Giải thích về cuộc chiến tài trợ sắp tới của chính phủ Hoa Kỳ
Khi Quốc hội trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tháng Tám, thì tài trợ cho chính phủ sẽ là ưu tiên hàng đầu của các nhà lập pháp.
Nhưng đó sẽ là một thách thức đối với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), người cần phải tranh cãi trong một nhóm họp kín bị chia rẽ về mặt ý thức hệ trong khi phải cân bằng các cuộc đàm phán với Thượng viện và Tòa Bạch Ốc do Đảng Dân Chủ kiểm soát để thông qua một loạt dự luật cần thiết để tài trợ cho chính phủ.
Hàng năm, Quốc hội phải thông qua 12 dự luật chi tiêu để tài trợ cho các chương trình và lĩnh vực chính phủ khác nhau.
Không thông qua được các dự luật này sẽ khiến chính phủ phải đóng cửa toàn bộ hoặc một phần — tình trạng mà chỉ còn những nhân viên liên bang thiết yếu nhất vẫn làm việc. Những nhân viên không phải là thiết yếu trong các lĩnh vực không được tài trợ của chính phủ sẽ bị cho nghỉ phép vô thời hạn không lương cho đến khi lĩnh vực của họ được Quốc hội tài trợ trở lại.
Lần đóng cửa chính phủ gần đây nhất — dài nhất trong lịch sử — bắt đầu vào tháng 12/2018 vào cuối Quốc hội nhiệm kỳ thứ 115 và kéo dài 34 ngày. Sau 34 ngày đó, Quốc hội nhiệm kỳ thứ 116 đã nhậm chức trong bối cảnh cựu Tổng thống Donald Trump và Đảng Dân Chủ đối đầu về vấn đề tài trợ cho bức tường biên giới. Cựu Tổng thống Trump cuối cùng đã đồng ý mở cửa lại chính phủ mặc dù không giải quyết được vấn đề này.
Trong bốn năm rưỡi qua, Hoa Kỳ đã tránh được một lần đóng cửa chính phủ nữa, một phần là do Đảng Dân Chủ đã củng cố quyền kiểm soát Tòa nhà Capitol và Tòa Bạch Ốc.
Nhưng giờ đây, khi quyền lực ở Hoa Thịnh Đốn lại bị chia cắt, lần này là giữa Hạ viện của Đảng Cộng Hòa và Thượng viện của Đảng Dân Chủ, thì nguy cơ đóng cửa chính phủ một lần nữa lại xuất hiện.
Mặc dù có thời hạn được quy định là ngày 30/05 để các ủy ban nộp bản dự thảo sơ bộ về các gói phân bổ ngân sách đề nghị của họ, nhưng đây là thời hạn mà Quốc hội đã không đáp ứng trong hơn một thập niên. Thay vào đó, các nhà lập pháp có truyền thống cố gắng vượt qua những thách thức về chi tiêu vào tháng Chín sau kỳ nghỉ kéo dài một tháng vào tháng Tám.
Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện cắt bỏ dự luật trước đó
Trong phiên họp của Quốc hội sắp mãn nhiệm của nhiệm kỳ trước, trước sự thất vọng của Hạ viện sắp tới của Đảng Cộng Hòa, Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hòa-Kentucky) đã đàm phán và thông qua dự luật chi tiêu tổng hợp dài 5,000 trang, trị giá 1.7 ngàn tỷ USD với đa số thành viên Đảng Dân Chủ sắp mãn nhiệm để tài trợ cho chính phủ trong năm tài khóa 2023.
Biện pháp chi tiêu tổng hợp đó bao gồm 858 tỷ USD chi tiêu quốc phòng, một mức tăng gần 10% so với năm trước mà Đảng Cộng Hòa ủng hộ, cộng thêm 787 tỷ USD chi tiêu phi quốc phòng, đánh dấu mức tăng gần 8%. Ngoài ra, trong đề xướng còn có khoảng 85 tỷ USD tài trợ bổ sung cho Ukraine và cứu trợ thiên tai.
