Trà đen có thể kéo dài tuổi thọ?

Nhâm nhi một tách trà đen có thể thư giãn tâm hồn, nhưng thưởng thức một vài tách mỗi ngày sẽ giúp kéo dài tuổi thọ, một nghiên cứu mới đây nhận định.

Nghiên cứu gồm 500,000 đàn ông và phụ nữ tham gia vào Ngân hàng sinh học Vương quốc Anh, phát hiện ra rằng so với người không uống trà, những người dùng hai tách trở lên mỗi ngày có thể giảm 9 đến 13% nguy cơ tử vong. Và không có gì khác biệt nếu họ dùng với sữa, đường, hoặc uống thêm cà phê.

Kết quả này cho thấy trà đen, thậm chí khi tiêu thụ ở mức cao hơn, có thể là một thức uống giúp nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, “mặc dù những phát hiện trên có thể khiến người dùng trà cảm thấy yên tâm, nhưng không cho thấy mọi người nên bắt đầu uống hoặc tăng tiêu thụ trà vì lợi ích sức khỏe,” trưởng nhóm nghiên cứu Maki Inoue-Choi cho biết trong một cuộc họp báo gần đây ở Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. Cô Inoue-Choi là nhà khoa học thuộc Khoa Dịch tễ Ung thư và Di truyền học tại Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ.

Cô Inoue-Choi cho biết, mặc dù nghiên cứu không chứng minh được tác dụng riêng lẻ của trà trong việc kéo dài tuổi thọ, nhưng trà có chứa các hợp chất liên quan đến việc giảm viêm.

Cô nói: “Các hợp chất như polyphenol và flavonoid, cụ thể là catechin, có thể làm giảm căng thẳng oxy hóa và tình trạng viêm, giúp bảo vệ cơ thể chống lại ung thư, bệnh tim mạch, và một số vấn đề sức khỏe.”

Cô Inoue-Choi nói: “Nếu bạn đang uống một tách trà mỗi ngày, tôi nghĩ đó là điều tốt. Hãy tiếp tục thưởng thức tách trà của bạn.”

Những người tham gia nghiên cứu ở Vương quốc Anh có độ tuổi từ 40 đến 69, và 89% có dùng trà đen mỗi ngày.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện việc uống trà giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch nhưng dường như không giảm nguy cơ tử vong do ung thư hoặc bệnh hô hấp, cô Inoue-Choi cho biết.

Báo cáo được công bố vào ngày 30/08 trên Tập san Annals of Internal Medicine.

Bà Lauri Wright, phát ngôn viên quốc gia của Học viện Dinh dưỡng, đồng thời là trợ lý giáo sư tại trường Đại học Nam Florida, cho biết: “Tôi nghĩ rằng đây thực sự là một bằng chứng cho thấy trà thực sự có thể là một phần của cách ăn uống lành mạnh.”

Bà cho biết, tình trạng viêm dường như gây ra rất nhiều vấn đề kinh niên. Trà có đặc tính chống viêm rất tốt, giúp loại bỏ các chứng viêm có thể gây ra bệnh tật.

Bà Wright, người không tham gia nghiên cứu, nói thêm rằng người dùng trà sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn nếu vẫn ăn uống kém lành mạnh, nhưng trà có thể nâng cao lợi ích sức khỏe khi ăn uống lành mạnh.

Bà nói: “Chúng tôi xem xét toàn bộ cách ăn uống và đảm bảo việc tiêu thụ nhiều loại thực phẩm có đặc tính chống viêm như trái cây và rau quả cũng như chất béo lành mạnh từ các loại hạt và quả bơ. Và trà thực sự là một phần của cách ăn uống giúp giảm viêm hiệu quả.”

Tiến sĩ Guy Mintz, giám đốc về sức khỏe tim mạch và lipid của Bệnh viện Tim mạch Northwell Health Sandra Atlas Bass ở Manhasset, New York cho biết, một nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc cũng cho thấy những lợi ích của trà. Tuy nhiên, nghiên cứu này dùng trà xanh.

“Ở Trung Quốc, Á Châu và Nhật Bản, họ ưa dùng trà xanh hơn. Vậy nên, nghiên cứu này cho thấy vai trò quan trọng của trà đen,” ông Mintz, người không tham gia nghiên cứu cho biết. “Tôi nghĩ rằng thông điệp ở đây là, trà thực sự có tác dụng bảo vệ cơ thể.”

Ông lưu ý rằng chỉ riêng việc dùng trà không thể thay thế cho tác dụng của thuốc trong việc ổn định huyết áp và cholesterol máu. Ông Mintz nói: “Trà là thức uống có lợi cho tim mạch và mạch máu, nhưng chỉ như một chất bổ trợ cho các khuyến nghị y tế.”

Thông tin bổ sung

Để biết thêm các lợi ích sức khỏe của trà, vui lòng truy cập trang web Học viện Dinh dưỡng.

NGUỒN:

Maki Inoue-Choi, Ph.D., staff scientist, Division of Cancer Epidemiology and Genetics, U.S. National Cancer Institute; Guy Mintz, MD, director, cardiovascular health and lipidology, Northwell Health Sandra Atlas Bass Heart Hospital, Manhasset, N.Y.; Lauri Wright, Ph.D., national spokesperson, Academy of Nutrition and Dietetics, and assistant professor, University of South Florida, Tampa; Annals of Internal Medicine, Aug. 30, 2022

Bài viết được đăng tải lần đầu trên trang HealthDay.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn