Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật quy định về mã kim mang tính bước ngoặt
Dự luật sẽ trao quyền tài phán chính cho Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai để quản lý lĩnh vực mã kim.
Hôm 22/05, Hạ viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn một dự luật quan trọng để thiết lập một khung pháp lý mới cho mã kim. Trong khi Tòa Bạch Ốc bày tỏ sự phản đối đối với dự luật này, thì Tổng thống Joe Biden không thể hiện rằng ông sẽ phủ quyết nó.
Mang tên Đạo luật Đổi mới Tài chính và Công nghệ cho Thế kỷ 21 (FIT 21), dự luật được Hạ viện thông qua trong một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng với tỷ lệ 279 phiếu thuận–136 phiếu chống. Giờ đây dự luật này đang hướng tới Thượng viện để được xem xét.
Được xem là khung pháp lý toàn diện nhất đối với tài sản mã kim, dự luật FIT 21 sẽ trao quyền tài phán chính về lĩnh vực mã kim cho Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), loại bỏ vai trò của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC).
Tòa Bạch Ốc đã xác nhận sự phản đối của họ đối với luật này, mặc dù các quan chức cho biết trong một tuyên bố trước cuộc bỏ phiếu rằng họ “mong muốn làm việc với Quốc hội để bảo đảm một khung pháp lý toàn diện và cân bằng cho tài sản kỹ thuật số.”
Tuyên bố viết: “Chính phủ mong muốn tiếp tục hợp tác với Quốc hội trong việc xây dựng luật về tài sản kỹ thuật số bao gồm các biện pháp bảo vệ đầy đủ cho người tiêu dùng và nhà đầu tư, trong khi tạo hoàn cảnh cần thiết cho sự đổi mới, và sẽ cần thêm thời gian cho sự hợp tác đó.”
Trước cuộc bỏ phiếu, tám thành viên Đảng Dân Chủ đã thúc đẩy các đồng sự của họ ủng hộ FIT 21, viết rằng dự luật này được xây dựng “để ngăn chặn FTX tiếp theo bằng cách trao cho các cơ quan quản lý thêm quyền hạn đối với các công ty tài sản kỹ thuật số” và “lấp đầy những khoảng trống pháp lý.”
“Đã đến lúc Quốc hội phải hành động,” bức thư nêu rõ. “Hoa Kỳ đang tụt hậu so với những nơi khác.”
Một số công ty mã kim và các nhóm vận động đã kêu gọi Hạ viện ủng hộ luật này.
Hội đồng Đổi mới Mã kim cho biết trong một tuyên bố: “FIT 21 sẽ đề ra những thách thức tuân thủ mới cho các công ty tài sản kỹ thuật số, nhưng sự rõ ràng về quy định rõ ràng là có trách nhiệm hơn, an toàn hơn cho người tiêu dùng, và thích hợp hơn với hiện trạng.”
Hoa Thịnh Đốn tranh luận về mã kim
Các nhà phê bình, bao gồm cả Chủ tịch SEC Gary Gensler, cho rằng dự luật này sẽ khiến các nhà đầu tư và thị trường vốn “gặp rủi ro không thể tính đếm.”
Ông Gensler viết trong một lá thư hôm 22/05 trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, “[FIT 21] sẽ tạo ra những khoảng trống pháp lý mới và làm suy yếu tiền lệ hàng thập niên liên quan đến việc giám sát các hợp đồng đầu tư, khiến các nhà đầu tư và thị trường vốn đối diện với rủi ro không thể tính đếm.”
Ông cảnh báo, một trong những hạn chế của dự luật là sẽ cho phép những kẻ vô đạo đức tránh luật chứng khoán bằng cách mô tả các sản phẩm tài chính của họ là tài sản mã kim.
“Những thất bại, gian lận, và phá sản của ngành công nghiệp mã kim không phải vì chúng tôi không có quy định hoặc vì các quy định không rõ ràng. Đó là bởi vì nhiều người chơi trong ngành mã kim không làm theo luật,” ông nói. “Chúng ta nên đưa ra lựa chọn chính sách để bảo vệ công chúng đang đầu tư trước việc tạo thuận lợi cho các mô hình kinh doanh của các công ty không tuân thủ.”
Những người ủng hộ FIT 21, chẳng hạn như Dân biểu French Hill (Cộng Hòa-Arkansas), nói rằng ngành công nghiệp mã kim đã hoạt động mà không có kế hoạch chi tiết về quy định, cho phép SEC “theo đuổi một quy định bằng nghị trình thực thi khiến những người tham gia thị trường lo sợ rằng họ sẽ có thể bị kiện tụng ngay lập tức nếu họ tiếp tục hoạt động ở Hoa Kỳ.”
