Các chuyên gia: Thực tế cho thấy mặt trái của năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân hiện đang được ưa chuộng
Với việc các nguồn năng lượng tái tạo không cung cấp đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu, thì các lập trường chính trị đã và đang thay đổi các kế hoạch cho nhà máy điện hạt nhân ở California và hơn thế nữa.
“Thực tế là như vậy,” ông Jacopo Buongiorno, giám đốc Trung tâm Hệ thống Năng lượng Hạt nhân Tân tiến kiêm giáo sư khoa học và kỹ thuật hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nói với The Epoch Times. “Các nguồn năng lượng tái tạo mà một số người đang mong đợi để thay thế năng lượng hạt nhân đã không thể cung cấp đủ năng lượng một cách đáng tin cậy.”
Trong khi Đức — một quốc gia tiên phong trong phong trào cắt giảm lượng phát thải carbon toàn cầu — đã tạm biệt năng lượng hạt nhân hôm 15/04 sau nhiều thập niên tranh luận, thì California và các quốc gia khác cũng mong muốn đạt được các mục tiêu khí hậu của họ lại đang thực hiện một cách tiếp cận ngược lại, kéo dài và mở rộng sự phụ thuộc của họ vào nguồn năng lượng không có carbon này.
Mặc dù việc Đức đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân còn lại đã được cộng đồng chống hạt nhân tuyên bố là một chiến thắng, nhưng dữ liệu gần đây do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố cho thấy quốc gia này đang sử dụng nhiều than hơn, vốn được các nhà hoạt động khí hậu coi là “bẩn nhất” trong số các loại nhiên liệu hóa thạch do thành phần carbon cao — để sản xuất điện sau khi đóng cửa ba nhà máy hạt nhân đầu tiên vào năm 2021, dường như đi ngược lại mục tiêu loại bỏ dần than đá vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2045 của quốc gia này.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Liên minh Âu Châu dựa vào năng lượng hạt nhân để cung cấp khoảng 25% năng lượng của mình. Theo Hiệp hội Hạt nhân Âu Châu, một số quốc gia Âu Châu đang theo đuổi năng lượng hạt nhân, với 170 lò phản ứng đang hoạt động trên 18 quốc gia. Pháp dẫn đầu với 56 lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho lưới điện của mình, và Nga đứng thứ hai với 37 lò phản ứng.
Nhiều lò phản ứng hiện đang được xây dựng, với 11 đơn vị đang được xây dựng trên sáu quốc gia trong khu vực, kể cả Pháp và Phần Lan.
California tiến thoái lưỡng nan
California, tiểu bang được trang bị các sáng kiến khí hậu tích cực nhất ở Hoa Kỳ, cũng bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Nhà máy năng lượng hạt nhân duy nhất của tiểu bang này tại Diablo Canyon gần San Luis Obispo là tâm điểm của cuộc tranh luận về việc liệu Tiểu bang Vàng (Golden State) này có đủ khả năng để cắt bỏ năng lượng hạt nhân trong khi nỗ lực cắt giảm khí thải hay không.
Sau nhiều năm hứa hẹn rằng năng lượng tái tạo, chủ yếu là phong năng và quang năng, sẽ thay thế nguồn cung cấp năng lượng truyền thống, số liệu thống kê cho năm 2022 từ Ủy ban Năng lượng California cho thấy những công nghệ này đã không tạo ra đủ năng lượng để cung cấp điện cho lưới điện một cách đáng tin cậy.
California được xem là một tiểu bang tiên phong trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, là tiểu bang đầu tiên áp dụng và khai thác tiềm năng của công nghệ này để cung cấp năng lượng cho các thành phố từ năm 1957. Nhiều điều đã thay đổi kể từ đó, với các nhà máy được mở ra trong suốt những thập niên tiếp theo, chỉ để bị đóng cửa khi những ý tưởng chính trị bất chợt đến rồi đi.
“Rất tiếc, California không phải là một tiểu bang thân thiện về năng lượng hạt nhân,” ông Jasmina Vujic, giám đốc của tập đoàn an ninh và khoa học hạt nhân đồng thời là giáo sư kỹ thuật hạt nhân tại Đại học California–Berkeley, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử. “Nhà máy Điện Hạt nhân Diablo Canyon hầu như không được trợ giúp để ngăn không bị đóng cửa.”
Thống đốc Gavin Newsom đã điều hành chiến dịch năm 2016 của mình với lời hứa hẹn sẽ đóng cửa Diablo Canyon.
Chịu trách nhiệm cung cấp 8% sản lượng điện năng của tiểu bang, nhà máy này đã bị đe dọa đóng cửa sau khi Ủy ban Tiện ích Công cộng Californian đồng thuận phê chuẩn vào năm 2018 về việc đóng cửa khi giấy phép liên bang hết hạn vào năm 2025.
Nhưng ông Newsom đã thay đổi từ việc khuyến nghị đóng cửa sang việc trở thành người ủng hộ sự tồn tại của nhà máy này, sau khi Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng trị giá 1.2 ngàn tỷ USD năm 2022 của Tổng thống Joe Biden được thông qua, trong đó phân bổ 6 tỷ USD để cứu trợ các nhà máy điện hạt nhân và ngăn chặn việc đóng cửa.
Thống đốc cho biết hồi tháng 04/2022 rằng nhà điều hành của Diablo — Pacific Gas and Electric (PG&E) — nên theo đuổi nguồn tài trợ của liên bang và lưu ý rằng cơ quan này sẽ bỏ lỡ cơ hội nếu không nhận trợ giúp để duy trì hoạt động.
Sự thay đổi đột ngột của ông Newsom tạo cơ hội cho năng lượng hạt nhân tiếp tục ở California.
