Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson: Mọi người đang hiểu lầm về ‘sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước’
Đức tin của ông Johnson đã trở thành tâm điểm chú ý của một số người trong giới chính trị trong bối cảnh ông trở thành Chủ tịch Hạ viện.
Khi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) chia sẻ quan điểm của mình về vai trò đúng đắn của tôn giáo trong chính phủ tại một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba (14/11), ông đã tuyên bố rằng người ta đã hiểu lầm về ý định của các vị Tổ phủ Lập quốc khi họ đề ra khái niệm chính trị “sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước.”
Xuất hiện trong chương trình “Squawk Box” của CNBC hôm thứ Ba, tân chủ tịch Hạ viện cho biết các vị Tổ phụ Lập quốc “muốn có một sự thể hiện đức tin sôi nổi ở nơi công cộng vì họ tin rằng cần có sự đồng lòng về đạo đức và đức hạnh chung để duy trì cuộc thử nghiệm vĩ đại này về sự tự quản.”
Ông Johnson đã trình bày một cách cởi mở về đức tin Cơ Đốc Giáo của mình trong suốt sự nghiệp chính trị. Khía cạnh này trong tính cách của ông Johnson lại trở thành tâm điểm nhận được sự chú ý, thậm chí là những lời chỉ trích từ một số nhà bình luận chính trị, trong bối cảnh ông trở thành chủ tịch Hạ viện.
Tháng trước (10/2023), bà Jen Psaki, cựu tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc sau đó chuyển sang làm người dẫn chương trình của MSNBC, đã viết: “Không chỉ hệ tư tưởng chính trị của ông ấy khiến chúng ta sợ hãi. Ông Johnson về cơ bản là một người theo trào lưu chính thống Cơ Đốc Giáo. Ông ấy tin rằng nước Mỹ là một quốc gia Cơ Đốc Giáo, và những giá trị đó nên được được phản ánh trong cách chúng ta giải thích Hiến Pháp. Ý tưởng của ông ấy về nước Mỹ nên như thế nào là hoàn toàn khác với việc nước Mỹ thực sự ra sao.”
Khi hãng truyền thông cùng hệ thống của MSNBC mời ông Johnson đến chương trình hôm thứ Ba, người đồng dẫn chương trình “Squawk Box” Aaron Ross Sorkin lưu ý rằng ông Johnson đã cầu nguyện với một số nhà lập pháp đồng sự tại Hạ viện sau cuộc bầu cử của ông hồi tháng trước. Ông Sorkin cũng hỏi quan điểm của nhà lập pháp này về ý tưởng tôn giáo trong chính phủ.
“Có một câu hỏi về sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước,” ông Sorkin hỏi. “Chúng tôi thường nói chuyện trong chương trình này về việc … liệu tôn giáo có nên đóng một vai trò nào đó trong một công ty hay không, liệu mọi người có được phép cầu nguyện trong một công ty hay không. Có một điều là phải cầu nguyện bên ngoài và phải có đức tin, và có một điều rất quan trọng về điều đó, nhưng ông nghĩ như thế nào về điều đó, và ông cho rằng công chúng nhận thức như thế nào về điều đó?”
Ông Johnson trả lời rằng “đức tin, tức là di sản và truyền thống tôn giáo sâu sắc của chúng ta, là một phần quan trọng để định nghĩa một người Mỹ,” và cho rằng tôn giáo đóng vai trò như một sự chỉ dẫn cốt yếu về đạo đức cho các quan chức chính phủ.
Ông Johnson nói: “Chúng ta đã tạo ra một chính phủ của dân, do dân, và vì người dân. Chúng ta không có một vị vua đứng đầu. Chúng ta không có một người trung gian. Vì vậy, chúng ta phải giữ đạo đức giữa chúng ta với nhau để mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm với những việc chúng ta làm. Và vì vậy [những Tổ phụ Lập quốc] muốn đức tin đóng một vai trò quan trọng trong đó.”
Chủ tịch Hạ viện tiếp tục nói rằng khái niệm “sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước,” điều thường được trích dẫn trong các diễn ngôn chính trị ở Mỹ, cũng thường bị hiểu sai.
“Sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước là một cụm từ được sử dụng sai với bản chất, khiến mọi người hiểu sai khái niệm này,” ông Johnson nói. “Tất nhiên, cách gọi này xuất phát từ một cụm từ trong một bức thư mà [cố Tổng thống Thomas] Jefferson đã viết — chứ không có trong Hiến Pháp — và điều ông ấy giải thích là họ không muốn chính phủ xâm phạm nhà thờ, chứ không phải là họ không muốn các nguyên tắc đức tin ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng của chúng ta. Đây chính xác là điều ngược lại.”
Chủ tịch Hạ viện dường như đang đề cập đến một lá thư của cố Tổng thống Jefferson, một trong những vị Tổ phụ Lập quốc, vào ngày 01/01/1802, gửi cho những người theo đạo Baptists ở Danbury ở Connecticut; lúc đó họ là những người theo một tôn giáo thiểu số ở tiểu bang này. Các thành viên của giáo đoàn Baptist đã bày tỏ mối lo ngại của họ với tổng thống về việc quyền tự do tôn giáo của họ bị hạn chế trong tiểu bang. Cố Tổng thống Jefferson trả lời rằng theo cách giải thích của ông, Hiến Pháp Hoa Kỳ đã tạo ra một “bức tường ngăn cách giữa nhà thờ và nhà nước.”
Ông Johnson tiếp tục trích lời của cố Tổng thống George Washington. Trong bài diễn văn trước lúc rời nhiệm sở năm 1796, ông đã nói: “Trong tất cả những khuynh hướng và tập quán dẫn đến thịnh vượng chính trị, thì tôn giáo và đạo đức là hai yếu tố bổ trợ không thể thiếu.” Tiếp theo, ông Johnson dẫn lời cố Tổng thống John Adams, người đã viết vào năm 1798 rằng, “Hiến Pháp của chúng ta được viết ra chỉ dành cho những người có đạo đức và tôn giáo. Hiến Pháp hoàn toàn không phù hợp với chính phủ của bất kỳ ai khác.”
Ông Johnson nói thêm: “Tôi nghĩ chúng ta cần nhiều hơn thế — không phải là tổ chức của bất kỳ tôn giáo quốc gia nào, mà chúng ta cần mọi người thể hiện đức tin sôi nổi bởi vì đó là một phần quan trọng kiến tạo nên quốc gia của chúng ta.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Do Ryan Morgan của NTD News thực hiện
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times