Giá thực phẩm tại Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng 2.2% với trứng, đường, và thịt bò dẫn đầu xu hướng tăng giá
Chi phí tăng lên trong bối cảnh ⅔ số người tiêu dùng Hoa Kỳ gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí hàng bách hóa hàng ngày.
Lạm phát thực phẩm tại Hoa Kỳ dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm nay, với giá trứng, đường, và thịt bò tăng hơn 3%.
Năm 2023, giá thực phẩm đã tăng 5.8%. Theo báo cáo Triển vọng Giá Thực phẩm do Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA ERS) phát hành hôm 25/04, lạm phát giá thực phẩm được dự đoán là 2.2% trong năm nay.
Giá thực phẩm tại nhà dự kiến sẽ tăng 1.2% trong khi giá thực phẩm mua ngoài (FAFH) dự kiến sẽ tăng 4.2%. Các mặt hàng thực phẩm sau dự kiến sẽ tăng giá trong năm nay:
- Thịt bò và thịt bê: 3.3%
- Gia cầm: 1.6%
- Trứng: 4.8%
- Chất béo và dầu: 2.2%
- Đường và đồ ngọt: 4.3%
- Ngũ cốc và các sản phẩm bánh mì: 0.1%
- Trái cây tươi: 0.4%
- Rau tươi: 1.1%
Giá các sản phẩm sữa cũng như cá và hải sản dự kiến sẽ giảm 1.6% trong năm 2024. Giá thịt heo được dự đoán sẽ giữ nguyên.
USDA ERS cũng đã công bố dữ liệu về những thay đổi giá cả dự kiến theo mức chỉ số giá sản xuất (PPI). PPI thể hiện những thay đổi về giá mà các nhà sản xuất trong nước đã trải qua. Đây là một thước đo quan trọng vì chỉ số này có thể báo hiệu diễn biến sắp tới của lạm phát ở cấp độ người tiêu dùng.
PPI cho gia súc ở trang trại được dự đoán sẽ tăng 9.4% trong năm nay, gia cầm bán sỉ tăng 12.7%, trứng tăng 22.3%, sữa tăng 4.4%, và rau tăng 5.9%.
Những khó khăn về hàng bách hóa
Báo cáo của USDA được công bố sau khi một cuộc khảo sát vào tháng 12/2023 của công ty công nghệ bán lẻ Swiftly cho thấy việc mua sắm hàng bách hóa vẫn là gánh nặng tài chính đối với nhiều người Mỹ, “với ⅔ số người tiêu dùng vẫn đang gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí hàng bách hóa của mình.”
Cuộc khảo sát của Swiftly cho biết “82% số người được hỏi sử dụng phiếu giảm giá, 64% tham gia vào các chương trình khách hàng thân thiết, và 34% sử dụng các ứng dụng bán lẻ.” Ngoài ra, 53% số người được hỏi cho biết họ đã điều chỉnh ngân sách mua sắm hoặc thói quen mua sắm vì lãi suất tăng.
“Những biến động liên tục của lạm phát, cùng với những áp lực tài chính khác như trả nợ khoản vay sinh viên và lãi suất tăng cao, đang đẩy người tiêu dùng chìm sâu hơn vào nợ nần,” Giám đốc điều hành Swiftly Henry Kim cho biết trong một tuyên bố. “Hàng bách hóa chiếm một phần đáng kể trong chi tiêu của người tiêu dùng, sau chi phí nhà ở và đi lại.”
Một cuộc thăm dò hôm 17/04 của Gallup cho thấy Hoa Kỳ đứng đầu các quốc gia G7 về việc người dân “không có khả năng mua thực phẩm,” khi 26% người dân Mỹ gặp khó khăn trong việc tự nuôi sống bản thân vào năm 2023.
Gallup cho biết: “Kể từ năm 2009, hàng năm Hoa Kỳ đều đứng đầu (hoặc đứng ngang hàng với các quốc gia khác ở vị trí dẫn đầu) trong G7 vì đôi khi người dân không đủ khả năng mua lương thực vào năm trước đó.”
Đảng Cộng Hòa đã cho rằng các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden đã đẩy giá hàng bách hóa lên cao.
Dân biểu Mike Flood (Cộng Hòa-Nebraska) cho biết trong một tuyên bố hôm 10/04, “Những năm chi tiêu vượt tầm kiểm soát của Tổng thống Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ ở Hoa Thịnh Đốn đã gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát khi những người Mỹ làm việc phải tiếp tục trả nhiều tiền hơn cho nhà ở, hàng bách hóa, và các nhu cầu căn bản hàng ngày.”
“Mặc dù Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã có thể hãm phanh và kiểm soát chi tiêu ngân sách trong năm nay, nhưng chúng ta có thể kỳ vọng Lạm phát Biden sẽ tiếp tục dai dẳng khi chính phủ của tổng thống này tiếp tục chi hàng tỷ dollar cho các chương trình được thông qua trong những năm Đảng Dân Chủ nắm quyền kiểm soát Quốc hội.”
Các dự luật kích thích có thể là nguyên nhân
Hồi tháng 01/2024, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa (RNC) đã lập luận rằng gói kích thích Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ trị giá 1.9 ngàn tỷ USD do Đảng Dân Chủ đề xướng từ năm 2021 và Đạo luật Giảm Lạm Phát vào năm 2023 đã thúc đẩy lạm phát.
RNC cho biết: “Các nghiên cứu từ tổ chức Tax Foundation, Mô hình Ngân sách Penn Wharton, Moody’s, và Văn phòng Ngân sách Quốc hội đều phát hiện ra rằng dự luật sẽ hoặc là khiến cho lạm phát trở nên tồi tệ hơn hoặc là về căn bản không khởi bất kỳ tác dụng gì để giảm lạm phát.”
Dữ liệu của USDA cho thấy tình trạng mất an ninh thực phẩm đã tăng vọt dưới thời chính phủ Tổng thống Biden. Năm 2021, 10.2% gia đình ở Hoa Kỳ bị mất bảo đảm về thực phẩm ít nhất trong một khoảng thời gian trong năm, tức là họ gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ thực phẩm cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Năm 2022, tỷ lệ này tăng lên 12.8%, đại diện cho 17 triệu gia đình ở Hoa Kỳ. Dữ liệu này bao gồm 6.8 triệu gia đình phải trải qua tình trạng “bảo đảm về thực phẩm rất thấp, một dạng nghiêm trọng hơn của tình trạng mất an ninh thực phẩm, trong đó lượng thức ăn của một số thành viên trong gia đình bị giảm, và thực đơn ăn uống thông thường đã bị gián đoạn.”
Tỷ lệ lạm phát cao dự kiến sẽ là yếu tố then chốt trong cuộc đua tổng thống năm 2024. Một cuộc thăm dò vào tháng 12/2023 cho thấy 52% người Mỹ lo lắng rằng lạm phát là một vấn đề lớn hơn các vấn đề nhập cư, tội phạm, và thất nghiệp.
Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đã chỉ trích việc chính phủ Tổng thống Biden không kiểm soát được giá cả.
Ông nói trong một tuyên bố hôm 13/03, “Gần ⅔ số cử tri ngày nay nói rằng nền kinh tế của chúng ta đang tệ hơn 4 năm trước. Thậm chí có không đến ¼ dân số nghĩ rằng đất nước chúng ta đang đi đúng hướng. Chỉ vỏn vẹn ¼ dân số của quốc gia này kỳ vọng nền kinh tế của chúng ta sẽ cải thiện trong năm tới.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times