Phim tài liệu mới: Net-Zero chấm dứt ‘hệ thống trợ giúp cuộc sống’ bằng điện của Mỹ
Nhà làm phim Robert Bryce cho biết, “Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm về độ tin cậy, khả năng phục hồi và khả năng truyền tải của lưới điện.”
Điện là một trong những nguồn thiết yếu nhất mang lại sự thịnh vượng và năng suất không đâu sánh kịp của nước Mỹ; nhưng đó cũng là lỗ hổng lớn nhất.
Hoa Kỳ đã trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp điện giá cả phải chăng không bị gián đoạn, đến nỗi khi mạng lưới điện của chúng ta trở nên mong manh hơn bao giờ hết thì xã hội Mỹ cũng trở nên mong manh theo đó.
Hồi năm 2015, cựu giám đốc CIA James Woolsey đã làm chứng trước Thượng viện Hoa Kỳ rằng, nếu lưới điện của Mỹ bị tê liệt trong một thời gian dài, chẳng hạn như một năm, “về cơ bản có hai ước tính về số lượng người sẽ thiệt mạng vì đói, thiếu ăn, thiếu nước, và bất ổn xã hội.
“Một ước tính là trong vòng một năm hoặc hơn, hai phần ba dân số Mỹ sẽ thiệt mạng,” ông Woolsey nói. “Một ước tính khác là trong vòng một năm hoặc hơn, 90% dân số Mỹ sẽ thiệt mạng.”
Ông Chris Keefer, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Canada, cũng đồng tình.
“Mạng lưới năng lượng là một hệ thống trợ giúp cuộc sống văn minh và nếu không có mạng lưới này, thì xã hội hiện đại sẽ sụp đổ rất nhanh chóng,” ông nói.
Ông Keefer là một trong những chuyên gia góp mặt trong bộ phim mới của nhà phân tích năng lượng, tác giả, và nhà làm phim tài liệu Robert Bryce, “Juice: Power, Politics and the Grid” (Điện: Quyền Lực, Chính Trị và Lưới Điện). Loạt tài liệu gồm năm phần này xem xét cách thức và lý do tại sao nước Mỹ hiện đang “dễ bị tổn thương” và làm suy yếu những điều kỳ diệu về kỹ thuật đang là trụ cột trung tâm của xã hội chúng ta.
“Chúng tôi đang thấy độ tin cậy, khả năng phục hồi và khả năng truyền tải của lưới điện đều đang suy giảm,” ông Bryce nói với The Epoch Times. “Chúng tôi muốn mọi người và các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng mạng lưới năng lượng quan trọng nhất của chúng ta đang bị suy yếu và chúng ta liều lĩnh bỏ mặc nguy cơ này.”
Ông đã quan tâm đến lưới điện của Mỹ trong nhiều thập niên và là tác giả của cuốn sách có nhan đề “A Question of Power” (Một Vấn Đề về Điện) xuất bản năm 2020, một trong những nghiên cứu toàn diện hơn về cách thức hoạt động của lưới điện và lý do tại sao chúng có thể cũng sẽ không hoạt động trong những năm tới.
Ông Steven Pinker, tác giả và giáo sư tâm lý học tại Đại học Harvard, đã viết trong một bài đánh giá về cuốn sách này rằng “năng lượng là biện pháp bảo vệ chính của chúng ta chống lại nghèo đói, hỗn loạn, đói khát, và cái chết.”
Chưa hết, nhiều quốc gia ở phương Tây đã tham gia vào một trò may rủi nguy hiểm, với cái giá phải trả là lưới điện của họ, nhằm cố gắng giảm nhiệt độ toàn cầu.
Một ‘cảnh báo nghiêm trọng’
Những cảnh báo kể trên không chỉ đến từ các nhà phân tích được nêu trong phim tài liệu này, mà các cơ quan quản lý điện cũng đang ngày càng lên tiếng báo động nhiều hơn.
Trong một báo cáo hồi tháng 05/2023, Tập đoàn Độ tin cậy Điện Bắc Mỹ (NERC), chịu trách nhiệm giám sát độ tin cậy của lưới điện, cho biết phần lớn lưới điện Hoa Kỳ hiện có các mức độ rủi ro mất điện ngày càng tăng.
Ông Jim Matheson, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Hợp tác xã Điện Nông thôn Quốc gia cho biết, “Báo cáo này là một cảnh báo đặc biệt nghiêm trọng rằng khả năng duy trì cung cấp điện của Mỹ đã và đang gặp nguy hiểm.”
