Giải thích về điều luật năm 1870 mà Biện lý Đặc biệt Jack Smith đang sử dụng để truy tố cựu TT Trump
Một trong bốn bản cáo trạng truy tố cựu Tổng thống (TT) Donald Trump trích dẫn việc vi phạm một điều luật năm 1870 vốn để bảo vệ các quyền hiến định của công dân Hoa Kỳ.
Mục 241 trong Đề mục 18 của Bộ luật Hoa Kỳ ban đầu được thông qua tại Hoa Kỳ như một phần của Đạo luật Thực thi năm 1870, nhằm để bảo vệ các quyền được bảo đảm theo Tu chính án thứ 13, 14, và 15. Các tu chính án này, có tên gọi chung là các Tu chính án Tái thiết (Reconstruction Amendments), đã cấm các tiểu bang tước quyền bầu cử của cử tri trên cơ sở “chủng tộc, màu da, hoặc tình trạng nô lệ trước đây.”
Thành viên của các nhóm cực đoan như Ku Klux Klan nhắm đến mục tiêu ngăn cản người Mỹ gốc Phi Châu thực hiện quyền bầu cử, phục vụ trong các bồi thẩm đoàn, và tranh cử vào các chức vụ công quyền. Mục 241 tìm cách truy tố các thành viên Ku Klux Klan vì những hoạt động như vậy.
Theo Mục 241, “nếu hai hoặc nhiều người âm mưu gây thương tích, áp bức, đe dọa, hoặc uy hiếp bất kỳ ai ở bất kỳ Tiểu bang, Lãnh thổ, Liên bang, Khối thịnh vượng chung, hoặc Địa hạt nào trong việc tự do thực hiện hoặc hưởng bất kỳ quyền hoặc đặc quyền nào được bảo đảm cho người đó theo Hiến Pháp hoặc luật pháp Hoa Kỳ, hoặc vì người đó đã thực hiện một quyền như vậy.” Những cá nhân làm như vậy sẽ bị pháp luật trừng phạt.
Trong bản cáo trạng (pdf), ông Trump đã bị buộc tội vi phạm Mục 241 vì tham gia vào “một âm mưu chống lại quyền bầu cử và quyền được kiểm đếm phiếu bầu của một người.”
Những người vi phạm Mục 241 có thể bị phạt tiền và/hoặc phạt tù lên đến 10 năm. Trong trường hợp hành vi vi phạm dẫn đến việc lạm dụng tình dục, bắt cóc, hoặc tử vong, bị cáo cũng có thể bị kết án tù chung thân hoặc tử hình.
Các cáo buộc chống lại ông Trump có khả năng tập trung vào nỗ lực bị cáo buộc của cựu tổng thống nhằm lật ngược kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 — một hành động có thể được lập luận là đã đe dọa đến các phiếu bầu hợp pháp mà cử tri Mỹ đã bỏ cho ông Joe Biden.
Những hành động như vậy từ phía ông Trump có thể được hiểu là đã vi phạm quyền bỏ phiếu của công dân Hoa Kỳ, do đó vi phạm Mục 241 trong quá trình này.
Ông Trump cũng có thể bị buộc tội sát nhân và bắt cóc theo Mục 241. Trong vụ xâm phạm Điện Capitol ngày 06/01/2021, một người đã tử vong — cô Ashli Babbitt, người bị một nhân viên chấp pháp bắn.
Biện lý Đặc biệt Jack Smith, người đệ trình cáo trạng truy tố ông Trump, khẳng định rằng những tuyên bố của cựu tổng thống về cuộc bầu cử đã góp phần dẫn đến sự thiệt mạng của cô Babbitt.
Một số người khác cũng đã cố gắng quy trách nhiệm cho ông Trump về những nỗ lực của những người biểu tình nhằm bắt cóc Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence và Dân biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) trong vụ xâm nhập ngày 06/01/2021.
Các vụ án trước đó liên quan đến Mục 241
Trước đây Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã sử dụng Mục 241 để truy tố các tội liên quan đến bầu cử. Ví dụ, trong án lệ Anderson kiện Hoa Kỳ năm 1974, những người khởi kiện bị kết tội vi phạm Mục 241 vì bỏ phiếu giả cho các ứng cử viên liên bang, tiểu bang, và địa phương.
“Quyền được [kiểm đếm phiếu] trung thực là quyền mà mỗi cử tri đi bỏ phiếu đều sở hữu, và trong phạm vi mà tầm quan trọng của lá phiếu của họ bị vô hiệu hóa, toàn bộ hoặc một phần, họ đã bị tổn hại khi tự do thực hiện quyền hoặc đặc quyền được bảo đảm cho mình theo luật pháp và Hiến Pháp Hoa Kỳ,” phán quyết trích dẫn một tòa án khác cho biết.
