Câu chuyện cổ tích được dịch ra 34 tiếng truyền cảm hứng cho cả trẻ em và người lớn
Một câu chuyện cổ tích giản dị để truyền tải bài học về lòng tốt cho trẻ em đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực và nó đã được xuất bản thành sách và được dựng thành một buổi biểu diễn âm nhạc.
Trao đổi với chúng tôi, tác giả Lyudmila Orel – một nhà trị liệu ngôn ngữ sống ở Ukraine chia sẻ lý do vì sao “Câu chuyện cổ tích về hoa sen” của cô, lúc đầu chỉ để viết cho trẻ em lại có thể gây tiếng vang và được cả người trưởng thành yêu thích và truyền cảm hứng cho mọi người ở nhiều lứa tuổi.
Câu chuyện kể về cuộc hành trình trưởng thành của một hạt sen nhỏ bị vùi sâu dưới làn nước của Hồ Phép Thuật. Con đường đầy gian nan của hạt giống đòi hỏi nó phải chiến thắng những sinh vật lạ để có thể vươn lên từ vùng nước tối tăm trở thành một bông hoa sen lộng lẫy. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là điều này chỉ có thể thực hiện được khi nó ghi nhớ những gì mà Đại Bạch Liên Hoa đã dạy: “Ba Báu Vật – Chân, Thiện, Nhẫn”.
Orel nói lý do vì sao câu chuyện cổ tích giản dị của cô lại chạm đến trái tim độc giả trên khắp thế giới là bởi vì “thông điệp đầy năng lượng mạnh mẽ về quy luật vĩnh cửu của Chân, Thiện và Nhẫn.”
“Mọi người đều tìm sự hồi đáp của “Ba Báu Vật” này ở trong tâm hồn của mọi người, mọi lứa tuổi. Mọi người đều cần các giá trị đó. Mọi người nên có mong muốn tu sửa những gì đang sai lệch với giá trị này”, Orel nói.
“Cuộc sống của mỗi chúng ta đều giống như một câu chuyện cổ tích, Bông Sen Vĩ Đại đang chờ đợi chúng ta và hy vọng rằng chúng ta có thể hoàn thiện bản thân trong suốt cuộc đời mình.”
Câu chuyện Cổ tích Hoa sen, được phát hành lần đầu bằng tiếng Nga năm 2013 với 10.000 bản và hiện đã có trên mạng internet và dịch ra 34 ngôn ngữ, và ba ngôn ngữ đang trong công đoạn dịch cuối cùng.
Một độc giả đến từ Odessa, một thành phố ở Ukraine, đã nói với cô rằng câu chuyện cổ tích này nói về “điều quan trọng nhất” trong cuộc sống”, rằng “đây không phải là một câu chuyện của trẻ con. Đây là câu chuyện dành cho người lớn. Tất cả người lớn cần đọc nó là một điều rất quan trọng.”
Một độc giả là nam tới từ Armenia nói “Đây là câu chuyện về tôi!”.
Sự thay đổi của hôm nay để ngày mai hạnh phúc
Orel quyết định chọn hoa sen làm nhân vật chính trong câu chuyện của mình khi một người bạn dạy trong trường học hỏi liệu cô có thể soạn một bài giảng đạo đức cho trẻ em không. Cô giải thích rằng hoa sen không chỉ tượng trưng cho sự thuần khiết và lòng từ bi ở phương Đông mà còn là biểu tượng của sự hoàn thiện bản thân. Cô hi vọng rằng câu chuyện cổ tích này sẽ khuyến khích các cuộc thảo luận giữa cha mẹ, các nhà giáo, và trẻ em về một nền tảng đạo đức vững chắc có thể giúp đỡ bất cứ ai khi đối mặt với tình huống khó khăn trong cuộc sống.
“Tôi tin rằng khi một người có nền tảng giá trị đạo đức vững chắc từ khi còn nhỏ, họ sẽ có một công cụ để phân biệt giữa thiện và ác, có cơ hội để sống một cuộc sống xứng đáng, không đánh mất bản thân và chống lại được những cám dỗ”, Orel nói.
Irina Vetryak, giám đốc Nhà hát Trẻ em Odessa, đã dàn dựng một buổi biểu diễn âm nhạc dựa trên Câu chuyện cổ tích Hoa Sen và mời Orel giao lưu với một số diễn viên nhí từ 5 -7 tuổi, trong một buổi tiệc trà đầy bất ngờ.
Orel nói: “Chúng tôi uống trà, nói chuyện và sau đó làm hoa sen giấy origami. Và vào cuối buổi, các em tự biến mình thành bông sen nhỏ – chúng ngồi trong tư thế hoa sen và giữ tâm trí tĩnh lặng, để cảm nhận sự bình an trong nội tâm.”
