Điều 300 Bộ luật Hình sự của ĐCSTQ đã gây ra biết bao bi kịch
Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc kêu gọi bãi bỏ Điều 300 của Luật Hình sự.
“Một tù nhân tên Dương Hoài Chí (Yang Huaizhi) ở nhà tù tỉnh Sơn Đông đã dùng nắm đấm đánh mạnh vào huyệt Thái Dương của tôi. Tôi bất tỉnh ngay tức khắc” ông Lưu Tích Đồng (Liu Xitong), từng là nhà thư pháp nổi tiếng ở Trung Quốc, kể lại với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
“Trong trại tạm giam, những người khác đi bằng chân, nhưng cô Ngưu Hiểu Na (Niu Xiaona) phải dùng mông để di chuyển, chưa đến vài ngày, da ở mông của cô ấy đã tróc ra…” Cô Ngưu Hiểu Na, một người khuyết tật, là một trường hợp ở tỉnh Hắc Long Giang mà trang web Minh Huệ Net đã đưa tin theo dõi trong thời gian dài.
Ông Lưu Tích Đồng và cô Ngưu Hiểu Na đều là học viên Pháp Luân Công, họ cũng là nạn nhân của Điều 300 Bộ luật Hình sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Báo cáo nhân quyền do Ủy ban Điều hành Quốc hội về vấn đề Trung Quốc (CECC) công bố vào tháng 05/2024 đã liệt kê những trường hợp như trường hợp của cô Ngưu Hiểu Na, đồng thời chỉ ra rằng “ĐCSTQ tiếp tục sử dụng Điều 300 của Bộ luật Hình sự để bức hại các học viên Pháp Luân Công,” họ kêu gọi ĐCSTQ “bãi bỏ” điều khoản này.
Những gì đã xảy ra với ông Lưu Tích Đồng và cô Ngưu Hiểu Na chỉ là một phần nhỏ. ĐCSTQ đã đàn áp Pháp Luân Công trong 25 năm và sử dụng Điều 300 của Bộ luật Hình sự để tạo ra vô số bi kịch không thể kể hết.
Ông Lưu Tích Đồng: Dưới sự bảo vệ của Điều 300 Bộ luật Hình sự, kẻ sát nhân đã tra tấn và đe dọa sát hại tôi
Ông Lưu Tích Đồng, vốn là học viên Pháp Luân Công ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, từng tổ chức nhiều triển lãm nghệ thuật thư pháp tại Lễ hội Diều Quốc tế Duy Phường, Bảo tàng tỉnh Sơn Đông, Bảo tàng Thành phố Thanh Đảo và những nơi khác. Ông từng khá nổi tiếng ở địa phương. Hiện ông đang sinh sống ở New York, Hoa Kỳ.
Vào ngày 28/05/2024, ông Lưu nói với ký giả ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, hồi tháng 05/2008, ông bị Tòa án quận Lý Thương của thành phố Thanh Đảo kết án bất hợp pháp 4 năm tù giam với tội danh “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” theo Điều 300 của Bộ luật Hình sự. Ông đã bị giam giữ ở nhà tù tỉnh Sơn Đông.
Trong thời gian này, ông phải chịu đựng nhiều hình thức tra tấn tàn khốc bao gồm “đánh đập tập thể, vặn xoắn nát da thịt, rải muối lên vết thương, dùng thuốc lá châm da thịt, dùng bàn chải đánh răng chọc vào kẽ ngón tay, v.v.” Ông còn bị ép uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc và bị đe dọa sát hại.
Ông Lưu nói rằng dưới sự xúi giục và những lời hứa hẹn giảm án của nhà tù, các tù nhân khác đã đánh đập ông tàn nhẫn.
Ông nhớ lại, “Những tên tội phạm này thường hét lên: Chúng tôi chính là muốn ông mất mạng! Vì [Điều 300] Bộ luật Hình sự ủng hộ chúng tôi, chính phủ bảo chúng tôi làm như vậy. Chúng tôi đang thực hiện mệnh lệnh từ cấp trên!”
“Một đêm nọ, bảy tám tù nhân đã bao vây, đe dọa, và nhục mạ tôi. Họ cạy miệng tôi ra và đổ hai chén thuốc đắng không rõ nguồn gốc vào bụng tôi. Khi tôi bị cho uống đến mức đầu óc mê mờ, họ lại trói tôi vào cạnh giường và tiếp tục chửi rủa, đánh đập tôi. Họ thường nắm đầu tôi đập vào tường hoặc vào giường.”
Tù nhân Trần Vũ Lỗi (Chen Yulei), người cầm đầu tù nhân, đội trưởng đội kiểm soát nghiêm ngặt, đã từng tra tấn ông Lưu bằng cách “chà bàn chải đánh răng vào kẽ các ngón tay của ông.”
