Điều gì sẽ diễn ra sau khi Hạ viện Hoa Kỳ tìm ra tân chủ tịch?
Sau đây là dự kiến những gì có thể xảy ra tại Hạ viện trong những tuần lễ tiếp theo.
Sau 22 ngày đình trệ, Hạ viện Hoa Kỳ cuối cùng đã bầu ra được một vị chủ tịch để lấp vào chiếc ghế trống mà Chủ tịch Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) bị phế truất bỏ lại.
Hôm 03/10, Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida), cùng với bảy thành viên Đảng Cộng Hòa khác tại Hạ viện, đã bỏ phiếu bãi nhiệm ông McCarthy khỏi vị trí mà ông nắm giữ kể từ tháng Một. Tuy nhiên sau đó Hạ viện không thể lập tức tìm được người thay thế vị trí của ông McCarthy, dẫn đến việc Đảng Cộng Hòa phải đề cử bốn người đảm đương công việc này trước khi tìm ra được một ứng cử viên nhận được đủ sự tán thành.
Vị ứng cử viên mới đắc cử chức Chủ tịch Hạ viện là ông Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), gần như không có mấy danh tiếng trên chính trường thủ đô.
Sau khi đắc cử hôm thứ Tư (25/10) nhờ một cuộc bỏ phiếu nhất loạt của các thành viên Đảng Cộng Hòa, hành động chính thức đầu tiên của ông trên cương vị Chủ tịch Hạ viện là đưa ra một nghị quyết lên án nhóm khủng bố Hamas về cuộc tấn công vào Israel. Nghị quyết được thông qua với tỷ lệ áp đảo, chỉ có 10 phiếu chống.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công việc phải làm trên cương vị tân chủ tịch, người cần đưa Hoa Thịnh Đốn trở lại quỹ đạo sau nhiều tuần lễ hỗn loạn khiến mọi việc đều đình trệ.
Sau đây là dự kiến những gì có thể xảy ra tại Hạ viện trong những tuần lễ tiếp theo.
Ngăn chặn khả năng chính phủ đóng cửa
Ưu tiên số 1 của các nhà lập pháp là ngăn chặn khả năng chính phủ đóng cửa.
Việc làm cuối cùng trên cương vị Chủ tịch Hạ viện của ông McCarthy, với sự ủng hộ của Đảng Dân Chủ tại Hạ viện, là thông qua dự luật chi tiêu tạm thời tại phòng họp Hạ viện để duy trì nguồn ngân sách cho chính phủ cho đến ngày 17/11.
Giờ đây, làm cách nào để vượt qua thời hạn này là ưu tiên hàng đầu của ông Johnson với tư cách là tân chủ tịch hạ viện, ông cho biết, và Đảng Cộng Hòa chỉ còn lại vài tuần để hoàn thành việc này.
Hạ viện vẫn cần phải thông qua bảy dự luật nữa trong tổng số 12 dự luật phân bổ ngân sách thường niên.
Cho đến nay, họ đã thông qua năm trong số 12 dự luật, bao gồm dự luật tài trợ cho Bộ Ngoại giao và các hoạt động ngoại giao, dự luật tài trợ cho công trình quân sự và Bộ Cựu chiến binh, các dự luật tài trợ cho Ngũ Giác Đài và Bộ An ninh Nội địa, và, một dự luật về năng lượng vào tuần trước.
Ông Johnson cho biết trước đó rằng việc thông qua các dự luật còn tồn đọng sẽ thúc đẩy Hạ viện đàm phán với Thượng viện đang nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Dân Chủ với “một vị trí đầy lợi thế.”
Ông Johnson hy vọng sẽ thông qua mỗi từng dự luật trong số tám dự luật này và thông qua sắc lệnh định kỳ của Hạ viện — kết quả mà những người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống đã kêu gọi từ lâu với hy vọng ngăn chặn một dự luật chi tiêu tổng hợp, trong đó tất cả nguồn tài trợ chính phủ được thông qua với một khoản tiền khổng lồ duy nhất.
