Thâm hụt liên bang sẽ tăng gấp đôi lên 2 ngàn tỷ USD mặc dù TT Biden ca ngợi về cắt giảm thâm hụt
Mức thâm hụt là ‘chưa từng có’
Hôm thứ Hai (04/09), trong lúc Tổng thống Joe Biden đang ca ngợi tinh thần cắt giảm thâm hụt rõ rệt của ông, thì một nhóm nghiên cứu chính sách tài khóa phi đảng phái đã cảnh báo về sự bùng nổ “chưa từng có” trong thâm hụt ngân sách liên bang, mà họ cho biết đang trên đà tăng gấp đôi lên mức 2 ngàn tỷ USD trong năm nay.
Trong bài diễn văn nhân dịp Lễ Lao Động ở Philadelphia hôm thứ Hai, Tổng thống Biden đã ca ngợi các chính sách kinh tế của mình trong khi nêu lên một loạt những lời chỉ trích đối với người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Biden khoe: “Không giống như tổng thống tiền nhiệm, trong hai năm đầu tiên của tôi… tôi đã cắt giảm thâm hụt 1.7 ngàn tỷ USD”.
Tuy nhiên, điều mà ông Biden không đề cập đến là đa phần mức giảm thâm hụt lớn xảy ra trong năm 2022 đó là do những khoản chỉ xảy ra một lần, do điều mà các chuyên gia cho rằng nhờ vào sự bùng nổ nhất thời về doanh thu thuế và lợi tức vốn liên quan đến lạm phát.
Và trong khi tổng thống ca ngợi những thành tựu được cho là về cắt giảm thâm hụt của mình, thì Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB) — một tổ chức phi đảng phái tìm cách giáo dục công chúng về các vấn đề có tác động đáng kể đến chính sách tài khóa — đã dự đoán rằng thâm hụt dưới sự giám sát của tổng thống sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 2 ngàn tỷ USD trong năm 2023.
Phó chủ tịch cao cấp của CRFB, ông Marc Goldwein, cho biết trong một bài đăng trên X, nền tảng trước đây gọi là Twitter, rằng: “Thâm hụt dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm nay, từ 1 ngàn tỷ USD lên 2 ngàn tỷ USD, khi quý vị loại trừ việc xóa nợ sinh viên.”
“Đây là điều chưa từng có đối với nền kinh tế,” ông Goldwein cho biết thêm, đề cập đến thực tế là việc thâm hụt tăng mạnh như vậy là điều bất thường khi nền kinh tế đang hoạt động tương đối tốt.
Thâm hụt cao hơn 122% tính đến năm 2023
Sau khi chi tiêu chính phủ kỷ lục vào năm 2020 và 2021 một phần để bù đắp tác động kinh tế tiêu cực của đại dịch COVID-19, thâm hụt ngân sách liên bang đã giảm một mức kỷ lục vào năm 2022 từ gần 3 ngàn tỷ USD xuống còn khoảng 1 ngàn tỷ USD.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho biết vào tháng Ba năm 2023 rằng chính phủ đã thu được 4.9 ngàn tỷ USD vào năm 2022, trong đó hơn một nửa nguồn thu đến từ thuế thu nhập cá nhân, mức cao nhất từng được ghi nhận tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội.
Vào tháng Hai, CBO dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2023 sẽ tăng lên khoảng 1.4 ngàn tỷ USD, đồng thời dự đoán rằng trong những năm tới, thâm hụt sẽ tăng dần mỗi năm, đạt 2.7 ngàn tỷ USD vào năm 2033.
Nhưng ước tính mới nhất của CRFB cho thấy tốc độ chi tiêu thâm hụt dưới thời Tổng thống Biden đang tăng nhanh hơn dự đoán vào tháng Hai của CBO và sẽ đạt 2 ngàn tỷ USD trong năm nay.
Trong một bài đăng trên X, ông Goldwein giải thích rằng mức giảm thâm hụt năm 2022 có thể là do doanh thu tăng vọt một lần (vốn là điều “đã không còn”) khi nền kinh tế phục hồi trở lại sau đại dịch, chứ không phải do các yếu tố có thể được quy cho trường phái kinh tế Biden (“Bidenomics”).
Ông nói thêm rằng những yếu tố thúc đẩy dự đoán của CRFB về việc tăng gấp đôi thâm hụt ngân sách là sự kết hợp giữa chi tiêu tăng do lãi suất tăng cao, chi phí An sinh xã hội và Medicare cao hơn, thiếu nguồn kiều hối của Hệ thống Dự trữ Liên bang cho Kho bạc Hoa Kỳ và thỏa thuận ngân sách “lớn”.
