Đôi Giày Thủy Tinh và Những Bà Tiên Đỡ Đầu: Câu chuyện cổ tích của mọi thời đại
Câu chuyện của cô nàng Lọ Lem chính là hiện thân cho các đức tính của sự thuần khiết, một trái tim thấu hiểu và khao khát một tình yêu đích thực.
Tác giả Charles Perrault (1628 – 1703) đã đạt được nhiều thành tựu trong nhiều năm liền khi ông xây dựng tượng đài vĩ đại nhất của mình.
Trong hơn 30 năm, ông Perrault đã làm việc với vai trò của một công chức, thường xuyên làm việc cho Đức Vua Louis XIV. Ông đã viết các bài thơ và cuốn sách nhỏ để ca ngợi những chiến thắng quân sự và thành tựu của Đức Vua Mặt Trời.
Là đại diện hàng đầu của các văn phòng hoàng gia, ông đã chỉ định anh trai của mình, một kiến trúc sư, để hoàn thành dự án Louvre và xây dựng Đài Thiên Văn Paris. Ông phục vụ với vai trò là một thư ký của Học Viện Inscriptions and Belles-Lettres mới thành lập, hỗ trợ cho sự thành lập của Học Viện Khoa Học, và giữ chức vụ Viện Trưởng Viện Hàn Lâm nước Pháp.
Thậm chí trước khi nghỉ hưu ở tuổi 55, ông Perrault cũng đã viết rất nhiều bài thơ, thường là các bài thơ dài về chủ đề Cơ Đốc Giáo. Thêm nữa, ông đã soạn thảo một tác phẩm gồm bốn tập về việc bảo vệ nghệ thuật và khoa học trong thời đại của mình, trái ngược với những người ưa thích nền văn hóa La Mã và Hy Lạp cổ đại.
Bất chấp những cống hiến của ông Perrault cho cộng đồng, thì thời nay chỉ có những nhà sử học là còn nhớ đến những thành tựu của ông mà thôi. Phần còn lại của thế giới chỉ biết đến ông như một vị cha đẻ của một câu chuyện cổ tích.
Vào năm 1697, dưới cái tên của người con trai út – do sợ hãi sự thù địch của các đối thủ trong văn chương – ông Perrault đã cho công bố “Những Câu Chuyện và Giai Thoại Về Đạo Đức của thời Xưa” (“Histoires ou Contes du Temps Passé”), còn được biết đến với tên phụ là “Những Giai Thoại về Mẹ Ngỗng” (“Les Contes de Ma Mère l’Oie”). Ban đầu là tập hợp lại tất cả tám câu chuyện truyền thống được truyền miệng trong dân gian, sau đó ông Perrault rất nhanh đã bổ sung thêm ba câu chuyện nữa vào tuyển tập “Mẹ Ngỗng” của ông.
Vào thời điểm ông qua đời, các quyển sách của ông được bán một cách rộng rãi, được tìm mua bởi những khán giả mà họ đã từng được nghe về những câu chuyện này khi còn là trẻ con và mong muốn được chia sẻ lại với con của mình. Hơn một thế kỷ sau đó, khoảng giữa năm 1842 và 1913, khoản 230 phiên bản của tuyển tập đã được độc giả tìm đọc trên phạm vi toàn thế giới.
Một trong số đó chính là “Cô bé Lọ Lem, hoăc Đôi giày thủy tinh nhỏ nhắn” (“Cendrillon ou la Petite Pantoufle de Verre”). Đây là một trong số các câu chuyện cổ tích nổi tiếng nhất và được phổ biến rộng rãi nhất trên toàn cầu.
Tiêu chuẩn: Perrault
Mặc dù có nhiều phiên bản khác nhau tồn tại, tuy nhiên phiên bản của tác giả Perrault vẫn luôn là khuôn mẫu của những câu chuyện về Cô Bé Lọ Lem.
