‘Mở rộng năng lượng hạt nhân lớn nhất trong 70 năm’: Anh tập trung vào an ninh năng lượng
Đối với nhiều quốc gia, năng lượng hạt nhân là công cụ đa năng để giải quyết các vấn đề năng lượng của hôm nay và ngày mai. Giờ đây, Vương quốc Anh cũng đang trình bày kế hoạch mở rộng quy mô nguồn năng lượng này, vốn đã bị cấm ở Đức.
Bên cạnh Pháp, Vương quốc Anh cũng sẽ tập trung vào việc mở rộng năng lượng hạt nhân trong tương lai. Chính phủ Anh đang xem xét xây dựng thêm ít nhất một nhà máy điện hạt nhân lớn. Nhiều lò phản ứng nhỏ hơn với kết cấu module nhỏ cũng sẽ được xây dựng.
Hôm 11/01, chính phủ London đã công bố kế hoạch hành động nhằm “mở rộng năng lượng hạt nhân lớn nhất” ở Vương quốc Anh trong vòng 70 năm. Mục đích là tăng cường sự độc lập về năng lượng và đáp ứng các mục tiêu giảm khí nhà kính.
Công suất tăng gấp bốn lần
Ngoài khả năng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới, London còn muốn đầu tư vào nhiên liệu hạt nhân hiện đại và tập trung vào “quy định thông minh hơn.” Tổng cộng, chính phủ Thủ tướng Rishi Sunak muốn mở rộng công suất sản xuất điện hạt nhân lên 24 gigawatt vào năm 2050. Một lượng công suất khoảng sáu gigawatt hiện nay đang trong quá trình lắp đặt. Việc mở rộng theo kế hoạch tương ứng với việc tăng gấp bốn lần công suất năng lượng hạt nhân hiện có ở Vương quốc Anh.
Với kế hoạch mở rộng lên 24 gigawatt, những người ra quyết định ở Anh muốn đáp ứng ¼ nhu cầu điện lực của quốc gia bằng nguồn năng lượng này. Statista hiện xem khí đốt tự nhiên và năng lượng gió ngoài khơi là nguồn năng lượng lớn nhất trên đảo Anh.
Theo kế hoạch hành động, trong giai đoạn từ 2030 đến 2044, cứ mỗi năm năm một lần sẽ có một hoặc hai lò phản ứng mới được phê chuẩn ở Vương quốc Anh, như tờ The Guardian đã đưa tin. Kế hoạch hành động này cũng phù hợp với kế hoạch năm 2022 của Thủ tướng Boris Johnson, đó là “xây dựng [lò phản ứng] mới mỗi năm” để Anh có thể loại bỏ dần dần nhiên liệu hóa thạch trong quy trình sản xuất điện.
Thủ tướng Sunak nêu những ưu điểm của năng lượng hạt nhân
Thủ tướng Sunak cho biết sự ủng hộ mới nhất của chính phủ dành cho ngành công nghiệp hạt nhân là “bước tiếp theo trong cam kết của chúng tôi đối với năng lượng hạt nhân, đưa chúng tôi đi đúng hướng để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 một cách chừng mực và bền vững.”
Ông Sunak cũng cho rằng năng lượng hạt nhân là “phương thuốc hoàn hảo” cho các vấn đề năng lượng của đất nước. “Loại năng lượng này xanh, rẻ hơn khi tính về dài hạn và sẽ bảo đảm được an ninh năng lượng cho Vương quốc Anh về lâu về dài.” Ngoài ra, năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng nền, nghĩa là cung cấp năng lượng liên tục 24 giờ một ngày. Trái lại, phong năng và quang năng lại phụ thuộc vào thời tiết.
Thủ tướng cho biết một lợi ích khác của năng lượng hạt nhân là “tạo ra các việc làm và kỹ năng mà chúng ta cần để nâng tầm đất nước và phát triển kinh tế.”
Bộ trưởng Năng lượng Claire Coutinho nói thêm rằng Anh sẽ không bao giờ muốn phụ thuộc vào “những kẻ bạo chúa” như Tổng thống Nga Vladimir Putin về năng lượng nữa. Năm 2022, theo tờ Wiener Zeitung, Anh đã ngừng nhập cảng than, dầu, và khí đốt tự nhiên từ Nga. Bối cảnh là cuộc chiến Ukraine, trong đó nhiều quốc gia phương Tây — trong đó có đảo quốc này — xem Nga là bên đơn phương tấn công.
Vương quốc Anh hiện có 9 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động; nhiều lò trong số này sắp hết vòng đời. Một nhà máy điện hạt nhân mới, Hinkley Point C, đang được xây dựng ở nước này. Việc thi công một nhà máy điện hạt nhân khác, Sizewell C, dự kiến sẽ bắt đầu trong năm nay. Một nhà máy điện hạt nhân nữa, hiện đang được chính phủ xem xét, sẽ có quy mô tương tự như hai dự án này.
Vương quốc Anh dựa vào nhiên liệu hạt nhân đặc biệt
Hiện vẫn chưa rõ chi phí chính xác và tiến độ cụ thể của các dự án là như thế nào. Tuy nhiên, công ty cung cấp năng lượng EDF của Pháp, nhà thầu xây dựng Hinkley Point C, đã đề ra con số về chi phí dự kiến.
Theo đó, chi phí cho nhà máy điện hạt nhân mới đầu tiên trong một thế hệ của Anh là 33 tỷ bảng Anh (38.5 tỷ euro). Con số này thể hiện mức tăng 30% so với năm 2015, khi chi phí ước tính khoảng 25 tỷ đến 26 tỷ bảng. Cũng có lo ngại rằng ngày khởi công của Hinkley có thể bị lùi lại từ mùa hè năm 2027 đến đầu những năm 2030.
Chính phủ Anh cũng tuyên bố muốn trở thành quốc gia Âu Châu đầu tiên đầu tư vào sản xuất một dạng nhiên liệu hạt nhân đặc biệt. Điều này liên quan đến việc sản xuất nguyên liệu giàu uranium đặc biệt thuộc loại HALEU (Uranium làm giàu thấp chất lượng cao). Chính phủ muốn cung cấp 300 triệu bảng Anh (khoảng 348.5 triệu euro) từ công quỹ cho việc này, như Welt đã đưa tin.
Bản tin có sự đóng góp của AFP
Maurice Forgeng thực hiện
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức