Các sắc lệnh cho chúng ta biết điều gì về ông Biden và ông Trump?
Các sắc lệnh là một trong những sự mô tả chân thực nhất về những mối ưu tiên của một vị tổng thống.
Khi các chính khách đưa ra những lời hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử, công chúng chỉ có thể phỏng đoán liệu họ sẽ có thực hiện lời hứa của mình hay không. Giờ đây các cử tri sáng suốt có thể suy ngẫm về các sắc lệnh mà Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành và xem xét liệu hai ứng cử viên này đã thực hiện được những gì, trong bối cảnh cả hai vị đều tái tranh cử tổng thống.
Các sắc lệnh là một trong những sự mô tả chân thực nhất về những mối ưu tiên của một tổng thống.
Hoạt động độc lập với các cơ quan lập pháp, sắc lệnh cho phép các tổng thống (và các thống đốc tiểu bang) thay đổi chính sách của chính phủ. Sắc lệnh có thể được sử dụng như một công cụ hữu ích để đưa ra các mục tiêu về quản trị hay như một hành động vượt quá thẩm quyền.
Tuyên bố Giải phóng Nô lệ năm 1863 của cố Tổng thống Abraham Lincoln là một trong những sắc lệnh nổi tiếng nhất, đã giải phóng hàng triệu nô lệ.
Năm 1941, cố Tổng thống Franklin Roosevelt đã ký một sắc lệnh để thành lập Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển Khoa học, tạo thuận lợi cho Dự án Manhattan và sự phát triển của bom nguyên tử.
Trong một sắc lệnh khác vào năm 1942, sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, cố Tổng thống Roosevelt đã thành lập các trại giam và ép buộc 100,000 người Mỹ gốc Nhật phải sống trong những trại đó dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia.
Các sắc lệnh đã xuất hiện từ thời cố Tổng thống George Washington, tuy nhiên mãi cho đến năm 1907, các sắc lệnh mới được đánh số thứ tự. Đến năm 1937, các sắc lệnh bắt đầu được ghi chép lại một cách cẩn thận. Ngày nay, thật dễ dàng khi chúng ta có thể lên Internet tìm kiếm số thứ tự sắc lệnh cùng với lời giải thích bằng văn bản của tổng thống. Số thứ tự của sắc lệnh không nói lên được điều gì; cách ghi chép các chỉ thị của tổng thống cũng không như nhau, nhưng lại là một cách thức hoàn thành công việc của các tổng thống.
So sánh các ứng cử viên
The Epoch Times đã so sánh 138 sắc lệnh mà Tổng thống Biden đã ký cho đến nay với 220 sắc lệnh mà cựu Tổng thống Trump đã ký trong bốn năm nắm quyền.
Việc phân loại các sắc lệnh tiết lộ những mối ưu tiên mà mỗi vị tổng thống dành tâm huyết.
Các sắc lệnh của Tổng thống Biden tập trung vào các chủ đề sau đây (được sắp xếp theo số lượng sắc lệnh ban hành từ nhiều nhất đến ít nhất): COVID-19; Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DEI); việc làm; biến đổi khí hậu; quân sự; Nga; y tế; an ninh mạng; nhập cư; an ninh quốc gia; kinh doanh và công nghiệp; phá thai; khoa học; năng lượng; và tư pháp hình sự.
Tổng thống Biden đã tập trung nhiều chính sách của mình vào các vấn đề xã hội trong nước, biến đổi khí hậu, và củng cố các nghiệp đoàn nhân công.
Các sắc lệnh của cựu Tổng thống Trump đề cập đến nhiều vấn đề hơn. Những sắc lệnh này gồm có (cũng được sắp xếp theo số lượng sắc lệnh được ban hành từ nhiều nhất đến ít nhất): y tế; hoạt động nội bộ của chính phủ; việc làm; an ninh quốc gia; COVID-19; kinh doanh và công nghiệp; quân sự; nhập cư; Venezuela; Trung Quốc; môi trường; Iran; lịch sử và văn hóa Mỹ; an ninh mạng; DEI; phát triển kinh tế; các quy định; Tu chính án thứ Nhất; giáo dục; các cuộc bầu cử; năng lượng; cơ sở hạ tầng; khoa học; không gian; thương mại quốc tế; nông nghiệp; tư pháp hình sự; các hồ sơ công cộng; các lệnh trừng phạt; trí tuệ nhân tạo; phá thai; điều tra dân số; trẻ em; đất đai thuộc sở hữu liên bang; viện trợ ngoại quốc; súng; Hồng Kông; buôn người; Mali; tài nguyên thiên nhiên; Nicaragua; Bắc Hàn; tài chính cá nhân; Bưu điện Hoa Kỳ; hưu trí; các dịch vụ xã hội; Sudan; Syria; thuế; Uzbekítan; và cải tổ phúc lợi.