Trong câu chuyện cổ tích của ông có những chi tiết mà chúng ta vô cùng quen thuộc: người mẹ kế tàn nhẫn, hai người chị kế bẩn tính, và bà tiên đỡ đầu đã giúp cho điều ước được tham gia vũ hội ở hoàng cung của Lọ Lem thành hiện thực. Với phép thuật của mình, bà tiên đỡ đầu đã biến một quả bí ngô thành cỗ xe, biến sáu con chuột thành những con ngựa lộng lẫy, biến một con chuột khác thành người đánh xe, và biến sáu con thằn lằn thành người hầu. Thêm một cái chạm với phép thuật của mình, bà đã biến quần áo của Lọ Lem thành bộ váy dạ hội lấp lánh vàng và bạc, được trang hoàng lộng lẫy hơn nữa với nhiều nữ trang.
Khi nhân vật nữ chính của chúng ta đi dự vũ hội, cô đã được bà tiên đỡ đầu cảnh báo trước là khi đồng hồ điểm đúng vào lúc nửa đêm, thì trang sức, xe ngựa và đoàn tùy tùng của cô toàn bộ đều mất hết phép thuật và trở lại nguyên dạng ban đầu. Ngay khi cô vừa đặt chân vào đại sảnh đường của cung điện hoàng gia, toàn bộ vũ điệu và âm nhạc đều dừng lại, cả đám đông đột nhiên lặng đi, “tất cả mọi người đều bị mê hoặc bởi vẻ đẹp kỳ diệu của vị khách vô danh vừa tiến vào.” Chính bản thân chàng hoàng tử cũng bị say mê với vẻ đẹp và sự duyên dáng của nàng đến nỗi chàng “không thể rời mắt một chút nào.”
Trong câu chuyện của tác giả Perrault, Lọ Lem đã rời khỏi vũ hội trước lúc nửa đêm, rồi đêm hôm sau cô quay trở lại thậm chí còn lộng lẫy hơn, vẻ đẹp huyền bí của cô đã làm những người có mặt một lần nữa say mê – tuy nhiên lần này cô đã không chú ý đến thời gian và hầu như không kịp ra về trước khi trang phục và trang sức của cô bị biến trở lại thành những đồ rách nát. Cô chật vật quay trở về nhà với chỉ một chiếc giày thủy tinh của mình, chiếc còn lại đã bị cô đánh mất trong lúc vội vàng chạy trốn khỏi buổi vũ hội.
Chàng hoàng tử đang trong men say kia đã quyết định rằng người con gái nào có thể mang vừa chiếc giày này sẽ trở thành cô dâu của mình. Mặc dù bị chế nhạo bởi những người chị kế xấu tính, Lọ Lem vẫn yêu cầu được ướm thử chân mình vào chiếc giày. Và rồi, khi đôi chân ấy đã thật sự mang vào chiếc giày kia mọt cách hoàn hảo, “như thể nó được làm bằng sáp vậy”, thì cô đã lấy ra chiếc còn lại từ trong túi của mình ra.
Bà tiên đỡ đầu của cô xuất hiện, chạm vào cô bằng cây đũa phép của mình, một lần nữa Lọ Lem lại tỏa sáng rực rỡ như khi cô ở tại buổi vũ hội hôm trước. Những người chị kế đã sà vào ôm chặt lấy chân Lọ Lem và cầu xin sự tha thứ đối với những hành vi ngược đãi của họ. Lọ Lem đã ôm chầm lấy những người chị của mình và đều tha thứ cho họ, nói rằng cô mong muốn rằng “chúng ta hãy yêu thương nhau mãi mãi”.
Sau khi kết hôn với hoàng tử, Lọ Lem, “một người phụ nữ mà lòng tốt cũng không kém vẻ đẹp” đã đưa những người chị gái của mình vào trong lâu đài và tìm cho họ hai vị lãnh chúa để lấy làm chồng.
