Phương pháp tự nhiên giúp giảm đau dạ dày
Trung y tập trung vào phương pháp tiếp cận toàn diện đối với chứng đau dạ dày, kết hợp châm cứu, thực phẩm và giảm căng thẳng như một phương tiện vừa phòng ngừa vừa chữa bệnh.
Đau dạ dày là một căn bệnh phổ biến. Trong Trung y, các triệu chứng xuất hiện ở dạ dày hoặc tá tràng được gọi là “tâm hạ thống” (dùng để chỉ cơn đau ở phía dưới tim) hoặc “vị quản thống” (dùng để chỉ cơn đau vùng thượng vị) và thường được biểu hiện là cảm giác đau, đầy hơi hoặc ợ chua. Ngoài việc dùng thuốc để giảm đau, còn có phương pháp nào khác để giảm đau dạ dày?
Điều trị đau dạ dày theo Tây y
Trước khi xét nghiệm nội soi tiêu hóa được dùng rộng rãi để chẩn đoán viêm dạ dày, các bác sĩ thường chẩn đoán đau dạ dày bằng cách phân tích các triệu chứng để phân biệt liệu những cơn đau này xuất phát từ dạ dày hay tá tràng. Ví dụ, loét dạ dày thường có biểu hiện “đau lúc no,” còn loét tá tràng thường có biểu hiện là “đau lúc đói.”
Theo Tây y, nguyên nhân gây đau dạ dày phổ biến nhất là trào ngược dạ dày thực quản (GERD), chứng khó tiêu do loét và chứng khó tiêu không do loét.
Điều trị bằng thuốc giảm đau, thuốc kháng acid, chất bảo vệ niêm mạc, thuốc ức chế thần kinh, thuốc ức chế bơm proton và thuốc trợ giúp tiêu hóa để giảm bớt các triệu chứng.
Trong số các loại thuốc này, thì thuốc giảm đau chỉ có mục đích giảm triệu chứng.
Một số bác sĩ cho rằng nguyên nhân của cơn đau dạ dày là do acid dạ dày dư thừa và đề nghị dùng các chất có tính kiềm như baking soda hoặc thuốc kháng acid để trung hòa acid và giúp giảm đau. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể gây ra hiệu ứng dội của dạ dày, dẫn đến tăng tiết acid dạ dày, gây hại nhiều hơn là có lợi.
Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị tiên tiến hơn là dùng các chế phẩm nhôm phủ lên niêm mạc dạ dày để ngăn ngừa acid dạ dày làm tổn thương thành dạ dày.
Một phương pháp khác là dùng thuốc ức chế thần kinh để làm gián đoạn các tín hiệu thần kinh kích hoạt tiết acid dạ dày hoặc dùng thuốc ức chế bơm proton. Trong một số trường hợp, thuốc ức chế thần kinh cơ được dùng để ngăn cơ dạ dày co bóp, do đó ngăn ngừa cơn đau.
Trong thời hiện đại, vi khuẩn như Helicobacter pylori đã được phát hiện và loại thuốc kháng sinh được dùng để tiêu diệt vi khuẩn này đã hình thành lên một phương pháp khác để điều trị đau dạ dày. Tuy nhiên, những hóa chất này có thể gây hại cho cơ thể ở một mức độ nào đó.
Ngoài ra, quan điểm điều trị cho thấy rằng nếu thức ăn ăn vào không được tiêu hóa kịp thời dễ sinh ra khí và đầy hơi trong dạ dày, gây đau nên sẽ dùng men vi sinh giàu enzyme, sữa chua và chiết xuất dạ dày bò để cải thiện tiêu hóa, giảm đau dạ dày và ít tác dụng phụ.
Trung y chẩn đoán và điều trị đau dạ dày
Trung y cổ xưa không có hệ thống kiến thức về giải phẫu và sinh lý học như Tây y nên việc chẩn đoán đau dạ dày được dựa trên việc thăm khám các vùng khó chịu khác nhau. Cơn đau gần cơ thắt tim được gọi là “đau thượng vị,” đau quanh rốn được gọi là “đau quanh rốn” và đau ở một bên bụng được gọi là “can khí uất kết.”
