Fed ‘thúc đẩy’ các ngân hàng vay cửa sổ chiết khấu để ngăn chặn khủng hoảng tài chính
Nghiên cứu mới của Fed cho thấy, hàng ngàn ngân hàng đã ghi danh vay như vậy.
Hôm 08/05 tại một sự kiện của Viện Brookings, Thống đốc Fed Lisa Cook cho biết Hệ thống Dự trữ Liên bang đang tiếp tục “thúc đẩy” các ngân hàng vay từ ngân hàng trung ương để giúp hạn chế tiếng xấu gắn liền với việc sử dụng cửa sổ chiết khấu.
Khi Hệ thống Dự trữ Liên bang được thành lập vào năm 1913, chương trình cho vay cửa sổ chiết khấu đã là để dành cho các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn.
Trong hơn một thế kỷ, Fed đã được xem là nguồn cho vay cuối cùng.
Thông thường, ngân hàng trung ương luôn ngăn cản các ngân hàng khai thác vay cửa sổ chiết khấu trừ phi họ đang trên bờ vực phá sản.
Kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực hơn một năm trước, Fed và các cơ quan quản lý tài chính khác đã thảo luận về việc thiết lập một quy định buộc các ngân hàng phải vay từ cơ quan này thường xuyên. Họ nói rằng điều đó sẽ giúp giảm bớt tiếng xấu của việc khai thác cửa sổ chiết khấu và bảo đảm rằng các ngân hàng có thể sử dụng cửa sổ chiết khấu trước khi có nhu cầu đáng kể về thanh khoản.
Mặc dù dự thảo quy định vẫn chưa được thông qua, nhưng các quan chức đang đề cập đến quy chế cửa sổ chiết khấu và đang cố gắng thuyết phục các tổ chức tài chính sử dụng công cụ này ngay cả khi họ không có nhu cầu vay.
“Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh cửa sổ chiết khấu,” bà Cook cho biết, và nói thêm rằng “hiệu quả có thể được cải thiện.”
Mặc dù cửa sổ chiết khấu đã hoạt động tốt trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực, các cơ quan giám sát và quản lý đang “khuyến khích các ngân hàng dành ra trước tài sản cầm cố” phòng khi có suy thoái.
Cho đến nay, sáng kiến này đã mang lại khoảng 1 ngàn tỷ USD được dành ra từ trước.
Theo nghiên cứu gần đây của Fed về mức độ sẵn sàng sử dụng cửa sổ chiết khấu, số lượng tổ chức ghi danh sử dụng quy chế này lên tới 5,418 vào năm 2023, tăng 9% so với năm trước.
Ngoài ra, số lượng các tổ chức có tài sản bảo đảm được cầm cố là 2,971 vào năm ngoái, cao hơn 11% so với năm 2022.
Hội đồng Thống đốc Fed cho biết trong báo cáo: “Cửa sổ chiết khấu trợ giúp dòng tín dụng thông suốt đến các gia đình và doanh nghiệp, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp thanh khoản và sự ổn định của hệ thống ngân hàng cũng như thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ.”
“Điều quan trọng là các tổ chức phải duy trì mức độ sẵn sàng hoạt động để vay từ cửa sổ chiết khấu như một phần trong kế hoạch tài trợ dự phòng của họ.”
Nhưng liệu Fed có làm đủ để loại bỏ tiếng xấu gắn với việc vay từ ngân hàng trung ương Hoa Kỳ? Một nhóm quan chức đang cố gắng đạt được điều đó.
Các quan chức ca ngợi việc sử dụng cửa sổ chiết khấu
Trong năm qua, các đồng nghiệp của bà Cook đã nhiều lần bảo vệ việc vay theo quy chế cửa sổ chiết khấu khi không có khủng hoảng.
Tháng 12/2023, Phó Chủ tịch Giám sát Fed Michael S. Barr đã khuyến nghị các ngân hàng sử dụng “cửa sổ chiết khấu trong cả thời điểm tốt và xấu.”
Chủ tịch Fed New York John Williams đã nói với một nhóm ngân hàng vào tháng trước rằng các ngân hàng phải sẵn sàng sử dụng mạng lưới an toàn tiền tệ này trước khi có bất kỳ rắc rối nào phát sinh.
Ông lưu ý rằng do nhiều công ty chưa chuẩn bị sẵn sàng để khai thác thanh khoản của Fed nên ngân hàng trung ương đang cố gắng khắc phục tình trạng này.
