Giám đốc IMF: Mùa đông khắc nghiệt có thể châm ngòi bất ổn xã hội ở Âu Châu
Hôm thứ Tư (14/09), người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng một số quốc gia ở Âu Châu có thể phải chứng kiến tình trạng bất ổn xã hội nếu mùa đông sắp tới trở nên khắc nghiệt trong bối cảnh đang diễn ra một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của IMF, cho biết: “Chắc chắn một số quốc gia lo sợ về suy thoái, hoặc ngay cả khi không phải là suy thoái, thì cũng có cảm nhận rằng tình hình sẽ tựa như suy thoái trong mùa đông này.”
“Và nếu Mẹ Thiên nhiên không ủng hộ, và mùa đông thực sự khắc nghiệt, thì điều đó có thể dẫn đến một số bất ổn xã hội,” bà nói thêm.
Tham dự “Buổi thuyết trình về Ngân hàng Trung ương của Michel Camdessus năm 2022” được tổ chức tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, bà Georgieva chỉ ra rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã ảnh hưởng trực tiếp đến Âu Châu, đồng thời nói rằng cuộc chiến này đã dẫn đến những hậu quả kinh tế “khủng khiếp” và kích động thêm sự lo sợ về suy thoái ở một số quốc gia.
Bà Georgieva cho biết tình hình hiện tại có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Âu Châu cần phải “lưu tâm đến sự cần thiết để giữ cho nền kinh tế phát triển,” đồng thời vẫn kiên trì trong việc chống lạm phát trên diện rộng.
“Lạm phát rất ngoan cố, nó có phạm vi rộng hơn chúng ta tưởng,” bà Georgieva nói. “Và điều đó có nghĩa là … chúng ta cần các ngân hàng trung ương có thái độ kiên quyết tương đương trong việc chống lại lạm phát.”
Hiệu ứng thứ cấp
Cũng tại sự kiện này, bà Georgieva lưu ý rằng nền kinh tế toàn cầu đã trải qua hai biến cố liên tiếp, đại dịch COVID-19 và cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, góp phần làm tăng giá cả và khủng hoảng giá cả sinh hoạt.
Sự gián đoạn dòng khí đốt của Nga đến Âu Châu vẫn là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay của Âu Châu. Châu lục này đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ của Nga trong nhiều năm để cung cấp năng lượng cho các nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà.
Trong một blog, IMF cảnh báo rằng giá dầu cao hơn đang đẩy tất cả giá tiêu dùng tăng lên, có thể dẫn đến một vòng xoáy giá tiền lương nếu những hiệu ứng thứ cấp này vẫn tiếp diễn. Cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc này nhấn mạnh rằng các ngân hàng trung ương nên “kiên quyết” ứng phó.
Viện dẫn một nghiên cứu trên 39 quốc gia Âu Châu, IMF cho biết, khi lạm phát chung đã ở mức cao như hiện nay, tiền lương có xu hướng tăng để ứng phó với một sự xáo động về giá dầu. Nghiên cứu tiết lộ rằng mọi người có nhiều khả năng phản ứng với việc tăng giá khi lạm phát cao rõ ràng đang giảm làm mức sống. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng những hiệu ứng thứ cấp này càng lớn, thì rủi ro về một vòng xoáy giá cả-tiền lương về lâu dài càng lớn.
Cho rằng người dân có xu hướng tầm cầu sự bù đắp cho việc tăng giá dầu, IMF nhận định, “Nếu những xáo động về giá dầu lớn và kéo dài, thì tình trạng đó có thể thúc đẩy lạm phát và các kỳ vọng lạm phát gia tăng liên tục, mà vốn dĩ cần được chống lại bằng phản ứng của chính sách tiền tệ.”
Tuy nhiên, họ cho rằng ngay cả trong một môi trường lạm phát cao, tiền lương vẫn ổn định sau một năm thay vì tiếp tục tăng dần.
Bản tin do NTD News thực hiện với sự đóng góp của Reuters.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times