Cựu Tổng thống Trump đã hứa hẹn sẽ “tát cạn đầm lầy” ở Hoa Thịnh Đốn, và rất nhiều sắc lệnh của ông về các hoạt động nội bộ của chính phủ chính là nỗ lực thực hiện lời hứa đó. Các sắc lệnh của ông thường giải quyết vấn đề an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, và phát triển kinh tế.
Chúng ta cần lưu ý rằng các tổng thống cũng sử dụng các sắc lệnh để thực hiện các nhiệm vụ đơn giản như điều chỉnh mức lương của chính phủ hay tuyên bố ngày nghỉ liên bang. Trong nghiên cứu, những sắc lệnh kiểu này được phân loại vào “những việc linh tinh,” và bị để sang một bên.
Một số sắc lệnh đã vướng phải các vụ kiện tụng. Mặc dù mỗi một vị tổng thống nhậm chức với một nghị trình nhưng họ phải ứng phó trước những sự kiện có ảnh hưởng lớn đến nhiệm kỳ của họ. Thông thường thì các sắc lệnh được sử dụng trong những trường hợp này.
Chẳng hạn, đối với cựu Tổng thống George W. Bush, vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001 là một sự kiện mang tính quyết định trong nhiệm kỳ của ông. Cả Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump đều phải đương đầu với đại dịch COVID-19 trong nhiệm kỳ, trong đó cựu Tổng thống Trump ban hành 11 sắc lệnh và Tổng thống Biden đã ban hành 15 sắc lệnh về COVID-19.
Một số sắc lệnh có liên quan đến nhiều hạng mục. Trong những trường hợp này, The Epoch Times đã xếp sắc lệnh theo hạng mục nổi bật nhất. Chẳng hạn: Sắc lệnh 14030 của Tổng thống Biden được phân loại vào các hạng mục: biến đổi khí hậu, các định chế tài chính, và DEI. Tuy nhiên trong bản báo cáo này, Sắc lệnh 14030 được phân loại vào hạng mục “khí hậu.”
Sắc lệnh này yêu cầu chính phủ Tổng thống Biden phát triển một chiến lược toàn chính phủ nhằm đo lường và giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu đối với các chương trình của chính phủ liên bang.
Sắc lệnh này cũng tìm cách xác định chi phí đối với nền kinh tế Hoa Kỳ nhằm đạt được lượng phát thải nhà kính ròng bằng không chậm nhất là vào năm 2050, và tài trợ cho các dự án liên quan bằng cả ngân quỹ tư nhân và công cộng, đồng thời hướng tới thúc đẩy cơ hội kinh tế, trao quyền cho nhân viên, và giảm thiểu tác động đến môi trường, đặc biệt là ở các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn và cộng đồng người da màu.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Biden đã ban hành 15 sắc lệnh liên quan đến DEI, khiến DEI và COVID-19 trở thành hai hạng mục nổi bật nhất với thứ tự ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của ông. Sắc lệnh 14004 chấp thuận việc những người được xác định là chuyển giới được tham gia phục vụ trong quân đội theo nhận dạng giới tính mà họ lựa chọn; sắc lệnh 14020 đã thành lập Hội đồng Chính sách Giới của Tòa Bạch Ốc; và vào ngày 20/01/2021, sắc lệnh 13985 trở thành sắc lệnh đầu tiên mà Tổng thống Biden đã ký kết. Sắc lệnh 13985 được mô tả là “thúc đẩy công bằng chủng tộc và trợ giúp các cộng đồng bị thiệt thòi qua chính phủ liên bang.”
Sắc lệnh này quy định phải có một “cuộc đánh giá tính công bằng” trong tất cả các cơ quan liên bang nhằm loại bỏ các rào cản có thể ngăn cản “các cộng đồng bị thiệt thòi” tiếp cận với chính phủ để họ có thể tiếp cận các dịch vụ hay cơ hội hợp đồng.
Các cộng đồng bị thiệt thòi hầu hết không phải người da trắng, được định nghĩa theo thứ tự sau: “Những người Mỹ gốc Phi Châu, Latinh, Thổ dân châu Mỹ và người Mỹ bản xứ, người Mỹ gốc Á Châu và người dân đảo Thái Bình Dương cùng những chủng tộc với màu da khác; người theo các tôn giáo thiểu số; người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, và dị tính; người khuyết tật; người sống ở các vùng nông thôn; và những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng đói nghèo hay bất bình đẳng dai dẳng.”