Quy trình cấp phép được bắt đầu lại vào năm 2022 với đơn xin gia hạn của PG&E.
Những người ủng hộ nhà máy điện hạt nhân Diablo Canyon cũng nói rằng nhà máy này có thể là một nguồn khử muối chi phí thấp cho California, cung cấp nguồn nước rất cần thiết cho người sử dụng trong nông nghiệp và các thành phố.
Trong khi một loạt các dự án được phát triển ở California, tiểu bang này đã ra lệnh cấm cấp phép và xây dựng các dự án điện hạt nhân hồi năm 1976 với việc thông qua Đạo luật Warren-Alquist.
Theo Ủy ban Năng lượng California, ngày nay chỉ có nhà máy điện hạt nhân Diablo Canyon vẫn hoạt động ở California và chịu trách nhiệm cho 8.5% sản lượng năng lượng của tiểu bang này.
California có nên giữ nhà máy hạt nhân cuối cùng của mình không?
Một số chuyên gia cho rằng cách hành động tốt nhất là gia hạn giấy phép liên bang, vì nhà máy này là một nguồn năng lượng ổn định cho lưới điện.
Ủy ban năng lượng thực hiện một phân tích của đội ngũ nhân viên khuyến nghị kéo dài hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Diablo Canyon đến năm 2030 đã được chấp thuận hồi tháng Hai.
“Quyết định này dựa trên dữ liệu cho thấy California có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng trong các biến cố thời tiết khắc nghiệt,” bà Lindsay Buckley, một phát ngôn viên của ủy ban nói với The Epoch Times trong một bản tuyên bố gửi qua thư điện tử hôm 07/04.
Ông Buongiorno, giáo sư MIT, cũng đồng tình như vậy.
Ông nói với The Epoch Times rằng: “Việc gia hạn giấy phép nhà máy điện hạt nhân Diablo Canyon là một điều tích cực đối với California, vì độ tin cậy của lưới điện và chi phí năng lượng của tiểu bang này.”
Năng lượng hạt nhân của California cũng được nhập từ các tiểu bang lân cận bao gồm Oregon, Arizona, và Nevada. Tổng cộng, hơn 9,000 gigawatt giờ — mỗi gigawatt đủ cung cấp điện cho khoảng 750,000 ngôi nhà — được nhập phần lớn đến từ Tây Nam, theo báo cáo của ủy ban năng lượng của tiểu bang.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, một cơ quan thống kê của Bộ Năng lượng cho hay, có 92 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 54 nhà máy điện ở 28 tiểu bang, cung cấp khoảng 20% năng lượng cho cả nước.
Theo các chuyên gia năng lượng hạt nhân và các giáo sư đại học, các tiểu bang khác đã tránh được những trở ngại chính trị đối với việc phát triển hạt nhân vốn đã cản trở chương trình của California.
Khu vực Đông Nam của đất nước có số lượng lò phản ứng không đáng kể và khu vực này vẫn là điểm nóng cho những nỗ lực phát triển mới, bằng chứng là số lượng nhà máy điện đang hoạt động và các hoạt động cấp phép đang được xem xét.
Các cơ hội từ những công nghệ mới
Theo các chuyên gia, những công nghệ mới đang mang lại cơ hội cho các ứng dụng quân sự và dân sự, và có thể sẽ có những sản phẩm mới mang tính cách mạng trên thị trường trong vài năm tới.
“Các lò phản ứng rất nhỏ — pin hạt nhân — với các nhiệm vụ đặc biệt đang được phát triển với sự phối hợp với Quân đội Hoa Kỳ,” ông Buongiorno cho biết. “Những lò này dễ xây dựng hơn, được xây dựng tại nhà máy, có thể vận chuyển, và có thể đưa vào hoạt động sớm nhất là vào năm 2026.”
Những loại pin này sẽ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các trạm điều hành từ xa, đồng thời cung cấp nhiệt và năng lượng cho nhiều ứng dụng khác nhau khi không có các nguồn điện truyền thống.
Mặc dù Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về công nghệ lò phản ứng hạt nhân di động mới như những loại pin mà MIT đang nghiên cứu, nhưng các quốc gia khác cũng đang sử dụng năng lượng hạt nhân. Có khoảng 440 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trên toàn cầu, cung cấp gần 10% năng lượng của thế giới.
Theo ông Buongiorno, các quốc gia khác đang vượt trội hơn Hoa Kỳ về nghiên cứu, phát triển, và xuất cảng công nghệ hạt nhân, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì một lợi thế cạnh tranh thông qua các lò phản ứng di động.
Ông nói: “Trung Quốc có khả năng đáng kinh ngạc về năng lượng hạt nhân, và thực tế là họ đi trước chúng ta về phát triển công nghệ, với ngoại trừ đáng chú ý là pin hạt nhân.”
Trong những thập niên qua, Trung Quốc và Nga đã xuất cảng công nghệ và trợ giúp các nỗ lực phát triển hạt nhân ở các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các nhà phân tích chính trị, những mối quan hệ này có các tác động đối với các mục tiêu chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Một số người nói rằng sẽ có những cơ hội tồn tại cho ngành công nghiệp này nếu Hoa Kỳ có thể tận dụng việc xuất cảng.
Ông Buongiorno nói: “Lợi ích tốt nhất cho Hoa Kỳ là tham gia thương mại xuất cảng công nghệ hạt nhân.”
Nhận thức được sự phức tạp của tình thế tiến thoái lưỡng nan về hạt nhân, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đưa ra một dự luật lưỡng đảng vào năm 2021 nhằm “thiết lập lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ về năng lượng hạt nhân, khôi phục cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng năng lượng hạt nhân trong nước, trợ giúp cấp phép cho các công nghệ hạt nhân tân tiến, và cải thiện quy định về năng lượng hạt nhân.”
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times