Ủy ban Âu Châu lập kế hoạch chống khủng hoảng năng lượng
Hôm 14/09, Ủy ban Âu Châu đã công bố kế hoạch mới nhằm kiểm soát chi phí năng lượng đang gia tăng ở Âu Châu kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, nhằm chuẩn bị cho châu lục này bước vào một mùa đông khó khăn.
Các đề xướng bao gồm cắt giảm sử dụng điện bắt buộc, đánh thuế bạo lợi đối với các công ty năng lượng, và kế hoạch giải cứu các công ty điện đang gặp khó khăn về tài chính, nhằm giảm bớt khó khăn kinh tế trong toàn khối 27 thành viên.
Các chính phủ ở Âu Châu đang phải nỗ lực đương đầu với giá năng lượng cao và lạm phát sau một loạt các đợt cắt giảm nguồn cung cấp của Nga, cụ thể là dần dần cắt giảm xuất cảng khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu.
Gazprom, công ty năng lượng của Nga, hôm 02/09 cho biết đường ống Nord Stream 1, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên chính cho khối, sẽ ngừng hoạt động vô thời hạn.
Công ty năng lượng Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của EU đã trực tiếp gây ra những khó khăn kỹ thuật khiến họ không thể cung cấp dịch vụ đầy đủ thông qua đường ống.
Trong khi đó, giá khí đốt và điện tăng cao đang đẩy lạm phát lên cao, hạn chế hoạt động công nghiệp và khiến các gia đình trên khắp Âu Châu phải đối mặt với hóa đơn cao ngất ngưởng trước mùa đông.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết: “Việc kiếm sống đang trở thành một mối lo lắng cho hàng triệu doanh nghiệp và gia đình.”
Bà đã công bố các biện pháp mới để giới hạn doanh thu từ các máy phát điện giá rẻ và buộc các công ty điện lực phải chia sẻ bất kỳ khoản lợi nhuận siêu ngạch nào do giá năng lượng tăng cao.
Bà nói, “Trong những thời điểm này, thật sai lầm khi nhận được những khoản doanh thu và lợi nhuận kỷ lục bất thường được hưởng từ chiến tranh và từ phía người tiêu dùng của chúng ta. Trong khoảng thời gian này, lợi nhuận phải được chia sẻ và chuyển đến những người cần nó nhất.”
Lời đề nghị này sẽ loại bỏ doanh thu dư thừa từ các nhà máy điện không dùng khí đốt hiện có bằng cách áp dụng giới hạn giá 180 EUR mỗi megawatt giờ, cho đến tháng Ba, đối với thu nhập mà họ nhận được để sản xuất năng lượng.
Giá năng lượng ở EU thường do các nhà máy khí đốt đặt ra, vì vậy biện pháp này sẽ áp dụng cho những công ty bán điện với giá đó, nhưng không dựa vào nguồn nhiên liệu ngày càng đắt đỏ.
Điều này sẽ chỉ được áp dụng sau khi các giao dịch điện được giải quyết để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả trên thị trường năng lượng qua sở giao dịch của EU.
Thuế bạo lợi tạm thời (thuế đánh trên những số tiền lớn kiếm được bất ngờ) đối với các công ty năng lượng sẽ áp dụng cho 33% lợi nhuận thặng dư chịu thuế của các công ty tiện ích từ năm 2022.
Thặng dư sẽ được định nghĩa là toàn bộ doanh thu vượt quá 20% lợi nhuận chịu thuế trung bình của một công ty trong ba năm qua.
Chủ tịch EC cho biết ủy ban dự kiến sẽ huy động được hơn 140 tỷ EUR thông qua kế hoạch này, sẽ giới hạn doanh thu ở mức thấp hơn một nửa so với giá thị trường hiện tại.
Một số thành viên EUE phản đối áp giá trần
Hiện tại, việc áp giá trần gây tranh cãi về nhập cảng năng lượng không được đưa vào đề xướng, trong khi các quốc gia thành viên như Đức, Hà Lan, và Đan Mạch phản đối những kế hoạch như vậy, thì Ý và Ba Lan lại ủng hộ.
Các thành viên EU đang chia rẽ về việc liệu mức trần giá khí đốt sẽ giúp ích hay làm tổn hại đến nỗ lực bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng.
Đề nghị trước đó chỉ giới hạn giá khí đốt của Nga đã bị Hungary và Áo kiên quyết phản đối, sau khi lo ngại rằng Nga để trả đũa sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung của họ trong mùa đông này.
Na Uy, một thành viên của NATO và là đồng minh của EU, cũng phản đối việc áp giá trần lên năng lượng, vì nước này là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho khối này sau Nga.
Các đề nghị khác bao gồm mục tiêu bắt buộc các quốc gia phải cắt giảm 5% lượng điện sử dụng trong giờ cao điểm, sau khi các thành viên không tự nguyện cắt giảm mức tiêu thụ 15%.
Theo bà von der Leyen, ủy ban cũng sẽ sửa đổi các yêu cầu về tài sản thế chấp trong thị trường năng lượng để ngăn chặn các công ty tiện ích sụp đổ tài chính do bị siết chặt thanh khoản.
Brussels đang lên kế hoạch cho một cuộc đại tu riêng biệt đối với thị trường điện của mình để độc lập về giá điện và không bị ảnh hưởng bởi giá khí đốt tăng cao, và rằng họ đang làm việc để thiết lập một mức giá “tiêu chuẩn đại diện hơn” cho khí đốt để thay thế Cơ sở Chuyển nhượng Quyền sở hữu của Hà Lan.
Các quốc gia trên khắp EU đã cắt giảm hàng trăm tỷ USD tiền thuế và trợ cấp để giảm bớt áp lực lạm phát, đồng thời gây áp lực buộc các ngành công nghiệp phải ngừng sản xuất để tiết kiệm năng lượng.
Các cơ sở lưu trữ khí đốt trên toàn khối trung bình đạt 84% công suất, nhưng con số này sẽ chỉ đủ nếu các nước cắt giảm tiêu thụ trong mùa đông để tránh tình trạng thiếu hụt.
Bà von der Leyen tuyên bố rằng Âu Châu đang trong quá trình đa dạng hóa khỏi năng lượng của Nga và bà trực tiếp đổ lỗi cho Điện Kremlin vì đã “chủ động thao túng” thị trường bằng cách khiến giá cả tăng gấp 10 lần mức trước đại dịch.
Ban lãnh đạo EC cũng củng cố lại tình đoàn kết của khối với Ukraine, gọi cam kết của họ với chính phủ Ukraine là “không thể lay chuyển” và các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ tiếp tục.
Bà von der Leyen, người sau đó sẽ đi công du để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong hôm nay, nói: “Đây là thời điểm để chúng tôi thể hiện quyết tâm, chứ không phải nhân nhượng.”
“Chặng đường chúng ta đi còn rất dài.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times