Chính lần mà lưới điện của Texas gần như sụp đổ trong cơn bão mùa đông Yury năm 2021 đã thôi thúc ông Bryce phải thực hiện bộ phim tài liệu này. Ông đã hợp tác với đạo diễn phim Tyson Culver, người cùng với ông Bryce, đã trực tiếp trải qua cuộc khủng hoảng khi sống ở Austin.
“Tôi đã không có ý định làm một bộ phim tài liệu khác sau khi chúng tôi thực hiện bộ phim đầu tiên phát hành vào năm 2019,” ông nói. “Tôi chỉ nghĩ rằng, ‘Tôi không thể làm điều này; quá sức tốn kém và mất thời gian.”
“Nhưng sau đó chúng tôi biết được rằng lưới điện [Texas] gần như bị hỏng và nếu nó bị hỏng, thì hàng chục ngàn người sẽ thiệt mạng,” ông nói. “Và chúng tôi nhận ra, nếu điều này có thể xảy ra ở Texas, thủ phủ năng lượng của thế giới, thì lưới điện đang thực sự bị suy yếu.”
Lưới điện Bắc Mỹ đang nhanh chóng được chuyển đổi từ lưới điện với điện từ than đá chiếm ưu thế sang lưới điện với phong năng, quang năng và [điện sản xuất bằng] khí đốt tự nhiên ngày càng tăng. Trong quá trình này, lưới điện của Mỹ đang thay đổi từ một lưới điện từng rất đáng tin cậy đến mức người tiêu dùng hiếm khi nghĩ tới, sang một thứ ngày càng có nhiều tình trạng mất điện luân phiên và một ngày nào đó có thể sẽ sớm bị hỏng hóc lâu dài.
Bộ ba trí mạng
Sự mất ổn định của lưới điện là kết quả của điều mà nhà phân tích và tác giả Meredith Angwin coi là “bộ ba trí mạng.”
“Lưới điện Texas gần như sụp đổ vì cái mà tôi gọi là bộ ba trí mạng,” bà Angwin nói. “Phần đầu tiên của bộ ba trí mạng này là sự phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng tái tạo, và loại năng lượng này bật-tắt bất chợt.”
“Phần thứ hai là sự phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt tự nhiên, là loại nhiên liệu được cung cấp kịp thời và cũng có thể bị gián đoạn tức thời,” bà nói. “Và phần thứ ba là nhờ các khu vực lân cận giúp đỡ.”
Tất cả những yếu tố này đã xuất hiện trong cơn bão mùa đông Yuri ở Texas vào năm 2021. Hệ thống phong năng và quang năng không thể hoạt động trong thời tiết băng giá, đồng thời nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cũng bị gián đoạn do nhiệt độ đóng băng, nhưng lúc đó mọi người cần điện để sưởi ấm ngôi nhà của họ.
Theo báo cáo của kiểm soát viên Texas, khí đốt tự nhiên cung cấp 51% điện năng của Texas; phong năng 25%; và than đá 13%. Khi các nguồn này ngừng hoạt động, các công ty điện lực vội vã thực hiện cắt điện để cắt giảm nhu cầu vì lo ngại rằng sự không phù hợp giữa cung và cầu kéo dài hơn vài phút sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho phần cứng của lưới điện.
Trong khi Texas đã không trải qua lần mất điện nào dài nhiều tháng chỉ vì một vấn đề xảy ra trong vài phút, thì thiệt hại do mất điện ngắn hạn là rất nghiêm trọng.
“Việc cắt điện luân phiên nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng cho lưới điện nhưng lại trở thành tình trạng mất điện kéo dài vài ngày ở một số vùng của tiểu bang,” báo cáo cho biết. Trong thời gian ngắn đó, ít nhất 210 người đã thiệt mạng do mất điện, điều này cũng gây ra thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 195 tỷ USD.
Điều thứ ba của “bộ ba trí mạng” là khả năng hỗ trợ giữa các vùng trong lưới điện.
Đối với tất cả các nguồn, tiện ích, và quy định rời rạc, lưới điện Bắc Mỹ được kết nối với nhau theo cách cho phép một khu vực chuyển điện sang khu vực khác nếu khu vực này dư thừa và khu vực kia thiếu hụt. Các tiện ích thường xuyên dựa vào điều này để cân bằng cung và cầu tại bất kỳ thời điểm nào.
