Đôi dòng cảm tưởng về nữ tướng Hoa Mộc Lan
Nàng lội qua dòng suối, chợt nhớ về chiếc gương ngọc khung vàng bên đầu giường. Nàng băng qua núi rừng, chợt nhớ về con đường đá xanh, hai bên có hàng rào hoa nở, cỏ cây um tùm. Nàng nhìn màu khói lửa xám xịt, chợt nhớ khói lam chiều khi nhà nhà đang nhóm bếp nấu cơm…
Do chiến tranh hai nước Bắc Nguỵ và Nhu Nhiên, cũng chính là cuộc hành quân của mạt Tuỳ và Đột Quyết, nàng buộc phải cải trang thành “chàng”. Nàng gác lại dung mạo và tâm tư của nữ nhi, khoác trên mình thiết y, cưỡi chiến mã, đem tất cả hồng trần chôn vùi dưới vó ngựa, vào sinh ra tử cùng đồng đội suốt 12 năm.
Trên thế gian có một loài hoa, tên là Mộc Lan. Tương truyền loài hoa này có thể cao tới 5 mét, nở hoa trước rồi mới ra lá. Vậy nên mỗi dịp mộc lan khai hoa, người ta đều có thể nhìn thấy thân cành khẳng khiu cao vút, cùng những cánh hoa trắng tinh khôi, vươn mình kiêu hãnh trên cành. Đóa hoa không rực rỡ màu mè, tượng trưng cho tâm hồn cao thượng trắng ngần khiến người người bội phục.
Trong lịch sử cũng có một nữ tử tên là Mộc Lan. Sách sử không ghi chép diện mạo của nàng cũng như ngày sinh năm mất. Năm ấy chiến tranh nổ ra, nàng vì sự an toàn của cha già và ấu đệ, cũng như cuộc sống bình yên của cả nhà, từ một nữ nhi khuê phòng, nàng đã bước ra chiến trường, nữ cải nam trang đầu quân đi đánh giặc, cuối cùng mang theo chiến thắng vẻ vang trở về quê hương. Câu chuyện về nàng đã khắc sâu vào tâm trí của mọi người suốt hàng ngàn năm.
Bài phú “Mộc Lan Từ” đã kể về thời thanh xuân tươi đẹp nhất trong cuộc đời của Mộc Lan. Có lẽ vì bài thơ có nhịp điệu tương đối nhanh, nên mỗi lần nhớ đến nó, tác giả luôn luôn thấy tiếng trẻ giòn tan văng vẳng bên tai. Câu chuyện vốn là tấm bi kịch của một gia đình bị chia cắt suốt mười hai năm, vốn là tình cảnh người con gái buộc phải cải trang thành nam nhân, nhưng trong bài thơ lại không hề xuất hiện dấu vết của những lời bi thương ai oán. Ngược lại, nó cứ nhẹ nhàng như nước chảy mây trôi và tràn đầy thi vị. Ít nhất là, khi đọc bài thơ này vào thưở thiếu thời, tác giả đã hoàn toàn bị thu hút bởi truyền kỳ về người con gái dũng cảm gan dạ này, và tràn đầy ngưỡng mộ trước cảnh tượng nàng chiến đấu nơi sa trường. Để rồi đến tận hôm nay, hình ảnh về nàng vẫn ghi lại trong trái tim, đến nỗi khi đọc lại bài thờ “Mộc Lan Từ”, đã mở ra nhiều trải nghiệm thú vị hơn về nàng.
“Than thở lại thở than, Mộc Lan dệt bên cửa.” Đó là lời mở đầu của bài thơ “Mộc Lan Từ”. Âm thanh vọng ra không phải là tiếng dệt vải kẽo kẹt, mà lại là tiếng thở dài âu sầu của người phụ nữ. Nếu Mộc Lan chưa từng tòng quân, thì nàng mãi là người phụ nữ quanh quẩn trong khuê phòng, cần cù khéo léo, làm việc từ lúc mặt trời mọc và nghỉ ngơi khi màn đêm buông xuống. Cuộc sống của nàng vĩnh viễn êm đềm trôi qua hết ngày này đến ngày khác. Nhưng vào một đêm nọ, một tờ công cáo đã phá vỡ cảnh bình yên nơi thôn làng, biên quan cấp báo, triều đình chiêu binh, quân dân góp sức bảo vệ đất nước, chống quân xâm lược. Theo chính sách lúc bấy giờ, mỗi nhà đều phải cử một người đi lính, nhưng chuyến đi lần này, sinh tử ra sao đều không hề chắc chắn.
