Động lực, rào cản, và tự chuyển hóa bản thân
Tự lực, phát triển cá nhân, cải thiện bản thân, đào tạo và phát triển, giáo dục — chúng ta có vô số tên gọi cho quá trình này, nhưng tựu trung thì đều nói về việc tự chuyển hóa bản thân – một khái niệm tâm linh lâu đời. Mặc dù khái niệm thuộc phạm trù tôn giáo này quá thâm sâu để bàn luận trong một bài viết như dưới đây, nhưng chúng ta có thể rút ra một chân lý khái quát từ kho dữ liệu to lớn này rằng gần như tất cả các tôn giáo trên thế giới, phương Đông và phương Tây, mật tu và phổ truyền, lớn hay nhỏ, đều xoay quanh quan niệm rằng nhân loại cần các cơ chế để giúp cải thiện bản thân, cho dù đó là những điều răn, nghi lễ, thực hành, kiêng khem, thờ phượng, hay phép màu — và [điều] không thể bỏ qua chính là đức tin.
Ngoài ra còn có một điều ẩn giấu và ẩn ý bên trong điều này: trong sâu thẳm, tất cả những người có tinh thần lành mạnh đều muốn liên tục cải thiện và thay đổi bản thân.
Động lực và rào cản
Đối với bản thân tôi cũng như các chuyên gia khác trong lĩnh vực tạo động lực, vai trò của chúng tôi là giúp mọi người thiết lập quá trình tự chuyển hóa này, giống như những người chỉ dẫn tâm linh thời xưa. Rào cản đầu tiên là theo đuổi đến cùng khát vọng thay đổi đó. Chúng ta có một từ cho khát khao thay đổi này là: động lực, và động lực là một dạng năng lượng (không phải suy nghĩ). Bởi vì mong muốn điều gì đó bằng lý trí và có động lực để thực hiện điều đó là hai việc rất khác nhau.
Mặc dù những động lực của chúng ta phần nào tương đồng với những mong muốn — động lực này đại diện cho (nhiều) phương hướng nghị lực của chúng ta — nhưng chúng ta cũng có thể mong muốn nhiều thứ mà không có động lực để đạt được chúng. Ví dụ: chúng ta có thể mong muốn được nổi tiếng, nhưng lại không có động lực đặc biệt để thực hiện một số điều có thể đưa chúng ta đến với sự nổi tiếng, chẳng hạn như sáng tạo nội dung hoặc xây dựng mạng lưới mối quan hệ.
Nếu chúng ta nghiên cứu về động lực, chúng ta phải đi đến kết luận rằng nếu chúng ta muốn đạt được điều mình mong cầu, thì phải bắt đầu kết nối những mong muốn đó với các nhân tố thúc đẩy (và, thật kỳ lạ, điều này cũng khởi tác dụng ở chiều ngược lại: kết nối các nhân tố thúc đẩy với những điều mà ta muốn). Quá trình hai chiều này, với những nhân tố thúc đẩy ảnh hưởng đến những khát vọng hoặc mục tiêu cuối cùng của chúng ta, và ngược lại, có thể dẫn dắt chúng ta đạt đến những tiến bộ đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta có thể đạt được tiến bộ này, thường thì sẽ có lúc chúng ta gặp phải một rào cản. Bản thân là một huấn luyện viên, tôi nhận thấy rằng đôi khi vấn đề mọi người gặp phải càng nghiêm trọng, thì việc hỗ trợ và giúp đỡ họ lại càng dễ dàng hơn. Lấy thể dục thể hình (fitness) làm ví dụ, giúp một người chưa từng tập thể dục một ngày nào trong đời có thể chạy tới một dặm sẽ dễ dàng hơn việc giúp một người thường xuyên chạy bán marathon có được huy chương vàng Olympic. Như ông Patrick McKeown đã nhấn mạnh trong cuốn sách “The Oxygen Advantage: Simple, Scientifically Proven Breathing Techniques to Help You Become Healthier, Slimmer, Faster, and Fitter” (Lợi Thế Của Oxy: Các Kỹ Thuật Thở Đơn Giản, Đã Được Khoa Học Chứng Minh Để Giúp Bạn Trở Nên Khỏe Mạnh Hơn, Mảnh Mai Hơn, Nhanh Hơn, và Sung Mãn Hơn,) của ông rằng, sự khác biệt về thành tích giữa các vận động viên ưu tú thường chỉ chênh lệch 1 phần trăm hoặc ít hơn!
