ĐỘC QUYỀN: Tài liệu nội bộ cho thấy số ca tử vong ở Nam Kinh trong đợt dịch này tăng gần 6 lần
Trên con đường dẫn vào một lò hỏa táng ở thành phố Nam Kinh, miền Nam Trung Quốc, người ta thấy những làn khói đen dày đặc bốc cuồn cuộn lên bầu trời, bên dưới là một dòng xe xếp hàng dài đến nỗi không biết đâu mới là điểm kết thúc.
Bên lề đường, một người phụ nữ đội mũ tang màu trắng, ngồi thụp xuống ôm mặt khóc lóc thảm thiết.
Trong một video lần đầu tiên được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào đầu tháng Một, cô than vãn, “Năm mới rồi, nhưng mọi chiếc xe đều được dùng để chở tử thi.” Cô cho biết, do hàng xe này rất dài nên nhiều thi thể có thể phải ở trong xe tới hai ngày.
Những hoàn cảnh khắc nghiệt dưới trận sóng thần COVID ở Trung Quốc mà người phụ nữ này ám chỉ phù hợp với dữ liệu từ các tài liệu nội bộ của chính quyền Trung Quốc mà The Epoch Times thu thập được từ nhiều vùng trên đất nước này trong những tuần gần đây. Những chi tiết này, cùng với các cuộc phỏng vấn với cư dân địa phương, vẽ nên một bức tranh tang thương về sự thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Thực tế này tương phản hoàn toàn với giọng điệu tích cực mà các nhà chức trách đã cố gắng đưa ra.
Một phân tích hàng chục hồ sơ về dữ liệu hỏa táng hàng ngày từ Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc và là nơi sinh sống của khoảng 9.3 triệu người, cho thấy con số tử vong của thành phố này tăng đột biến vào cuối tháng 12/2022, lên tới 761 ca vào đầu tháng Một — gần như gấp sáu lần số ca tử vong trung bình hàng ngày của thành phố này trong năm tháng đầu năm 2022.
Khối lượng công việc tại bảy lò hỏa táng đang hoạt động của thành phố này cũng cho thấy xu hướng tương tự. Từ ngày 29/12 đến ngày 18/01, theo dữ liệu mới nhất của Phòng Quản lý Dịch vụ Tang lễ Nam Kinh có sẵn trong kho dữ liệu, số lượng hài cốt được hỏa táng dao động từ khoảng 300 đến 774 một ngày, gấp sáu lần so với khoảng 130 thi thể được hỏa táng mỗi ngày trong cùng thời kỳ năm ngoái.
Dữ liệu cho thấy từ ngày 18/12 đến ngày 02/01, có tổng cộng 8,233 ca tử vong ở Nam Kinh, gấp khoảng bốn lần so với số ca tử vong trung bình trong 15 ngày là 2,100 ca từ trước đợt COVID lần này.
Những tài liệu chính thức này đã đặc biệt nhấn mạnh vào việc giữ bí mật. Mặc dù dữ liệu tang lễ được báo cáo hàng ngày cho chính quyền cấp thành phố, nhưng dữ liệu đó dường như bị cấm tuyệt đối không được công bố ra công chúng.
Tài liệu hôm 11/01 tóm tắt “tình hình dịch vụ hỏa táng của các thành phố trọng điểm” có viết, “Báo cáo thông tin, dữ liệu, và biểu đồ liên quan qua thư điện tử, không được thảo luận những nội dung này trên QQ và WeChat.” Cả QQ và WeChat đều là những kênh truyền thông xã hội chủ đạo của Trung Quốc dưới thương hiệu Tencent có trụ sở tại Thâm Quyến.
“Đẩy mạnh giáo dục về công tác bảo vệ bí mật. Tăng cường bảo vệ bí mật và giáo dục an ninh cho những người làm việc trong ngành tang lễ,” tài liệu này nói thêm. “Không được tùy tiện tiết lộ dữ liệu và thông tin liên quan đến hỏa táng.”