Cô nương Mộc Lan vừa dệt vải bên khung cửa, nhưng trong lòng lại chất chứa biết bao lo lắng. Bảo vệ gia đình và đất nước là trách nhiệm chung của mọi người trong thiên hạ, khi đất nước cần, làm sao có thể làm chuyện đáng xấu hổ như đào ngũ trốn binh? Đây cũng là lời dạy dỗ của phụ thân dành cho ba chị em nàng. Nhưng cha tuổi già sức yếu, tiểu đệ còn ở tuổi ấu thơ, bất kể là ai ra chiến trường cũng đều lành ít dữ nhiều.
Ngoài những lời răn dạy của bậc Thánh hiền, Mộc Lan còn thừa hưởng bộ óc kiên nhẫn và lý trí của người cha đã nhiều năm chinh chiến. Trong thời khắc then chốt liên quan đến tồn vong của cả năm thành viên trong nhà, nàng không thể cứ mãi là đứa con gái bé bỏng nghe lời cha mẹ, mà phải giống như trưởng tử trong nhà, gánh trên vai trọng trách lớn lao để cha mẹ an hưởng tuổi già, để đệ đệ và tỷ tỷ yên tâm phụng dưỡng cha mẹ.
Nàng qua chợ Đông mua tuấn mã, chợ Tây mua yên ngựa, chợ Nam mua dây cương, chợ Bắc mua trường tiên (roi dài, vũ khí thời xưa). Nàng đã đưa ra một quyết định táo bạo, và hành động không do dự. Nàng đã mua đầy đủ trang bị hành quân chiến đấu, sau nhiều năm bên cha học hỏi, nàng rất hiểu binh sĩ cần trang bị những gì khi chiến đấu. Hơn nữa cô nương Mộc Lan cũng rất tự tin, nàng từ nhỏ đã ôm hoài bão và lý tưởng của đấng nam nhi, và cũng tin chắc rằng mình sẽ là một diễn viên xuất sắc, hoàn thành tốt vai diễn tướng quân gan dạ dũng cảm nơi sa trường.
Nàng còn lấy bộ thiết giáp mà phụ thân đã cất giữ từ lâu trong tủ ra mặc. Bộ áo giáp này đã đi theo phụ thân suốt chặng đường anh dũng đánh giặc, bảo vệ phụ thân hóa hung thành cát. Khi bàn tay nàng vuốt ve từng mảnh giáp phiến, nó giống như người bạn cũ vừa lạ vừa quen, thủ thỉ bên tai nàng về những nguy hiểm và chiến tích vẻ vang của người cha trong từng trận chiến. Nó còn tranh thủ kể cho nàng tấm giáp phiến nào từng nhuốm máu của kẻ địch, tấm nào là máu của cha mình. Khi khoác lên mình bộ giáp này, nàng sẽ trở thành một nam tử tòng quân xuất thân từ Hoa gia, sẽ kế thừa lòng gan dạ quả cảm và trung hiếu với nước của phụ thân, một lòng bảo vệ đất nước và mở mang bờ cõi. Nàng chẳng cầu lập được chiến công hiển hách, chỉ mong sao người thân an lòng.
Mộc Lan không kịp nói lời từ biệt, không kịp ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà thân thương của mình, càng không nỡ nhìn ánh mắt nghẹn ngào của cha mẹ chị em, mà vội vàng cùng đoàn hành quân gấp rút lên đường.
