WEF kêu gọi các doanh nghiệp, chính phủ hành động nhiều hơn để theo dõi dữ liệu chủng tộc
Trong một tập bạch thư được xuất bản hôm thứ Ba (17/01), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhấn mạnh sự cần thiết của các sáng kiến đa dạng, công bằng, và hòa nhập (DEI) vốn được tiêu chuẩn hóa và cải tiến, đồng thời kêu gọi các tập đoàn và chính phủ hành động nhiều hơn nữa để theo dõi dữ liệu chủng tộc. Tập bạch thư này có nhan đề “Ưu Tiên Công Bằng Chủng Tộc Và Sắc Tộc Trong Kinh Doanh,” đã được phát hành như một phần của hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần này tại Davos, Thụy Sĩ.
Do Trung tâm Kinh tế và Xã hội Mới (CNES) của WEF biên soạn, tập bạch thư này cho rằng các nhóm thiểu số phải gánh chịu gánh nặng của “tình trạng đa khủng hoảng,” vốn được xác định là đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, và bất ổn chính trị. CNES là một chi nhánh trong tổ chức quốc tế này vốn có mục đích “để định hình các nền kinh tế và xã hội thịnh vượng, dễ phục hồi, và công bằng, tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người.”
Tập bạch thư này mở đầu với việc đưa ra một trường hợp để giải thích tại sao các tập đoàn nên coi sự công bằng — tức là xóa bỏ những sự bất bình đẳng về chủng tộc — là một mục tiêu kinh doanh chính, lập luận rằng “cơ hội làm việc công bằng là điều đúng đắn và và hợp lý cần phải làm bất kể lợi ích đối với hiệu quả tài chính của công ty.” Người ta tiếp tục nói rằng nhiều quốc gia và tập đoàn lớn không làm đủ để giải quyết vấn đề này.
“Hành động của công ty đối với bình đẳng chủng tộc và sắc tộc phải phát triển ngoài các chiến lược DEI truyền thống,” tập bạch thư này nêu rõ, đồng thời kêu gọi một phương pháp “toàn diện” hơn. “Ở cấp độ công ty, dữ liệu về chủng tộc và sắc tộc là một thành phần quan trọng và căn bản để đánh giá tiến trình thu hẹp khoảng cách bình đẳng về chủng tộc và sắc tộc.”
Tập bạch thư thừa nhận những lo ngại “chính đáng” liên quan đến việc thu thập dữ liệu dựa trên chủng tộc, viện dẫn Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha (Spanish Inquisition) và Đức Quốc Xã là hai ví dụ trong đó phương pháp này được sử dụng cho mục đích xấu. “Tuy nhiên,” bạch thư này nêu rõ, “mới đây, trong đại dịch COVID-19, khi việc thiếu dữ liệu đã ngăn cản một số quốc gia ở Âu Châu hiểu chính xác về tác động của đại dịch về các cộng đồng bị gạt ra ngoài lề về chủng tộc và sắc tộc, người ta đã nhấn mạnh nhu cầu về dữ liệu chủng tộc được phân tách để giúp hướng dẫn chính sách.”
Theo bạch thư, 20 trong số 38 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – một cơ quan bao gồm các quốc gia phương Tây hiện đại hóa chủ yếu – không thu thập dữ liệu về sắc tộc, 14 trong số đó là quốc gia thành viên của Liên minh Âu Châu.
Chính sách “mù màu” (không có định kiến chủng tộc) của Pháp – theo đó viện trợ tài chính chỉ được giải ngân dựa trên cơ sở địa lý và kinh tế – đã chịu sự chỉ trích từ WEF vốn cho rằng chính sách này có thể cho phép các cuộc tranh đấu chủng tộc không được chú ý. Tuy nhiên, về ngôn từ kích động thù địch, luật pháp của Pháp nghiêm khắc hơn nhiều nước đồng cấp, trong đó có Hoa Kỳ.
Bình đẳng về thành quả là một chủ đề chính của bạch thư này.
“Chiến lược công bằng về chủng tộc và sắc tộc nên tập trung một cách lý tưởng vào bản chất có hệ thống của những khoảng cách về thành quả trong một tổ chức.” Theo hướng này, WEF đã tôn vinh sự gia tăng trong “các hoạt động kiểm toán công bằng chủng tộc,” trong đó các công ty bên thứ ba phân tích các hoạt động kinh doanh của một công ty để xác định rằng các thực tiễn kinh doanh đó có một tác động phân biệt đối xử không lường trước được nào hay không.
Nguyên tắc về chủng tộc dành cho các doanh nghiệp
Tập bạch thư của WEF đi kèm với một bộ hướng dẫn nhằm hướng dẫn cho các chủ doanh nghiệp cách áp dụng các thông lệ công bằng. Được gọi là “Khuôn khổ Công bằng Sắc tộc & Chủng tộc Toàn cầu,” bộ hướng dẫn này đã được xuất bản như một phần của Sáng kiến Công bằng Chủng tộc trong Kinh doanh của tổ chức này, mà theo WEF, là “một nhóm toàn cầu, xuyên ngành cam kết thúc đẩy mang lại công bằng sắc tộc và chủng tộc cùng với hơn 50 công ty.”
WEF viết trong thông cáo báo chí của họ rằng, “Khuôn khổ này trợ giúp các doanh nghiệp với một loạt các tùy chọn để giúp xác định, đo lường, và phân tích khoảng cách cũng như tiến triển trong hành trình hướng tới công bằng chủng tộc và sắc tộc.”
Một số công ty quyền lực đáng gờm đang ủng hộ sáng kiến này, từ các đại công ty công nghệ (Big Tech) đến đại công ty dược phẩm (Big Pharma) cho đến các đại công ty tài chính trứ danh. Các đối tác bao gồm Google, Deutsche Bank, Coca-Cola, BlackRock, Bloomberg, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Microsoft, PayPal, và Mastercard.
“Công bằng công nghệ” và “các bên liên quan bên ngoài và tác động xã hội” là hai trong số 10 “nguyên tắc định hướng” được nhấn mạnh trong khuôn khổ WEF.
Một danh sách gồm 74 câu hỏi chiếm phần lớn văn kiện này. Các câu hỏi đó được đặt ra cho “các bên liên quan nội bộ” (tức là các chủ sở hữu, cổ đông, và nhân viên) để tự đánh giá cam kết của công ty đối với công lý và công bằng chủng tộc.
Các câu hỏi này bao gồm, “Quý vị có thiết kế sản phẩm và tạo ra dịch vụ bằng một lăng kính công bằng chủng tộc và sắc tộc không?” hoặc “Quý vị có sàng lọc các thuật toán của công ty để tìm khả năng thiên vị chủng tộc hoặc sắc tộc không?”
Sau đó, khuôn khổ này của WEF mời các công ty tự chấm điểm theo thang điểm 0–5 trong danh sách các câu hỏi đó để đạt được điểm số “công bằng về chủng tộc và sắc tộc” của họ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times