Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đề ra ý tưởng mới để giúp chính phủ tránh đóng cửa
Khi thời hạn của dự luật tài trợ tạm thời 45 ngày sắp hết, Chủ tịch Hạ viện Johnson đang tìm cách duy trì nguồn tài trợ cho chính phủ mà không khiến bản thân ông bị mất việc.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã đề ra ý tưởng về dự luật chi tiêu tạm thời (CR) được gia hạn theo nấc thang, một ý tưởng mới nhằm tránh cho chính phủ bị đóng cửa vào ngày 17/11, khi dự luật tài trợ tạm thời 45 ngày hết hạn.
Ông Johnson cho biết trong cuộc họp báo hôm 02/11: “Có khả năng quý vị sẽ có một CR gia hạn từng phần riêng lẻ của quy trình phân bổ ngân sách, gia hạn các dự luật riêng lẻ.”
Ý tưởng này có thể là biện pháp cứu nguy cho vị Chủ tịch Hạ viện mới đắc cử này, người cũng đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan như chủ tịch Hạ viện tiền nhiệm, khi ông cũng phải lựa chọn giữa việc để cho chính phủ đóng cửa vì thiếu kinh phí hoặc thông qua dự luật chi tiêu tạm thời.
Trong tuần đầu tiên làm Chủ tịch Hạ viện, ông Johnson đang chạy đua để hoàn thành 12 dự luật chi tiêu theo yêu cầu của pháp luật trước thời hạn ngày 17/11. Khi việc đó hoàn tất, những khác biệt giữa hai bộ dự luật phải được lưỡng viện cùng nhau giải quyết.
Theo ông Johnson, điều này sẽ không được hoàn tất vào ngày 17/11.
Ông nói: “Chúng ta đã hết thời gian cho việc này rồi.”
Họ đã bị quá hạn một lần.
Khi năm tài khóa kết thúc vào hôm 30/09, không có dự luật nào trong số 12 dự luật chi tiêu được ký thành luật. Trong những ngày cuối còn tại vị, Chủ tịch Hạ viện đương thời Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã trình bày dự luật tài trợ tạm thời trong 45 ngày, và luật này đã được thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng ở cả Hạ viện và Thượng viện.
Tuy nhiên điều đó lại khiến ông McCarthy bị bãi nhiệm khi 8 thành viên Đảng Cộng Hòa đã phản đối ông vì họ xem việc ông đã làm là bắt tay với các thành viên Đảng Dân Chủ và mở rộng kế hoạch chi tiêu của chính phủ Tổng thống Biden.
Khi thời gian lại không còn nhiều, ông Johnson đã hy vọng sẽ thông qua dự luật tài trợ tạm thời thứ hai, dài hạn hơn để trang trải chi tiêu của chính phủ trong năm mới.
“Ý tưởng ban đầu của tôi là kéo dài thời gian đó đến ngày 18/01 năm tới để giúp chúng ta vượt qua những sự kiện như Giáng Sinh và những sự kiện thường khiến chúng ta ở trong nhà,” ông nói, nói đến nhóm dự luật chi tiêu lớn trị giá 1.7 ngàn tỷ USD mà Đảng Dân Chủ đã thông qua trong một cuộc bỏ phiếu theo quan điểm của đảng này ngay trước kỳ nghỉ lễ năm 2022.
Vấn đề nan giải mà ông Johnson phải đối mặt là trong khi công chúng không thích việc chính phủ đóng cửa thì một số thành viên Đảng Cộng Hòa lại không chấp nhận một dự luật chi tiêu ngắn hạn.
Dân biểu Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee) đã tóm lược quan điểm đó sau khi phản đối gói CR lần trước.
“Theo luật, chúng ta có một việc, đó là thông qua 12 dự luật phân bổ và một ngân sách. Chúng ta đang không làm điều đó, đó là lý do tại sao chúng ta nợ 33 ngàn tỷ USD. Tôi sẽ không bỏ phiếu để Quốc hội tiếp tục trì hoãn khi lẽ ra chúng ta phải giải quyết vấn đề này vào tháng Tám. Chúng ta không thể tiếp tục chơi trò chơi với số tiền khó kiếm được của người Mỹ,” nhà lập pháp đến từ miền Đông Tennessee này cho biết trong một tuyên bố.
