Đồng eNaira bắt buộc đầu tiên của Phi Châu gặp một thất bại nặng nề
Đồng eNaira của Nigeria được đưa vào sử dụng đại chúng ở một mức thấp đáng thất vọng’
Theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) nhằm khiến người dân không sử dụng tiền mặt mà sử dụng Tiền Kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC), đồng eNaira, đã không thành công.
Đồng eNaira, do CBN ra mắt vào ngày 25/10/2021, là đồng CBDC đầu tiên của Phi Châu. Trong một báo cáo hôm 16/05 của IMF, tổ chức này đã phân tích việc áp dụng đồng eNaira một năm sau khi ra mắt. “Việc sử dụng đồng eNaira của các gia đình và thương nhân đã diễn ra chậm chạp,” báo cáo lưu ý. “Như được thể hiện qua các mức độ tải ví tiền xuống và giao dịch, việc sử dụng đồng eNaira trong đại chúng cho đến nay vẫn thấp một cách đáng thất vọng.” Trong bất kỳ tuần nào, 98.5% ví kỹ thuật số eNaira đã không được sử dụng.
Chính phủ Nigeria ban đầu đã tìm cách khuyến khích sử dụng đồng eNaira này. Hồi tháng 08/2022, CBN đã loại bỏ các hạn chế truy cập để cho phép mọi người sử dụng đồng tiền kỹ thuật số này ngay cả khi không có tài khoản ngân hàng. Sau đó, hồi tháng 10/2022, họ bắt đầu giảm giá cho những người sử dụng đồng eNaira để thanh toán cho các dịch vụ taxi.
Tuy nhiên, vì không có biện pháp nào trong số này có thể khiến người dân Nigeria tránh xa tiền mặt nên chính phủ đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ. Hồi tháng 12/2022, CBN đã bắt đầu hạn chế rút tiền mặt. Giới hạn này đã bị đặt ở mức 100,000 naira (225 USD) mỗi tuần đối với các cá nhân, với các doanh nghiệp thì đang được giới hạn ở mức 500,000 naira (1,123 USD).
Sau đó, chính phủ đã quyết định thiết kế lại đồng tiền này, dẫn đến tình trạng thiếu tiền mặt. Những hạn chế sử dụng tiền mặt và tình trạng thiếu tiền khiến người dân Nigeria bất bình, với việc người dân đã xuống đường phản đối các chính sách được thi hành này.
Ký giả điều tra Nick Corbishley nói với chương trình “Crossroads” (“Giao lộ thông tin”) của EpochTV hồi tháng 12/2022 rằng, thành công của đồng eNaira có thể có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới, với nhiều ngân hàng trung ương khác nhau đang theo dõi xem đồng CBDC của Nigeria hoạt động như thế nào khi họ chuẩn bị đưa ra các loại tiền kỹ thuật số ở quốc gia của mình.
Nếu các ngân hàng có khả năng quyết định những gì các cá nhân và doanh nghiệp có thể và không thể tiêu xài tiền của họ vào, thì “đó sẽ là những mức độ kiểm soát chưa từng có đối với chúng ta.” Điều này có nghĩa là việc hạn chế các giao dịch tài chính của các cá nhân và doanh nghiệp ở một số không gian và địa điểm nhất định.
“Đây là những gì được gọi là tiền có thể lập trình,” ông nói trong khi so sánh việc giới hạn này với một “kiểu phong tỏa tài chính.”
“Đó là mất đi tính ẩn danh, đó là mất đi sự riêng tư, và đó là … sự hợp nhất của một quyền lực tập trung mà hầu hết chúng ta thậm chí còn không thể tưởng tượng được nó trông như thế nào.”
Tình hình sử dụng đồng eNaira
IMF cho biết sau một “sự gia tăng ban đầu” sau khi ra mắt, số lượt tải ví eNaira đã giảm dần. Trong khi chỉ mất 25 ngày để có 500,000 ví được tải xuống, thì phải mất 63 ngày để đạt 600,000 lượt tải xuống, và 143 ngày để đạt 700,000 lượt tải xuống.
Đến tháng 11/2022, chỉ có 860,000 ví được tải xuống, tương đương với chỉ 0.8% tài khoản ngân hàng đang hoạt động của quốc gia này.
Theo báo cáo, “Việc tải ví xuống của người bán đã đạt khoảng 100,000 lượt vào cuối tháng 06/2022, chiếm khoảng 1/11 số lượng người bán có Thiết bị Bán hàng (POS) — cho phép thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ.”
“Số lượng giao dịch bằng đồng eNaira trung bình kể từ khi bắt đầu lên tới khoảng 14,000 mỗi tuần — chỉ bằng 1.5% số lượng ví ở đó. Con số này có nghĩa là 98.5% số ví, trong bất kỳ tuần nào, chưa được sử dụng dù chỉ một lần.”
