EU mở trung tâm trợ giúp truy tố ‘tội ác xâm lược’ bị cáo buộc của Nga
Hôm 03/07, Cơ quan Liên minh Âu Châu về Hợp tác Tư pháp Hình sự (Eurojust) thông báo thành lập Trung tâm Quốc tế về Truy tố Tội ác Xâm lược (ICPA).
Theo các nhà tổ chức, ICPA được chủ định là để phục vụ như một “cơ sở dữ liệu trung tâm của các bằng chứng được thu thập chống lại Nga và các thủ phạm xâm lược khác.”
Trung tâm này tìm cách bảo đảm “trách nhiệm giải trình về các tội ác quốc tế đã gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine tàn khốc,” ông Didier Reynders, ủy viên tư pháp tại Ủy ban Âu Châu, cho biết trong một cuộc họp báo đánh dấu sự ra mắt chính thức của trung tâm này.
“Chúng ta không thể dung thứ cho sự vi phạm trắng trợn lệnh cấm sử dụng vũ lực, [vốn là] một trong những quy tắc căn bản của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” ông Reynders nói tại cuộc họp báo được tổ chức tại La Haye.
Ông nói thêm rằng ICPA sẽ “cung cấp một cấu trúc để trợ giúp và tăng cường các cuộc điều tra quốc gia về tội ác xâm lược Ukraine.”
Theo vị ủy viên này, trung tâm sẽ “phối hợp chặt chẽ với các cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với các tội danh thuộc thẩm quyền của tòa án đó.”
Trong khi ICC có trụ sở tại La Haye có nhiệm vụ truy tố cáo buộc diệt chủng, tội ác chiến tranh, và tội ác chống nhân loại, thì cái gọi là tội ác xâm lược vẫn nằm ngoài thẩm quyền của ICC.
Hồi tháng Ba, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và bà Maria Lvova-Belova, ủy viên Nga về các quyền trẻ em, cáo buộc cả hai vị này đã “cưỡng bách chuyển giao” dân thường.
Về phần mình, Moscow cho biết các cáo buộc đó liên quan đến những nỗ lực di tản trẻ em khỏi vùng chiến sự.
Công tố viên ICC Karim Khan, người cũng tham dự cuộc họp báo, đã nhanh chóng nhấn mạnh tính công bằng của tòa án.
“Chúng tôi không đứng về phía Ukraine,” ông nói. “Chúng tôi đứng về phía công lý.”
Chưa có tiền lệ pháp lý
Trình bày tại cuộc họp báo, Chủ tịch Eurojust Ladislav Hamran mô tả ICPA là “một bộ nguyên tắc hợp tác quốc tế độc đáo chưa từng có tiền lệ trong lịch sử pháp lý.”
Ông nói rõ rằng trung tâm này sẽ không có quyền đưa ra các cáo trạng, mà thay vào đó sẽ phục vụ như một “bộ quy tắc điều phối” để thu thập bằng chứng về các tội ác bị cáo buộc.
Theo ông Hamran, ICPA chủ định là để giúp các nhà điều tra và công tố viên từ Ukraine, Estonia, Latvia, Lithuania, và Ba Lan “đang điều tra tội ác xâm lược.”
“Mục đích chính của ICPA là bảo vệ bằng chứng quan trọng và bắt đầu xây dựng các vụ án tại đây và ngay bây giờ,” ông nói. “Chúng ta không cần phải đợi cho đến khi cuộc xung đột này kết thúc.”
Cuộc họp báo còn có sự tham gia của ông Andriy Kostin, tổng công tố Ukraine, người đã mô tả cuộc xâm lược của Nga là một “mối đe dọa toàn cầu đối với hòa bình, an ninh, và ổn định.”
“Vì lý do này,” ông Kostin nói, “mà điều tối quan trọng là phải thể hiện chúng ta đã sẵn sàng rằng trách nhiệm giải trình về các tội ác xâm lược là nguyên lý trọng tâm trong nghị trình chính trị, pháp lý, và đạo đức của chúng ta.”
Ông nói thêm rằng ICPA mới ra mắt “sẽ cho phép chúng ta hợp lý hóa các nỗ lực quốc tế của mình để tạo thuận tiện cho việc điều tra và truy tố tội phạm quốc tế lớn nhất này.”
Theo ông Kenneth Polite, trợ lý tổng chưởng lý Hoa Kỳ, ICPA “ca ngợi những nỗ lực khác trong nước, khu vực, và quốc tế nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình và chống lại việc không bị trừng phạt.”
Nói tại cuộc họp báo, ông Polite lưu ý đến chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland tới La Haye, ông Garland trở thành “bộ trưởng tư pháp đầu tiên của [Hoa Kỳ] đến thăm ICC.”
Ông Polite nói: “Bộ Tư pháp đã có lập trường rằng các cáo buộc và lệnh bắt giữ của ICC đối với ông Putin là chính đáng.”
Đáng chú ý, Hoa Kỳ — cùng với cả Nga và Ukraine — không phải là một bên của Quy chế Rome, quy chế thiết lập quyền tài phán của ICC.
“Chúng tôi ủng hộ tất cả các quy định để bảo đảm trách nhiệm giải trình và công lý, cho dù đó là do những bên tham gia thuộc khu vực, quốc gia, hay quốc tế,” ông Polite cho biết. “Quy định đó bao gồm các đồng sự của chúng tôi tại ICC và LHQ.”
“Chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi [Hoa Kỳ] có thể trợ giúp tất cả những bên tham gia đó mà không nhất thiết phải là một thành viên của Quy chế Rome,” ông nói thêm.
‘Rất ít sự thật’
Trong khi đó, Moscow bác bỏ các tuyên bố của Tây phương nói rằng họ đã gây ra “tội ác xâm lược” rộng khắp ở Ukraine.
Cuối tháng Sáu, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định rằng những người chỉ trích Nga ở phương Tây phần lớn đã không chứng minh được vô số cáo buộc của họ.
“Chúng tôi muốn các cuộc thảo luận phải được dựa trên sự thật, và những sự thật mà Nga bị cáo buộc đã không được trình bày cho chúng tôi,” ông nói trong cuộc họp báo hôm 30/06.
“Chúng tôi yêu cầu họ chứng minh những tuyên bố của mình bằng thông tin và bằng chứng cụ thể — nhưng điều này hầu như không bao giờ xảy ra,” ông Lavrov nói thêm.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Moscow cáo buộc các ủy ban điều tra của Tây phương — mà theo ông tự xưng là “độc lập” — có sự thiên vị chống Nga rõ ràng.
Ông Lavrov nói, “Họ đi lại, nói chuyện với chính phủ Ukraine, lấy một số thông tin từ họ, và đưa ra kết luận của họ trên cơ sở này.”
“Họ không nói chuyện với những người sống ở ranh giới giao tranh của phía chúng tôi.”
Hôm 21/06, ông Alexander Bastrykin, người đứng đầu Ủy ban Điều tra của Nga, cho biết hơn 30 “binh lính Ukraine” đã bị cầm tù tại các khu vực Donetsk và Luhansk do Nga kiểm soát vì phạm tội đối với dân thường.
The Epoch Times không thể xác nhận tính xác thực của các tuyên bố này.
Tháng 02/2022, Nga xâm lược Ukraine. Tháng Chín năm ngoái, Moscow đã sáp nhập thành công 4 khu vực đã chiếm được, trong đó có Donetsk và Luhansk.
Kyiv và các đồng minh của họ lên án cuộc xâm lược và các cuộc sáp nhập sau đó là một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times