Vào thời điểm đó, các thành viên Đảng Cộng Hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện đã kêu gọi ông McConnell thông qua một nghị quyết chi tiêu tạm thời (continuing resolution, trong khi phân bổ ngân sách cuối cùng chưa được thông qua), một dự luật cho phép chính phủ tiếp tục mở cửa ở mức tài trợ được chấp thuận trước đó, để giúp các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện trong Quốc hội khóa 118 sắp tới có quyền lực trong việc chi tiêu.
Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) vào thời điểm đó đã lên án gói tổng hợp này là “một sự phung phí chi tiêu của những người sắp mãn nhiệm.”
Nhưng bất chấp nhiều lời chỉ trích, ông McConnell đã chọn không cho phép đảng của ông đàm phán mức chi tiêu, thay vào đó hình thành thỏa thuận trị giá 1.7 ngàn tỷ USD với các thành viên Đảng Dân Chủ, gần như chắc chắn giúp Đảng Dân Chủ khỏi phải đàm phán một dự luật đáp ứng yêu cầu cắt giảm chi tiêu trên diện rộng mà các thành viên Đảng Cộng Hòa đang yêu cầu hiện nay.
Do dự luật chi tiêu của ông McConnell, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện nhiệm kỳ thứ 118 đã có tiếng nói tối thiểu trong việc xây dựng các ngưỡng chi tiêu cho chính phủ liên bang trong nhiệm kỳ Quốc hội này.
Trận chiến mức trần nợ
Tuy nhiên, Đảng Cộng Hòa đã có thể buộc Đảng Dân Chủ phải thực hiện một số nhượng bộ tài khóa trong suốt chín tháng nắm quyền của họ.
Hồi tháng Năm đầu năm nay, Đảng Cộng Hòa đã chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều tuần với Đảng Dân Chủ về mức trần nợ hoặc số tiền tối đa mà Bộ Ngân khố Hoa Kỳ có thể vay một cách hợp pháp. Việc không tăng mức trần nợ sẽ dẫn đến vỡ nợ, một kết quả có thể làm giảm giá trị của đồng USD.
Kết quả của các cuộc đàm phán đó là Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa, một gói mang lại những nhượng bộ cho cả hai bên, nhưng không bên nào được thỏa mãn hoàn toàn.
Dự luật đó đã đình chỉ giới hạn nợ cho đến tháng 01/2025, về căn bản có nghĩa là Quốc hội không áp giới hạn nào về số tiền mà Bộ Ngân khố có thể vay cho đến thời điểm đó. Đây là một chiến thắng rõ ràng dành cho Tổng thống Joe Biden, vì điều đó có nghĩa là ông sẽ không phải đối mặt với một cuộc chiến về mức trần nợ khác trong Quốc hội nhiệm kỳ thứ 118.
Tuy nhiên, dự luật đã đưa ra một số cắt khoản giảm và giới hạn chi tiêu. Ông McCarthy ca ngợi những khía cạnh này như một chiến thắng rõ ràng dành cho Đảng Cộng Hòa, đồng thời ca ngợi những khoản cắt giảm trong dự luật là đợt cắt giảm chi tiêu lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ngoài ra, dự luật yêu cầu cắt giảm 1% chi tiêu tùy ý cho lĩnh vực phi quốc phòng của liên bang nếu một thỏa thuận chi tiêu mới không được thông qua vào cuối tháng Chín, khi nguồn tài trợ hiện tại của chính phủ cạn kiệt — một biện pháp bảo đảm cho chi tiêu phi quốc phòng bị cắt giảm ít nhất là cận biên, một mục tiêu then chốt của Đảng Cộng Hòa, được tiến về phía trước.
Căng thẳng trong nhóm họp kín của Đảng Cộng Hòa
Tuy nhiên, nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa tỏ ra khó chịu với thỏa thuận này, cho rằng thỏa thuận này không đủ cứng rắn để cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ xã hội và các chương trình phúc lợi liên bang.
