“Giấc mộng mùa đông” của nhạc sĩ Tchaikovsky cuối cùng đã thành sự thật
“Có vẻ như Tchaikovsky là nạn nhân của đại dịch mang tên “Âm nhạc của tương lai,” dịch bệnh này chìm trong tiếng ồn ào và gục ngã trong những cơn co giật bất hòa hết lần này đến lần khác.” (Theo Wiener Fremdenblatt, ngày 28/11)
“Bản Hòa tấu Piano thứ nhất của Tchaikovsky là một thất bại, giống như chiếc bánh kếp được chiên đầu tiên.” (Theo Novoye Vremya, St. Petersburg, ngày 13/11/1875)
“Khó khăn, kỳ lạ, hoang dại, và vô cùng hiện đại là tác phẩm của Peter Tchaikovsky, một giáo sư trẻ ở Nhạc viện Moscow.” (Theo Dwight’s Journal of Music, Boston, 1875)
Và đó là đánh giá của người đương thời đối với âm nhạc của chàng Pyotr Ilych Tchaikovsky trẻ tuổi. Khi đó, ông vừa viết lại bản Giao hưởng thứ nhất cung Sol thứ, với phụ đề “Giấc mộng mùa đông” (hay còn gọi là “Mộng mơ mùa đông”). Đáng chú ý là, ngày nay, những người yêu thích bản “Nutcracker” (“Kẹp hạt dẻ”) nổi tiếng hơn của Tchaikovsky sẽ thấy bản giao hưởng này cũng du dương và êm dịu.
Tchaikovsky bắt đầu sáng tác bản giao hưởng thứ nhất năm 1866. Khi đó, ông là một giáo sư dạy hòa âm 26 tuổi ở Nhạc viện Moscow. Trước đó, ông đã sáng tác một số nhạc phẩm giao hưởng ngắn và đã sẵn sàng làm nên tên tuổi với tác phẩm lớn đầu tiên của mình, một bản giao hưởng. Thực sự là sau này, tác phẩm đã trở thành công trình quan trọng đầu tiên của ông.
Thời đó, nước Nga chưa được biết đến nhờ các bản giao hưởng hay nhờ cái mà chúng ta gọi là phong cách Nga bản sắc. Thầy dạy nhạc Anton Rubeinstein của Tchaikovsky ở Nhạc viện St. Petersburg đã viết ba bản giao hưởng với khuôn mẫu cổ hơn và các quy ước chính thức của Đức. Có lẽ điều này có thể giải thích những phê bình khắc nghiệt ở trên, từ những người đã quen với phong cách này.
Thời đó, nhiều người đồng ý rằng Tchaikovsky có tài năng nhưng lại có phong cách quá kỳ lạ để trở thành một nhạc sĩ. Nhà soạn nhạc và nhà phê bình Cezar Cui đã gọi âm nhạc của Tchaikovsky “vô cùng yếu nhược” trong một bài đánh giá gay gắt về tác phẩm tốt nghiệp của Tchaikovsky (một bản cantata). Khi Tchaikovsky trình diễn một số bản giao hưởng mới này cho các giáo viên cũ của mình, Anton Rubenstein và Nikolai Zaremba, cả hai đều chỉ trích gay gắt và từ chối công nhận màn trình diễn. Vì vậy, ông quay lại tiếp tục chỉnh sửa bản nhạc, với cái giá rất đắt về mặt tinh thần.
Đau khổ vì nghệ thuật của mình
Trong cuốn tiểu sử của nhà soạn nhạc, em trai của ông, Modest Tchaikovsky (1850-1916), đã viết:
“Không có tác phẩm nào khiến ông vất vả và cực nhọc như vậy… Mặc dù quá trình sáng tác đòi hỏi sự chăm chỉ và gian truân, và khi Pyotr Ilyich tiếp tục làm việc cho bản giao hưởng, thần kinh của ông ngày càng trở nên căng thẳng. Kết quả của công việc đặc biệt khó khăn này khiến ông bắt đầu bị mất ngủ, và những đêm mất ngủ đã làm tê liệt khả năng sáng tạo của ông. Vào cuối tháng 7, tất cả những điều này lên đỉnh điểm thành một cuộc tấn công thần kinh khủng khiếp, điều mà ông sẽ không bao giờ trải qua một lần nữa trong đời. Dấu hiệu tồi tệ nhất của căn bệnh này là chứng ảo giác đáng sợ, khủng khiếp đến mức khiến ông liệt hoàn toàn ở tứ chi.”
Kết quả là “cả cuộc đời, ông tránh làm việc vào buổi tối. Từ khi sáng tác bản giao hưởng này trở đi, ông không bao giờ viết một nốt nhạc nào vào buổi tối nữa.”
