EU tăng cường điều tra về trợ cấp của Trung Quốc cho công nghệ xanh với việc điều tra tuabin phong năng
Sau các cuộc điều tra về xe điện (EV), tàu hỏa, và tấm pin quang năng, Liên minh Âu Châu (EU) đã tiến hành một cuộc điều tra về các tuabin phong năng của Trung Quốc. Ủy viên chống độc quyền của EU, bà Margrethe Vestager, cho biết cần có một cách tiếp cận có hệ thống để ngăn chặn việc lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
Hôm 09/04, Ủy ban Âu Châu đã công bố một cuộc điều tra đối với các nhà cung cấp tuabin gió của Trung Quốc để xác định xem liệu các khoản trợ cấp của chính quyền Trung Quốc có mang lại cho họ lợi thế không công bằng trên thị trường EU hay không.
Hành động này là biện pháp mới nhất của EU nhằm bảo vệ các công ty của các quốc gia thành viên khỏi tác động của các sản phẩm năng lượng sạch, giá rẻ. Trước đây, Ủy ban Âu Châu đã tiến hành một loạt cuộc điều tra về hành vi cạnh tranh không lành mạnh tiềm ẩn của Trung Quốc.
Điều tra về trợ cấp
Hôm 03/04, Ủy ban Âu Châu đã công bố một cuộc điều tra đối với hai công ty sản xuất tấm pin quang năng của Trung Quốc, một trong số đó là công ty con của LONGi Green Energy Technology Co., Ltd., một trong những nhà sản xuất module quang năng lớn trên thế giới và cũng tham gia phát triển các dự án quang năng. Cuộc điều tra dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 4 tháng.
Cả hai công ty đều tham gia đấu thầu các khu công nghiệp sử dụng quang năng ở Romania. Ủy ban Âu Châu tuyên bố có đủ bằng chứng cho thấy hai công ty Trung Quốc này đã nhận trợ cấp từ chính quyền Trung Quốc, làm bóp méo các điều kiện thị trường.
Cuộc điều tra này được tiến hành sau khi “Quy định về Trợ cấp của Ngoại quốc” mới của EU, có hiệu lực vào tháng Bảy năm ngoái (2023). Quy định này quy định rằng các công ty phải báo cáo nếu họ đã nhận được hơn 4 triệu euro (4.2 triệu USD) trợ cấp tài chính ngoại quốc trong ba năm qua khi giá trị hợp đồng vượt quá 250 triệu euro (265.7 triệu USD) trong đấu thầu công.
Hôm 16/02, Ủy ban Âu Châu cũng công bố cuộc điều tra đối với một công ty con của Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRRC Corporation Ltd), đại tập đoàn đường sắt thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc và là nhà sản xuất đầu máy toa xe lớn nhất thế giới. Công ty này bị nghi ngờ nhận trợ cấp từ chính quyền Trung Quốc, bóp méo thị trường EU.
Kể từ tháng Mười năm ngoái (2023), Ủy ban Âu Châu cũng khởi xướng các cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện nhập cảng từ Trung Quốc. Nếu tìm thấy đủ bằng chứng, thì thuế trừng phạt có thể được áp dụng.
Trong hai năm qua, xuất cảng xe điện từ Trung Quốc sang thị trường EU đã tăng đáng kể. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm ngoái, Trung Quốc đã xuất cảng 339,000 xe điện sang EU, tăng 95% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Theo Financial Times, do thiếu mạng lưới bán hàng sau khi vào Âu Châu, một số lượng lớn xe điện do Trung Quốc sản xuất đang bị mắc kẹt tại các cảng. Tờ Financial Times cho biết thêm, các cảng Âu Châu hiện đã trở thành “bãi đỗ xe”, với phần lớn là xe điện do Trung Quốc sản xuất, một số xe lưu trú tại cảng tới 18 tháng.
Bài học trước đây
Hôm 09/04, bà Vestager cho biết trong bài diễn văn của mình: “Mỗi khi chúng tôi nghi ngờ rằng bất kỳ công ty ngoại quốc nào đã được hưởng lợi quá mức trong một cuộc đấu thầu rộng rãi, chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ hơn.” Bà tuyên bố rằng các cuộc điều tra đã dẫn đến việc công ty con của tập đoàn CRRC thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc rút lại giá thầu trong cuộc đấu thầu công khai các đoàn tàu ở Bulgaria.
Theo đài truyền hình công cộng Đức Deutsche Welle, khi ngành quang năng của Trung Quốc gia nhập thị trường EU, công suất to lớn và giá thấp của họ khiến các công ty quang năng Âu Châu không thể tồn tại. Chỉ vài năm sau năm 2011, nhiều công ty Âu Châu đã phá sản. Q-Cells, công ty đã nộp đơn xin phá sản vào năm 2012, từng là nhà sản xuất pin quang năng lớn nhất thế giới.