“Can khí uất kết” còn có thể gọi là “chướng bụng kèm theo đau bụng lạnh” hoặc “khó chịu vùng thượng vị.” Bụng chướng cho thấy có quá nhiều khí (năng lượng) trong dạ dày, đau bụng lạnh được hình thành do lạnh và “khó chịu vùng thượng vị” ám chỉ sự co thắt quá mức của các cơ ở dạ dày gây cứng và đau. Nguyên nhân cụ thể gây đau dạ dày có thể được xác định qua kết quả chẩn đoán của Trung y.
Ba huyệt giúp giảm đau dạ dày
Một khía cạnh quan trọng của việc làm giảm bớt các triệu chứng là giảm đau. Có ba huyệt thường được dùng để điều trị chứng đau dạ dày là huyệt Túc tam lý, huyệt Công tôn, và huyệt Nội quan. Đau dạ dày thuộc kinh Túc dương minh nên huyệt Túc tam lý có thể dùng để châm cứu trực tiếp làm giảm đau, trong hầu hết các trường hợp còn có thể đạt được hiệu quả điều trị tận gốc.
Vị trí các huyệt điều trị đau dạ dày
Huyệt Túc tam lý
Nằm ở chỗ lõm hoặc rãnh sâu gần 1 thốn (3 inch) bên dưới xương bánh chè, rộng khoảng 4 ngón tay theo chiều ngang.
Huyệt Công tôn
Nằm trong chỗ lõm phía trước mắt cá chân trong, lùi về phía sau gần 1/3 thốn (1 inch) so với gốc ngón chân cái, tức là ở gốc trước của xương bàn chân thứ nhất ở phía trong của bàn chân.
Huyệt Nội quan
Đặt bàn tay lên bàn với lòng bàn tay hướng lên trên. Huyệt Nội quan nằm giữa hai gân, rộng khoảng nửa thốn (2 inch) hoặc 3 ngón tay theo hướng từ giữa nếp gấp cổ tay về phía khuỷu tay.
Châm cứu giảm đau dạ dày
Châm cứu ở huyệt Công tôn của mạch Xung và huyệt Nội quan của của mạch Âm vị duy để trị liệu các cơn đau ở vùng tim một cách hiệu quả, đồng thời trị liệu tốt cho các bệnh liên quan đến dạ dày, tim và ngực.
Ngay cả khi không biết rốt cuộc đó là bệnh ở tim hay ở vùng thượng vị, chỉ cần bệnh phát sinh ở vị trí gần tim và thượng vị thì đều có thể dùng hai huyệt này để giải trừ đau đớn. Tiếp theo, việc kích thích thêm ở huyệt Túc tam lý giúp điều trị tốt bệnh, có thể về sau sẽ không còn tái phát loại đau này nữa.
Xoa bóp huyệt giảm đau dạ dày
Đối với những người không quen với châm cứu thì xoa bóp là một phương pháp thay thế khả thi và hiệu quả. Ba huyệt nêu trên đều an toàn cho việc xoa bóp, không có hướng dẫn cụ thể về số lần xuất hiện hoặc thời gian. Xoa bóp những huyệt này có thể giúp giảm đau ngay lập tức và xoa bóp thường xuyên có thể góp phần mang lại sức khỏe tổng thể cho cơ thể.
Trung y cho rằng cơn đau dạ dày xuất phát từ căng thẳng tinh thần và tức giận là do khí gan dư thừa. Để giải quyết vấn đề này, liệu pháp xoa bóp có thể được áp dụng bằng cách nhắm vào các huyệt như Thái xung và Dương lăng tuyền.
Mặt khác, khi đau dạ dày do yếu tố tâm lý, việc xoa bóp các huyệt như huyệt Thần môn và huyệt Tam âm giao có thể giải quyết hiệu quả nguyên nhân gốc rễ của cảm giác khó chịu.
Hai món ăn bổ tỳ dưỡng vị
Những người thường xuyên bị đau dạ dày nên hạn chế ăn đồ lạnh, cay, ngọt, khó tiêu để tránh tạo thêm gánh nặng cho dạ dày. Dưới đây là 2 công thức giúp bổ tỳ và dưỡng vị:
1. Canh dạ dày hạt sen
Thành phần:
- Một lượng (khoảng 1.33 ounce hoặc 40g) hạt sen
- Một cái bao tử heo
- Một nhúm hạt tiêu
Cách chế biến: Hạt sen, bao tử heo và hạt tiêu rửa sạch rồi cho vào nồi. Thêm một lượng nước thích hợp và nấu thành súp.
