Hạ viện thông qua dự luật chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức, Hoa Kỳ tiến gần hơn đến việc buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm
“Sát nhân,” “lố bịch,” “vô đạo đức,” “man rợ.”
Nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khiến Hoa Thịnh Đốn kinh hoàng và đã giúp các nhà lập pháp từ cả hai đảng hiệp lực lại với nhau.
Khi một dự luật tìm cách chấm dứt sự tàn bạo này tiếp tục được thúc đẩy — đã được Hạ viện thông qua với 413 phiếu thuận và 2 phiếu phản đối — thì các nghị sĩ Quốc hội đã cổ vũ cho diễn tiến này và tái khẳng định quyết tâm của họ nhằm buộc chế độ đó phải chịu trách nhiệm.
Thượng nghị sĩ Chris Coons (Dân Chủ-Delaware), người đồng lãnh đạo phiên bản Thượng viện của Đạo luật Ngừng Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức cho biết, “Thu hoạch nội tạng cưỡng bức là hành vi tàn ác và vô đạo đức, thường nhắm vào các nhóm thiểu số về dân tộc và tôn giáo cũng như một số nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.”
Với tư cách là một đồng chủ tịch của Nhóm họp kín về Nhân quyền của Thượng viện, ông đã bày tỏ niềm tự hào khi thấy dự luật này được Hạ viện thông qua và tiến “gần hơn đến việc trao quyền cho chính phủ Tổng thống (TT) Biden hành động chống lại những kẻ thực hiện tội ác hèn hạ này.”
‘Sát hại hàng loạt người vô tội’
Ngay từ năm 2006, các nhân chứng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về cuộc sát hại được nhà nước hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ. Pháp Luân Công là một môn tín ngưỡng mà Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch dốc toàn lực để xóa sổ trong gần 24 năm.
Sau khi trở nên phổ biến vào những năm 1990, môn tu luyện tinh thần này, trong đó có các bài giảng đạo đức tập trung vào chân, thiện, và nhẫn cùng các bài tập thiền định, đã trở thành một mục tiêu của một chiến dịch đàn áp tàn bạo, khiến hàng triệu học viên bị giam giữ vì đức tin của họ.
Một cuộc điều tra năm 2019 của Tòa Luận tội Trung Quốc có trụ sở tại London đã phát hiện các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ là nhóm nạn nhân chính của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Tòa án này cho biết các tù nhân lương tâm khác, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ ở các trại tập trung Tân Cương, người Tây Tạng, và tín đồ Cơ Đốc tại gia cũng trở thành các mục tiêu.
Vừa được Hạ viện thông qua, dự luật này là dự luật đầu tiên thuộc loại này ở Hoa Kỳ nhằm chống lại hành động đẫm máu này thông qua các quy định lập pháp, một kỳ công được các nhóm nhân quyền ca ngợi.
Bà Susie Hughes, giám đốc điều hành của Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc, cho biết: “Đạo luật Ngừng Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức năm 2023 là một trong những phản ứng quốc tế quan trọng nhất đối với Phán quyết của Tòa Luận tội Trung Quốc cho đến nay.” Bà bày tỏ hy vọng rằng nhiều chính phủ sẽ được truyền cảm hứng để làm theo Hoa Kỳ “nhằm bảo đảm công dân của chính họ không bị dính líu vào nạn sát hại hàng loạt những người vô tội để lấy nội tạng ở Trung Quốc.”
Nhóm vận động Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa cộng sản có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn đã lặp lại quan điểm này.
Chủ tịch của quỹ Andrew Bremberg, một cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc cho biết, “Việc thông qua dự luật này gửi đi một thông điệp rõ ràng không chỉ tới Trung Quốc, mà cả những nơi còn lại của thế giới rằng Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ trước hành động tàn ác này, một hành động đã bị các tổ chức và chính phủ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc phớt lờ một cách đáng xấu hổ trong thời gian quá lâu rồi.” Ông kêu gọi Thượng viện “nhanh chóng tiếp nhận, thông qua, và gửi cho Tổng thống [Joe] Biden để dự luật này có thể trở thành luật.”
‘Một vấn đề đạo đức vượt lên trên chính trị’
Dân biểu Greg Murphy (Cộng Hòa-North Carolina), một cựu bác sĩ phẫu thuật cấy ghép, nhận thấy ý tưởng về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức “vừa kinh khủng vừa ghê tởm.”
“Đây là một vấn đề đạo đức vượt lên trên chính trị,” ông nói với The Epoch Times. “Đó là một vấn đề giữa thiện và ác, và Hoa Kỳ có trách nhiệm đi đầu trong việc chống lại hành vi sát nhân này, đặc biệt là khi vấn nạn này liên quan đến ĐCSTQ.”
Nhóm họp kín của Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã đồng tình rằng việc lên án các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ là một vấn đề vượt qua ranh giới đảng phái.
