Thủ tướng Hungary Viktor Orbán: ‘EU như một nhà vô địch quyền Anh già cỗi’
Sau bài diễn văn gần đây nhất thì người đứng đầu chính phủ Hungary đang bị một số hãng truyền thông phương Tây mô tả là một nhà lãnh đạo cực đoan. Vậy chuyện gì đã xảy ra?
Trong bài diễn văn thường niên tại thị trấn nghỉ dưỡng Transylvania Bad Tuschnad hôm 22/07, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã chỉ trích chính sách thiên tả và chương trình di cư của Liên minh Âu Châu (EU).
“EU giống như một nhà vô địch quyền anh già cỗi khoe khoang huy chương nhưng không còn sẵn sàng trở lại sàn đấu,” Thủ tướng Viktor Orbán nói. Đó là một EU giàu có nhưng yếu ớt đang chứng kiến một thế giới hỗn loạn xung quanh mình. Thêm vào đó, hàng triệu người sẽ đổ xô đến châu Âu.
Một số nội dung chính trong bài diễn văn của thủ tướng Hungary
Là một chính trị gia trong nền kinh tế muốn phát triển theo tiêu chuẩn trung bình của Tây Âu, ông Viktor Orbán lo ngại về xu hướng đi xuống ở các nước thành viên EU.
“Khi nhìn vào danh sách các quốc gia dựa theo GDP của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chúng ta sẽ thấy rằng Vương quốc Anh, Ý, và Pháp sẽ rời khỏi top 10 vào năm 2030.” Về nền kinh tế Đức, vốn là một nền kinh tế cũng rất quan trọng đối với Hungary, ông Orbán nói rằng Đức vẫn ở vị trí thứ tư, nhưng Đức sẽ trượt xuống vị trí thứ mười trong vài năm tới.
Để có thể đối phó với những cuộc khủng hoảng hiện nay, điều quan trọng là phải chú ý đến truyền thống và cội nguồn dân tộc. Hungary có một “công thức thành công”, Hiến Pháp Hungary đặt trọng tâm vào “chúng ta”. Quá nhấn mạnh vào “cái tôi” sẽ không dẫn đến sự thịnh vượng mà sẽ dẫn đến sự cô độc: “Hòa bình, gia đình, bình đẳng, và tự do là các mục tiêu không thể đạt được một cách riêng lẻ,” ông Orbán cho hay.
Người đứng đầu chính phủ Hungary cảnh báo các chính trị gia Âu Châu không nên từ bỏ nguồn gốc Cơ Đốc Giáo và theo đuổi việc trao đổi dân số. “Hơn 200 năm trước, các nhà lãnh đạo chính trị và trí thức theo chủ nghĩa quốc tế cánh tả và tự do tin rằng bằng cách từ bỏ tôn giáo và Cơ Đốc Giáo, một cộng đồng lý tưởng được giải thoát sẽ được hình thành,” ông Viktor Orbán nói. “Đó chỉ là một ảo tưởng. Bằng cách chối bỏ Cơ Đốc Giáo, chúng ta đã thực sự trở thành những người ngoại đạo theo chủ nghĩa khoái lạc.”
Những lời lẽ thuyết phục mà giai cấp chính trị hiện tại ở châu Âu đưa ra là không có trách nhiệm giải trình cũng như không có tính dân chủ. Không một ai nên ảo tưởng như vậy. Theo ông Orbán, Hungary và Ba Lan hiện đang đảm nhận vai trò là những nước bảo vệ truyền thống trong Liên minh Âu Châu. Tuy nhiên, “những người theo chủ nghĩa liên bang đã công khai nói rằng họ muốn thay đổi chính phủ ở Hungary và cũng tài trợ cho phe đối lập bằng mọi phương thức tham nhũng chính trị.”
Giải thích đáng ngờ về sự thống nhất quốc gia Hungary
Bài diễn văn thường niên của ông Orbán đã trở thành truyền thống ở Transylvania, một khu vực có phần lớn dân số là người Hungary và hiện đang là một phần của Romania. Khi mở đầu bài diễn văn của mình, ông Orbán đã nói đùa về những hướng dẫn mà ông nhận được từ chính phủ Romania. Nói cách khác, đó là những gì ông Viktor Orbán được phép nói và những gì ông không được phép nói. Ông đã đọc những hướng dẫn này ngay tại chỗ.
Những tuyên bố của ông Viktor Orbán về các nhóm thiểu số Hungary đã gây ra sự bất ổn. Trong đó, ông tuyên bố rằng người Hungary “chưa bao giờ tuyên bố rằng các lãnh thổ cũ của Hungary thuộc về Romania.”