Tài liệu đó cũng chỉ ra rằng một hội đồng đặc biệt đã được thành lập với Cục trưởng Cục Nội vụ Nam Kinh là người điều phối chính, để giám sát việc giải quyết hài cốt, và tất cả các nhà cung cấp dịch vụ hỏa táng trong thành phố đều đang làm việc 24 giờ một ngày.
Trong vòng chưa đầy hai tuần kể từ ngày 22/12, bốn nhà tang lễ đã mở rộng công suất bằng cách mua thêm tủ đông ướp xác hoặc tuyển dụng thêm nhân lực, tài liệu nêu rõ. Đơn hàng lớn nhất đến từ Nhà tang lễ Quận Lật Thủy với 120 tủ đông. Trong khi đó, Nhà tang lễ Nam Kinh đã mua thêm 16 xe tang và tuyển thêm 38 tài xế.
Tổng số nhân viên bổ sung cho dịch vụ tang lễ là 389 người tính đến ngày 11/01, sau khi có thêm 105 nhân sự mới tám ngày trước đó.
Nguyên nhân tử vong
Mặc dù số người tử vong tăng lên đáng kể, nhưng rất ít người trong số những người được hỏa táng được đánh dấu là qua đời vì COVID. Tài liệu trên cho biết, từ ngày 11/11 đến ngày 17/12/2022, thành phố này đã hỏa táng tổng cộng 4,300 thi thể — tăng một phần ba so với mức trung bình 3,070 trong ba năm từ 2019 đến 2021.
Chỉ 20 trong số những tử thi đó được đánh dấu là liên quan đến COVID. Dữ liệu từ các nhà tang lễ riêng lẻ trong giai đoạn đó cho thấy thêm rằng toàn bộ số tử thi mà họ xử lý đều có nguyên nhân tử vong không phải do COVID-19, ngoại trừ một trường hợp duy nhất.
Thực tiễn này phù hợp với chính sách bị chỉ trích rộng rãi của Bắc Kinh rằng một ca tử vong chỉ có thể được tính là do COVID nếu người này bị suy hô hấp hoặc viêm phổi sau khi nhiễm virus COVID-19. Ngoài ra, các bác sĩ đã nói rằng họ được lệnh không ghi COVID là nguyên nhân tử vong trên giấy chứng tử.
Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ ghi nhận chưa đến 80,000 ca tử vong do COVID tại bệnh viện. Nhưng các chuyên gia nói rằng con số này là một con số quá thấp so với số người tử vong thực sự, chỉ ra rằng chế độ này đã che giấu thông tin tiêu cực cũng như rất nhiều lời tường thuật về tình trạng quá tải ở các lò hỏa táng và bệnh viện.
Một cư dân Nam Kinh họ Trương, vì sự an toàn của bà nên danh tính đầy đủ sẽ không được tiết lộ, nói rằng hơn 20 người cao niên đã qua đời trong khu phố nơi bà từng sống.
Hàng xóm của bà để ý thấy chiếc ghế sofa và những chiếc ghế đá ở lối vào khu nhà, nơi những người cao niên thường ngồi để tắm nắng, giờ trống không.
“Các cụ đều qua đời cả rồi,” bà Trương nói.
Bạn của bà đến từ siêu đô thị Thiên Tân ở phía bắc cũng mới mất anh trai, khoảng 66 tuổi. Thi thể của người đàn ông này được bảo quản trong tủ đông ướp xác trong nhiều ngày, mãi đến khi họ đút lót quà cáp cho một lò hỏa táng địa phương thì họ mới đến lấy thi thể đi.
Một người phụ nữ họ Tô ở địa phương khác, có người thân ở Bắc Kinh đã tìm cách ‘đi cửa sau’ để hỏa táng cho mẹ mình mà không phải xếp hàng dài chờ đợi hơn hai tháng tại nhà tang lễ. Thế nhưng cuối cùng họ vẫn phải chờ nhiều ngày.
“Không nghi ngờ gì nữa, rất nhiều người già đã qua đời. Đây là sự thật,” cô Tô, người từ chối cung cấp tên đầy đủ của mình vì sợ bị trả thù, nói với The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Tống Đường và Dịch Như
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times