Chủ tịch Hạ viện Johnson đưa ra nhiều dự luật chi tiêu hơn, tìm kiếm ‘lợi thế’ khi đàm phán với Thượng viện
Nỗ lực này nằm trong chiến lược buộc Thượng viện phải đàm phán chi tiêu theo các điều kiện có lợi bất kể việc lưỡng đảng đã thông qua Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa hồi tháng Sáu.
Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đặt mục tiêu thông qua ba dự luật trong tuần này, và Tổng thống (TT) Joe Biden đã đe dọa sẽ phủ quyết hai dự luật trong số đó.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) không lấy làm lo ngại về điều đó, và ông đã nói rằng ông muốn thông qua các dự luật chi tiêu theo hướng bảo tồn truyền thống để tăng lợi thế đàm phán với Thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát và cả Tòa Bạch Ốc.
Ba dự luật này được đưa ra trong bối cảnh đang có một cuộc chiến giữa các nghị sĩ Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa — và thậm chí giữa các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa với nhau — về việc nên cắt giảm bao nhiêu chi tiêu liên bang cho năm 2024.
Chúng ta hãy cùng xem qua về chiến lược của chủ tịch Hạ viện, mấu chốt của cuộc tranh luận, và tóm lược về những dự luật nói trên.
Lợi thế đàm phán
Đảng Dân Chủ kiểm soát cả Thượng viện và Tòa Bạch Ốc, còn Đảng Cộng Hòa chiếm đa số mỏng manh tại Hạ viện. Để cân bằng sự chênh lệch này, ông Johnson muốn Hạ viện thông qua tất cả 12 dự luật chi tiêu trước khi Thượng viện hoàn thành công việc của mình để ông có thể đàm phán “với lợi thế.”
Chủ tịch Hạ viện đã vạch ra chiến lược đó cho các thành viên Đảng Cộng Hòa trong một bức thư hôm 23/10, ngay trước khi ông được bầu vào chức vụ này.
Cho đến nay, Hạ viện đã thông qua năm trong số 12 dự luật chi tiêu, chiếm hơn 70% chi tiêu không tùy ý. Thượng viện vẫn chưa thông qua dự luật nào.
Với việc thông qua các dự luật tại Hạ viện có những khoản cắt giảm chi tiêu khá lớn, ông Johnson hy vọng sẽ buộc Thượng viện chấp nhận ít nhất một phần kế hoạch chi tiêu của Hạ viện.
Lời đe dọa về quyền phủ quyết của tổng thống không còn phù hợp vào thời điểm này vì ông Johnson dường như xem những dự luật này là lời đề nghị khởi đầu của mình trong các cuộc đàm phán.
Nhưng các thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ khó có thể chấp nhận các yêu cầu của Hạ viện mà không tranh đấu vì họ tin rằng [trước đó] họ đã đạt được thỏa thuận về mức chi tiêu cho năm 2024.
Vấn đề thực sự
Hồi tháng Tư, Hạ viện đã thông qua một gói chi tiêu theo hướng bảo tồn truyền thống. Đây là một nỗ lực nhằm thuyết phục Tổng thống Biden đàm phán về mức trần nợ. Dự luật đó là Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng, vốn đã đặt ra mức chi tiêu bằng với năm 2022 và hạn chế mức tăng chi tiêu ở mức 1% một năm.
Chiến thuật đàm phán đó đã có hiệu quả. Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện đương thời Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã đạt được một thỏa thuận nhằm tạm thời nâng mức trần nợ của Hoa Kỳ để đổi lấy việc cắt giảm chi tiêu.
Tuy nhiên, chính phủ sẽ không đồng ý với những khoản cắt giảm được nêu trong Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng. Thay vào đó, hai bên đã đồng ý cắt giảm nhẹ chi tiêu tùy ý không dành cho quốc phòng với mức tăng vừa phải trong chi tiêu quốc phòng vào năm 2024. Họ cũng giới hạn mức tăng chi tiêu ở mức 1% cho năm 2025.
Cùng với đó, Đảng Dân Chủ xem các cuộc đàm phán về tổng số tiền chi tiêu cho năm 2024 là một thỏa thuận đã hoàn tất.