Vào tháng Ba, CRFB cảnh báo rằng ngân sách do Tổng thống Biden đề nghị cho năm tài khóa 2024 sẽ khiến nợ quốc gia lên mức cao kỷ lục trong vòng bốn năm.
CRFB viết trong bản phân tích ngày 09/03: “Nợ theo ngân sách của Tổng thống sẽ tăng lên mức kỷ lục mới trong tỷ trọng của nền kinh tế trong thập niên tới.”
Tổ chức này nói thêm: “Thật đáng thất vọng khi Tổng thống tiếp tục đề nghị hàng ngàn tỷ USD tiền chi tiêu và giảm thuế mới mà không có kế hoạch đưa khoản nợ của chúng ta đi theo con đường bền vững.”
Trong một diễn biến khác, dữ liệu của Bộ Ngân khố cho thấy thâm hụt từ đầu năm đến tháng Bảy ở mức khoảng 1.61 ngàn tỷ USD, số tiền cao nhất từ trước đến nay, không tính thời kỳ đại dịch.
“So với thâm hụt quốc gia 726 tỷ USD vào cùng thời kỳ năm ngoái (từ tháng 10/2021 đến tháng 07/2022), thâm hụt quốc gia của chúng ta đã tăng thêm 887 tỷ USD,” Bộ Ngân khố cho biết trong một tuyên bố, đồng thời lưu ý rằng từ đầu năm đến nay, mức thâm hụt đã tăng hơn 122% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, nợ quốc gia đã tăng khoảng 5 ngàn tỷ USD kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, từ khoảng 27.8 ngàn tỷ USD lên khoảng 32.8 ngàn tỷ USD.
‘Vòng lặp sụp đổ’ của thâm hụt?
Khi ngân hàng trung ương Hoa Kỳ nhanh chóng tăng lãi suất chuẩn quỹ liên bang để ngăn chặn lạm phát tăng vọt, các khoản thanh toán lãi cho nợ chính phủ đã tăng lên, làm dấy lên những lời cảnh báo từ phía các nhà kinh tế nổi tiếng.
Cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào cuối năm ngoái rằng các cuộc tranh luận về tài chính cần phải được “trở lại bàn thảo” vì chi phí đi vay tăng cao có nguy cơ gây ra “vòng lặp sụp đổ” của thâm hụt.
Ông Summers cho rằng các sáng kiến chi tiêu lớn của chính phủ Tổng thống Biden, trong đó có việc xóa nợ sinh viên đang khiến thâm hụt hàng tháng tăng vọt 562%, có thể làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư.
“Nếu dự báo thâm hụt của quý vị bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát và lãi suất thực của quý vị bắt đầu tăng nhanh, thì quý vị có thể rơi vào một loại vòng lặp sụp đổ,” ông Summers nói với hãng thông tấn Bloomberg. “Chúng ta sẽ cần phải theo dõi thật kỹ các dự báo tài chính của mình ở Hoa Kỳ.”
Bản đánh giá ngân sách hàng tháng mới nhất của CBO, được công bố hôm 08/08, cho thấy chi tiêu của chính phủ đã tăng lên trong khi thu nhập lại giảm — với việc trả lãi vay cao hơn cho nợ công là một yếu tố quan trọng.
So sánh mười tháng đầu năm tài khóa 2022 với năm tài khóa 2023 (năm tài khóa của Bộ Ngân khố tính từ ngày 01/10 năm đó đến ngày 30/09 năm sau), lãi ròng đối với nợ công năm nay cao hơn 34%.
Các khoản thanh toán lãi suất của chính phủ, đến cuối cùng vẫn là do người đóng thuế chi trả, là 572 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại trong năm tài khóa 2023 so với 426 tỷ USD trong cùng thời kỳ năm tài khóa 2022.
Nguyên nhân của sự tăng vọt là do lãi suất của tất cả các hình thức nợ chính phủ Hoa Kỳ trong năm tài khóa này cao hơn đáng kể so với năm ngoái do Fed đã tăng mạnh lãi suất để giảm lạm phát.
Trước những rủi ro đối với tình hình tài chính quốc gia, Đảng Cộng Hòa đã tận dụng cơ hội — như trong các cuộc đàm phán gần đây về việc dỡ bỏ mức trần nợ — để thúc đẩy cắt giảm chi tiêu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times