Quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu tại Super Bowl làm dấy lên tranh cãi
Những hoạt động chào mừng trước giải đấu Super Bowl của NFL bao gồm màn trình diễn một bài hát được gọi một cách thông tục là “Quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu.” Tiết mục này đang làm dấy lên tranh cãi và tranh luận trên mạng xã hội và còn nhiều điều hơn thế nữa.
Nữ diễn viên Sheryl Lee Ralph đã biểu diễn bài hát “Lift Every Voice and Sing,” được biết đến một cách không chính thức là Quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu, trước trận đấu Super Bowl hôm 12/02 tại Sân vận động State Farm ở Glendale, Arizona.
Bài hát này do nhà lãnh đạo Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP) James Weldon Johnson sáng tác hồi năm 1900, là lời kêu gọi tập hợp những người Mỹ gốc Phi Châu trong thời kỳ dân quyền.
Cô Ralph đã nói đùa về màn trình diễn này trong một bài đăng trên Instagram trước khi bước vào sân.
Cô viết trong bài đăng này, “Không phải ngẫu nhiên mà tôi sẽ hát Quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu, bài Lift Every Voice and Sing, tại Super Bowl vào cùng ngày bài hát này được biểu diễn công khai lần đầu tiên cách đây 123 năm (ngày 12/02/1900).”
“Chúc mừng Tháng Lịch sử của người Mỹ gốc Phi Châu.”
Màn biểu diễn của cô là màn biểu diễn đầu tiên mà bài hát này được trình diễn trực tiếp trên sân tại giải Super Bowl.
Cô Ralph nói với The Epoch Times rằng cô rất vui khi được chọn để trình bày bài hát này, nói rằng bài hát này gửi đi một thông điệp chính trị.
Cô nói với hãng thông tấn, “Tôi nghĩ quả là một vinh dự tuyệt vời khi được đứng ở đây hát bài hát này bên trong đấu trường với NFL, tạo ra một hành động tỏ thiện ý to lớn cho sự đa dạng, hòa nhập, và chấm dứt rất nhiều chủ nghĩa mà mọi người muốn duy trì để chia rẽ chúng ta.”
Tuy nhiên, đã có nhiều phản ứng trái chiều đối với bài hát này, và trong khi cô Ralph xem màn trình diễn này là cầu nối cho sự chia rẽ, thì những người khác lại xem đó là gieo rắc sự chia rẽ.
‘Chơi bóng bầu dục, chứ không phải phong trào thức tỉnh’
Các bức ảnh được đăng trên mạng xã hội cho thấy cựu ứng cử viên thống đốc tiểu bang Arizona, bà Kari Lake, vẫn ngồi tại ghế trong bài Quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu tại trận đấu.
Tài khoản Twitter của chiến dịch tranh cử của bà, Kari Lake War Room, đã giải thích trong một bài đăng: “Quý cô của chúng tôi phản đối ý tưởng về một ‘Quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu’ vì lý do tương tự như lý do bà phản đối một ‘Quốc ca của người da trắng’”, cụ thể là “bà ấy ủng hộ ý tưởng về ‘một Quốc gia, dưới quyền năng của Chúa.’”
Dân biểu Lauren Boebert (Cộng Hòa-Colorado) đã bày tỏ quan điểm tương tự trong một bài đăng trên Twitter.
“Nước Mỹ chỉ có MỘT BÀI QUỐC CA,” bà viết. “Tại sao NFL lại cố chia rẽ chúng ta bằng cách theo đuổi nhiều thứ!? Hãy chơi bóng bầu dục, chứ không phải phong trào thức tỉnh.”
Ông Bill Kristol, người sáng lập và giám đốc của nhóm vận động Cùng nhau Bảo vệ nền Dân chủ và là một người cuồng nhiệt với ý tưởng “không bao giờ ủng hộ ông Trump,” đã phản ứng lại lời chỉ trích của bà Boebert bằng cách đăng lời bài hát và khuyến khích bà “hát theo.”
‘Khó chịu với màu đen’?
Những tiếng nói thiên tả khác cũng nhắm vào việc chỉ trích màn trình diễn bài hát Quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu.
Bà Olivia Julianna, nhà hoạt động ủng hộ phá thai kiêm giám đốc bộ phận Chính trị và Chính phủ tại tổ chức Bất vụ lợi Gen-Z for Change, đã viết trong một bài đăng trên Twitter, “Tất cả những điều ‘chỉ có MỘT bài quốc ca! Tất cả sự thức tỉnh này là gì vậy!?’”
“Tất cả quý vị chỉ là quá sợ nói ra ý mình thực sự muốn nói — đó chính là quý vị ghét người Mỹ gốc Phi Châu và quý vị thấy khó chịu với màu đen. Đó là một bài hát hay và giàu tính lịch sử. Bài hát này nên được trình diễn.”
Những người bảo tồn truyền thống gốc Phi Châu đã không có chung quan điểm rằng việc phản đối hát Quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu bắt nguồn từ sự phân biệt chủng tộc cũng đã lên tiếng.
Ông Xaviaer DuRousseau, một nhân vật trong giới truyền thông và từng là nhà hoạt động Black Lives Matter, người đã từng nói rằng ông “đã từ bỏ sự truyền bá [của chính mình] và thức tỉnh khỏi những lời dối trá của Cánh tả,” đã lên Twitter để chỉ trích màn trình diễn Quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu trong trận đấu này.
Ông DuRousseau viết trong một bài đăng trên Twitter, “‘Quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu’ là một nghịch lý. Chúng ta là MỘT quốc gia dưới quyền năng của Chúa. Nếu quý vị suy nghĩ khác, thì quý vị đang ủng hộ sự phân biệt chủng tộc. Đơn giản vậy thôi.”
Ông Darrell B. Harrison, người dẫn chương trình podcast “Just Thinking”, cũng có quan điểm tương tự. Ông viết trong một bài đăng trên Twitter, “Còn thông điệp nào có thể gây chia rẽ hơn được gửi đi là đề nghị chúng ta là một quốc gia có hai bài quốc ca.”
‘Đối lập’ với Mỹ
Ông Benny Johnson, giám đốc sáng tạo của tổ chức bảo tồn truyền thống Turning Point USA và là người dẫn chương trình “The Benny Show,” đã phản đối việc trình diễn Quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu khi nói rằng bài hát này đã gây chia rẽ vì nó làm nổi bật sự khác biệt về chủng tộc.
Ông nói trong chương trình của mình hôm 13/02, “Thể thao là văn hóa thức tỉnh và điều đó thực sự khiến tôi chán ghét, vì vậy tôi không theo dõi thể thao sát sao lắm.”
“Nói như vậy nhưng tôi có xem Super Bowl để biết những khoảnh khắc văn hóa như bài Quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu được hát. Làm sao lại có chuyện như vậy trên đời chứ? Thật là một việc làm phản cảm, tồi tệ, khi chia tách một bài quốc ca theo chủng tộc.”
Ông Johnson đã cho biết điều đó “tất nhiên là trái ngược với Mỹ và thẳng thắn mà nói là bất hợp pháp.”
Ông nói, “Quý vị không nên làm điều đó. Có một bài quốc ca cho người da trắng không? Tôi không chắc là có người sẽ cảm thấy rất vui khi nghe thấy bài hát đó.”
“Không nên có một quốc ca của người Mỹ gốc Phi Châu vì Mỹ là một quốc gia được thành lập dựa trên việc tất cả chúng ta sinh ra có quyền bình đẳng, bất kể lượng hắc tố có trên da của quý vị hay tổ tiên của quý vị đã được nuôi nấng ở đâu.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times