Nói sau dịp tròn một năm vụ phá sản ngân hàng Silicon Valley Bank và ngân hàng Signature Bank, Thống đốc Fed Michelle Bowman đã đề nghị khám phá nhiều con đường khác nhau “để kiểm nghiệm việc sử dụng hình thức cho vay theo cửa sổ chiết khấu trong khuôn khổ quy định của chúng tôi.”
Bà nói tại sự kiện của Ủy ban về Quản lý Thị trường Vốn: “Trong khi các cơ quan ngân hàng liên bang khuyến khích các tổ chức chuẩn bị tiếp cận các khoản vay cửa sổ chiết khấu, chúng ta cũng nên xem xét một cách nghiêm túc về việc cuối cùng liệu chúng ta có nên công nhận khả năng vay cửa sổ chiết khấu khi chúng ta đánh giá các nguồn thanh khoản của một công ty hay không.”
Bà Bowman đồng ý rằng có một “nhận thức kỳ thị” xung quanh việc vay theo quy chế cửa sổ chiết khấu.
Mặc dù bà nói rằng bà không tin là việc bắt buộc phải dành ra tài sản cầm cố sẽ là xảy ra, nhưng bà cho biết nỗi hổ thẹn tiềm ẩn khi vay từ nhà cho vay cuối cùng có thể được giảm thiểu bằng cách khám phá các biện pháp mà ngân hàng trung ương có thể áp dụng.
Quan chức Fed này cho biết: “Một trong những lập luận mới xuất hiện về cách Hệ thống Dự trữ Liên bang có thể giảm thiểu những lo ngại về sự kỳ thị chỉ đơn giản là yêu cầu các ngân hàng dành ra trước tài sản bảo đảm và vay định kỳ từ cửa sổ chiết khấu.”
Tháng 05/2023, Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan khẳng định rằng những kỳ thị truyền thống sẽ được giảm bớt nếu các tổ chức tài chính thường xuyên vay mượn từ ngân hàng trung ương.
Bà Logan nói với Hiệp hội Ngân hàng Texas trong một bài diễn văn đã chuẩn bị trước: “Việc mọi ngân hàng đều vay định kỳ sẽ càng làm rõ hơn rằng việc vay mượn không phải là một tín hiệu tiêu cực theo bất kỳ cách hiểu nào.”
Theo dữ liệu của Fed, gần 400 tổ chức lưu ký đã nhận được hơn 800 khoản vay trong quý 1/2021.
Sự tán thành và các nghi vấn
Đề nghị này đã nhận được nhiều lời tán thành trong những tháng gần đây vì sẽ củng cố được sự ổn định tài chính của ngành ngân hàng và tăng vị thế thanh khoản của các ngân hàng.
Hồi tháng Một, Nhóm Ba mươi (G30), một tổ chức quốc tế gồm các học giả, chủ ngân hàng, và nhà kinh tế, đã công bố một nghiên cứu ủng hộ “các quy chế cho vay cuối cùng (LoLR) được tăng cường.”
Cựu giám đốc Fed New York, ông William Dudley, người là tác giả của báo cáo, đã lập luận rằng việc yêu cầu các ngân hàng đặt trước ở cửa sổ chiết khấu “sẽ cho phép các ngân hàng có được thanh khoản ngay lập tức trong thời điểm căng thẳng, tránh bán tài sản, và bảo vệ người gửi tiền không bảo hiểm tránh khỏi rủi ro.”
Ông Stijn Claessens, giám đốc dự án của nhóm làm việc G30 về Cuộc khủng hoảng Ngân hàng năm 2023 và là cựu giám đốc chính sách ổn định tài chính tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, cho biết ông tin rằng kế hoạch chi tiết này sẽ là “cải tổ quan trọng nhất, khả thi nhất, và có chi phí thấp nhất.”
Bà Susan McLaughlin, một thành viên điều hành tại Trường Quản lý Yale, đã đặt câu hỏi liệu làm như vậy có thể làm xáo trộn mối quan hệ giữa một ngân hàng có vị thế tốt và một tổ chức đang gặp khó khăn hay không.
Bà McLaughlin đã hỏi trong một bài báo tháng 04/2024, “Nhưng phải chăng sự kết hợp giữa cơ sở thường trực dành cho các ngân hàng có vốn đầy đủ với cơ sở dành cho các ngân hàng yếu hơn đã làm tình hình hỗn độn và đã tạo ra tiếng xấu liên quan?”
Rốt cuộc thì, lĩnh vực ngân hàng đang lắng nghe lời kêu gọi của ngân hàng trung ương, khi khoản vay cửa sổ chiết khấu mới đây đã tăng lên mức cao nhất trong vòng một năm.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times