Chiến sự đang nước sôi lửa bỏng, đại quân sau khi xuất phát, họ phải trải qua một chặng đường dài, mỗi ngày đi ngàn dặm, qua Hoàng Hà đến núi Yến Nhiên. Sau khi băng qua đồi núi, lại đến đồng hoang, lội qua sông băng, bộ hành qua sa mạc…. Chỉ trong mấy ngày, đoàn quân của Mộc Lan đã đến được pháo đài quan ở biên giới phía Bắc. Khói lửa, tà dương, đường mòn, gió bấc, bão tuyết, là hoàn cảnh hàng ngày nàng phải đối mặt. Đương nhiên, còn có vô số trận chiến lớn nhỏ, nơi đồng đội của Mộc Lan, có lúc lập được chiến công, có lúc thất bại quay về, có người ngã trên lưng ngựa, để rồi vĩnh viễn nằm lại đó nơi chiến trường khốc liệt. Thế nên, trong mắt nàng, màu mực đậm nét nhất là màu máu của những chiến binh, dù là đồng đội hay quân thù. Tại sao cảnh vật nơi biên giới luôn thê lương tang tóc như thế? Có lẽ là vì đã chứng kiến quá nhiều người hùng đã ngã xuống, để rồi người đời mãi mãi khắc ghi và nể phục trước những linh hồn yêu nước hy sinh vì nghĩa cử cao đẹp là bảo vệ quê hương bờ cõi.
Chiến tranh chẳng những không đạt được mục đích bá nghiệp tranh hùng của bậc quân vương, thay vào đó là hy sinh xương máu, sinh linh đồ tán của cả hai bên tham chiến. Khi hiểu được điều ấy, Mộc Lan chợt cảm thấy cái gọi là công danh đời này, vẻ vang đời sau đều là hư vô. Khi chiến tranh kết thúc, nàng cưỡi thiên lý mã phi nước đại về nơi cố hương ngày nhớ đêm mong của mình.
Nàng vẫn luôn giả nam trang, may mà ông Trời thương xót, trong quân không lộ ra sơ hở nào. Ngược lại nhờ bản lĩnh anh dũng thiện chiến của mình, nên nàng rất nhanh nhận được sự tín nhiệm từ đồng đội. Nhưng trái tim mềm yếu của cô con gái bé bỏng vẫn luôn day dứt nỗi nhớ khôn nguôi: Ban ngày cầm trường đao, sát cánh xông pha đánh giặc cùng đồng đội. Còn trong màn đêm sương giá, nàng lại cùng binh linh cất cao tiếng hát “Quốc thương”, hòa vào tiếng sáo Hồ Già và tiếng trống Hạt, để đưa tiễn và tỏ lòng tiếc thương tới những chiến sĩ tử trận, đồng thời ngẩng đầu nhìn trăng sáng, gửi gắm nỗi nhớ thương đối với quê hương yêu dấu.
Mười hai năm ròng rã chiến đấu ấy, cũng là mười hai năm thanh xuân qua đi. Trong khi những cô nương trong thôn đã sớm yên bề gia thất, chăm chồng nuôi con, sống cuộc đời bình thường mà một nữ tử bình thường đáng sống. Còn Mộc Lan, trong cảnh nữ phẫn nam trang, trải qua hoàn cảnh khắc nghiệt nơi pháo đài biên cương, ngay cạnh ranh giới sinh tử, thử hỏi nàng có bao giờ hối hận chưa? Con người sinh ra trên cõi đời này, vốn dĩ đã phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm và đạo nghĩa. Con người chưa bao giờ có thể chỉ sống cho riêng mình, mà những điều chúng ta làm luôn là ngẩng đầu không thẹn với Trời, cúi xuống chẳng thẹn với người.
Cuối cùng cũng đợi được đến lúc chiến thắng trở về, khi luận công ban thưởng, Mộc Lan đã được diện kiến Thiên Tử nhờ chiến tích của mình. Đây là vinh quang mà rất nhiều thần dân mong đợi, nhưng Mộc Lan chỉ một lòng nghĩ: Về nhà, về nhà!
Trong triều đường, những tướng sĩ hết lần này đến lần khác thập tử nhất sinh, nay hân hoan bái tạ Long ân. Những người sống sót từ sa trường trở về, đều là chiến sĩ đã vô số lần gan góc giành lại mạng sống nơi cánh cửa địa ngục, nên họ không có lý do gì mà không tận hưởng vinh hoa phú quý trong lúc này. Bởi, không biết trong trận chiến tiếp theo, số mệnh sinh tử của mình sẽ ra sao, ai sẽ mãi mãi ngã xuống? Ai còn sống sót trở về? Còn Mộc Lan, nàng cũng rất vui mừng vì được trở về, nhưng nàng dù sao cũng là phận nữ nhi, dù có lập công lớn đến mấy, cũng chưa chắc gánh nổi tội khi quân phạm thượng, lẫn vào quân doanh. Nàng không phải vì sợ chết, nếu sợ chết đã không thay cha tòng quân. Nàng chỉ mong sao mình và gia đình sớm được đoàn tụ, sống với nhau bình yên hạnh phúc đến cuối đời. Hơn nữa, trong tâm trí nàng, phần thưởng lớn nhất là được trở về quê cha đất tổ, đoàn tụ với người thân.