Cô bé Lọ Lem bên ngoài các trang giấy
“Cô bé Lọ Lem” của ông Perrault không chỉ xuất hiện trong hàng trăm phiên bản khác nhau, gồm cả các tuyển tập, mà còn thu hút khán giả bằng cả các vũ đạo, trò chơi và phim ảnh. Chỉ mới trong tháng Mười vừa qua chính là một ví dụ, biên đạo múa ông Ben Stevenson đã đạo diễn vở “Cinderella” của nhà soạn nhạc người Nga ông Sergei Prokofiev cho đoàn Ba Lê Philadelphia
Nỗ lực đầu tiên để đưa câu chuyện của ông Perrault lên phim là vào năm 1899, một bộ phim ngắn của Pháp được coi như là đã thất bại. Tuy nhiên, kể từ lúc đó, có khá nhiều bộ phim lấy nội dung về các bé gái và bà tiên đỡ đầu của mình, và thành công nhất trong số đó là cái tên đến từ hãng phim Walt Disney, đã thu hút rất đông khán giả đến rạp.
Một ví dụ nữa, vào năm 1957, chúng ta có một sự kiện đáng nhớ như thế này. Nhà soạn nhạc Richard Rodgers và nhà biên kịch kiêm đạo diễn sân khấu ông Oscar Hammerstein II đã thực hiện một vở nhạc kịch “Cinderella” trên truyền hình. Chương trình chỉ có một lần duy nhất này – sau đó đã được “phát trực tiếp” trên truyền hình – đã được hơn 107 triệu người xem, tạo nên một lượng khán giả xem truyền hình lớn nhất trong lịch sử tại thời điểm đó, số lượng người xem đạt đến 60% dân số Hoa Kỳ.
Mặc dù phần trình diễn đó đã biến mất ngay sau khi chương trình kết thúc, tuy nhiên một buổi thử trang phục đã được quay phim lại, và khán giả có thể xem quá trình sản xuất đó cùng với đoạn độc thoại mở màn của ngôi sao của vở nhạc kịch, diễn viên Julie Andrew, trên kênh Youtube.
Thời gian gần đây, đạo diễn Kenneth Branagh và nhà biên kịch Chris Weitz đã cùng nhau cộng tác trong bộ phim xuất sắc “Cinderella” do người thật đóng được công chiếu vào năm 2015. Trong bộ phim của mình, chỉ có một số chi tiết nhỏ được thay đổi, họ đã bám sát cốt truyện nguyên gốc của ông Perrault.
Kỹ xảo điện ảnh được hoàn thiện một cách công phu, trang phục lộng lẫy, và các diễn viên – đặc biệt là nữ diễn viên Lily James trong vai Lọ Lem, nam diễn viên Richard Madden trong vai hoàng tử, và nữ diễn viên Cate Blanchett trong vai người mẹ kế – đã cống hiến phần diễn xuất một cách vô cùng xuất sắc. Nhưng chắc chắn nhất giá trị to lớn nhất của bộ phim chính là bức chân dung về tình yêu, sự lãng mạn và đức tính cao thượng.
Cả hai đạo diễn Branagh và Weit đều không bao giờ quên rằng họ đang kể lại một câu chuyện cổ tích bất hủ, và vì để loại bỏ tất cả những xâm phạm của đặc tính hiện đại – như tính chỉ trích, nữ quyền và chính trị – những thứ có thể làm hỏng câu chuyện mà họ muốn kể lại. Một số nhà phê bình đã bị ấn tượng bởi ý thức đạo đức sâu sắc của bộ phim, bao gồm cả một số nhà phê bình có liên kết với một số ấn phẩm tôn giáo. Như ông Michael Jameson của tạp chí Catholic World Report đã viết như sau:
Điều tươi mới nhất của bộ phim này là, tại một số thời điểm cao trào, nó đã phác họa một thế giới mà trong đó sự lựa chọn với đạo đức cao thượng chính là một sự lựa chọn tốt đẹp tuyệt vời nhất, và lý do của sự dễ mến của nhân vật lại không phải là vẻ ngoài đặc biệt hấp dẫn của cô, mà chính là sự thuần khiết tuyệt đối và một trái tim bao dung, bám sát theo một tiêu chuẩn khá truyền thống.