Những rủi ro của đồng CBDC
Báo cáo này của IMF cũng nêu ra những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng đồng eNaira CBDC. Đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương này cuối cùng có thể trở thành một giải pháp thay thế “an toàn hơn, rẻ hơn, và di chuyển nhanh hơn” đối với các khoản tiền gửi ngân hàng.
Ngay cả trong một “tình huống khả dĩ,” các ngân hàng có thể phải đối mặt với khả năng sinh lời thấp hơn sau khi đồng CBDC được đưa ra là tiền kỹ thuật số có thể ảnh hưởng đến chức năng cốt lõi của ngân hàng với vai trò là một nơi giữ tiền gửi. Điều này có một “hàm ý ổn định tài chính,” báo cáo này cho biết, “Hơn nữa, CBDC có thể làm tăng rủi ro của việc rút tiền gửi hàng loạt khỏi ngân hàng, thông qua việc hoạt động như một tài sản trú ẩn an toàn, trong những thời điểm hoảng loạn và khó khăn.”
Tổ chức này gợi ý rằng vấn đề đó có thể được giải quyết bằng cách hạ thấp “giới hạn nắm giữ” trong thời kỳ khó khăn tài chính và đã được CBN nêu ra khi thích hợp.
Báo cáo của IMF cũng cảnh báo rằng rủi ro Chống rửa tiền/Chống tài trợ khủng bố (AML/CFT) của CBDC có thể “chưa được hiểu biết đầy đủ.”
Báo cáo cho biết, “Trong phạm vi đồng eNaira tạo thuận lợi cho một sự dịch chuyển sang nền kinh tế không dùng tiền mặt, thì đồng tiền này có thể giảm bớt rủi ro AML/CFT. Tuy nhiên, yếu tố ẩn danh và hình thức kỹ thuật số của đồng tiền này cũng có thể mang lại những dạng rủi ro mới và chưa được kiểm chứng giống như các loại mã kim trong những năm gần đây (chẳng hạn như, bitcoin được yêu cầu làm một loại tiền chuộc trong các cuộc tấn công phần mềm mã độc gần đây).”
Hồi tháng 01/2022, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã xuất bản một tập bạch thư về CBDC có thể trông như thế nào. Họ đã yêu cầu ý kiến của công chúng về các vấn đề như rủi ro và lợi ích tiềm ẩn mà CBDC có thể mang lại cho đất nước. Hôm 20/04, Fed đã công bố các câu trả lời trong chín tài liệu.
Đa phần người Mỹ phản ứng tiêu cực với ý tưởng này.
Một sinh viên đến từ Texas cho thấy việc vi phạm quyền riêng tư, sự tiếp cận quá mức của chính phủ, và tin tặc là những rủi ro do CBDC gây ra. “Với loại tiền kỹ thuật số này, chính phủ sẽ có thể chiếm đoạt những sự tự do mà công chúng không biết/đồng ý.”
“Những tin tặc điện tử và nhân viên an ninh mạng giỏi nhất không làm việc cho chính phủ. Họ làm việc trong khu vực tư nhân. Thật là ngây thơ khi nghĩ rằng, với kinh nghiệm của chính phủ, rằng chính phủ có thể được tin tưởng để bảo vệ một tài sản như vậy.” Người này cảnh báo rằng CBDC cũng có thể kích hoạt một “cuộc tháo chạy khỏi các tổ chức tài chính.”
Ông Rodger Reed từ California cho biết: “Nền kinh tế của chúng ta phải duy trì một chức năng của nhiệm vụ hiến định do những nhà lập quốc tạo ra. Theo đó, một đồng CBDC không phục vụ người dân Mỹ theo cách mà đồng tiền lành mạnh làm được như vậy.”
Khi Fed hỏi, “Những lợi ích tiềm năng hơn nữa, những sự xem xét về chính sách, hoặc những rủi ro nào của một đồng CBDC có thể tồn tại mà chưa được nêu ra trong bạch thư này?” ông Charles Dowling từ Colorado cho biết: “Những ai nhận thức được thực tế đều không tôn trọng chính phủ dù thế nào. Và có thể sẽ không sử dụng đồng CBDC của quý vị. Và không ai muốn một chính phủ bất hợp pháp, vi hiến nhúng tay vào công việc làm ăn của họ.”
Một phân tích của Viện Cato đã cảnh báo rằng đồng CBDC gây ra một mối đe dọa căn bản đối với các hệ thống kinh tế của Hoa Kỳ. Phân tích này cho rằng đồng CBDC của Hoa Kỳ cuối cùng sẽ “tiếm đoạt” khu vực tư nhân và gây nguy hiểm cho những sự tự do cốt lõi của các công dân Mỹ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times