Đức đề ra kế hoạch trợ cấp cho việc chuyển đổi từ điện khí sang điện hydro
Chính phủ Đức đã đồng ý về kế hoạch trợ cấp cho các nhà máy điện khí có khả năng chuyển đổi sang sản xuất hydro, sử dụng điện được tạo ra bằng năng lượng tái tạo.
Bộ kinh tế của Đức công bố hôm 05/02 rằng, chính phủ Đức đã đồng ý với kế hoạch trợ cấp cho các nhà máy điện khí có khả năng chuyển đổi sang sản xuất hydro. Hành động này là một phần trong nỗ lực trợ cấp cho năng lượng tái tạo không liên tục và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sản xuất điện thải ra ít carbon.
Thông báo này được đưa ra nhằm đáp lại áp lực từ ngành điện, vốn đã chờ đợi thông tin chi tiết kể từ khi chính phủ hứa về chiến lược này vào năm ngoái. Đức trông cậy vào hydro để giúp đất nước chuyển đổi khỏi khí đốt và than đá.
Bộ kinh tế của Đức cho biết, quá trình đấu thầu 4 nhà máy khí đốt có tổng công suất lên tới 10 gigawatt (GW) sẽ sớm diễn ra, nhưng không thông báo cụ thể hơn.
Bộ cho biết các kế hoạch chuyển đổi sang hydro sẽ được soạn thảo vào năm 2032 để cho phép các nhà máy chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng hydro trong khoảng thời gian từ năm 2035 đến năm 2040.
Ông Georg Stamatelopoulos, một thành viên hội đồng quản trị của công ty năng lượng EnBW, cho biết mặc dù thỏa thuận này là một bước quan trọng, nhưng mục tiêu 10 GW là quá thấp để bảo đảm đẩy nhanh việc thoát khỏi năng lượng sử dụng nhiên liệu than vào năm 2030. Ông cho rằng một quy trình đấu thầu nhanh chóng là then chốt, vì những dự án như vậy phải mất từ sáu đến tám năm.
Tập đoàn năng lượng RWE của Đức cho biết họ dự định sẽ tham gia đấu thầu.
Phát ngôn viên của bộ kinh tế Đức cho biết hôm 05/02, chính phủ Đức sẽ thảo luận xem liệu công suất khí đốt có cần vượt quá 10 gigawatt theo kế hoạch hay không.
Bộ cho biết, chính phủ cũng sẽ trợ cấp cho các nhà máy điện chạy hoàn toàn bằng hydro với công suất lên tới 500 megawatt cho mục đích nghiên cứu năng lượng mà không cung cấp chi tiết về thông tin tài chính.
Berlin cho biết hôm 05/02 rằng một thiết kế mới cho thị trường điện, áp dụng cơ chế công suất dựa trên thị trường, sẽ được chấp thuận vào giữa năm nay và vận hành vào năm 2028.
Những thông tin chi tiết khác
Nhóm vận động môi trường Đức Deutsche Umwelthilfe cho biết thỏa thuận này, gồm cả tài chính và thiết kế đấu thầu, vẫn còn mơ hồ và có thể dẫn đến việc xây dựng các nhà máy điện khí đốt sẽ không chuyển đổi được thành nhà máy hydro.
Năm ngoái (2023), Đức đã đồng ý với Ủy ban Âu Châu về việc đấu thầu các nhà máy hydro mới có công suất 8.8 GW, bên cạnh 15 GW khác ban đầu sẽ chạy bằng khí đốt tự nhiên. Các nhà máy này sẽ được kết nối với lưới điện hydro muộn nhất là vào năm 2035. Tuy nhiên, Berlin và Brussels đã bất đồng về cách thức trợ cấp cho các nhà máy khí đốt.
Chiến lược nhà máy điện của Đức lẽ ra đã sẵn sàng vào năm ngoái. Tòa án Hiến Pháp nước này đã ra phán quyết phủ quyết khoản nợ 60 tỷ euro (64.5 tỷ USD) dành riêng cho các dự án khí hậu, buộc chính phủ phải suy nghĩ lại về ngân sách của mình.