Vetryak đã kể với Orel về việc bọn trẻ đã thay đổi như thế nào trong hành vi và kết quả học tập ở trường. Có một câu chuyện thú vị nổi bật: Một diễn viên 16 tuổi nhận xét sau buổi diễn, “Cô có thấy rằng em đã không còn nói lắp nữa không?”
Vì các nguyên tắc đạo đức được viết trong câu chuyện cổ tích cũng có thể áp dụng trong các tình huống thực tế của cuộc sống, một số phụ huynh thậm chí cũng đã tự tao ra phiên bản câu chuyện của riêng mình.
Orel nhớ lại một người mẹ đã chia sẻ rằng hành vi của con gái cô trước đây hơi khôn lỏi. Để sửa chữa hành vi của con gái mình, người mẹ đã nói với con gái rằng, “Hành vi như thế thì ở đâu có thể chấp nhận được? Chỉ trong thế giới âm u mà thôi! Đây là mưu mẹo của con Cóc xảo quyệt đấy!”
Trong cuộc sống hàng ngày, Orel thường nói với những bậc phụ huynh đang phàn nàn về hành vi của con cái họ, hãy lập danh sách và dán vào tủ lạnh. Orel tin rằng con cái phản ánh hành vi của chính cha mẹ chúng; do đó, mục đích của cô là liệt kê ra những thói quen không thể chấp nhận được là để cha mẹ cố gắng thay đổi bản thân mình trước khi giải quyết hành vi của con cái họ.
“Lúc đầu, các bậc phụ huynh kinh ngạc, nhưng rồi họ bật cười. Những ai cố gắng thực hành theo, thì danh sách đó chính là một bản kế hoạch cụ thể để hoàn thiện bản thân”, cô nói. “Nó thật sự hiệu quả”.
Từ các giá trị đạo đức phổ quát của Chân, Thiện, Nhẫn, Orel cũng gợi ý có nhiều giá trị quan trọng trong gia đình được truyền thừa từ những thế hệ xưa như “chân thành, cởi mở, vị tha, sẵn sàng giúp đỡ, tôn trọng, và chăm chỉ” v.v.
Ví dụ, Orel kể rằng cha mẹ cô có niềm tin vào cuộc sống lương thiện, không ghen tị với người khác. Cha cô đã dạy cô rằng, “Hãy sống trung thực và con sẽ có giấc ngủ bình yên.”
“Một điều rất quan trọng là phải chú trọng dạy những giá trị này cho trẻ em,” cô nói. “Tôi biết ơn cha mẹ vì tôi đã lớn lên trong một môi trường như vậy.”
Orel hy vọng rằng câu chuyện cổ tích của cô và “Ba Báu Vật” đề cập trong câu chuyện sẽ giúp mọi người trong cuộc sống của họ.
“Chúng ta, những người mà chúng ta yêu thương, và thế giới này rất cần những phẩm chất vô giá này”.
Nguồn cảm hứng sáng tác của Orel
Nói thêm về “Ba Báu Vật” được đề cập trong câu chuyện cổ tích của cô, Orel chia sẻ rằng, các giá trị đạo đức này bắt nguồn từ một môn tu luyện tinh thần cổ xưa Pháp Luân Đại Pháp mà cô đã thực hành từ năm 2001.
Orel từng bị đau cột sống nặng do thoát vị đĩa đệm và được chuẩn đoán bị viêm amidan mãn tính. Do hạn chế về tài chính, Orel không có nhiều phương pháp điều trị để lựa chọn. Cô quyết định đi tập vật lý trị liệu, và cô đã tìm được Pháp Luân Đại Pháp.
Trong một buổi làm vật lý trị liệu, người hướng dẫn của cô nói với cô rằng những động tác cô đang làm là “các tư thế của khí công” và điều này đã khuyến khích cô tìm kiếm một môn khí công nếu nó giúp cô đỡ đau hơn. Ba tháng sau, Orel nhìn thấy một thông báo trên đường phố về một khí công miễn phí có tên là Pháp Luân Đại Pháp.
Orel cho biết nhờ luyện công, cô đã dần dần khỏe lại. Cô cũng dần học cách nhìn sự việc khác đi, theo hướng tích cực hơn khi gặp phải vấn đề.
“Chúng ta không nên tìm ai đó để đổ lỗi cho các vấn đề của mình và nên cố gắng nhớ rằng hầu như không có cơ hội để thay đổi người khác”, Orel nói. “Nhưng bằng cách thay đổi bản thân, chúng ta có thể thay đổi môi trường của mình một cách tự nhiên ở một mức độ nhất định”.