“Cuộc đàm phán này đã đưa đến Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa (FRA) năm 2023, được thông qua với sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng và đặt ra mức chi tiêu cho [năm tài khóa] 2024 và 2025,” Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố hôm 30/10, đồng thời gọi các cuộc đàm phán tiếp theo là lãng phí thì giờ.
Đảng Cộng Hòa, đặc biệt là những người cứng rắn về tài khóa, xem FRA là một sự giới hạn về mức trần chi tiêu chứ không phải giới hạn về mức sàn. Nhiều người trong số họ vẫn muốn phân bổ các mức chi tiêu thấp hơn của Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng. Trong khi đó, Đảng Dân Chủ đang tuyên bố rằng phải tuân thủ thỏa thuận này.
Nhưng giá trị các khoản tiền chỉ là một phần của vấn đề. Đảng Dân Chủ cũng phàn nàn rằng việc cắt giảm nhắm vào những phần quan trọng trong nghị trình của Tổng thống Biden: năng lượng xanh; các chương trình đa dạng, công bằng, và hòa nhập; và trợ giúp cho các gia đình có thu nhập thấp.
Tóm lược ba dự luật được đưa ra trong tuần này như sau:
Dự luật về giao thông vận tải
Dự luật chi tiêu Giao thông vận tải cũng bao gồm Phát triển Nhà ở và Đô thị và các cơ quan liên quan. Đạo luật trị giá 90.24 tỷ USD này thấp hơn 8.63 tỷ USD (9%) so với mức mà TT Biden đã yêu cầu.
Theo tờ thông tin của Ủy ban Phân bổ ngân sách, chi phí thực tế đối với người đóng thuế chỉ là 65.21 tỷ USD, bởi vì hơn 25 tỷ USD trong tổng số tiền sẽ được thanh toán bằng cách cắt giảm chi tiêu được đề nghị cho các nhân viên IRS mới trong 10 năm tới.
Dự luật này cắt giảm 8.35 tỷ USD từ các chương trình tài trợ giao thông vận tải và giảm chi tiêu cho mọi thứ, từ thuê nhân viên kiểm soát không lưu đến [chương trình] loại bỏ sơn có chì khỏi nhà cửa.
Đảng Dân Chủ không hài lòng về dự luật này vì họ cho rằng dự luật sẽ khiến cuộc sống của những người dân Mỹ làm công ăn lương trở nên kém an toàn hơn và kém vừa vặn túi tiền hơn.
“Dự luật này sẽ làm tê liệt nền kinh tế của chúng ta và làm mất hàng ngàn việc làm,” Dân biểu Rosa DeLauro (Dân Chủ-Connecticut), thành viên cao cấp trong Ủy ban Phân bổ ngân sách, cho biết trong một tuyên bố hồi tháng Bảy. “Dự luật không giải quyết được vấn đề bấy lâu nay là thiếu nhà ở giá rẻ, và khiến những người dân dễ bị tổn thương của chúng ta kém an toàn hơn.”
Văn phòng Quản lý và Ngân sách đã đưa ra một tuyên bố cho biết dự luật sẽ không bao gồm các kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng và hủy bỏ các kế hoạch của chính phủ nhằm giảm khí thải nhà kính.
Nếu ở đây có vướng mắc nào đó đối với Đảng Cộng Hòa, thì đó là chi tiêu trong dự luật này thực sự cao hơn 2.9 tỷ USD so với năm 2023. Đó là vì cần có nguồn tài trợ mới để bù đắp thu nhập thấp hơn dự kiến từ nhà ở của chính phủ và ảnh hưởng của lạm phát đối với những người nhận trợ cấp nhà ở.
Điều đáng chú ý là tuần trước, Dân biểu Ken Buck (Cộng Hòa-Colorado) đã bỏ phiếu chống lại dự luật chi tiêu Năng lượng và Nước vì dự luật này không cắt giảm đủ chi tiêu. Phát ngôn viên của ông nói với The Epoch Times: “Nghị sĩ Buck đã bỏ phiếu không vì ông ấy muốn … dự luật vẫn ở mức chi tiêu năm 2019.”