Ông Douglass Mackey, người đã đăng các meme về chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016, mới đây đã bị kết tội theo Mục 241 này.
Một trong những meme cho thấy một phụ nữ người Mỹ gốc Phi Châu đứng trước một tấm biển “Người Mỹ gốc Phi Châu ủng hộ bà Hillary.” Meme này hướng dẫn mọi người bỏ phiếu bằng tin nhắn trong cuộc bầu cử năm 2016. DOJ buộc tội ông Mackey âm mưu chống lại quyền bầu cử và bắt giữ ông hồi tháng 01/2021.
Tại tòa, các công tố viên lập luận rằng một trong những bài đăng trên Twitter của ông Mackey đề nghị hạn chế “Người Mỹ gốc Phi Châu đi bầu” trong các cuộc bầu cử. Ông Mackey, người sẽ bị kết án vào ngày 16/08, đối mặt với mức án tối đa là 10 năm tù.
Buộc tội ông Trump với các cáo buộc
Trong một cuộc phỏng vấn với Salon hồi tháng trước (07/2023), ông Anthony Michael Kreis, giáo sư luật của Đại học Tiểu bang Georgia, nói rằng việc sử dụng Mục 241 để chống lại ông Trump mang lại ba lợi ích cho các công tố viên của Bộ Tư pháp.
“Thứ nhất, về việc áp dụng cho gian lận bầu cử, điều luật này không phải là mới. Thứ hai, DOJ có thể truy đuổi âm mưu gian lận bầu cử này và liên kết âm mưu đó với cuộc nổi dậy để tăng cường các hình phạt,” ông nói.
“Thứ ba, sự kết hợp của hai lợi ích đầu tiên cho phép xét xử ông Trump vì vụ ngày 06/01 mà không cần tranh tụng về việc liệu bài diễn văn của ông ấy trước cuộc bạo loạn ở Điện Capitol, vốn sẽ là cơ sở của một cáo buộc kích động nổi loạn riêng khác, có được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ hay không.”
“Về căn bản, ông Trump có thể bị buộc tội tham gia vào một âm mưu tước đoạt các quyền con người được bảo đảm theo Hiến Pháp và âm mưu đó đã gây ra thương tích cho cơ thể, điều này sẽ làm tăng hình phạt cho âm mưu bất hợp pháp đó.”
Các nhà bình luận tin tức đã chỉ trích các tiêu chuẩn kép liên quan đến bản cáo trạng dành cho ông Trump. Trong một video đăng hôm 02/08, nhà phân tích truyền thông Mark Dice nói rằng ông Trump đang bị truy tố vì “cố gắng cản trở một thủ tục chính thức và cố gắng ngăn chặn việc kiểm đếm phiếu và chứng nhận các phiếu đại cử tri.”
“Đây cũng chính là những hành động mà nhiều nghị sĩ Đảng Dân Chủ đã thực hiện vào năm 2017 khi họ phản đối việc ông Trump giành chiến thắng trong cuộc tuyển cử năm 2016,” ông nêu ra.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox, Giáo sư Luật Jonathan Turley của Đại học George Washington nói rằng Biện lý Đặc biệt Smith “có thể đang diễn giải luật hơi xa vời” trong bản cáo trạng truy tố ông Trump.
“Quý vị sẽ nhận thấy rằng việc không được thảo luận trong tất cả những điều này là một âm mưu kích động [hoặc] âm mưu nổi loạn,” ông nói, lưu ý rằng hai tuyên bố này là tối quan trọng trong thủ tục đàn hặc lần thứ hai chống lại ông Trump.
“Đó là những tuyên bố mà các nghị sĩ Đảng Dân Chủ cho là những lời buộc tội không thể chối cãi, trong đó bằng chứng là hoàn toàn rõ ràng … Cho đến nay những tuyên bố đó dường như không có trong bản cáo trạng này, nhưng chúng ta còn phải chờ xem.”
Phản đối kết quả bầu cử hay lên tiếng chống lại các ứng cử viên không phải là hiện tượng mới trong chính trường Hoa Kỳ.
“Nhiều ứng cử viên trước đây, trong đó có các ứng cử viên tổng thống Al Gore, và Hillary Clinton, mà hồi năm 2016 bà đã gọi ông Trump là một vị ‘Tổng thống bất hợp pháp’ ‘đánh cắp cuộc bầu cử’, đã thường xuyên từ chối nhận thua trong các cuộc bầu cử và bắt ép các cuộc tái kiểm đếm phiếu dài dòng xoay quanh các phán quyết của Tối cao Pháp viện,” The Hill dẫn lời bà Angela McArdle, chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tự do, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.
Bà nói: “Những người đưa ra những bản cáo trạng này tìm cách gây ảnh hưởng bên ngoài quá trình bầu cử, loại đối thủ của họ ra khỏi cuộc đua theo cách đồi bại và vô đạo đức nhất có thể.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times