Hoa Kỳ: Cơ quan giám sát chính phủ cảnh báo về các rào cản đối với các lò phản ứng hạt nhân tân tiến
Một báo cáo từ Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) kết luận rằng có “những thách thức liên tục” đối với việc cấp phép cho các lò phản ứng tân tiến của Ủy ban Điều tiết Hạt nhân (NRC), ngay cả sau những cải tổ gần đây.
Trong một tuyên bố khi công bố báo cáo với đồng nghiệp ở Hạ viện của mình, Dân biểu Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa-Washington), Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito (Cộng Hòa-West Virginia) cho biết: “Với báo cáo này, GAO xác nhận rằng Ủy ban Điều tiết Hạt nhân cần phải làm nhiều hơn nữa để chuẩn bị xem xét và phê chuẩn một cách hiệu quả các thiết kế lò phản ứng hạt nhân tân tiến.”
Hồi tháng 02/2022, hai nhà lập pháp này đã yêu cầu bảng đánh giá.
Bức thư chung gửi đến GAO của họ cho biết rằng cơ quan quản lý hạt nhân của Hoa Kỳ “phải sẵn sàng cấp phép và giám sát việc phát triển và khai triển” các lò phản ứng tân tiến — một loạt các hệ thống tân tiến, một số hệ thống đầu tiên thuộc loại này, vốn cải thiện một cách đáng kể về các thiết kế được tạo ra trước năm 2019.
Bà Rodgers cho biết trong tuyên bố chung với bà Capito: “Những khuyến nghị của báo cáo này phù hợp với các nỗ lực lập pháp lưỡng đảng của Ủy ban Năng lượng và Thương mại, đồng thời củng cố nhu cầu về một môi trường pháp lý hiện đại, hiệu quả, có thể dự đoán được để bảo đảm cho một ngành công nghiệp hạt nhân phát triển mạnh mẽ.”
Cuộc kiểm toán hoạt động của GAO một phần dựa vào các cuộc phỏng vấn với các quan chức NRC và 17 bên liên quan đưa ra quan điểm để làm sáng tỏ hoạt động của cơ quan này.
Báo cáo của GAO nêu rõ: “Các bên liên quan bao gồm các nhà phát triển lò phản ứng tân tiến, các nhân viên cũ của NRC, các tổ chức nghiên cứu và các tổ chức học thuật cũng như thành viên của các nhóm có chuyên môn về lò phản ứng hạt nhân tân tiến và quy trình cấp phép của NRC.”
‘Một quy tắc bất thành văn’ và những điều không chắc chắn khác
Theo báo cáo nói trên, một số nỗ lực gần đây của NRC nhằm cải thiện cách tiếp cận các lò phản ứng tân tiến đã mang lại kết quả và “tăng cường quy trình cấp phép của NRC.”
Ví dụ, báo cáo trích dẫn một lộ trình tốt hơn để cơ quan này làm việc với các nhà phát triển lò phản ứng tân tiến trước khi nộp đơn ghi danh, phù hợp với các quy định do Đạo luật Hiện đại hóa và Đổi mới Năng lượng Hạt nhân năm 2019 đặt ra.
Báo cáo này còn lưu ý thêm rằng ít nhất một số bên liên quan mà GAO đã phỏng vấn đánh giá cao một khái niệm mới là “nhóm cốt lõi” được NRC sử dụng trong các đánh giá ứng dụng lò phản ứng tân tiến.
Báo cáo của GAO nêu rõ, “Tuy nhiên, những thay đổi đó không giải quyết được toàn bộ những khó khăn đang diễn ra.”
Những vấn đề đó bao gồm hướng dẫn không rõ ràng về các ứng dụng chưa hoàn chỉnh.
Theo báo cáo của GAO, vì thiếu một lời giải thích thấu đáo bằng văn bản về cách NRC giải quyết những tình huống như vậy, nên “các nhà phát triển có thể phải đối mặt với một quá trình xem xét không thể đoán trước khi đệ đơn ghi danh các thiết kế đầu tiên của loại hình đó.”
Báo cáo cũng đặt ra vấn đề về hướng dẫn hiện tại của NRC về việc liệu các nhà phát triển có nên tham gia với NRC trước khi chính thức nộp đơn hay không và tham gia như thế nào.
“Các mô tả của NRC về các lợi ích của việc ghi danh trước và những hậu quả do việc tham gia một cách hạn chế đưa đến cho thấy rằng mặc dù việc ghi danh trước là tự nguyện nhưng việc tham gia là một quy tắc bất thành văn,” báo cáo này tuyên bố và sau đó cho biết thêm rằng cách diễn đạt mơ hồ khiến các nhà phát triển lò phản ứng cảm thấy không chắc chắn.
Ngoài ra, báo cáo của GAO khẳng định rằng việc cắt giảm ngân sách dành cho chương trình An toàn Lò phản ứng Hạt nhân của NRC đã cản trở khả năng thu hút nhân tài kỹ thuật của NRC.