Theo bà Vestager, EU phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm quang điện của Trung Quốc. Trong bài diễn văn của mình, bà cho biết rằng chưa đến 3% số tấm pin quang năng được lắp đặt ở EU hiện được sản xuất ở châu Âu.
Ủy viên chống độc quyền này nói thêm rằng sự phụ thuộc đã làm dấy lên lo ngại, đặc biệt là sau khi Chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, khiến quá trình chuyển đổi năng lượng trở nên cấp bách hơn đối với EU.
Trong bài diễn văn ngày 09/04, bà Vestager đã liệt kê các chiến thuật của Trung Quốc: “Đầu tiên, thu hút đầu tư ngoại quốc vào thị trường nội địa rộng lớn, thường yêu cầu liên doanh. Thứ hai, tiếp thu công nghệ, và không phải lúc nào cũng làm ăn thành thật. Thứ ba, trợ cấp hàng loạt cho các nhà cung cấp trong nước, đồng thời đóng cửa dần dần thị trường trong nước đối với các doanh nghiệp ngoại quốc. Và thứ tư, xuất cảng năng lực dư thừa sang phần còn lại của thế giới với giá thấp.”
Trợ cấp mạnh của Bắc Kinh
Hôm 10/04, một nghiên cứu mới của Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức cáo buộc rằng chính quyền Trung Quốc trợ cấp rất nhiều cho các ngành công nghiệp trong nước, đặc biệt là các công nghệ xanh như xe điện và phong năng. Nghiên cứu ước tính rằng tổng số tiền trợ cấp của chính phủ ở Trung Quốc ước tính gấp ba đến chín lần so với trợ cấp của các quốc gia OECD khác như Hoa Kỳ hoặc Đức.
Nghiên cứu này cho rằng nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc là một trong những công ty được hưởng lợi chính. Các khoản trợ cấp trực tiếp mà BYD nhận được vào năm 2020 ước tính là vào khoảng 220 triệu euro (233 triệu USD), tăng vọt lên 2.1 tỷ euro (2.23 tỷ USD) vào năm 2022. Theo nghiên cứu, những khoản trợ cấp này đã dẫn đến sự mở rộng đáng kể về công nghệ và năng lực của BYD và sự liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh.
Viện Kiel cáo buộc rằng các khoản trợ cấp của chính quyền rất phổ biến ở Trung Quốc, với hơn 99% công ty niêm yết nhận được trợ cấp trực tiếp từ chính quyền vào năm 2022.
Nghiên cứu cho biết rằng, các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng trong nhiều lĩnh vực công nghệ xanh. Ngoài trợ cấp trực tiếp, các công ty này còn nhận được các biện pháp hỗ trợ khác từ chính quyền Trung Quốc, như ưu tiên tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng, ép buộc chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư ngoại quốc, và đối xử ưu đãi trong việc mua sắm công và thủ tục hành chính. Các công ty này không chỉ chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc mà còn chiếm lĩnh thị trường EU.
Mặc dù các quốc gia phương Tây đôi khi cung cấp trợ cấp cho các công ty nhưng về căn bản chúng khác với các khoản trợ cấp do Trung Quốc cung cấp.
Nhà bất đồng chính kiến và học giả Trung Quốc Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), hiện đang sống ở Hoa Kỳ, cho biết hôm 12/04 với The Epoch Times: “Khi một ngành công nghiệp mới vừa xuất hiện, có thể không có thị trường cho nó. Vào thời điểm này, chính quyền thực hiện một số chính sách trợ cấp để trợ giúp sự phát triển của các ngành như vậy là điều phổ biến. Tuy nhiên, khi ngành đó đã qua giai đoạn này, việc trợ cấp mọi liên kết từ nguyên liệu thô đến bán hàng, xuất cảng là cạnh tranh không lành mạnh. Cần phải điều tra về giai đoạn của sự trợ cấp. Vì vậy cần có luật chống độc quyền và luật chống cạnh tranh không lành mạnh.”
Nghị trình tương lai của Trung Quốc
Để bù đắp sự suy thoái nghiêm trọng trong lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất rộng lớn. Được hỗ trợ bởi các khoản vay và trợ cấp giá rẻ, các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm người mua ở ngoại quốc cho lượng hàng hóa dư thừa to lớn mà thị trường trong nước không thể tiêu thụ được. Tuy nhiên, hiện tại có vẻ như cả EU và Hoa Kỳ đều không sẵn lòng chịu đựng sự dư thừa này nữa.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times