Trong số những thành viên Đảng Cộng Hòa này, nhiều người trong số họ thuộc nhóm Freedom Caucus tại Hạ viện, một số người xem cuộc chiến chi tiêu sắp tới là một phương tiện để đạt được những lợi ích cụ thể hơn hướng tới mục tiêu cân bằng ngân sách, cắt giảm chi tiêu của chính phủ, và giảm thâm hụt.
Trong số các đề nghị chi tiêu được đưa ra tại Hạ viện và Thượng viện, một số đề nghị có sự chênh lệch đáng kể về mức chi phí cao nhất.
Ví dụ, Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện đã tạm thời thông qua một dự luật tài trợ cho Bộ Lao động, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, và Bộ Giáo dục với mức chi phí cao nhất là 224.4 tỷ USD — tức là đã giảm 7% so với mức trước đó.
Nhưng các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã yêu cầu cắt giảm đáng kể hơn nhiều, đề nghị cắt giảm ngân sách của ba cơ quan này xuống còn 147 tỷ USD.
Tuy nhiên, bất kỳ dự luật chi tiêu nào do Hạ viện thông qua cũng sẽ cần phải được Thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát và Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Biden cùng thông qua — hai nơi này đều khó có thể y chuẩn cho các khoản cắt giảm có phạm vi rộng mà các thành viên cánh hữu tại Hạ viện đang yêu cầu.
Đồng thời, quyền lực chủ tịch Hạ viện của ông McCarthy ngay từ đầu đã nằm trên lớp băng mỏng trong nhóm họp kín của ông. Để giành được quyền chủ tịch, ông McCarthy phải chấp nhận cắt giảm đáng kể quyền lực của mình — gồm cả việc cho phép vị trí chủ tịch Hạ viện có thể chỉ cần một thành viên của Hạ viện đề ra kiến nghị là được tranh luận về việc truất phế, điều có thể dẫn đến một cuộc chiến khác để giành lấy chiếc búa của chủ tịch Hạ viện.
Mối đe dọa rằng các thành viên trong chính đảng của ông sẽ đưa ra kiến nghị chống lại ông đang đè nặng lên những nỗ lực sắp tới của ông McCarthy trong việc đàm phán các gói chi tiêu.
Các dự luật gây tranh cãi
Cho đến nay, chỉ có một trong 12 dự luật chi tiêu, dự luật tài trợ cho Xây dựng Quân đội và Cựu chiến binh, là đang trong tiến trình được Quốc hội phê chuẩn.
Các dự luật tài trợ quan trọng khác, gồm phiên bản của Hạ viện cho một dự luật phân bổ ngân sách quốc phòng nhằm giải quyết các vấn đề văn hóa gây tranh cãi, vẫn còn nhiều tranh luận.
Dự luật tài trợ cho Bộ Tư pháp và FBI, hai mục tiêu hàng đầu mà Đảng Cộng Hòa đang chú ý, cũng vẫn chưa có tiến triển vì một số thành viên đã kêu gọi cắt giảm đáng kể ngân sách của cả hai cơ quan này.
Một dự luật bổ sung tài trợ cho Bộ An ninh Nội địa (DHS), cơ quan quản lý biên giới phía nam, cũng đang được xem xét ngay cả khi các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang thúc đẩy các thủ tục đàn hặc Bộ trưởng DHS Alejandro Mayorkas, người mà Đảng Cộng Hòa cho rằng đã không bảo đảm được an ninh biên giới trong bối cảnh một làn sóng nhập cư bất hợp pháp chưa từng có tràn vào Hoa Kỳ.
Nguồn tài trợ sẽ hết hạn hôm 30/09 và chính phủ sẽ ngừng hoạt động một phần — đóng cửa tất cả các lĩnh vực của chính phủ không được cung cấp ngân sách — vào nửa đêm ngày 01/10 nếu không đạt được thỏa thuận nào, nghĩa là một tháng đàm phán điên cuồng của lưỡng viện đang ở phía trước đối với các nhà lập pháp trong suốt những tuần tới.
Bản tin có sự đóng góp của ông Mark Tapscott.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times