CR được gia hạn theo bậc thang này có thể là một giải pháp hợp lý hơn đối với những người theo đường lối cứng rắn. Ông Johnson nói: “Tôi nghĩ chúng ta có thể xây dựng sự đồng thuận về vấn đề đó.”
Mười hai thời hạn
Ông Marc Goldwein, phó chủ tịch cao cấp của Ủy ban vì một Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm, nói với The Epoch Times: “Đó là một ý tưởng thú vị, nhưng tôi chưa từng thấy ai làm như vậy trước đây.”
Tuy nhiên, theo ông Peter C. Earle, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER) thì ý tưởng này rất phổ biến trong giới tài chính.
Ông Earle nói với The Epoch Times: “Trong giới tài chính, danh mục đầu tư trái phiếu được gia hạn theo bậc thang là danh mục được cấu trúc sao cho các khoản thanh toán được sắp xếp với các mốc thời gian khác nhau trong suốt một năm thay vì thanh toán hai khoản tiền cố định rất lớn nửa năm một lần.”
Áp dụng khái niệm này cho CR sẽ giúp dàn trải các ngày đến hạn trong một khoảng thời gian thay vì tất cả các dự luật đến hạn cùng một lúc.
“Ý tưởng là mỗi dự luật có thể được cân nhắc riêng lẻ, với những khác biệt được giải quyết trước khi chuyển sang dự luật tiếp theo. Người ta tin rằng cách này sẽ giúp cho cho chính phủ luôn được mở cửa trong suốt quá trình này,” ông Earle nói.
Tuy nhiên, 12 thời hạn nối đuôi nhau có thể tạo ra khả năng một khu vực cụ thể của chính phủ có thể bị đóng cửa nếu không có nguồn tài trợ theo dự luật đó.
Ngoài ra, quá trình này có thể ngày càng trở nên mang tính đảng phái hơn.
Ông Earle nói: “Tôi có thể hình dung ra một kịch bản trong đó mỗi cuộc thảo luận riêng lẻ sẽ bị sa lầy, cũng như một kịch bản trong đó việc cắt giảm hoặc những thay đổi khác được thực hiện đối với một dự luật sẽ gặp phải sự thù địch ngày càng gia tăng trong các cuộc đàm phán tiếp theo.”
12 dự luật dành cho các cơ quan có tên dưới đây, cũng như các chi nhánh của các cơ quan này:
- Các Bộ Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm
- Các Bộ Thương mại, Tư pháp, Khoa học
- Bộ Quốc phòng
- Bộ Phát triển Năng lượng và Nước
- Bộ Dịch vụ Tài chính và Chính phủ Chung
- Bộ An ninh Nội địa
- Bộ Nội vụ, Môi trường, và các cơ quan liên quan
- Bộ Lao động, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Bộ Giáo dục
- Nhánh Lập pháp
- Xây dựng Quân sự, Bộ Cựu Chiến binh
- Bộ Ngoại giao, các Hoạt động Đối ngoại
- Bộ Giao thông, Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị
Cách tiếp cận theo kiểu gia hạn theo bậc thang không rõ sẽ hoạt động như thế nào vì ông Johnson chỉ cung cấp những phác thảo sơ bộ về ý tưởng.
“Tôi sẽ giải thích cho quý vị biết điều đó có ý nghĩa gì ở đây trong những ngày tới,” ông nói.
Hạ viện đã thông qua 6 trong số 12 dự luật chi tiêu và dự kiến sẽ bỏ phiếu cho hai dự luật khác trước ngày 02/11. Tổng cộng, những dự luật này sẽ chiếm 1.54 ngàn tỷ USD chi tiêu, hay 86% trong tổng số 1.79 ngàn tỷ USD dự kiến.
Thượng viện đã thông qua ba dự luật chi tiêu trị giá 279 tỷ USD.