Nghiên cứu: Chơi nhạc cụ giúp ngừa sa sút trí tuệ và duy trì sức khỏe bộ não khi về già
Những người chơi nhạc cụ là đàn phím hoặc kèn đồng có trí nhớ dài hạn tốt hơn, trong khi những người chơi kèn gỗ có chức năng điều hành tốt hơn.
Một nghiên cứu mới cho thấy chơi nhạc cụ hoặc ca hát có thể là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh; tập chơi nhạc giúp bộ não nhạy bén, đặc biệt khi bắt đầu có tuổi.
Báo cáo mới này được công bố trên International Journal of Geriatric Psychiatry (Tập san Quốc tế về Tâm thần Lão khoa). Kết quả cho thấy âm nhạc nên là một phần thường xuyên của lối sống lành mạnh, đặc biệt đối với người có nguy cơ cao bị chứng sa sút trí tuệ.
Để xác định mối liên quan giữa âm nhạc và chức năng nhận thức, một nhóm nghiên cứu từ Vương quốc Anh đã phân tích dữ liệu từ những người tham gia vào một nghiên cứu toàn quốc có tên Protect-UK (Bảo vệ-Anh quốc). Nghiên cứu này tập trung vào việc tìm hiểu cách bộ não khỏe mạnh lão hóa như thế nào và tại sao một người lại bị sa sút trí tuệ.
Trên trang web Protect-UK, Giáo sư Clive Ballard, trưởng khoa và là phó hiệu trưởng của Trường Y khoa Đại học Exeter cho biết, “Chúng tôi biết rằng nguy cơ bị chứng sa sút trí tuệ có thể giảm đi 1/3 qua việc cải thiện các yếu tố lối sống bắt đầu từ độ tuổi trung niên.” Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu được thu thập từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2022 từ 1,107 người từ 40 tuổi trở lên. Gần như tất cả (83%) người tham gia là nữ và hầu hết đều có trình độ học vấn cao, ít nhất là có bằng đại học. Độ tuổi trung bình là khoảng 68 tuổi.
Những người tham gia được hỏi số lần họ chơi nhạc cụ, ca hát, đọc nhạc và nghe nhạc. Trong suốt ba năm nghiên cứu, những người tham gia đã thực hiện ba bài kiểm tra để đánh giá trí nhớ dài hạn và các khía cạnh khác của chức năng nhận thức.
Có 89% người tham gia đã từng học chơi nhạc cụ nhưng chỉ 44% tiếp tục chơi vào thời điểm tham gia nghiên cứu. Trong số những người vẫn tiếp tục chơi nhạc cụ, có 37% cho biết họ luyện tập từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ mỗi tuần. 71% đã tham gia dàn hợp xướng và 15% đã trải qua khóa đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp. 83% đã học cách đọc nốt nhạc.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng những người chơi nhạc cụ thực hiện “tốt hơn các nhiệm vụ liên quan đến trí nhớ dài hạn và chức năng điều hành một cách đáng kể.” Đặc biệt, những người cho biết họ chơi đàn phím hoặc kèn đồng có điểm trí nhớ dài hạn cao. Những người chơi kèn gỗ thực hiện các nhiệm vụ chức năng điều hành tốt hơn một cách đáng kể. Những người cho biết họ ca hát cũng có điểm chức năng điều hành cao hơn.
Điều đáng chú ý là những người chơi nhiều nhạc cụ không có kết quả tốt hơn những người chỉ chơi một nhạc cụ. Nghe nhạc không ảnh hưởng đến hiệu suất nhận thức.
Các nhà nghiên cứu viết:
“Nghiên cứu này báo cáo mối liên quan giữa âm nhạc và chức năng nhận thức của những người lớn tuổi trên diện rộng, xác nhận mối liên kết rõ ràng, mật thiết giữa các yếu tố âm nhạc và hiệu suất nhận thức.
Những phát hiện này xác nhận những kết quả nghiên cứu trước đây, tăng thêm cơ sở thực chứng cho mối liên kết giữa việc tham gia vào [hoạt động] âm nhạc và sức khỏe nhận thức, đồng thời nhấn mạnh giá trị tiềm năng của giáo dục và việc tham gia các hoạt động âm nhạc trong cuộc đời như một phương tiện để khai thác khả năng dự trữ nhận thức [khả năng kháng suy thoái của bộ não], một lối sống để bảo vệ sức khỏe bộ não.”
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị rằng các giải pháp can thiệp y tế cộng đồng nên khuyến khích người lớn tuổi và người bị chứng sa sút trí tuệ kết hợp chơi nhạc cụ và ca hát hàng ngày hoặc hàng tuần. Hơn nữa, họ cho biết những phát hiện này trợ giúp các chính sách đẩy mạnh giáo dục âm nhạc từ sớm. Nghiên cứu cho thấy một người bắt đầu chơi một nhạc cụ càng sớm thì càng dễ tiến bộ.
Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Chứng sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến khoảng 1/3 dân số từ 85 tuổi trở lên, chơi nhạc cụ có thể là cách đơn giản và tiết kiệm chi phí để ngăn ngừa một vấn đề phổ biến nhưng có hại của quá trình lão hóa.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times