Vậy nên, thật nghịch lý là những người đang làm mọi điều theo cách đúng đắn đôi khi lại phải chật vật để thay đổi, và do đó, không thể tự chuyển hóa bản thân.
Bước nhảy vọt của niềm tin
Có một câu chuyện tuyệt vời trong cuốn sách “Sayings of the Desert Fathers” (Châm Ngôn của Những Người Cha Ở Sa Mạc) (từ “The Wisdom of the Desert: Sayings From the Desert Fathers of the Fourth Century” (Sự Thông Thái của Sa Mạc: Châm Ngôn Từ Những Người Cha Ở Sa Mạc Thế Kỷ Thứ Tư của tác giả Thomas Merton) có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề này. Trong đoạn thánh kinh này [mô tả], Viện phụ Lot đang gặp khó khăn trên con đường tâm linh của ông:
“Viện phụ Lot đến gặp Viện phụ Joseph và nói: ‘Thưa cha, trong giới hạn khả năng của mình, con tuân giữ tu luật, ăn chay, cầu nguyện, thiền định và chiêm nghiệm trong thinh lặng; và trong giới hạn khả năng của mình, con cố gắng thanh tẩy những suy nghĩ ra khỏi tâm trí; con nên làm gì nữa đây?’”
Đầu tiên, chúng ta hãy khen ngợi Cha Lot. Chiểu theo bất cứ tiêu chuẩn nào, thì rõ ràng ông là một người vô cùng kỷ luật. Tuy nhiên, ông cảm thấy rằng mặc dù ông đã thực hiện những hoạt động bề mặt — các nghi thức ăn chay, cầu nguyện, thiền định, và thinh lặng — nhưng ông vẫn chưa đạt đến những tầng thứ sâu hơn. Câu hỏi của ông — “Con nên làm gì nữa đây?”— có liên quan đến tất cả chúng ta trong cuộc trường chinh cuộc đời. Và tôi chắc rằng bạn có thể thấy câu hỏi này khó giải đáp đến thế nào, vì thực tế là Viện phụ Lot đang làm mọi việc rất đúng. Thật vậy, Viện phụ Lot đặc biệt đề cập tới hai lần về “giới hạn khả năng của [mình]”. Ông đã và đang làm hết sức mình rồi.
Trước khi tôi chia sẻ phần kết của câu chuyện này, độc giả nên dành thời gian để suy ngẫm về cách tiếp cận hoặc câu trả lời của mình dành cho Viện phụ Lot (hoặc một người có câu hỏi tương tự). Bạn sẽ trả lời như thế nào đây?
Câu trả lời của Viện phụ Joseph hé lộ: “Trưởng lão đứng dậy đáp lại, và giơ hai tay lên trời, các ngón tay của ông trở nên giống như mười ngọn đèn lửa. Ông nói, ‘Tại sao không biến thành lửa hoàn toàn?’”
Mặc dù cảnh tượng đó vô cùng sửng sốt, nhưng hình ảnh mang tính biểu tượng này dường như khó hình dung hoặc khó liễu giải đối với độc giả hiện đại. Điều đó có nghĩa là gì? Bên dưới biểu tượng tâm linh này, chúng tôi cũng tìm thấy một số lời khuyên thực tế kỳ lạ khác.
Nhưng trước tiên, để hiểu thấu đáo, chúng ta hãy giải nghĩa biểu tượng này ở cấp độ tâm linh.
10 ngón tay của Viện phụ Joseph phát sáng như “những ngọn đèn lửa.” Con số 10 này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tượng trưng cho 10 ngón tay của ông theo nghĩa bề mặt, mà còn là 10 điều răn — Tu luật — chính là những quy tắc và giới luật mà Viện phụ Lot rất say mê tuân theo, và ông tin rằng điều đó sẽ đưa ông đến thiên đàng.
Theo ý nghĩa huyền bí hơn, những ngón tay này cũng chỉ về mười quả cầu hoặc sự phát xạ từ Cây Sự Sống trong trường phái Kabbalah của người Do Thái. Mười quả cầu này (được gọi là Sephiroth trong tiếng Do Thái), phản ánh mười đặc tính trong tâm trí Chúa hay bản chất nội tại, tự nó tạo thành một bản đồ hay sơ đồ của vũ trụ. Một lần nữa, điều này tương quan với những quan niệm về trật tự và cấu trúc, khuôn khổ nghiêm ngặt mà Viện phụ Lot dựa theo để định hướng cuộc đời mình.