Bất cứ sắc lệnh nhắm vào một nhóm người cụ thể đều được phân loại vào DEI.
Cựu Tổng thống Trump đã ban hành bốn sắc lệnh liên quan đến DEI, trong đó có sắc lệnh 13899: “Chống chủ nghĩa bài Do Thái,” và sắc lệnh 13950, “Chống phân biệt chủng tộc và định kiến về giới tính.” Các sắc lệnh ngăn cấm những doanh nghiệp trực thuộc liên bang buộc nhân viên phải trải qua khóa đào tạo củng cố “niềm tin sai lầm rằng Mỹ là một quốc gia phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính không cách nào cứu vãn được.”
Sắc lệnh 13899 cũng đã nhấn mạnh việc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã tổ chức một buổi hội thảo, được viện dẫn trong sắc lệnh này, trong đó quảng bá rằng “hầu như tất cả mọi người da trắng đều góp phần vào phân biệt chủng tộc, bất kể họ ‘thức tỉnh’ như thế nào.” Các tư liệu đào tạo từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne, một tổ chức liên bang, cho rằng sự phân biệt chủng tộc “ăn sâu vào nước Mỹ” và xem việc sử dụng các cụm từ như “mù màu” hay “chế độ nhân tài” là hành vi thiên vị. Các tư liệu đào tạo từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia, một tổ chức liên bang khác, cũng đã yêu cầu những người đàn ông da trắng thừa nhận với nhau về những đặc quyền của người da trắng.
“Tất cả những điều này đi ngược lại với tiền đề căn bản tạo nên nền tảng của nền cộng hòa của chúng ta: rằng tất cả các cá nhân đều được sinh ra bình đẳng và phải được phép có một cơ hội bình đẳng theo luật pháp để mưu cầu hạnh phúc và thịnh vượng theo tài năng của bản thân,” trích dẫn sắc lệnh của cựu Tổng thống Trump.
Tổng thống Biden đã hủy bỏ sắc lệnh này vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông, ông cho rằng sắc lệnh này “ngăn cản các doanh nghiệp liên bang và các nhà thầu phụ cung cấp một số chương trình đào tạo về sự đa dạng tại nơi làm việc.” Ông ra lệnh chấm dứt mọi khiếu nại của các nhân viên liên quan đến sắc lệnh của cựu Tổng thống Trump và yêu cầu chính phủ không tham gia vào bất cứ sự thực thi theo luật nào [đối với sắc lệnh này].
Tổng thống Biden đã hủy bỏ ít nhất 71 sắc lệnh của cựu Tổng thống Trump, trong số đó có nhiều lệnh bị hủy bỏ trong những ngày nhậm chức đầu tiên của ông Biden.
Các sắc lệnh bị hủy bỏ gồm có các sắc lệnh dường như không gây tranh cãi như Sắc lệnh 13978 nói về kế hoạch của cựu Tổng thống Trump trong việc xây dựng Vườn Quốc gia các Anh hùng Hoa Kỳ, một khu vườn điêu khắc tôn vinh những nhân vật vĩ đại của lịch sử nước Mỹ. Các sắc lệnh có liên quan khác cũng bị hủy bỏ, chẳng hạn như sắc lệnh 13853 đã thành lập nên Hội đồng Cơ hội và Phục hồi của Tòa Bạch Ốc. Hội đồng này được giao nhiệm vụ khuyến khích đầu tư công cộng và tư nhân vào các khu vực thành thị và các khu vực gặp khó khăn về kinh tế, đồng thời làm việc với chính phủ cấp tiểu bang, địa phương, và bộ lạc nhằm tìm cách sử dụng công quỹ hiệu quả hơn để tái xây dựng những cộng đồng này.
Đổi lại, cựu Tổng thống Trump cũng hủy bỏ một số sắc lệnh của cựu Tổng thống Barack Obama, chẳng hạn như sắc lệnh 13693 trong đó kêu gọi chính phủ liên bang cắt giảm 40% lượng phát thải nhà kính trong vòng 10 năm.
Các mục đích khác nhau
Các sắc lệnh cho thấy những cách giải quyết khác nhau đối với cùng một vấn đề.
