Doanh nhân: Lạm phát và kinh tế khó khăn, chứ không phải nạn phân biệt chủng tộc, đang gây hại cho người thiểu số
Sau phiên điều trần tại Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Quốc hội với chủ đề “Vượt qua Nạn phân biệt chủng tộc để Thúc đẩy Cơ hội Kinh tế” vào tháng Tư năm 2022, ông Alfredo Ortiz, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Job Creators Network, đã cảm thấy khó chịu đến mức ông đã viết một cuốn sách.
“Họ nói rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang duy trì sự phân chia về kinh tế và chủng tộc ở đất nước này,” ông Ortiz nói với The Epoch Times. “Và tôi nói, tôi không hiểu tại sao lại như vậy, bởi vì tôi nghĩ tinh thần kinh doanh thực sự đang giúp giảm bớt rất nhiều điều đó.”
Trong phiên điều trần đó, Dân biểu Stacey Plaskett, một thành viên Đảng Dân Chủ từ Quần đảo Virgin, cho biết bà gặp rắc rối với những lời hoa mỹ không thừa nhận rằng nhiều chính sách của Hoa Kỳ có ý định phân biệt chủng tộc và gây hậu quả cho nhiều thế hệ.
“Để mà nói rằng mỗi người trong chúng tôi, bởi vì chúng tôi đã đủ mạnh mẽ, đủ năng lực và có những cấu trúc tốt đằng sau chúng tôi, hoặc những cá nhân hay những người đứng sau chúng tôi để chúng tôi có được ngày hôm nay, không có nghĩa là chúng tôi đã không như vậy, đã không cố gắng. Nói như thế là không thỏa đáng,” bà Plasket nói trong phiên điều trần. “Việc chúng ta nghĩ rằng người khác thất nghiệp là do họ lười biếng, hoặc người khác không có cơ hội và chưa làm được nhiều, do họ không muốn, do họ đang dựa vào chính phủ — thôi nào. Chúng tôi không đặc biệt đến thế ở đây.”
Thông qua Job Creators Network, tổ chức ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ, ông Ortiz cho biết ông đã chứng kiến nhiều nhóm thiểu số tham gia vào hoạt động kinh doanh nhỏ và phát triển mạnh. Cha mẹ ông — những người đến Hoa Kỳ từ Mexico — đã làm việc chăm chỉ, cha ông là thợ may và mẹ ông là quản gia.
Lấy cảm hứng từ tinh thần làm việc của họ, ông Ortiz đã bắt đầu hai công việc kinh doanh.
“Tôi đã tận mắt chứng kiến. Tôi là một người thuộc nhóm thiểu số,” ông Ortiz nói. “Khởi nghiệp từ một công việc kinh doanh nhỏ đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Nhưng phản ứng của Đảng Dân Chủ, tôi nghĩ là thú vị. Họ hoàn toàn không ủng hộ quan điểm của tôi và thực tế là rất có ác cảm, và việc đó cứ giày vò tôi trong nhiều tháng cho đến khi tôi nói, ‘Mặc kệ, tôi sẽ viết một cuốn sách.’”
Kết quả là cuốn sách đầu tiên của ông có nhan đề “Những Nhà cách mạng Chủng tộc Thực sự: Tinh thần kinh doanh của Người thiểu số Có thể Vượt qua Sự phân chia Kinh tế và Chủng tộc ở Mỹ quốc Như thế nào,” với phần mở đầu của ông Bernie Marcus, người đồng sáng lập The Home Depot và Job Creators Network, sẽ phát hành trong tuần này.
Theo ông Ortiz, làm kinh doanh tốt hơn là đi hoạt động
Trong cuốn sách, ông Ortiz kể lại việc bắt gặp một cuốn sách dành cho trẻ em có nhan đề “Sylvia và Marsha Bắt đầu một Cuộc cách mạng,” (“Sylvia and Marsha Start a Revolution”) với tranh minh họa hình hai phụ nữ thiểu số trên trang bìa. Amazon.com mô tả đây là phần giới thiệu vui nhộn về bản dạng người chuyển giới, kể câu chuyện về những người phụ nữ da màu chuyển giới đấu tranh cho quyền bình đẳng của LGBT.
“Bài học của câu chuyện này và rất nhiều câu chuyện khác tương tự: trẻ em, đặc biệt là trẻ em thuộc nhóm thiểu số, nên theo đuổi hoạt động xã hội và ‘cách mạng’ để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn,” ông Ortiz viết trong cuốn sách của mình. “Suy nghĩ của tôi là: Tại sao cuốn sách này không thể là ‘Sylvia và Marsha Khởi nghiệp’, và kể một câu chuyện về tinh thần kinh doanh? Khởi nghiệp là hành động cách mạng thực sự mà các nhóm thiểu số có thể thực hiện để trao quyền cho bản thân và cộng đồng của họ. Làm kinh doanh có thể mang lại sự độc lập về tài chính và sự tự tin khó kiếm được. Trên thực tế, đối với người thiểu số, làm kinh doanh là một phương tiện tốt hơn nhiều để vượt qua sự phân chia về chủng tộc và kinh tế hơn là đi làm hoạt động.”
Ông Ortiz nói rằng đây là thông điệp mà bọn trẻ cần nghe.
