác dụng chống oxy hóa, có thể cải thiện tình trạng mỏi mắt, nâng cao chức năng gan, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, da và các cơ quan khác bị lão hóa. Dâu tây giàu Folic acid, có thể giúp ngăn ngừa thiếu máu, là dưỡng chất cần thiết cho phụ nữ mang thai.
Lý Thanh Phong biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