Một phần khác trong bài diễn văn của ông Viktor Orbán đã được diễn giải theo nhiều cách khác nhau trên các hãng truyền thông. Cụ thể, ông phàn nàn rằng người thiểu số Hungary ở Slovakia không thể giành được quyền đại diện trong Nghị viện. Làm như vậy là cần thiết nếu như “ai đó muốn làm việc cho quê hương của mình ở phần ly khai của đất nước anh ta.”
Sau đó trang euractiv.de đưa tin, ông được cho là đã nói rằng Slovakia là một “thị trấn tỉnh lẻ bên ngoài Hungary.” Tuy nhiên, bài diễn văn đã không đề cập đến “thị trấn tỉnh lẻ” nào.
Sự căng thẳng giữa những cảm xúc về lịch sử
Theo quan điểm của ông Orbán, sau Đệ nhất Thế chiến, Hungary trước đây bị chia cắt thành nhiều phần nhỏ và bị chia cắt giữa các quốc gia xung quanh. Vì vậy, khi ông nói về quốc gia Hungary, ông muốn nói là toàn bộ quốc gia Hungary của bồn địa Karpat.
Điều này khiến các nước láng giềng có ấn tượng rằng ông đang đòi lại các lãnh thổ cũ của Hungary. Tuy nhiên, như chính phủ Hungary đã nhiều lần tuyên bố, đây là một “sự hiểu lầm.”
Tuy nhiên, chính phủ của ông Orbán thực sự rất quyết liệt trong việc hỗ trợ người Hungary sống bên ngoài biên giới. Ông thường nói đến đoàn kết dân tộc với những người này. Ví dụ, các thành viên của các nhóm thiểu số Hungary cũng được hưởng quyền bỏ phiếu của Hungary.
Bên ngoài Hungary, người ta nhìn quá khứ theo quan điểm khác. Ví dụ ở Slovakia: “Cả Tiệp Khắc (và sau này là Slovakia) và Hungary đều là các quốc gia kế tục Áo-Hung. Do đó, họ không thể tịch thu bất cứ thứ gì của Hungary ngày nay,” theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Slovakia, do euractiv.de trích dẫn.
Một ‘thủ lĩnh cực đoan’
Do đó, một phát ngôn viên của chính phủ Romania gần đây đã miêu tả ông Orbán là một kẻ cực đoan. Tại Bucharest, ông Ionut Stroe, phát ngôn viên của đảng PNL cầm quyền, cáo buộc thủ tướng Hungary “chế giễu nhà nước Romania” và ông cư xử “như một thủ lĩnh cực đoan, chứ không giống như một chính khách.”
Thủ tướng Cộng hòa Czech, ông Petr Fiala cũng không hài lòng. Người đứng đầu nhà nước Hungary, ông Viktor Orbán, cho biết Cộng hòa Czech đã đứng về phía những người theo chủ nghĩa liên bang Âu Châu và do đó đã tăng cường tấn công nhóm liên minh Visegrád 4. Các quốc gia Visegrád bao gồm Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech, và Slovakia.
Ông Fiala phản bác rằng các quốc gia đó quyết định độc lập. Đây là trường hợp của tất cả các vấn đề mà họ “khởi xướng, ủng hộ hoặc muốn thay đổi trong Liên minh Âu Châu.”
Hoa Kỳ và Trung Quốc: ‘Hai mặt trời trên một bầu trời’
Trong bài diễn văn, ông Orbán nêu bật vai trò của Trung Quốc trong tình hình quốc tế. Ông nhấn mạnh quốc gia Á Châu này “làm nghiêng cán cân thế giới.” Napoléon đã cảnh báo trước: “Hãy để Trung Quốc ngủ yên, vì nếu tỉnh giấc, nước này sẽ làm rung chuyển thế giới”, ông Orbán dẫn lời — và không giấu giếm việc Hungary xem trọng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc đến mức nào.
Một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thực sự đang diễn ra tại đây. “Đọc phân tích của các nhà nghiên cứu, có vẻ như chúng ta đang tiến tới một cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bất cứ lúc nào.” Nhưng nếu các quốc gia có thể chấp nhận rằng “có hai mặt trời trên một bầu trời,” thì mọi thứ sẽ yên bình hơn và có thể thư giãn.
Trong bối cảnh cán cân toàn cầu có những thay đổi, ông Orbán cũng làm sáng tỏ chính sách kinh tế của EU đối với Nga. Ông cho hay mặc dù EU đang nói về việc tách khỏi Nga, nhưng các công ty Âu Châu lại không muốn tách ra.
Mária S. Szentmagyari thực hiện
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức