Đức tiếp tục vận hành các nhà máy hạt nhân vào năm 2023, Đảng Xanh không hài lòng với quyết định
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ra lệnh cho ba nhà máy hạt nhân còn lại của nước này tiếp tục mở cửa sau ngày 31/12/2022, một quyết định đã bị một số thành viên trong liên minh của ông chỉ trích.
Các nhà máy điện hạt nhân Isar 2, Neckarwestheim 2, và Emsland sẽ vẫn hoạt động cho đến ngày 15/04/2023. Ông Scholz đã yêu cầu các bộ Môi trường, Tài chính, và Kinh tế tạo cơ sở pháp lý cần thiết để các nhà máy này tiếp tục hoạt động. Các bộ cũng được yêu cầu đề nghị các dự luật để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.
Tập đoàn EnBW, nhà điều hành nhà máy Neckarwestheim 2, đã yêu cầu chính phủ sớm đưa ra một khuôn khổ pháp lý để gia hạn hoạt động, nếu không, nhà máy này sẽ ngừng hoạt động vào tháng Mười Hai theo như kế hoạch.
Tập đoàn E.ON, nhà điều hành nhà máy Isar 2, đã thông báo hồi tháng Chín rằng nhà máy sẽ sẵn sàng tiếp tục hoạt động sau một số đợt bảo trì. Tập đoàn RWE đã thông báo rằng họ sẽ sớm bắt đầu các công việc chuẩn bị để gia hạn hoạt động của nhà máy điện Emsland.
Đã có một cuộc tranh cãi chính trị về hoạt động của các nhà máy. Đảng Xanh (còn gọi là Bündnis 90/Die Grünen), đảng đang liên minh với Đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD) của ông Scholz, đã bỏ phiếu chống lại việc gia hạn vận hành năng lượng hạt nhân.
Trong một bài đăng trên Twitter hôm 17/10, cô Katharina Droge, người đứng đầu nhóm nghị sĩ Đảng Xanh, cho biết đảng này sẽ thảo luận về cách đối phó với quyết định của thủ tướng.
“Thật không may là ông Scholz & SPD dường như sẵn sàng đưa nhà máy điện hạt nhân Emsland vào hoạt động dự phòng, mặc dù không có lý do khách quan nào cho việc này,” cô Droge cho biết, theo bản dịch tiếng Anh của bài đăng.
Cô Ricarda Lang, đồng lãnh đạo của Đảng Xanh cũng chỉ trích quyết định của ông Scholz, nhấn mạnh rằng nhà máy Emsland là không cần thiết trong việc duy trì sự ổn định của lưới điện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner từ Đảng Dân Chủ Tự Do thân thiện với doanh nghiệp đã hoan nghênh hành động này.
“Vì lợi ích trọng yếu của đất nước chúng ta cũng như nền kinh tế, chúng ta phải duy trì tất cả công suất phát điện trong mùa đông này,” ông Lindner tuyên bố, theo Bloomberg. “Thủ tướng hiện đã cung cấp sự rõ ràng.”
Chuyển dịch từ điện hạt nhân, và khủng hoảng năng lượng
Quyết định tiếp tục vận hành ba nhà máy hạt nhân là dấu hiệu cho thấy Đức e ngại về tình hình năng lượng của mình. Sáng kiến loại bỏ hạt nhân ở Đức bắt đầu vào năm 2000 dưới thời liên minh SPD–Xanh, liên minh này đã đóng cửa một số nhà máy.
Ban đầu, Đức đã lên kế hoạch đóng cửa hoàn toàn năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga với Ukraine đã thay đổi tình hình. Việc cắt giảm khí đốt của Moscow đã gây ra những lo lắng về an ninh năng lượng.
Mặc dù các cơ sở lưu trữ khí đốt trong nước đã được lấp đầy với công suất hơn 95%, nhưng nhà điều hành lưới điện của Đức đã cảnh báo rằng có thể vẫn còn thiếu hụt trong mùa đông. Bốn nhà khai thác hệ thống truyền tải của Đức cũng đã yêu cầu duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân để giảm bớt khủng hoảng điện năng.
Đức là thị trường khí đốt lớn nhất của Âu Châu và phụ thuộc nhiều vào Nga trong việc cung cấp năng lượng. Ông Klaus Mueller, người đứng đầu cơ quan quản lý mạng lưới quốc gia Cơ quan Mạng lưới Liên bang (BNA), đã kêu gọi giảm việc sử dụng khí đốt.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times