Con đường [nghệ thuật] của Tchaikovsky đã khó khăn từ trước. Vì lo ngại rằng ông sẽ không thể có sự nghiệp thành công trong âm nhạc, thầy dạy nhạc và cha mẹ của ông đã khuyên ông đi theo hướng an toàn hơn là học luật. Sau đó, ông làm nhân viên trong chính phủ ba năm. Cuối cùng, đam mê với âm nhạc đã khiến ông từ bỏ luật và đăng ký khóa đầu tiên ở Nhạc viện Petersburg.
Sau đó, nhờ tài năng âm nhạc của mình (không phải khả năng sáng tác) mà Tchaikovsky được chỉ định làm giáo viên ở Nhạc viên Moscow mới thành lập.
Tất cả những điều này dường như phác họa nên bức chân dung của một nhà soạn nhạc quyết tâm kiên trì và thành công trước mọi khó khăn, kể cả khi ông tràn đầy chán nản và trầm cảm; và có thể khiến chúng ta tự hỏi còn bao nhiêu tài năng như vậy ngày nay đang chật vật đối mặt với khó khăn để đột phá.
Thành công từng bước một
Tchaikovsky thật sự đã đạt được bước đột phá nhưng bước đột phá của ông xảy ra theo thời gian, khi một nhóm các nhà soạn nhạc trẻ tuổi nổi bật tạo nên môi trường và thái độ cởi mở hơn, bao gồm Mily Balakirev, Alexander Borodin, Cesar Cui, Modest Mussorgsky và Nikolai Rimsky-Korsakov. Năm nhà soạn nhạc này chối từ phong cách cũ và tìm kiếm một thanh âm thực sự của Nga nhưng vẫn phù hợp với nhạc cổ điển Âu châu chính thống.
Sau một số chỉnh sửa, hai chương trong phiên bản đầu tiên của bản giao hưởng của Tchaikovsky đã được ra mắt năm 1866 và 1867, nhưng theo lời của ông Modest, em trai của nhà soạn nhạc, khán giả không mấy hào hứng đón nhận những buổi biểu diễn này. Bản giao hưởng hoàn chỉnh, phiên bản đầu tiên đã được biểu diễn ở Hội Âm nhạc nước Nga tại Moscow năm 1868 và [lần này] thành công hơn, dù vậy Tchaikovsky vẫn chưa hài lòng và bắt đầu chỉnh sửa bản nhạc.
Cuối cùng, bản hiệu chỉnh đã sẵn sàng, tức là phiên bản mà chúng ta biết ngày nay, đã được ra mắt tại Moscow, mùa thu năm 1883, theo sau là các buổi trình diễn tại St. Petersburg năm 1886, tại Nhà hát Carnegie New York năm 1896, và tại London năm 1902. Bản giao hưởng là một trong những tác phẩm yêu thích của Tchaikovsky, “mặc dù sự tồn tại của nó khiến tôi không mấy vui vẻ,” như ông viết cho người xuất bản của mình, ngài Pyotr Jurgenson. Trong một bức thư khác cho người bạn của ông, Karl Albrecht, ông viết, “Mặc dù bản giao hưởng có nhiều thiếu sót nghiêm trọng, tôi vẫn nuôi dưỡng một điểm yếu dành riêng cho nó, bởi vì đó là tội lỗi của thời thanh xuân ngọt ngào của tôi.” Trong một bức thư nữa gởi cho nhà tài trợ Nadezhda von Meck, ông viết, “Trong nhiều phương diện, tác phẩm đó rất là non nớt, mặc dù về cơ bản nội dung đó vẫn phong phú hơn rất nhiều so với các tác phẩm thành thục của tôi.”
Bản giao hưởng bao gồm bốn chương, có thời lượng từ 45 tới 50 phút. Mặc dù hai chương đầu có tựa đề sinh động, toàn bộ tác phẩm vẫn tuân theo cấu trúc giao hưởng mạch lạc (dù có phần phóng khoáng hơn ý các thầy giáo bảo thủ của ông), thay vì một tập hợp những bài thơ giao hưởng:
- “Giấc mộng về hành trình mùa đông.” Allegro Tranquillo
- “Vùng đất hoang tàn, vùng đất sương mù.” Adagio cantabile ma non tanto
- Allegro scherzando giocoso
- Andante lugubre—Allegro maestoso
Tựa đề của cả tác phẩm lấy tựa đề phụ là “Giấc mộng mùa đông” từ tựa đề của chương thứ nhất, và dù vậy, chúng ta có thể hình dung gợi ý rằng bản nhạc nghe như mùa đông. Các hòa âm tremolo thường xuất hiện trong bộ dây và bộ gỗ tạo ra hiệu ứng như tiếng chuông xe trượt tuyết leng keng, và vì thế bản nhạc có phần phù hợp với thời điểm này trong năm.
Nhưng có lẽ từ “Giấc mộng” là thích hợp hơn cả, như một ví dụ cho kế hoạch đầu năm của chúng ta là theo đuổi ước mơ của mình, dù có bao nhiêu khó khăn và trở ngại.
Hoàng Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times