Đồng USD mạnh sẽ làm dậy sóng các vụ thâu tóm và sáp nhập toàn cầu
Xu hướng đồng dollar Mỹ tương đối mạnh dự kiến sẽ tiếp tục, được thúc đẩy bởi quyết tâm chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang với việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Sức mạnh của đồng USD đã làm đau đầu các tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ, do doanh thu kiếm được ở các quốc gia khác có giá trị thấp hơn sau khi quy đổi thành dollar. Các công ty Hoa Kỳ phải báo cáo thu nhập bằng nội tệ.
Nhưng động lực này cũng đã tạo ra một cơ hội có một không hai. Giống như những du khách Hoa Kỳ đổ bộ vào Âu Châu đột nhiên được trang bị cho sức mua nhiều hơn, hiện nay các công ty ở ngoại quốc dường như là có giá trị rẻ hơn đối với các công ty Hoa Kỳ đang tìm cách thâu tóm.
Đồng dollar đã tăng khoảng 20% tính đến thời điểm hiện tại so với đồng bảng Anh (GBP). USD tăng khoảng 16% so với đồng euro (EUR), và mức tăng gần 30% của đồng USD so với yên Nhật (JPY) thậm chí còn rõ rệt hơn. Các tỷ giá này có nghĩa là bất kỳ hoạt động mua lại nào ở những thị trường đó đều đột nhiên được giảm giá ồ ạt so với hồi đầu năm — nếu mọi điều kiện khác không thay đổi.
Các nhà giao dịch kỳ vọng xu hướng hối đoái này sẽ tiếp tục. Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ (CFTC), các nhà đầu tư đang đặt cược nhiều hơn vào đồng dollar Mỹ để tăng giá so với các loại tiền tệ như đồng yên, đồng euro, và đồng dollar Canada.
Điều đó đang diễn ra mặc dù Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (1 điểm cơ bản = 0.01%) tại mỗi một cuộc họp trong ba cuộc họp trước đây. Điều này chủ yếu là do các ngân hàng trung ương ở các quốc gia khác ban hành các mệnh lệnh có phần khác nhau. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không nhúc nhích khi giữ lãi suất Nhật Bản dưới 0, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang tìm cách cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế của nước này xấu đi, trong khi cả Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương Âu Châu đều thắt chặt chính sách, mặc dù chậm hơn nhiều so với tốc độ của Fed.
Tài sản ‘trú ẩn’
Đồng dollar Mỹ được thúc đẩy hơn nữa nhờ vị thế của nó như là một tài sản “trú ẩn” trong thời kỳ khó khăn, với các nhà đầu tư toàn cầu đổ vào các tài sản của Hoa Kỳ do sự ổn định kinh tế tương đối của Mỹ.
Điều này đã tạo ra sự khác biệt giữa các mức lãi suất toàn cầu sau hơn một thập niên cắt giảm lãi suất theo sát nhau.
Với mô hình thực tế này được thiết lập, không có gì ngạc nhiên khi các công ty Hoa Kỳ đang chuẩn bị chi tiêu.
Ông Blair Jacobson, đồng giám đốc tín dụng ở Âu Châu của đại công ty cổ phần tư nhân của Hoa Kỳ Ares Management, tuyên bố trong một sự kiện do Financial Times tổ chức ở London hôm 12/10 rằng, “Mọi thứ ở Vương quốc Anh đều đang được giảm giá.”
Ông Jon Gray, chủ tịch kiêm giám đốc vận hành (COO) của Blackstone, cũng có cùng quan điểm về các tài sản của Vương quốc Anh trong một cuộc phỏng vấn gần đây với MarketWatch.
Các giám đốc điều hành của các quỹ đầu tư tư nhân đã chú ý đến Vương quốc Anh vì tình hình hỗn loạn gần đây của quốc gia này — việc cắt giảm thuế gây tranh cãi và sự từ chức của Thủ tướng Liz Truss — nhưng tâm lý tương tự cũng áp dụng rộng rãi cho Âu Châu và Á Châu.
Các quỹ đầu cơ đang đặt cược vào một làn sóng hoạt động sáp nhập khi các tập đoàn Hoa Kỳ và quỹ đầu tư tư nhân chuẩn bị mua bán ở ngoại quốc.
Một báo cáo gần đây của Financial Times viết rằng cái gọi là các quỹ phòng hộ nhắm tới “đầu cơ sáp nhập” hoặc đầu tư “theo sự kiện” đang chuẩn bị đặt cược nhiều hơn vào việc hoàn tất các giao dịch. Các quỹ này có xu hướng đặt cược vào các công ty sau khi các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) được công bố và giữ một vị thế [đầu tư] dựa trên việc liệu các thương vụ này cuối cùng có hoàn tất hay không, xem xét các rủi ro về quy định, quản trị, và giá thầu cạnh tranh cụ thể. Họ cũng có thể đặt cược vào những công ty mà họ suy đoán sẽ là các ứng viên để tiếp quản.
Các nhà quản lý quỹ phòng hộ như AQR, Millennium Management, Cheyne Capital, và Balyasny Asset Management đều điều hành các quỹ đầu tư theo sự kiện. Ngoài ra còn có các quỹ tương hỗ chuyên về các chiến lược hợp nhất và dựa trên sự kiện như BlackRock Event Driven Equity (BALPX), Gabelli ABC Fund (GABCX), và The Arbitrage Fund (ARBFX).
Các quỹ này có xu hướng biến động, và hiệu quả hoạt động phụ thuộc vào năng lực và bí quyết của các nhà quản lý danh mục đầu tư. Tờ Financial Times cho biết trong chín tháng của năm 2022, các quỹ đầu cơ sáp nhập tăng trung bình 0.7%, một con số nhỏ trong các giai đoạn bình thường nhưng tốt hơn đáng kể so với hiệu suất tiêu cực của chỉ số S&P 500 rộng hơn trong năm nay.
Một thương vụ M&A rất công khai và kéo dài trong năm nay là nỗ lực tiếp quản Twitter của tỷ phú Elon Musk. Thỏa thuận Musk-Twitter là một quá trình đặc biệt gập ghềnh, kéo giá cổ phiếu của Twitter lên xuống trong vài tháng qua, và cuối cùng chứng minh là một giao dịch có lợi nhuận cho các nhà đầu tư có nhận định đúng đắn.
Trong thời điểm có sự bất ổn vĩ mô, các nhà đầu tư có thể sáng suốt khi xem xét các sự kiện vi mô cụ thể.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times