Tuy nhiên, với nguồn dự trữ dư thừa ngày càng eo hẹp do các nhà máy nhiệt điện than đang bị đóng cửa mạnh mẽ trên khắp nước Mỹ, khả năng “gọi một người bạn đến giúp đỡ” này đang dần mất đi.
Theo sau châu Âu và California
Theo nhiều cách, Texas đã noi theo sự dẫn đầu của châu Âu và California trong tiến trình chuyển đổi lưới điện của họ sang phong năng và quang năng, ngừng hoạt động các nhà máy điện than và đôi khi cả các nhà máy điện hạt nhân, để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu và làm hài lòng các nhà hoạt động chống hạt nhân. Vì gió và mặt trời phụ thuộc vào thời tiết nên cần có nguồn dự phòng có thể điều động được và nguồn đó thường là khí đốt tự nhiên.
Như những gì mà châu Âu, California, và Texas đã học được, tiến trình chuyển đổi này làm tổn thương các nhà máy điện than và điện hạt nhân, nơi nhiên liệu có thể được lưu trữ tại chỗ. Điều này cũng dẫn đến giá điện tăng mạnh do cần phải xây dựng hệ thống phát điện kép cũng như cơ sở hạ tầng truyền tải bổ sung.
Theo Nghiên cứu của Princeton năm 2021, việc dựa vào phong năng và quang năng để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ yêu cầu mạng lưới truyền tải điện áp cao của Mỹ phải tăng quy mô gấp ba lần, với chi phí 2.4 ngàn tỷ USD.
Trong tình huống có vẻ như là sự từ bỏ, hoặc ít ra là rút lui, khỏi quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0, một số nước Âu Châu, chẳng hạn như Đức, đang khởi động lại các nhà máy điện đốt than của họ trong khi phong năng và quang năng không đáp ứng được nhu cầu, thậm chí ở mức giá tăng cao.
“Những gì chúng ta đang thấy ở châu Âu từ cơn cuồng dại năng lượng tái tạo sai lầm này, là một cảnh báo rõ ràng, và tôi nghĩ chúng ta có thể thấy điều tương tự ở California: giá điện tăng vọt và lượng phát thải CO2 vẫn không giảm đi mấy,” ông Bryce nói.
Đồng thời, nỗ lực đạt được lượng phát thải CO2 ròng bằng 0 đã dẫn đến các chiến dịch chính trị và đoàn thể nhằm chuyển nhiều sản phẩm hơn nữa lên lưới điện. Điều này bao gồm những nhu cầu thiết yếu như sưởi ấm trong nhà, vận chuyển, và nấu ăn.
Luật pháp và quy định ở châu Âu và Hoa Kỳ đã tìm cách cấm hoặc loại bỏ dần việc sưởi ấm bằng dầu và khí đốt trong nhà, cùng với xe hơi, xe tải, và xe buýt chạy bằng xăng. Tác động của việc này sẽ là khiến người dân phụ thuộc nhiều hơn vào điện, đồng thời đẩy nhu cầu điện lên đến mức mà nhiều người cho biết lưới điện không thể đáp ứng.
“Lưới hiện đang quá căng thẳng so với nhu cầu hiện tại,” ông Bryce nói. “Chúng tôi đang chứng kiến sự suy giảm về độ tin cậy, khả năng phục hồi và khả năng truyền tải của lưới điện, trong khi các nhóm gây áp lực này đang cố gắng đặt thêm nhu cầu lên lưới điện.
“Đây là một thời điểm thảm họa.”
Phong năng và quang năng nuốt chửng các không gian mở
Thêm vào đó là sự tham lam vô độ của ngành công nghiệp phong năng và quang năng đối với việc sử dụng đất.
Theo báo cáo hồi tháng 05/2023 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (TNC), việc đạt được mục tiêu phát thải carbon dioxide (CO2) bằng 0 vào năm 2050 sẽ tiêu tốn hơn 250,000 dặm vuông đất, tương đương 160 triệu mẫu Anh đất.
Bà Katharine Hayhoe, nhà khoa học trưởng tại TNC, một người ủng hộ năng lượng tái tạo, cho biết: “Với các phương pháp xác định địa điểm hiện tại, cần phải có một khu vực có diện tích bằng Texas để đáp ứng cơ sở hạ tầng về phong năng và quang năng, chúng tôi cần đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn quốc vào năm 2050.”
