Gìn giữ nghề thủ công tại Âu châu
Trang web Homo Faber Guide giúp gìn giữ những làng nghề thủ công truyền thống tại Âu châu bằng cách kết nối nghệ nhân chế tác với khách hàng tiềm năng khắp nơi trên thế giới.
Những chuyến du lịch, niềm vui của việc thăm thú đó đây, mang đến những trải nghiệm mới mẻ mà ngày thường ta khó thể nào có được. Tuy nhiên trong vài năm trở lại, đại dịch đã khiến việc du lịch gặp rất nhiều trở ngại. Những ảnh hưởng nặng nề đối với ngành du lịch đã khiến rất nhiều nghệ nhân với nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào du khách đã chịu thiệt hại nặng nề về mặt tài chính. Đời sống của hết thảy nghệ nhân đều bị tác động bởi những đợt phong tỏa tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt.
Ví dụ, Hiệp hội di sản nghề thủ công – Heritage Crafts Association (Anh quốc) cho biết áp lực từ đại dịch khiến nhiều nghệ nhân tay nghề cao phải về hưu sớm. Còn những nghệ nhân vẫn đang bám trụ với nghề phải tìm thêm những nguồn thu nhập khác vì lệnh phong tỏa và việc bị thất thu do ảnh hưởng của đại dịch. Và vì thế, những chiến lược tiếp cận khách hàng trực tuyến (ví dụ như những video hướng dẫn cách chế tác hàng thủ công cũng như trưng bày hàng thủ công) đã được áp dụng ngày càng rộng rãi.
Giờ đây, lệnh phong tỏa nhiều nơi đã dần được nới lỏng, nhiều chuyến bay đường dài sẽ sớm trở lại trong thời gian sắp tới. Điều này là tín hiệu đáng mừng đối với những người nóng lòng muốn trải nghiệm trực tiếp tay nghề thủ công điêu luyện của những nghệ nhân Âu châu.
Có rất nhiều điều đáng để du khách khám phá. “Tại Âu châu, ngữ điệu địa phương, rượu, và những món ăn sẽ thay đổi cứ mỗi 30 đến 40 dặm. Và sự thay đổi này cũng diễn ra với các ngành nghề thủ công cũng như kỹ thuật chế tác đồ thủ công,” một chủ phòng trưng bày tại Milan, ông Jean Blanchaert cho hay trong một thông cáo báo chí. Ông Jean Blanchaert cũng là giám tuyển của một triển lãm mang tên The best of Europe. Buổi triển lãm này diễn ra tại lễ khai mạc của sự kiện Homo Faber 2018.
Homo Faber Guide
Với những ai ủng hộ, trân trọng và mong muốn mua hàng thủ công Âu châu từ xa, Home Faber Guide, một trang web cho phép khách hàng tiếp cận một danh mục hàng hóa trực tuyến được điều hành bởi quỹ Michelangelo Foundation.
Quỹ Michelangelo Foundation là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập tại thành phố Geneva nhằm vinh danh và bảo tồn những làng nghề thủ công trên toàn thế giới. Trước tiên, phạm vi hoạt động của tổ chức này sẽ tập trung ở Âu châu, với mục tiêu mang đến sự đồng điệu giữa thiết kế và tay nghề chế tác trong quá trình chế tác những sản phẩm thủ công.
Homo Faber Guide là một nền tảng hữu dụng tự động cung cấp thông tin mà bạn cần tìm kiếm. Ví dụ, khi bạn nhấp chuột vào phần Truy cập – visit, thanh tìm kiếm sẽ hiển thị Đến với những bộ sưu tập hàng thủ công – Visit fine collection. Những từ khóa tìm kiếm của bạn sẽ dẫn bạn đến những kết quả liên quan như thông tin của những cửa hàng, của những phòng trưng bày, hay của những viện bảo tàng.
“Cửa sổ” Ambassadors là một công cụ hữu ích và độc đáo dành cho du khách và người dân địa phương. Công cụ này sẽ giúp bạn tiếp cận với ý kiến của các chuyên gia hàng đầu: những người điều hành phòng trưng bày, những nhà thiết kế, chủ phòng trưng bày về những sản phẩm thủ công yêu thích của họ kèm theo lời giải thích cụ thể.
