Luật mới của Louisiana yêu cầu trưng bày Mười Điều Răn trong tất cả các lớp học
Louisiana hiện là tiểu bang đầu tiên quy định văn bản này phải được trưng bày ở tất cả các trường công lập ở cấp phổ thông và cao đẳng, đại học.
Louisiana đã trở thành tiểu bang đầu tiên ban hành một luật quy định rằng Mười Điều Răn phải được trưng bày một cách nổi bật tại tất cả các trường công lập ở cấp phổ thông và cao đẳng, đại học.
Theo đạo luật đã trở thành luật hôm 18/06 này, các trường học ở Louisiana nhận tài trợ của tiểu bang sẽ phải trưng bày Mười Điều Răn “trong mỗi tòa nhà mà trường sử dụng và trong mỗi lớp học ở mỗi trường thuộc phạm vi quyền hạn của tiểu bang.”
Dự luật quy định rằng văn bản này phải được trình bày ở trọng tâm chính của một biểu ngữ hoặc tài liệu được đóng khung có kích thước tối thiểu 11 inch x 14 inch (27,9 cm x 35,5 cm) và được in bằng một “phông chữ lớn và dễ đọc.”
Dự luật cũng yêu cầu một “tuyên bố ngữ cảnh” dài 200 từ, giải thích rằng Mười Điều Răn là “một phần nổi bật của nền giáo dục công lập Hoa Kỳ trong gần ba thế kỷ.”
Theo tuyên bố về bối cảnh, Mười Điều Răn đã được đưa vào một số sách giáo khoa phổ biến nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, được xuất bản bởi những nhà tiên phong về giáo dục công lập nổi tiếng như William McGuffey và Noah Webster.
Ví dụ: “Sách Đánh vần của Mỹ” của Webster có Mười Điều Răn và đã bán được hơn 100 triệu bản cho học sinh các trường công lập trên toàn quốc sử dụng. Quyển sách này vẫn được sử dụng trong các trường công lập ở Mỹ cho đến năm 1975.
Dự luật do Đảng Cộng Hòa hậu thuẫn này đã được Thượng viện tiểu bang Louisiana thông qua với tỷ lệ chênh lệch 30 phiếu thuận–8 phiếu chống hôm 16/05. Dự luật được đưa đến bàn làm việc của Thống đốc Đảng Cộng Hòa Jeff Landry sau khi nhận được sự chấp thuận cuối cùng của Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu 79 phiếu thuận–16 phiếu chống hôm 28/05.
Dân biểu tiểu bang của Đảng Cộng Hòa Dodie Horton đã dẫn đầu dự luật này. Năm ngoái, bà đã lãnh đạo thành công một nỗ lực lập pháp nhằm yêu cầu khẩu hiệu quốc gia “Chúng con Tin Chúa” phải được trưng bày trong các lớp học trên toàn tiểu bang.
Trong khi hơn một chục tiểu bang đã ban hành luật bắt buộc hoặc cho phép rõ ràng các trường học trưng bày nhóm từ này, thì luật của Louisiana còn tiến thêm một bước nữa khi yêu cầu phải trưng bày tấm biển trong mỗi từng lớp học.
Cuộc tranh luận về điều khoản thiết lập
Năm 1980, một Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bị chia rẽ đã bác bỏ đạo luật của tiểu bang Kentucky yêu cầu các trường công lập phải trưng bày Mười Điều Răn trong mỗi lớp học. Pháp viện cho rằng đạo luật này báo hiệu sự tán thành của chính phủ đối với “một văn bản thiêng liêng trong tín ngưỡng Do Thái Giáo và Cơ đốc Giáo,” vi phạm các điều luật điều khoản thiết lập của Tu chính án thứ Nhất.
“Nếu các bản sao được yết thị của Mười Điều Răn có bất kỳ tác dụng nào, thì điều đó sẽ khuyến khích học sinh đọc, suy ngẫm, có lẽ tôn kính và tuân theo các Điều Răn,” phe đa số 5 phiếu chống (so với 4 phiếu thuận) của tòa án tối cao này đã viết tại thời điểm đó. “Tuy nhiên, mong ước này có thể là vấn đề sự mộ đạo cá nhân, đó không phải là mục tiêu được nhà nước cho phép theo Điều khoản Thiết lập.”
Trong những năm gần đây, Tối cao Pháp viện dường như đã trở nên cởi mở hơn trong việc giải thích điều khoản thiết lập theo cách ít hạn chế hơn trong khi chú trọng nhiều hơn đến lịch sử và truyền thống của đất nước.
Để bảo vệ dự luật về Mười Điều Răn của mình, bà Horton nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của văn bản này, cho rằng dự luật tôn vinh vị trí vô song của Mười Điều Răn trong lịch sử Louisiana. Theo ngôn từ của luật này, Mười Điều Răn được mô tả là “các tài liệu nền tảng của chính phủ tiểu bang và quốc gia của chúng ta.”
“Mười Điều Răn là cơ sở của tất cả các luật ở Louisiana,” bà nói trên sàn Hạ viện hồi tháng Tư. “Và với tất cả những thứ tạp nham mà con em chúng ta tiếp xúc trong lớp học ngày nay, điều bắt buộc là chúng ta phải đặt Mười Điều Răn trở lại một vị trí nổi bật.”
“[Các điều răn này] không rao giảng một tôn giáo nhất định, mà chắc chắn cho thấy một chuẩn tắc đạo đức mà tất cả chúng ta nên tuân theo là gì.”
Năm ngoái, Thượng viện Texas đã thông qua một dự luật tương tự. Tuy nhiên, dự luật này đã thất bại sau khi Hạ viện không bỏ phiếu thông qua trước khi thời hạn trôi qua.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times