Tổng thống Biden đã ban hành năm sắc lệnh liên quan đến nhập cư, trong đó có sắc lệnh 14012 với tiêu đề “Khôi phục Niềm tin vào Hệ thống Nhập cư Hợp pháp của Chúng ta và Củng cố Nỗ lực giành được Sự tham gia và Hòa nhập cho người Mỹ Mới nhập cư,” và Sắc lệnh 14013 với tiêu đề “Tái thiết và Củng cố các Chương trình Tái định cư cho Người tị nạn và Lập kế hoạch cho vấn đề Biến đổi khí Hậu khi Di cư.” Các sắc lệnh của Tổng thống Biden có mục đích nới lỏng thủ tục nhập cư và chào đón những người nhập cư qua biên giới Hoa Kỳ.
Cựu Tổng thống Trump đã ban hành sáu sắc lệnh nhập cư, trong đó có Sắc lệnh 13780 với tiêu đề “Bảo vệ Quốc gia Khỏi Sự xâm nhập của Khủng bố Ngoại quốc vào Hoa Kỳ,” và Sắc lệnh 13815 với tiêu đề “Tiếp tục Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn Hoa Kỳ khi Nâng cao Năng lực Rà soát.” Mục đích của các sắc lệnh này là bảo vệ các tuyến đường nhập cư hợp pháp, chủ quyền của Hoa Kỳ, và an ninh quốc gia bằng cách cung cấp thêm thông tin về những người nhập cảnh Hoa Kỳ.
Tổng thống Biden đã ban hành 12 sắc lệnh liên quan đến vấn đề việc làm, trong đó có nhiều sắc lệnh liên quan đến nghiệp đoàn. Sắc lệnh 14025 với tiêu đề “Tổ chức và Trao quyền cho Nhân viên” khuyến khích những người làm công ăn lương thành lập hay tham gia nghiệp đoàn nhằm ngăn chặn “sự liên tục suy giảm mật độ nghiệp đoàn ở Hoa Kỳ cũng như tình trạng nhân viên bị mất quyền lực và tiếng nói tại nơi làm việc,” theo sắc lệnh.
Cựu Tổng thống Trump cũng ban hành 12 sắc lệnh liên quan đến việc làm, trong đó có sắc lệnh 13845 với tiêu đề “Thành lập Hội đồng Quốc gia của Tổng thống cho Nhân viên Mỹ,” trong đó kêu gọi xây dựng chiến lược hiện đại hóa việc đào tạo kỹ năng cho nhân viên.
“Đã từ lâu, các chương trình giáo dục và đào tạo nghề nghiệp của đất nước chúng ta đã giúp người dân Mỹ chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế của thời trước. Nền kinh tế kỹ thuật số đang thay đổi nhanh chóng này đòi hỏi Hoa Kỳ phải nhìn nhận rằng việc giáo dục và đào tạo là không chỉ gói gọn trong một giai đoạn thời gian với chỉ một lớp học truyền thống,” sắc lệnh cho biết. “Chúng ta cần trang bị cho người dân Mỹ kiến thức về nền kinh tế thế kỷ 21 và về các ngành công nghiệp mới nổi trong tương lai.”
Sắc lệnh 14025 của Tổng thống Biden đã hủy bỏ việc thành lập Hội đồng Quốc gia dành cho Nhân viên Mỹ của cựu Tổng thống Trump.
Sắc lệnh nhiều lượt xem nhất
Các sắc lệnh được ghi vào Sổ ghi danh Liên bang, đồng thời hiển thị số lượt xem cho mỗi sắc lệnh. Không thể thống kê được rằng những người dân đang đọc sắc lệnh bày tỏ sự tán thành hay không tán thành, nhưng công bằng mà nói thì việc lượt xem ngày càng tăng lên cho thấy mối quan tâm của công chúng đối với một sắc lệnh là ngày càng lớn. Thông thường, mỗi sắc lệnh có khoảng 10,000 đến 20,000 lượt xem.
Ba sắc lệnh của Tổng thống Biden có nhiều lượt xem nhất là: Sắc lệnh 14028 về việc cải thiện an ninh mạng của quốc gia (136,000 lượt xem); Sắc lệnh 14043 về việc yêu cầu chích ngừa COVID-19 cho nhân viên liên bang (131,000 lượt xem); và Sắc lệnh 14008 về vấn đề giải quyết “cuộc khủng hoảng khí hậu trong và ngoài nước” (131,000 lượt xem), một kế hoạch với hàng loạt chính sách về khí hậu, trong đó có điều khoản về điện không gây ô nhiễm carbon, với mục tiêu hoàn thành chậm nhất vào năm 2035.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times