“Cửa sổ” Itineraries sẽ giới thiệu với khách hàng những nghệ nhân tiêu biểu tại một địa phương cụ thể. Ví dụ, Homo Faber Guide đưa thông tin của chín nghệ nhân tại Bornholm, một hòn đảo gần Đan Mạch và Đức, nổi tiếng với những làng nghề thủ công đặc trưng.
Chuyên mục Văn hóa & Nghệ thuật của The Epoch Times chúng tôi tôn vinh những ngành nghề thủ công truyền thống, đặc biệt những nghệ nhân với kỹ thuật chế tác bằng tay.
Nhiều nghệ nhân trong danh sách của Homo Faber Guide đang chế tác những sản phẩm thủ công theo phong cách hiện đại, nhưng cũng có một số sản phẩm truyền thống mà bạn có thể tìm thấy tại trang này. Ví dụ, khi gõ từ khóa Malta, Slovakia, Belgium trong mục Khám phá – Discover, bạn sẽ tìm thấy một nghệ nhân dệt truyền thống đang duy trì cơ ngơi dệt gia truyền – hay bạn sẽ phát hiện một nghệ nhân chế tác chuông người Slovakia, người tự học nghề đúc chuông – và bạn cũng sẽ tìm thấy một nghệ nhân điêu khắc gỗ với kỹ năng chạm khắc gỗ thành những chi tiết tinh tế mỏng manh, thậm chí mỏng như ren, kỹ thuật chế tác của anh lấy cảm hứng từ những bậc thầy trong quá khứ.
Dệt vải tại Malta
Qua hàng ngàn năm, nghề dệt vải từ bông và lông cừu đã trở thành ngành thiết yếu của nhiều hòn đảo đại quốc đảo Malta. Hầu hết người dân Malta đều sở hữu một khung dệt để dệt phục trang, chăn, gối, nệm, khăn trải giường. Nhiều người có nguồn thu nhập chính từ việc thực hành những ngành nghề truyền thống. Đàn ông nơi đây trồng và thu hoạch bông, trẻ em thì làm sạch chúng, còn phụ nữ thì dệt bông thành vải.
Tại hòn đảo này, Alda Bugeja là một trong những nghệ nhân dệt ít ỏi vẫn còn bảo tồn nghề dệt truyền thống có từ lâu đời. Khi bước vào xưởng của bà, bạn sẽ được tận mắt thấy bà dùng tay se sợi, cũng có thể bạn sẽ bắt gặp bà đang sắp xếp khung dệt cho mẻ dệt kế tiếp, hoặc bắt gặp bà đang dệt vải. Đó là công việc mà mẹ và chị gái bà đã làm trước đây.
Hiện nay, bà Bugeja đang tiếp tục chế tác những sản phẩm thủ công như thảm, chăn, gối, nệm, khăn trải giường và phục trang truyền thống Malta. Bà cũng đang sản xuất thêm những sản phẩm như rèm, vải chụp đèn và những sản phẩm treo tường. Ngoài ra, với bàn tay điêu luyện, bà còn có thể thực hiện kỹ thuật Macramé (là một loại đan thắt dây trang trí với kỹ thuật thắt đơn giản sử dụng dây cotton tạo ra những múi tết có độ chính xác cao) và cả kỹ thuật kumihimo (dây được tết dạng tròn này dùng để buộc áo giáp cho các kiếm sĩ Samurai và làm dây buộc đai lưng cho trang phục truyền thống Kimono.)
Kỹ thuật đúc chuông ở Slovakia
Thông thường, kỹ thuật đúc chuông cho những chiếc đồng hồ, nhà thờ, hay những công trình công cộng là kỹ thuật cha truyền con nối. Robert Sliz thổ lộ rằng ông phải tự học kỹ thuật đúc chuông vì không một ai trong gia đình ông là nghệ nhân chế tác chuông.