Các nhà máy được quy hoạch sẽ rất quan trọng để Berlin thuyết phục các nhà sản xuất than nâu ở phía đông, loại than gây ô nhiễm nhất, dừng vận hành các trạm phát điện than của họ sớm hơn thời hạn chính thức là năm 2038. Điều này sẽ giúp Đức đạt được mục tiêu phát thải khí nhà kính nhanh hơn.
Theo một bản hướng dẫn thương mại của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Đức có kế hoạch giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, so với mức của năm 1990. Tuy nhiên, bộ ước tính rằng quốc gia này chỉ cắt giảm được 2% lượng khí thải vào năm 2022, khiến mục tiêu khí hậu đó gặp rủi ro.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn kể trên, Đức đang trên đà đạt được mục tiêu đạt được 80% năng lượng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Hydro xanh
Theo Ủy ban Âu Châu, vào năm 2022, hydro chiếm chưa đến 2% mức tiêu thụ năng lượng của châu Âu, với 96% trong số đó được sản xuất bằng khí đốt tự nhiên, dẫn đến lượng phát thải đáng kể khí CO2.
Liên minh Âu Châu (EU) đang thúc đẩy sản xuất hydro tái tạo, hay còn gọi là hydro xanh, để đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải CO2. EU yêu cầu sản xuất hydro xanh thông qua quá trình điện phân nước sử dụng điện từ các nguồn tái tạo, bảo đảm không thải ra khí nhà kính trong quá trình sản xuất.
Năm 2022, Ủy ban Âu Châu đã giới thiệu Ngân hàng Hydro Âu Châu để thu hút đầu tư tư nhân vào hydro tái tạo. Ngân hàng này không phải là một tổ chức hữu hình mà là một công cụ tài chính do ủy ban điều hành.
EU đã phân bổ ngân sách 800 triệu euro (860 triệu USD) để đấu giá giữa các nhà phát triển dự án hydro trong EU, nhằm giảm khoảng cách chi phí giữa hydro xanh và hydro được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch. Nhà thầu nộp dự án có chi phí thấp nhất sẽ được trao một khoản trợ cấp dưới dạng phí bảo hiểm cố định tính bằng euro cho mỗi kg hydro xanh được chứng nhận trong tối đa 10 năm.
Cuộc đấu giá thí điểm đã được mở vào tháng 11/2023 và sẽ kết thúc vào tháng Hai.
Ngân hàng này cũng cung cấp nền tảng đấu giá của mình dưới dạng chương trình “đấu giá dưới dạng dịch vụ” để các chính phủ EU tài trợ cho các dự án hydro xanh trên lãnh thổ của họ. Tháng 11 năm ngoái, Đức đã trở thành quốc gia EU đầu tiên tham gia dịch vụ này và dành ra được 350 triệu euro (377 triệu USD) từ ngân sách quốc gia để sản xuất hydro ở Đức.
Nguồn năng lượng của Đức
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Đức là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất ở châu Âu và tính đến năm 2022, hơn 75% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của nước này đến từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch, 17.2% từ năng lượng tái tạo, và 3.2% từ năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên, sản xuất năng lượng trong nước chỉ chiếm 16% tổng lượng tiêu thụ vào năm 2023, với 42.3% trong số đó được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, bộ cho biết trong hướng dẫn thương mại của mình.
Đức đã ngừng sản xuất điện hạt nhân theo giai đoạn một năm trước và tiếp tục thúc đẩy năng lượng tái tạo. Theo Bộ Thương mại, vào năm 2022, nước này cần tăng cường sản xuất năng lượng từ than vì cuộc khủng hoảng năng lượng chủ yếu do cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine gây ra.
Đức đang tham gia liên doanh với Ý và Áo để xây dựng một đường ống vận chuyển hydro tái tạo chi phí thấp được sản xuất ở Bắc Phi đến châu Âu. Dự án có tên Hành lang SouthH2 đã được EU phê chuẩn và dự kiến hoàn thành vào năm 2030.