Bài học đạo đức trong câu chuyện này chính là…
“Mẹ phải nói cho con một bí mật, bí mật sẽ giúp con vượt qua mọi thử thách mà cuộc đời này có thể sẽ mang đến cho con,” đó chính là lời thoại mà người mẹ sắp qua đời nói với Lọ Lem trong bộ phim của đạo diễn Branagh. “Hãy thật dũng cảm và thật tốt bụng.”
Lời khuyên thông thái này đã được quán xuyến trong cả bộ phim, cũng như việc tác giả Perrault đã gắn kết mỗi bài học đạo đức vào từng câu chuyện cổ tích của mình. Trong thực tế, với trường hợp của “Cô bé Lọ Lem,” ông Perrault đã mang đến cho độc giả đến hai bài học đạo đức mà có thể đúc kết ra từ câu chuyện:
Bài học đạo đức: Sắc đẹp của một người phụ nữ là một kho báu quý giá sẽ luôn luôn được ngưỡng mộ. Tuy nhiên, lòng nhân ái lại là vô giá và thường mang đến giá trị thậm chí còn vĩ đại hơn nhiều. Đó chính là điều mà bà tiên đỡ đầu của Lọ Lem đã ban cho cô khi bà dạy cho cách cư xử như một nữ hoàng. Một người phụ nữ trẻ, để chiến thắng trái tim của người khác, thì sự duyên dáng lại là thứ quan trọng hơn rất nhiều so với một mái tóc đẹp. Đây chính là món quà thật sự của những vị thần tiên. Có được thì không gì là không thể, nhưng thiếu vắng thì mọi thứ đều là bất khả thi.
Một bài học đạo đức khác: Không có gì để có thể nghi ngờ, sự thông minh, lòng dũng cảm, giáo dưỡng tốt, và sự lương thiện chính là những lợi thế to lớn. Những đặc điểm này, và những tài năng tương tự như thế chỉ có thể là đến từ thiên đường, và thật tốt khi có được chúng. Tuy nhiên, thậm chí là với những đức tính này thì cũng không phải lúc nào cũng thành công, nếu như không có sự chúc phúc hoặc trợ giúp từ những vị thần tiên đỡ đầu.
Một thông điệp được nhắn gửi đặc biệt dành riêng cho chúng ta
Từ cả hai câu chuyện của ông Perrault và bộ phim của ông Branagh, con người hiện đại chúng ta có thể rút ra thêm một bài học nữa từ nàng Lọ Lem về giá trị và vẻ đẹp của sự ngây thơ. Ở cái thời đại chúng ta ngày nay, khi mà nhiều người muốn trẻ em được dạy về tình dục như thể đó chỉ đơn giản như một khóa học về cơ khí tự động vậy, và khi mà thậm chí những định nghĩa về một người đàn ông và một người phụ nữ cũng được đem ra để tranh luận, thì câu chuyện của Lọ Lem có thể đóng một vai trò đối trọng.
Câu chuyện của cô chính là hiện thân cho các đức tính của sự thuần khiết, của một trái tim không bị vấy bẩn bởi lòng thù hận dù bị đối xử ác độc, một trái tim thấu hiểu và khao khát một tình yêu đích thực.
Tác phẩm điện ảnh “Cinderella – Cô bé Lọ Lem” kết thúc bằng dòng chữ sau: “Và nàng Ella tiếp tục nhìn ngắm thế giới không phải như nó vốn có, mà là theo cách mà nó nên có, nếu chỉ có mỗi mình bạn tin vào lòng dũng cảm, lòng nhân ái, thì thỉnh thoảng, chỉ cần thêm vào một chút… phép thuật mà thôi.”
Trẻ con của chúng ta cần những phép thuật này.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times