Sliz có một người ông, là người hứng thú với việc bảo tồn những chiếc chuông trong thị trấn. Tình yêu của Sliz dành cho những chiếc chuông bắt đầu từ khi ông nhìn thấy một lầu chuông năm ông lên 12 tuổi. Khi bước sang tuổi 15, ông bắt đầu chế tác chiếc chuông đầu tiên. Cha ông đã giúp ông dựng nên một công xưởng nơi ông đúc nên những chiếc khuôn theo kỹ thuật mà những nghệ nhân thời Trung Cổ thực hiện từ hỗn hợp gồm đất sét, và những nguyên liệu tự nhiên khác như rơm và phân ngựa. Ông mất ba năm chỉ để thử nghiệm với hỗn hợp này, để chắc rằng những chiếc khuôn sẽ không bị nứt trong quá trình đúc chuông.
Kể từ đó, ông nghiên cứu phương pháp đúc chuông cùng một nghệ nhân làm chuông người Tây Ban Nha. Và hiện nay, ông hoàn toàn sử dụng kỹ thuật đúc chung thời Trung Cổ để sản xuất chuông (có cân nặng lên đến 1,540 pound). Và kỹ thuật này cũng được ông sử dụng để phục dựng và sửa chữa những chiếc chuông lâu đời. Tuy nhiên, kỹ thuật đúc chuông có hàng trăm năm tuổi này lại khiến người nghệ nhân tốn hàng tháng chỉ để làm ra một chiếc chuông.
Bỉ – Nghệ nhân chạm khắc khối gỗ thành những hoạt tiết tinh tế, thanh mảnh như “ren”
Rõ ràng, gỗ và ren là hai thứ hoàn toàn khác biệt: một thứ thì rắn còn một thứ thì thanh mảnh và mềm mại. Tuy nhiên, thợ khắc gỗ Julien Feller đã thành công trong việc biến gỗ thành “ren”.
Người nghệ nhân trẻ tuổi lấy được cảm hứng từ những nghệ nhân thời xưa, đặc biệt là từ kỹ thuật của người thợ chạm khắc gỗ Grinling Gibbons ở thế kỷ 17. Ông đã nâng tầm của công việc chạm khắc gỗ lên một tầm cao mới với việc chế tác ra những chi tiết mỏng manh, tinh tế. Chiếc cà vạt gỗ là sản phẩm mà nghệ nhân Grinling Gibbons đã chế tác bằng cách áp dụng phương pháp chạm khắc của riêng mình. Và nhiều sản phẩm được chế tác bởi nghệ nhân Feller cũng mô phỏng theo kỹ thuật đặc biệt này của Grinling Gibbons.
Feller là một nghệ nhân chạm khắc gỗ được truyền cảm hứng từ các nghệ sĩ Phục hưng người Ý. Do đó, anh bị ảnh hưởng bởi cách làm việc kỷ luật của họ, và luôn nỗ lực để duy trì đức tính này trong cuộc việc.
Và dĩ nhiên, anh cũng hứng thú với những người thợ sản xuất ren hiện đại. Tuyệt tác năm 2018 của anh với họa tiết ren Brussels (ren Brussels là một loại ren thường được thấy trên gối, có nguồn từ Brussels và vùng lân cận). Và những tác phẩm khắc gỗ thành “ren” gần đây của anh được trang trí với những lá bạc và lá vàng.
Những tác phẩm thủ công này kết nối chúng ta với những di sản truyền thống. Trên thực tế, nhiều món đồ thủ công đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ và đã từng là những ngành nghề quan trọng đối với sự tồn vong của tổ tiên chúng ta. Các nghệ đáng được xem trọng. Họ chế tác mọi thứ bằng tay, từ quần áo đến giường cho đồ nội thất và nhà ở. Sự cơ giới hóa đã biến những món hàng thủ công thành xa xỉ phẩm. Và những di sản, những ngành nghề thủ công này chỉ có thể tồn tại nhờ vào nỗ lực bảo tồn của mỗi chúng ta.
Homo Faber Guide, dù là một công cụ hữu ích, cũng không thể sánh bằng việc trực tiếp đến tham quan những công xưởng thủ công. Tuy nhiên, đây cũng là một cứu cánh cần thiết để những nghệ nhân hoạt động đơn độc hay nhỏ lẻ có dịp trình bày sản phẩm mà chúng ta khó có thể bắt gặp ngoài đời.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times