Dù sao thì Dự luật Năng lượng và Nước cũng đã được thông qua, nhưng ông Johnson cũng bất đắc dĩ khi [cuộc bỏ phiếu] tuần này có quá nhiều phiếu chống của các dân biểu Đảng Cộng Hòa.
Dự luật về chi tiêu của Bộ Nội vụ
Dự luật chi tiêu của Bộ Nội vụ cũng bao gồm môi trường và các cơ quan liên quan. Đạo luật này trị giá 34.8 tỷ USD và thấp hơn 10% so với năm ngoái.
Dự luật cũng rút lại 9.4 tỷ USD tiền tài trợ cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và các đơn vị liên quan đã được phân bổ theo Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA).
Như vậy thì số tiền thực tế mà người đóng thuế phải chi ra là khoảng 25.4 tỷ USD, thấp hơn số tiền của năm 2018.
Ngoài chương trình Thanh toán Thay cho Thuế và tài trợ cho cơ quan Quản lý Bộ lạc và Vùng đất hoang dã, dự luật này sẽ cắt giảm tài trợ cho hầu hết các chương trình khác. Nguồn tài trợ của EPA bị giảm gần 4 tỷ USD, tương đương 39% tổng nguồn tài trợ.
Bản thông tri của chính phủ liệt kê một loạt những điều mà họ không đồng tình về dự luật. Lập luận chủ yếu là dự luật này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe người Mỹ vì không bảo vệ môi trường.
Tuyên bố cho biết: “Những khoản bị cắt giảm gây tổn hại này sẽ làm giảm đáng kể khả năng của cơ quan trong việc bảo vệ không khí chúng ta hít thở, nguồn nước chúng ta uống, những vùng đất công cộng mà chúng ta trân trọng, và các tài nguyên thiên nhiên mà chúng ta tin cậy, gây nguy hiểm cho sức khỏe của hàng triệu người Mỹ.”
Dân biểu Chellie Pingree (Dân Chủ-Maine) cho biết khi dự luật được xem xét trong ủy ban hồi tháng Bảy: “Các khoản cắt giảm trong dự luật này nghiêm trọng đến mức ngay cả các cơ quan thường nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng cũng trở thành mục tiêu của các khoản cắt giảm có hại.”
Bà lấy Cơ quan Công viên Quốc gia làm ví dụ: cơ quan này bị cắt giảm 13%. “Chúng ta có thực sự muốn những công viên tràn ngập rác và nhà vệ sinh bẩn thỉu không? Những con đường mòn không an toàn vì không có đủ nhân viên để bảo trì?” bà hỏi.
Dự luật chi tiêu cho nhánh Lập pháp
Dự luật chi tiêu của nhánh Lập pháp bao gồm Quốc hội, cảnh sát Quốc hội, Thư viện Quốc hội, Văn phòng Ngân sách Quốc hội, và các cơ quan khác giúp việc cho Quốc hội.
Đạo luật trị giá 6.74 tỷ USD này giảm 2% so với tổng số tiền của năm ngoái. Nguồn tài trợ cho cảnh sát Quốc hội đã tăng từ 46 triệu USD lên 781 triệu USD. Hầu hết các cơ quan và chương trình vẫn giữ nguyên.
Đây là dự luật ít gây tranh cãi nhất trong ba dự luật. Tuy nhiên, Đảng Dân Chủ phản đối một số đề nghị cắt giảm.
Dân biểu Adriano Espaillat (Dân Chủ-New York) cho biết dự luật “duy trì đèn chiếu sáng” cho Quốc hội và các cơ quan giúp đỡ Quốc hội, nhưng ông than thở rằng dự luật không làm được gì nhiều hơn để làm cho khuôn viên Tòa nhà Capitol an toàn và chỉn chu.
“Cũng giống như 12 Dự luật Phân bổ ngân sách khác, dự luật này có các điều khoản loại bỏ các chương trình đa dạng, công bằng, và hòa nhập, đồng thời cho phép phân biệt đối xử đối với cộng đồng LGBTQI+,” ông Espaillat cho biết. “Đảng Cộng Hòa bị ám ảnh bởi việc cắt giảm quỹ liên bang và loại bỏ các chương trình giúp phát triển và đa dạng hóa đất nước chúng ta.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times