Hạt sen làm săn chắc lá lách, hạt tiêu làm ấm dạ dày và bao tử heo – theo Trung y được cho là có tác dụng chữa lành dạ dày (dựa trên nguyên tắc ăn thứ gì đó trông giống như một bộ phận trên cơ thể có thể giúp bổ dưỡng bộ phận đó). Món súp này có tác dụng làm ấm, có lợi cho người bị lạnh bụng.
2. Cháo táo gai và mạch nha
Thành phần:
- 15g táo gai
- 15g mạch nha
- 100g gạo nếp
Cách chế biến: Táo gai, mạch nha và gạo nếp rửa thật sạch rồi cho vào nồi. Thêm một lượng nước thích hợp rồi nấu thành cháo.
Táo gai có tác dụng hòa tan các chất tích tụ trong thịt, mạch nha giúp tiêu hóa các chất tích tụ trong ngũ cốc, gạo nếp khi nấu thành cháo có tác dụng bổ tỳ. Kết hợp ba thành phần này vào cháo giúp tăng sức khỏe tạng tỳ, kích thích sự thèm ăn, trợ giúp tiêu hóa và giảm bớt các triệu chứng tiêu hóa kém như đầy hơi và làm giảm cảm giác thèm ăn.
Lời khuyên để duy trì sức khỏe tiêu hóa
Trung y nhấn mạnh vào việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh.” Điều này có nghĩa rằng những người trước đây đã từng bị đau dạ dày hoặc có nguy cơ bị bệnh đau dạ dày nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước khi cơn đau xảy ra.
Đau dạ dày thường không chỉ là vấn đề của dạ dày mà còn liên quan chặt chẽ đến trạng thái tinh thần của chúng ta. Ví dụ, sự tiết acid của tế bào thành dạ dày ảnh hưởng của thần kinh. Acid dạ dày có thể làm co cơ trơn dạ dày, nếu cơ trơn co quá mức sẽ gây co thắt dạ dày và gây đau.
Mặc dù việc duy trì trạng thái tinh thần ổn định có thể không trực tiếp làm giảm cơn đau dạ dày nhưng lại có tác động đến việc tiết acid dạ dày. Khi cảm xúc và tinh thần được cân bằng, acid dạ dày sẽ được tiết ra với lượng bình thường. Dịch tiết acid dạ dày quá nhiều dễ dẫn đến loét tá tràng, trong khi dịch tiết acid dạ dày quá ít dễ dẫn đến loét dạ dày.
Điều đáng chú ý là các khuyến nghị về dinh dưỡng từ các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng hiện đại có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Vì vậy, khi nói đến phương thức ăn kiêng, bạn nên lựa chọn những thực phẩm tự nhiên phù hợp với hệ tiêu hóa của cơ thể.
Trên lâm sàng, chúng ta thường thấy những bệnh nhân sau khi cố gắng tăng lượng protein theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, uống quá nhiều sữa hoặc thực phẩm dinh dưỡng dồi dào protein như phô mai, các loại hạt và thịt bò dẫn đến đầy hơi và đau bụng dữ dội.
Tuy nhiên, sau khi thay đổi thói quen ăn uống, tình trạng của những bệnh nhân này đã được cải thiện.
Khi nào cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế?
Khi các phương pháp như thay đổi cách thức ăn uống, xoa bóp và điều chỉnh cảm xúc không có tác dụng rõ rệt trong việc làm giảm đau dạ dày, có nghĩa là tình trạng này cần phải được các bác sĩ chuyên khoa quan tâm. Điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ.
Hầu hết các bác sĩ Trung y sẽ dùng phương pháp tiếp cận toàn diện được gọi là “Tứ chẩn” để xác định nguyên nhân cơ bản của bệnh. Áp dụng phương pháp Tứ chẩn để phân tích xem các yếu tố như tiếp xúc với khí lạnh hoặc ẩm ướt, các trạng thái cảm xúc như tức giận, lo lắng quá mức hoặc buồn phiền cũng như cách thức ăn uống không sạch sẽ hoặc mất cân bằng có góp phần gây ra tình trạng này hay không.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times