Ông Pete Aguilar (Dân Chủ-California), chủ tịch nhóm họp kín này, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba (28/03), “Chúng tôi mong muốn — như chúng tôi luôn như thế — hợp tác với Đảng Cộng Hòa để tìm ra điểm chung về các vấn đề giúp ích cho cộng đồng của chúng ta, giúp ích cho đất nước của chúng ta, và gửi thông điệp đúng đắn về nhân quyền, và đây là một trong những dự luật đó.”
Dân biểu André Carson (Dân Chủ-Indiana), một thành viên của Ủy ban Đặc biệt về Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đã cam kết “làm việc với cả hai đảng để xem xét các hành vi vi phạm nhân quyền thực sự của chính quyền Trung Quốc.”
Ông nói với The Epoch Times, “Một trong những điều đáng lo ngại nhất là sự dung túng và trợ giúp tích cực cho việc lấy nội tạng một cách bất hợp pháp từ những cá nhân mà không có sự đồng thuận của họ – trong đó có hình thức trợ giúp nhằm duy trì tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ mà ủy ban của chúng tôi đã tổ chức một phiên điều trần vào tuần trước. HR 1154 là một bước tiến trong việc bảo đảm các nguồn lực của chính phủ Hoa Kỳ không bị lợi dụng để trợ giúp cho hành vi tàn ác này.”
Quy trách nhiệm cho các thủ phạm
Dưới môi trường bị áp chế ở Trung Quốc cộng sản, các nhóm bị nhắm mục tiêu phần lớn cảm thấy bất lực trước cuộc bức hại này, ngay cả khi chính quyền tra tấn những người thân yêu của họ đến tử vong và lấy đi nội tạng của những người này mà không được họ đồng thuận. Mặc dù đã đào thoát sang Hoa Kỳ nhưng nhiều người vẫn tiếp tục lo sợ cho thân nhân của họ ở Trung Quốc, vốn lúc nào cũng phải đối mặt với những nguy cơ bị sách nhiễu và bắt giữ.
“Chế độ diệt chủng của Trung Quốc đã khiến các nhóm người mà Bắc Kinh xem là một mối đe dọa, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công, phải chịu đựng những hành vi vi phạm nhân quyền không thể tưởng tượng được — bao gồm cả những cáo buộc đáng tin cậy về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức,” Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), một người đồng ký tên vào dự luật Thượng viện nêu trên, nói với The Epoch Times. “Hoa Kỳ phải quy trách nhiệm cho ĐCSTQ về những tội ác dã man này.”
Dân biểu Mark Green (Cộng Hòa-Tennessee), người đồng bảo trợ cho dự luật Hạ viện, cho biết những gì mà chế độ [Trung Quốc] đã làm trong việc đàn áp các nhóm dân tộc và tôn giáo là “không thể hiểu được.”
Ông nói với The Epoch Times, “ĐCSTQ đang chà đạp lên các quyền của chính công dân của mình theo cách ghê tởm nhất có thể tưởng tượng được — cưỡng bức thu hoạch nội tạng các tù nhân chính trị. Điều này không thể chấp nhận được.”
Bà Aumua Amata Radewagen, một thành viên Đảng Cộng Hòa đại diện cho Samoa thuộc Mỹ, cho biết bà đã gặp gỡ những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ mà “những trải nghiệm tàn khốc và đau khổ không ngớt” của họ khiến bà rất đau lòng.
Bà nói với The Epoch Times: “Họ mô tả những tội ác không thể tưởng tượng được, rất đau lòng, kinh hoàng, và Quốc hội phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình để bảo đảm rằng những nạn nhân này không bị lãng quên và có một tiếng nói mạnh mẽ ở Mỹ.”
Hồi tháng 04/2022, một bài báo nghiên cứu được bình duyệt xuất bản trên American Journal of Transplantation (Tạp chí Cấy ghép Mỹ) đã đánh dấu 72 bài báo của Trung Quốc trong đó cho thấy nguyên nhân gây tử vong dường như là do chính việc ghép tạng, khiến các tác giả gọi những bác sĩ Trung Quốc này là “những tay đao phủ.”
“Không nên ngạc nhiên về đạo đức trong ngành y của Trung Quốc vì thế giới đã biết toàn bộ về tội ác diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ,” Dân biểu French Hill (Cộng Hòa-Arkansas) nói với The Epoch Times, tiếp tục mô tả nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức là “một thực trạng ghê tởm được thực hiện chống lại các nhóm thiểu số ở Trung Quốc, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công.”
Ông Hill cho biết, việc dự luật quy định phạt tiền và bỏ tù những kẻ phạm tội, cũng như các biện pháp trừng phạt đối với những người “tài trợ, bảo trợ, hoặc tạo thuận tiện” cho hành vi lạm dụng này, là những hành động quan trọng nhằm “ngăn chặn những ai tham gia vào hành vi kinh tởm này.” Ông nói: “Chúng ta phải tiếp tục hành động tại Quốc hội để chống lại hành vi man rợ này.”
Dân biểu Gus Bilirakis (Cộng Hòa-Florida) cho biết, mặc dù nạn lạm dụng này đã trở thành một vấn đề trên toàn cầu, nhưng Trung Quốc là một trong những quốc gia bại hoại nhất, vốn là nơi mà nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức diễn ra tràn lan.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times