Tuy nhiên, việc thông qua tất cả các dự luật trước ngày 17/11 là một thách thức lớn đối với ông Johnson, và ông đã nói rõ rằng nếu cần thiết, ông sẵn sàng đón nhận triển vọng về một dự luật tạm thời khác.
Và ngay cả khi ông Johnson có thể điều hành Hạ viện khi thông qua tất cả 12 dự luật, ông vẫn cần phải đạt được thỏa thuận với Thượng viện đang bị Đảng Dân Chủ kiểm soát.
Nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa hy vọng có thể sử dụng nguồn tài trợ là một phương tiện để giành được những nhượng bộ từ Thượng viện và Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên hành động mang tính đảng phái này dường như cần có nhiều cuộc đàm phán lưỡng viện để tìm giải pháp được sự đồng thuận của cả hai bên, điều này sẽ mất thêm thời gian sau khi việc tài trợ được Hạ viện thông qua.
Còn bảy dự luật phải thông qua và còn rất ít thời gian để thông qua những dự luật này cùng với việc phải thỏa thuận với Thượng viện, việc liệu cuối cùng ông Johnson có phải đưa ra dự luật chi tiêu tạm thời để chính phủ tiếp tục hoạt động sau ngày 17/11 hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Viện trợ cho Ukraine và Israel
Ngoài ra, nghị trình của các nhà lập pháp còn xem xét đến việc viện trợ tài chính bổ sung cho Israel và Ukraine.
Tổng thống Biden đã đề nghị một khoản đầu tư lớn vào hai cuộc xung đột, yêu cầu Quốc hội chấp thuận hơn 100 tỷ USD tiền viện trợ — một con số khiến nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa do dự.
Tổng thống Biden và Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đều kêu gọi xem xét khoản viện trợ này như một gói viện trợ duy nhất. Tuy nhiên điều này đã bị những người theo chủ nghĩa dân túy Đảng Cộng Hòa tại lưỡng viện của Quốc hội phản đối, những người đã kêu gọi xem xét viện trợ tài chính theo từng gói riêng biệt.
Trước đây, ông Johnson đã bỏ phiếu chống lại hầu hết các gói viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine.
Mặc dù hiện tại ông sẵn sàng đưa các gói viện trợ lên bàn đàm phán, nhưng ông Johnson cho biết ông hy vọng sẽ thông qua các gói viện trợ này một cách riêng biệt.
“Hôm nay tôi đã nói với các nhân viên tại Tòa Bạch Ốc rằng sự đồng thuận của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện là những gì chúng ta cần để tách biệt hai vấn đề đó,” ông Johnson cho biết vào thứ Năm (26/10) trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Fox News Sean Hannity.
Ông Johnson cho biết Hạ viện sẽ trình bày kế hoạch riêng của mình để cung cấp cho Israel khoản viện trợ tài chính 14 tỷ USD.
“Một điều mà Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã hạ quyết tâm đó là chúng ta phải sát cánh cùng đồng minh quan trọng nhất của mình ở Trung Đông, và đó là Israel. Chúng ta sẽ làm như vậy,” ông Johnson cho biết. “Chúng ta hy vọng rằng sẽ không phải điều binh lính ra chiến trường.”
Chỉ bốn ngày sau khi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hạ viện, ông Johnson đã tuyên bố với nhiều người dân Do Thái: “Chúng ta sẽ sát cánh vững như bàn thạch với Israel, bằng hữu và cũng là đồng minh của chúng ta.”
Ngược lại, ông bày tỏ một số lo ngại về chiến sự tại Ukraine, cuộc chiến mà ông cho rằng đã không được Hoa Kỳ tài trợ một cách thích hợp và không có chiến lược rõ ràng.
Ông Johnson cho biết, “Chúng ta không thể cho phép ông Vladimir Putin chiếm ưu thế ở Ukraine, bởi vì tôi không tin rằng việc này sẽ dừng lại tại đó, và việc này có thể sẽ khuyến khích và tiếp thêm sức mạnh cho Trung Quốc hành động tại Đài Loan. Chúng ta có những mối lo ngại này.”
“Chúng ta sẽ không bỏ rơi họ. Tuy nhiên chúng ta có trách nhiệm, trách nhiệm quản lý đối với tài nguyên quý giá của người dân Mỹ,” ông tiếp tục.