Nhưng nhìn qua sự chuyển hóa đáng kinh ngạc của Viện phụ Joseph, thì những quy luật này không ổn định. Chúng đang rực cháy! Và quả thực, đó là lời khuyên của Viện phụ Joseph dành cho Viện phụ Lot, “Tại sao không biến thành lửa hoàn toàn?” Nói cách khác, sẽ đến lúc mà những truyền thống và quy tắc cũ chỉ có thể đưa chúng ta đến một giới hạn nhất định. Cuối cùng, chúng ta phải đốt cháy và vượt ra ngoài chúng (thế nhưng, nghịch lý thay, chúng ta cũng là hiện thân của chúng). Sự khác biệt giữa Viện phụ Lot và Viện phụ Joseph là Viện phụ Lot tuân theo các quy tắc, trong khi Viện phụ Joseph nắm các quy tắc trong lòng bàn tay, và giữ nó cháy bỏng trong chính con người ông.
Hình ảnh ẩn dụ hay nhất mà tôi có thể đưa ra là lấy từ lĩnh vực âm nhạc. Một học sinh chăm chỉ có thể thuộc nằm lòng 24 hóa biểu (key signature), chơi được các âm giai (scale) tương ứng, biết được mọi “dấu hóa” (thăng hoặc giáng) tạo nên những hóa biểu này. Nhưng một bậc thầy có thể chơi trực tiếp và tìm thấy sự hài hòa cũng như vẻ đẹp mà không [cần] tuân thủ cứng nhắc theo một khuôn mẫu nhất định. Họ đã lĩnh hội sâu sắc những “quy luật” tạo nên vũ trụ thanh âm này, và do đó có thể thể hiện chúng một cách tự do.
Chuyển hóa bản thân
Do đó, bước cuối cùng của quá trình tự chuyển hóa bản thân ở cấp độ cao nhất là quên đi tất cả những gì chúng ta đã biết trước đây; cho phép quá trình chuyển hóa đó xảy ra; buông bỏ, hơn là cố ép mình thay đổi bằng những quy tắc hay các lề thói. Điều này tương đồng với những hình thức sâu sắc nhất của Phật giáo, trong đó nghịch lý của sự giác ngộ là tất cả chúng ta đều đã giác ngộ rồi — chỉ đơn giản là chúng ta không nhận ra điều đó ngay từ khởi đầu cuộc hành trình của mình.
Trong triết học Ấn Độ, tự ngã (jiva) hoặc cái tôi (ego) làm méo mó nhận thức của chúng ta về thực tại và thuyết phục chúng ta rằng chúng ta là những sinh mệnh có cuộc sống và bản sắc riêng chứ không phải là bộ phận của một tổng thể lớn hơn. Chúng ta nhìn thấy điều này ở Viện phụ Lot, người liên tục nhắc đến “giới hạn khả năng của tôi.”
Đầu tiên, khả năng của ông là vô hạn, điều mà Viện phụ Joseph đã nhận thức rõ ràng. Và thứ hai, không có “của tôi” hay cái “tôi” nào để thậm chí kinh qua giới hạn đó! Triết gia kiêm tác giả Jason Gregory mô tả đây là “trò đùa vũ trụ” mà người ta đạt đến sau khi giác ngộ, một thuật ngữ có thể khiến chúng ta nhớ đến “Thần khúc” của Dante, tất nhiên, đây là một câu chuyện khác về sự tự chuyển hóa.
Cuối cùng, chuyển hóa bản thân không bao giờ là con đường dễ dàng — và cũng không có điểm kết thúc rõ ràng. Vì, ngay cả khi chúng ta tiến xa trên con đường này như Viện phụ Lot, chúng ta thường phát hiện rằng vẫn còn rất nhiều điều để khám phá. Nhưng bằng cách ghi nhớ câu chuyện này, chúng ta có thể tìm ra những thời điểm quan trọng mà bản thân, hoặc khách hàng mà chúng ta đang giúp đỡ, cảm thấy bế tắc, và tự hỏi: “Tôi có thể làm gì hơn nữa?” Nếu đáp án đến vào lúc đó là, “Tại sao không biến thành lửa hoàn toàn?” thì chúng ta biết mình cần phải làm gì rồi!
Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times