Những nhân vật nổi tiếng với sự tương đồng đáng kinh ngạc: Mộc Lan và Joan xứ Arc
Trong loạt bài này chúng ta sẽ tìm hiểu các nhân vật lịch sử của Trung Quốc và “phiên bản phương Tây” của họ với sự tương đồng đáng kinh ngạc.
Hai nữ chiến binh huyền thoại mà nhiều người biết đến là Hoa Mộc Lan của Trung Quốc và Joan xứ Arc của Pháp. Cả hai người phụ nữ đều xuất chúng, không chỉ ở lòng can đảm trên chiến trường, mà còn ở sự kiên định với các giá trị và đức tin của họ. Mặc dù có những điểm tương đồng rõ rệt, nhưng họ cũng có những điểm khác biệt.
Hãy bắt đầu với Mộc Lan.
Ngày nay phim hoạt hình và điện ảnh đã đưa Hoa Mộc Lan trở thành một cái tên quen thuộc ở phương Tây. Nhưng ở phương Đông, người dân đã thân thuộc với câu chuyện của nàng Mộc Lan trong gần hai thiên niên kỷ qua.
Tuy không ai biết ngày sinh chính xác của nàng, quê quán của nàng cũng là một đề tài tranh luận, và các phiên bản truyền thuyết về Mộc Lan đã xuất hiện trong nhiều triều đại khác nhau, nhưng Mộc Lan xác thực có tồn tại. Nàng thường được biết đến với cái tên Hoa Mộc Lan. Họ “Hoa” được ghép một cách khéo léo với tên của nàng, tạo thành tên của một loài hoa – hoa mộc lan.
Câu chuyện về Mộc Lan bắt đầu từ khúc ca dân gian “Mộc Lan từ” xuất hiện vào thời Bắc Ngụy trong khoảng từ thế kỷ thứ 4 đến đến kỷ thứ 6 là phiên bản được phổ biến rộng rãi nhất. Khi ấy, xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc với dân tộc Nhu Nhiên tại Mông Cổ, mỗi gia đình đều nhận được giấy báo nhập ngũ. Tuy nhiên, cha của Mộc Lan đã già yếu, không đủ sức ra chiến trường. Con trai duy nhất của ông, em trai của Mộc Lan, vẫn còn nhỏ tuổi. Với lòng hiếu thảo, Mộc Lan đã cắt tóc, mặc áo giáp của cha và lên đường nhập ngũ thay cho cha.
Trên chiến trường, Mộc Lan là người nhạy bén, dũng cảm và có nhiều chiến công. Trong suốt thời gian đó, cô may mắn giữ được bí mật về giới tính của mình với những người lính xung quanh. Mười hai năm sau, đoàn quân chiến thắng trở về. Hoàng đế rất ấn tượng khi biết về khả năng chiến đấu của Mộc Lan và muốn phong chức quan trong triều đình cho “chàng” (nàng). Mộc Lan khéo léo từ chối, chỉ thỉnh cầu một con chiến mã nhanh chóng đưa cô về nhà để có thể chăm sóc cha mẹ già.
Trong khi đó, cách trùng trùng đại dương và sau nhiều thế kỷ, Joan xứ Arc đã thay thế Mộc Lan trên chiến trường, dẫn dắt binh sĩ chiến thắng ở Âu Châu trong Chiến tranh Trăm năm [cuộc chiến tranh giữa Anh và Pháp kéo dài từ năm 1337 đến năm 1453].
Giống với Mộc Lan, Joan xứ Arc (1412-1431) xuất thân từ một gia đình bình dân. Cha mẹ cô làm nông tại một ngôi làng nhỏ ở vùng Đông Bắc nước Pháp. Mẹ cô đã nuôi dạy Joan trở thành một con chiên Công giáo ngoan đạo. Khi còn nhỏ, Joan rất tốt bụng, cô thường nhịn ăn, cầu nguyện và nỗ lực hết mình để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Khi cô 13 tuổi, Joan nói rằng cô đã nghe thấy các Thiên Thần, và thậm chí Thiên Chúa, nói chuyện với cô. Qua những lời khải thị đó, cô biết rằng sứ mệnh của mình là giúp nước Pháp giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Anh quốc, giành lại những vùng đất đã mất và giúp Thái tử Pháp lên ngôi Vua.
Ban đầu, hầu hết mọi người không tin cô gái nông dân này. Nhưng nhờ đức tin không suy chuyển, cô đã vượt qua mọi rào cản, gặp gỡ Thái tử và thuyết phục Thái tử trao quyền lực quân sự cho cô. Trong các trận chiến sau đó, cô đã dẫn dắt binh lính Pháp giành nhiều chiến thắng và nâng cao tinh thần binh lính một cách đáng kể. Đối với nhiều người, cô không chỉ là một nhà lãnh đạo quân sự mà còn là một lãnh đạo tinh thần.
Cuối cùng, Joan bị bắt khi đang nỗ lực giải cứu một thành phố bị bao vây. Sau nhiều tháng bị thẩm vấn, cô bị kết án tử hình như một kẻ dị giáo và bị thiêu sống. Tuy nhiên, sau 20 năm, danh dự của Joan đã được khôi phục, và bốn thế kỷ sau, Napoléon đã đưa cô trở thành biểu tượng quốc gia. Cuối cùng, cô đã được phong Thánh.
Mộc Lan và Joan xứ Arc tòng quân vì những lý do cơ bản khác nhau. Mộc Lan xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo, vốn là một trong những phẩm đức quan trọng trong xã hội Trung Quốc truyền thống. Mặc dù việc đóng giả một người lính là phạm tội chết, nhưng Mộc Lan đã mạo hiểm tính mạng để cứu cha mình, và trong khi phải thận trọng che giấu bí mật của mình, Mộc Lan vẫn nỗ lực hết mình để bảo vệ đất nước.
Về phần Joan, cô xuất phát từ đức tin của mình. Bất chấp sự nghi ngờ của mọi người xung quanh, cô vẫn kiên định với đức tin vào Thiên Chúa và quyết tâm hoàn thành sứ mệnh được giao phó. Cô vẫn kiên định, ngay cả khi bị bắt và bị tra tấn, và cho đến tận những giây phút cuối cùng trước khi cô bị thiêu rụi bởi ngọn lửa.
Bài viết đăng lại từ vi.shenyunperformingarts.org