Ngày ấy chia ly, ngựa xe như nước, nay lúc trở về, đơn thương độc mã. Mộc Lan cảm tạ Hoàng đế phong thưởng, gấp rút phi ngựa trở về quê hương. Ở cổng thành nơi quê nhà, cha mẹ già dìu nhau, đau đáu chờ đợi. Sau nhiều năm ly biệt, cha mẹ già yếu đi trông thấy, nhưng tinh thần của họ chưa bao giờ phấn chấn và rạng rỡ như thời khắc này.
Nàng nhảy xuống ngựa, chạy về phía cha mẹ, ôm chặt song thân, bưng mặt khóc rưng rức. Cha mẹ nói với nàng rằng, chị gái nàng đang ở nhà giăng đèn kết hoa, em trai thịt dê mổ bò, tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn chào đón nàng trở về. Mộc Lan cảm động gật đầu. Thực ra nàng chẳng cần điều gì cả, chỉ cần gia đình hạnh phúc đã là quá đủ đối với nàng. Nàng cũng cảm thấy mình là cô con gái hạnh phúc nhất trên đời.
Trở lại chốn khuê phòng năm nao, bài trí vẫn y nguyên như trước khi ra đi, sạch sẽ tươm tất, như thể chủ nhân của căn phòng chưa từng vắng nhà. Nàng cởi chiến bào, tìm lại bộ quần áo nữ nhi năm xưa. Nàng cẩn thận mặc từng món từng món lên người, như thể đang hồi tưởng lại những kỷ niệm ngày xưa. Nàng ngồi đối diện chiếc gương bên giường, những đồ trang điểm nàng yêu thích trước đây vẫn đặt nguyên ở vị trí cũ, nàng lại cầm từng món từng món lên, thoa phấn tô son, chải tóc kẻ mày, như biết bao cô gái khác.
Nàng, cô gái mang tên Hoa Mộc Lan, đã đổi sang nữ trang, quay trở về người phụ nữ yêu kiều xinh đẹp. Thời gian không khiến mặt mày nàng dày dặn gió sương, ngược lại ban cho nàng lòng dũng cảm và nghị lực phi thường, giống như loài mộc lan trắng tinh thuần thánh khiết.
Nàng nhẹ nhàng bước ra khỏi căn phòng, tắm mình trong ánh nắng chan hòa. Mộc Lan cảm thấy, không khí trong lành ấm áp như ùa về trong tâm trí, từng nhành cây ngọn cỏ chốn quê hương đều thật thân thương gần gũi. Nàng nhẹ nhàng nâng góc váy, nhấc bàn chân mang đôi giày thêu hoa, cất bước nhẹ nhàng thanh nhã. Những năm tháng xa quê dài đằng đẵng, nàng nóng lòng muốn hòa nhập thân tâm vào làng mạc thôn xóm, nơi có tiếng gà cục ta cục tác, tiếng chim hót gọi bầy sao mà thân thương mộc mạc. Nàng muốn trở lại làm người phụ nữ khéo léo dệt vảy may áo, sống cuộc đời bình thản.
Nhưng vận mệnh hết lần này đến lần khác đưa đẩy nàng sang phía đối lập. Những đồng hương cùng nhập ngũ đã nhìn nhấy nàng Mộc Lan yêu kiều xinh đẹp. Họ không khỏi ngây người ngỡ ngàng, đây chẳng phải người huynh đệ đã vào sinh ra tử cùng chúng ta sao? Hình ảnh xinh đẹp đấy sao giống bóng lưng người anh em Mộc Lan đến thế? Nhưng họ lại không dám tiến tới hỏi chuyện, hóa ra vẻ đẹp của một người có thể vượt qua ranh giới của giới tính. Hóa ra vẻ ngang tàng dũng mãnh và thướt tha yêu kiều, lại có thể dung hợp trong cùng một cơ thể, một tâm hồn.
Tác giả: Liễu Địch
Đường Thanh biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