“Ngày nay ở Mỹ, nạn phân biệt chủng tộc diễn ra lẻ tẻ, không có hệ thống. Phân biệt chủng tộc bị người ta xem là một trong những tính nết tồi tệ nhất mà một người có thể có. Các nhà hoạt động kêu gọi nó thường xuyên bởi vì nó là một cái dùi cui hiệu quả,” ông nói trong cuốn sách của mình. “Họ đã thành công trong việc hiện thực hóa tiểu thuyết Catch-22: tranh luận chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống, bản thân nó đã là phân biệt chủng tộc! Cái bẫy này là một trong những lý do khiến quan niệm hư cấu rằng phân biệt chủng tộc là nguyên nhân của bất bình đẳng chủng tộc có thể bùng phát. Có rất ít người đủ can đảm trong môi trường này để tranh luận chống lại quan niệm đó.”
Làm việc chăm chỉ hơn là bình đẳng bắt buộc
Ông Ortiz nói rằng những người cấp tiến yêu thích sự bình đẳng.
“Kiểu như, mọi người phải bình đẳng. Không quan trọng quý vị làm việc chăm chỉ hay không làm việc chăm chỉ, mọi người đều bình đẳng,” ông Ortiz nói với The Epoch Times. “Chà, tôi tin vào Giấc mơ Mỹ lâu đời, khi mà làm việc chăm chỉ thực sự có ý nghĩa. Mẹ tôi đã dạy cho tôi điều đó. Bố tôi đã dạy cho tôi điều đó. Nếu quý vị làm việc thực sự chăm chỉ, quý vị có thể đạt được bất cứ điều gì quý vị muốn, đặc biệt là ở đất nước này.”
Trong nghiên cứu của mình, ông Ortiz phát hiện ra rằng các nhóm thiểu số nhìn chung có nhiều khả năng kinh doanh hơn những người không thuộc nhóm thiểu số, có lẽ vì lợi ích khi bắt đầu kinh doanh ở Hoa Kỳ lớn hơn ở các quốc gia khác.
“Ở các nước xã hội chủ nghĩa, có khả năng cao là nếu doanh nghiệp nhỏ của quý vị thành công, thì chính phủ sẽ tước đoạt nó khỏi tay quý vị,” ông Ortiz nói. “Vì vậy, giới thanh niên của họ có thể đặt câu hỏi, ‘Sao tôi lại phải đặt hết tâm lực của mình vào việc kinh doanh? Doanh nghiệp rồi sẽ bị chính phủ thâu tóm.’”
Thêm vào đó, ở các quốc gia khác, tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại là cao hơn, tại những nước đó việc kinh doanh thất bại gần như là một điều đáng xấu hổ.
“Kinh doanh gần như là một điều không được khuyến khích,” ông nói. “Ở đây, tại Mỹ, người ta kiểu như, ‘Được rồi! Quý vị hãy thử cái đó đi. Quý vị hãy cố làm việc đó xem!’ Tinh thần kinh doanh chỉ đơn giản là thống trị. Điều quan trọng không phải là quý vị đã cố gắng và thất bại, mà là quý vị đã cố gắng.”
Ông Ortiz cho biết các nhóm thiểu số phát triển mạnh dưới Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế của cựu Tổng thống Donald Trump.
Ông Ortiz nói, “Hai điều lớn nhất mà đạo luật này đã làm được là giảm thuế và hạ thấp các quy định đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ. Điều đó vừa tạo ra một sự bùng nổ lớn. Ví dụ: nếu quý vị nhìn vào thu nhập trung bình, năm 2019 thu nhập đã tăng gần 8% đối với các gia đình người Mỹ gốc Phi Châu; hơn 7% đối với người gốc Tây Ban Nha; 11% cho người Mỹ gốc Á Châu; và 6% đối với người da trắng, vì vậy các nhóm thiểu số đã làm rất tốt.”
Dữ liệu đó là từ báo cáo hàng năm của Hội đồng Cố vấn Kinh tế.
Dân biểu Hoa Kỳ Jason Smith, một thành viên Đảng Cộng Hòa đại diện cho tiểu bang Missouri, đã được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện hôm thứ Ba (09/01). Trước đây, ông Smith đã hứa sẽ biến các điều khoản về thuế sắp hết hạn trong Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế thành vĩnh viễn nếu ông lãnh đạo ủy ban.
Các mối quan tâm của doanh nghiệp nhỏ
Job Creators Network đã thăm dò ý kiến của các chủ doanh nghiệp nhỏ về các mối quan tâm lớn nhất của họ, và phân biệt chủng tộc không nằm trong danh sách này. Kể từ tháng 08/2022, lạm phát là mối quan tâm lớn nhất, tiếp theo là nền kinh tế/chi tiêu của khách hàng; chi phí hoạt động chung; gián đoạn chuỗi cung ứng; giá xăng; và sự sẵn có của lao động.
Ông Ortiz nói, điều tốt nhất mà các nhà lập pháp có thể làm để giúp đỡ những người thuộc nhóm thiểu số cũng như những người không thuộc nhóm này là tránh xa các doanh nghiệp. Bước đầu tiên là kiểm soát lạm phát bằng cách hạn chế chi tiêu của chính phủ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times