Nhiều chuyên gia năng lượng và nhà bảo vệ môi trường đang đi đến kết luận rằng năng lượng hạt nhân là lựa chọn tốt nhất để tạo ra năng lượng đáng tin cậy, giá cả phải chăng, đồng thời cắt giảm lượng phát thải CO2. Bất chấp những thảm họa hạt nhân nổi tiếng tại các nhà máy ở Chernobyl, Đảo Three Mile, và Fukushima, nhiều quốc gia vẫn đang xây dựng các nhà máy mới hoặc trì hoãn việc đóng cửa các nhà máy hạt nhân hiện có, coi đây là nguồn điện sạch nhất và ít gây hại nhất cho môi trường.
Theo báo cáo của Viện Năng lượng Hạt nhân, các nhà máy điện gió cần diện tích đất gấp 360 lần để sản xuất cùng lượng điện như một cơ sở điện hạt nhân và các cơ sở quang năng cần diện tích bề mặt lớn hơn tới 75 lần. Theo Viện Brookings thiên tả, so với các nhà máy điện sử dụng than và khí đốt tự nhiên, phong năng và quang năng cần diện tích đất nhiều hơn ít nhất 10 lần.
Ngoài diện tích nhỏ hơn, các nhà máy điện hạt nhân cũng thường không yêu cầu xây dựng đường dây truyền tải mới dài hàng ngàn dặm để đến các địa điểm xa xôi, nơi các cơ sở phong năng và quang năng thường được xây dựng.
Với điện hạt nhân, ông Bryce cho biết, “chúng ta không cần mở rộng lưới điện này; chúng ta có thể sử dụng mạng lưới mà chúng ta có.”
Các nhà hoạt động khí hậu gây áp lực lên năng lượng hạt nhân
Ngay cả những người ủng hộ sôi nổi cho các sáng kiến thỏa thuận xanh mới cũng bắt đầu chấp nhận rằng năng lượng hạt nhân ít ra phải là một phần của kế hoạch.
Ông Bryce nói rằng, “Những gì chúng tôi đang thấy ở Quốc hội và ở một mức độ nào đó ở Tòa Bạch Ốc này là sẵn sàng điều chỉnh cho năng lượng hạt nhân.”
Một báo cáo năm 2022 của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế báo cáo rằng “Pháp, quốc gia nguyên tử hàng đầu của EU với vũ khí hạt nhân và 56 lò phản ứng điện, đã sẵn sàng khai triển một đợt tái đầu tư lớn vào năng lượng hạt nhân.”
Báo cáo cho biết Bulgaria, Cộng hòa Séc, Hà Lan, và Ba Lan cũng đang chuẩn bị xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới, trong khi các quốc gia Âu Châu khác như Áo, Đan Mạch, Đức, Luxembourg, và Bồ Đào Nha vẫn phản đối năng lượng hạt nhân.
Trong khi đó, hồi tháng 12/2023, các cơ quan quản lý của California đã chọn duy trì hoạt động của cơ sở hạt nhân của tiểu bang tại Diablo Canyon cho đến ít nhất là năm 2030, mà trước đó họ đã ra lệnh đóng cửa vào năm 2025. Đây là một sự rút lui đối với một tiểu bang đang phải đối mặt với tình trạng mất điện luân phiên khi tiểu bang này đâm đầu vào một tương lai của phong năng và quang năng.
“Nếu chúng ta đồng ý rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề, với nhiều [hiện tượng thời tiết] khắc nghiệt hơn trong thời gian dài hơn, thì thật điên rồ khi khiến mạng lưới năng lượng quan trọng nhất của chúng ta lại phụ thuộc vào thời tiết,” ông Bryce nói. “Chúng ta cần một hệ thống phát điện có khả năng chống chọi với thời tiết, chịu được thời tiết chứ không phải hệ thống phát điện phụ thuộc vào thời tiết.”
“Với Đạo luật Giảm Lạm phát và các khoản tín thuế đầu tư, tín thuế sản xuất, tất cả các ưu đãi tài chính trong lĩnh vực phát điện đều nhằm mục đích xây dựng nhiều [cơ sở hạ tầng] phong năng và quang năng hơn,” ông nói. “Đối với tôi, đó đúng là một chuyện điên rồ.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times