Theo ông Hill, dự luật không thay đổi toàn bộ hoặc hạn chế SEC kiểm soát thị trường tài chính. Thay vào đó, FIT 21 bao gồm các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, áp đặt các yêu cầu về vốn đối với các bên trung gian và thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn về quyền giám hộ, vị chủ tịch Tiểu ban về Tài sản Kỹ thuật số, Công nghệ Tài chính, và Hòa nhập này nói với Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 21/05.
Theo Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Patrick McHenry (Cộng Hòa-South Carolina), FIT21 sẽ “củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ trong đổi mới, phát minh, và áp dụng công nghệ.”
“Thật đáng tiếc, khung pháp lý hiện tại của chúng ta đang ngăn cản sự đổi mới tài sản kỹ thuật số phát huy hết tiềm năng,” ông McHenry cho biết trên sàn Hạ viện. “SEC và CFTC hiện đang trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát loại tài sản này. Họ đã tạo ra một tình huống không thể tuân thủ khi một công ty phải chịu các hành động thực thi cạnh tranh cùng một lúc và trái ngược nhau của hai cơ quan khác nhau.”
Hành động lập pháp mới nhất diễn ra một tuần sau khi Thượng viện lưỡng đảng bỏ phiếu hủy bỏ chính sách kế toán của SEC đối với mã kim, dẫn đến một cuộc đối đầu tiềm ẩn với Tổng thống Joe Biden, người tuyên bố sẽ phủ quyết nghị quyết chung này.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 04/2023, 75% người Mỹ từng nghe nói về mã kim không tin tưởng vào sự an toàn và độ tin cậy của loại tiền này.
Đảng Cộng Hòa sẽ ‘xây dựng một đội quân mã kim’
Mặc dù chưa bình luận về dự luật này, nhưng cựu Tổng thống Donald Trump và chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông đã bày tỏ đứng về phía mã kim.
Hôm 21/05, chiến dịch tranh cử tổng thống của ông đã thông báo rằng họ bắt đầu chấp nhận quyên góp bằng mã kim.
Khi ngày càng nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa trở nên lạc quan hơn về mã kim, một nhóm thành viên Đảng Dân Chủ đã cảnh báo rằng đảng “không thể giao vấn đề này cho Đảng Cộng Hòa.”
“Tài sản kỹ thuật số không phải là vấn đề đảng phái,” Dân biểu Wiley Niken (Dân chủ-North Carolina) đã viết trên X, trước đây gọi là Twitter, hồi đầu tháng này. “Tôi sẽ tiếp tục làm việc theo cách lưỡng đảng để trợ giúp Web3 để chúng tôi có thể bảo vệ người tiêu dùng Mỹ và duy trì sự đổi mới về chuỗi khối và mã kim ở Hoa Kỳ.”
Dữ liệu thăm dò gần đây cho thấy các chủ sở hữu mã kim đã chuyển sự ủng hộ của họ từ Tổng thống Biden vào năm 2020 sang cho ứng cử viên tổng thống được cho là của Đảng Cộng Hòa vào năm 2024.
Theo một cuộc thăm dò của Paradigm Policy hồi tháng 03/2024, 48% chủ sở hữu mã kim ủng hộ cựu Tổng thống Trump so với 39% ủng hộ người đương nhiệm.
“Tôi có thể nói thêm rất nhiều điều về cuộc thăm dò này, nhưng điểm mấu chốt là: mã kim là rất quan trọng, bao gồm cả đối với hàng triệu người Mỹ sở hữu mã kim,” ông Justin Slaughter, giám đốc chính sách tại Paradigm và cựu cố vấn cấp cao của SEC, đã viết trên X. “Tiến hành một Cuộc chiến chống Mã kim là tương đương với ngắm bắn vào chính cử tri của mình. Cách tiếp cận của Chính phủ đương nhiệm đã không giúp ích gì cho các nhà đầu tư nhưng lại gây tổn hại về mặt chính trị.”
Một cuộc khảo sát của Harris Poll Insights, do Hiệp hội Chuỗi khối ủy quyền, đã phát hiện ra rằng hơn ¼ (26%) cử tri nói rằng họ xem xét quan điểm của các ứng cử viên chính trị về tài sản kỹ thuật số khi đưa ra quyết định.
Ngoài ra, cuộc thăm dò cho thấy ⅕ số cử tri đã ghi danh ở các tiểu bang chiến trường xem mã kim là một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử năm 2024.
Chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump đang chấp nhận bitcoin, ether, đồng tiền kỹ thuật số của Hoa Kỳ, dogecoin, và shiba inu coin.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times