Báo cáo lưu ý, “Hai bên liên quan mà chúng tôi đã phỏng vấn nói rằng các nhà phát triển lò phản ứng tân tiến có thể trả lương cao hơn cho nhân viên.”
Một mối quan tâm lớn khác là Ủy ban Cố vấn về Bảo vệ Lò phản ứng (ACRS) của cơ quan này.
Báo cáo của GAO nêu rõ: “NRC chưa nói rõ với các nhà phát triển lò phản ứng tân tiến về vai trò của ACRS trong quy trình cấp phép của NRC.”
ACRS tư vấn cho chủ tịch NRC cách khắc phục các vấn đề mà ủy ban này đã xác định. Chức vụ này hiện do ông Christopher Hanson, một người được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm, đảm nhận.
Cụ thể hơn, ủy ban này khuyến nghị chủ tịch NRC nên làm rõ các khía cạnh trong việc điều hướng cơ quan, một điều thường khiến các nhà phát triển tiềm năng bối rối.
Ủy ban này cũng khuyến nghị ông Hanson nên “chỉ thị nhân viên thiết lập các tiêu chuẩn và biện pháp” tương ứng với những thiếu sót về nhân sự của cơ quan.
Trong tuyên bố của mình đối với báo cáo của GAO, bà Capito đã thu hút sự chú ý đến dự luật gần đây của bà được thông qua hồi tháng Bảy như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia mới nhất, Đạo luật Xúc tiến Khai triển Hạt nhân Tân tiến, Đa năng cho Năng lượng Sạch (Đạo luật ADVANCE).
Trong một tuyên bố chung với bà Capito và ông Sheldon Whitehouse (Dân Chủ-Rhode Island) sau khi đạo luật được thông qua, Thượng nghị sĩ Tom Carper (Dân Chủ-Delaware), chủ tịch Ủy ban các Công trình Công cộng và Môi trường Thượng viện, cho biết, “Đạo luật ADVANCE sẽ giúp hiện đại hóa [NRC], cung cấp cho cơ quan này các công cụ và lực lượng nhân công có tay nghề cao cần thiết để tạo thuận lợi cho việc khai triển năng lượng hạt nhân sạch, giá cả phải chăng.”
Hành động phủ quyết của ông Pritzker, cam kết của ông Ramaswamy
Trong những năm gần đây, tương lai của ngành năng lượng hạt nhân, cũng như cơ quan NRC lắm lúc gây tranh cãi này, ngày càng trở nên nổi bật về mặt chính trị trong bối cảnh có một số nỗ lực nhằm giảm dần hoặc loại bỏ dần việc sử dụng than, dầu, và khí đốt tự nhiên để chuyển sang các nguồn năng lượng được mô tả là phi carbon.
Mặc dù năng lượng hạt nhân không tạo ra lượng khí thải carbon nhưng nhiều nhà bảo vệ môi trường vẫn thận trọng với nguồn năng lượng này, với lý do lo ngại về chi phí và việc xử lý chất thải.
Báo cáo của GAO đã thu hút sự chú ý đến tình trạng hơn chục lò phản ứng hạt nhân bị đóng cửa trong những năm gần đây ngay cả khi nhu cầu năng lượng được dự đoán sẽ tăng lên.
Báo cáo nêu rõ: “Đáp lại, Quốc hội đã ủng hộ cho sự phát triển các lò phản ứng hạt nhân tân tiến.”
Tuy nhiên, một số người có quyền ra quyết định then chốt đã phản đối năng lượng hạt nhân, bao gồm cả các lò phản ứng tân tiến.
Chỉ vài tuần trước, Thống đốc Tiểu bang Illinois J.B. Pritzker đã phủ quyết một dự luật chấm dứt lệnh cấm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới của tiểu bang với lý do lo ngại về độ an toàn và chi phí.
Văn phòng của ông Pritzker cho biết trong một lời giải thích dường như đề cập đến các công nghệ lò phản ứng tân tiến, “Dự luật này bị phủ quyết vì các định nghĩa mơ hồ trong dự luật, bao gồm cả định nghĩa quá rộng về các lò phản ứng tân tiến, sẽ mở ra cơ hội cho sự gia tăng của các lò phản ứng hạt nhân quy mô lớn, xây dựng tốn kém đến mức những lò phản ứng này sẽ đưa đến những khoản cứu trợ quá lớn bằng tiền của người đóng thuế.”
Ông Pritzker, một thành viên Đảng Dân Chủ cấp tiến, dường như có những mối quan tâm khác biệt so với ông Vivek Ramaswamy, người đã vận động tranh cử tổng thống bên Đảng Cộng Hòa với thông điệp mang hơi hướng tự do khi phản đối nhà nước hành chính.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times