“Chúng ta phải bảo đảm rằng Tòa Bạch Ốc có trách nhiệm giải trình cho người dân về những đồng dollar đó,” ông Johnson cho biết, ám chỉ nhu cầu lâu dài của Đảng Cộng Hòa đối với cơ quan giám sát việc tài trợ cho Ukraine.
Ngoài ra, ông Johnson cho biết Tòa Bạch Ốc đã thất bại trong việc giải thích “kết cục” của việc Hoa Kỳ tài trợ cho Ukraine.
Ông Johnson nói thêm, “Chúng ta quan tâm sâu sắc và lo lắng về tất cả các quốc gia cùng những người dân tự do trên khắp thế giới, nhưng trước tiên chúng ta cần phải chăm sóc cho ngôi nhà của mình, và đó cũng là một phần của sự tính toán và quyết định tinh tế này.”
Bất chấp một số lo ngại của Đảng Cộng Hòa về việc viện trợ, đặc biệt là cho các cuộc xung đột tại Ukraine, một kết luận hiển nhiên là Quốc hội cuối cùng sẽ thông qua các gói viện trợ bổ sung cho cả Ukraine và Israel, vì các gói tương tự đã từng được thông qua với biên độ chênh lệch lớn.
Cuộc điều tra đàn hặc TT Biden
Khi Hạ viện trở lại hoạt động bình thường, Đảng Cộng Hòa cũng dự định sẽ tiếp tục cuộc điều tra đàn hặc Tổng thống Biden.
Trước đó trong năm nay, Chủ tịch Hạ viện đương thời McCarthy thông báo rằng Đảng Cộng Hòa đang tiến hành một cuộc điều tra đàn hặc tổng thống mà không qua cuộc biểu quyết nào của toàn bộ Hạ viện, một hành động giúp Đảng Cộng Hòa có thêm quyền hạn để điều tra vị tổng thống này.
Quyết định đó được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện James Comer (Cộng Hòa-Kentucky) và Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Jason Smith (Cộng Hòa-Minnesota) tiết lộ những phát hiện cáo buộc rằng gia đình ông Biden và các cộng sự của họ đã kiếm được hơn 21 triệu USD từ các nguồn ngoại quốc và nhận được sự đối đãi ưu ái từ cơ quan chấp pháp liên bang.
Cuộc điều tra đàn hặc đang chuẩn bị khám phá vai trò có thể có của Tổng thống Biden trong các giao dịch kinh doanh của con trai ông, ông Hunter Biden.
Sau khi nhậm chức chủ tịch, ông Johnson — người trước đây từng phục vụ trong Tiểu ban về Vũ khí hóa Chính phủ Liên bang của Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) — nói rằng ông không dự định chấm dứt cuộc điều tra đàn hặc đó.
Ông Johnson nói với ông Hannity: “Bây giờ chúng tôi đã có tài liệu về rất nhiều thứ trong số này,” đề cập đến việc có thể ông Joe Biden có liên quan. “Đó là một vấn đề có thật.”
Trong các phiên điều trần trước đó, Đảng Cộng Hòa thừa nhận rằng họ chưa có đủ bằng chứng để tiến đến một nghị quyết đàn hặc tổng thống.
Nhưng ông Johnson, một người ủng hộ cuộc điều tra, cho biết ông tin rằng các dữ kiện thực tế cuối cùng sẽ cho thấy trách nhiệm của Tổng thống Biden trong chuyện này.
“Đó là lý do chúng tôi chuyển sang giai đoạn điều tra đàn hặc đối với chính tổng thống bởi vì trên thực tế, tất cả các bằng chứng đều dẫn đến những điều mà chúng tôi tin rằng sẽ dẫn đến, thì đó rất có thể là những hành vi phạm tội có khả năng bị đàn hặc,” ông Johnson nói. “Điều đó được ghi rõ là một lý do dẫn đến đàn hặc trong Hiến Pháp — hành vi hối lộ, các tội phạm, và các khinh tội khác.”
Bản tin có sự đóng góp của Lawrence Wilson và Savannah Hulsey Pointer
Tuệ Chân và Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times