Ông Lưu nhớ lại: “Anh ta đặt một chiếc bàn chải đánh răng có răng cưa vào giữa các ngón tay của tôi và điên cuồng chà xát lên xuống rất nhanh, máu và da thịt thuận theo cái bàn chải ấy chà xát chảy ra từ giữa kẽ các ngón tay của tôi.”
Ông Lưu còn bị tra tấn bằng cách “vặn xoắn nát da thịt,” tức là dùng hai hoặc ba ngón tay nhéo vào thịt và vặn thật mạnh rồi kéo ra, giống như vặn một cái ốc vít vào trong hoặc ra ngoài. Hình thức tra tấn kiểu này đau đớn khôn tả, đến ngày hôm sau khắp cơ thể ông Lưu “da thị bị lở loét và mưng mủ.”
Ông Lưu kể rằng khi tù nhân Trần Vũ Lỗi tra tấn và chuyển hóa ông, anh ta còn nói: “Tôi là tên tội phạm sát nhân, tôi sợ cái gì chứ?!”
CECC: Cô Ngưu Hiểu Na, một người khuyết tật, bị kết án 15 năm tù theo Điều 300 Bộ luật Hình sự
CECC viết trong báo cáo mới nhất của mình rằng: “Vào tháng 09/2022, Tòa án Đường sắt Cáp Nhĩ Tân đã kết án cô Ngưu Hiểu Na 15 năm tù, đã xem xét thời gian 14 năm thi hành án ngoài nhà tù vì khuyết tật từ năm 2004. Tòa án cho biết cô Ngưu chưa thể cung cấp hồ sơ chính thức xác nhận rằng cô đã chấp hành án.”
CECC trích dẫn một báo cáo của Hiệp hội Viện trợ Trung Quốc (China Aid Association) cho biết: “Bản án dành cho cô Ngưu là một trong những bản án dài nhất đối với một học viên Pháp Luân Công chỉ bị kết án theo Điều 300 Bộ luật Hình sự.”
Cô Ngưu Hiểu Na, sinh năm 1975, bị viêm khớp dạng thấp vào năm 1996 khi đang học năm thứ hai đại học và bị liệt nằm trên giường. Hằng đêm, cô thường khóc lớn vì đau đớn bệnh tật. Gia đình cô đã tìm đến các bác sỹ nổi tiếng để điều trị cho cô nhưng không có kết quả.
Mẹ của cô Ngưu Hiểu Na, bà Đà Văn Hà (Tuo Wenxia), khi đó đang giảng dạy tại Đại học Mẫu Đan Giang, đã nghe các sinh viên nói rằng Pháp Luân Công có tác dụng thần kỳ trong việc chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe. Vì vậy bà và con gái đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Kể từ khi học Pháp Luân Công vào tháng 07/1997, các cơn đau của cô Ngưu Hiểu Na đã thuyên giảm rất nhiều, cô đã có thể tự chăm sóc bản thân.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện thể chất và tinh thần của Phật gia dựa trên nguyên lý “chân, thiện, và nhẫn,” cùng với năm bài công pháp chậm rãi và nhẹ nhàng, có hiệu quả rõ rệt trong việc chữa bệnh, nâng cao sức khỏe. Vào tháng 07/1999, Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công một cách tàn bạo vì ghen tị và lo sợ rằng Pháp Luân Công được hoan nghênh rộng rãi trong quần chúng.
Cô Ngưu Hiểu Na và mẹ đã bị bắt cóc và giam giữ nhiều lần vì họ kiên trì tu luyện Pháp Luân Công
Vào tháng 02/2004, cô Ngưu Hiểu Na bị kết án bất hợp pháp 14 năm tù. Vì cô có giấy chứng nhận khuyết tật cấp độ hai nên sau đó cô được chịu án ngoài tù có giám sát. Dưới áp lực cao, bệnh tình của cô Ngưu Hiểu Na tái phát. Năm 2005, cô Ngưu Hiểu Na bắt đầu tập lại Pháp Luân Công, cô đã có thể dần dần đẩy ghế và đi được vài bước; sau năm 2008, cô đã có thể đi lại, các triệu chứng thấp khớp của cô đã biến mất.
Ngày 19/04/2021, cô Ngưu Hiểu Na và mẹ cô lại bị cảnh sát bắt cóc ở Cáp Nhĩ Tân. Trong trại tạm giam, việc đi lại của cô Ngưu Hiểu Na rất khó khăn (vì bệnh cũ tái phát). Cô cần sự giúp đỡ của các tù nhân khác cùng phòng để đứng dậy và đi vệ sinh. Cân nặng của cô từ 52.5 kg giảm xuống còn 42.5 kg.
Ngày 29/09/2022, Tòa án Đường sắt Cáp Nhĩ Tân kết án cô Ngưu Hiểu Na ba năm tù với tội danh cô đã mua một số lượng lớn USB để sao chép tài liệu giảng chân tướng Pháp Luân Công trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021. Đồng thời cộng với “hình phạt chưa được thi hành cho tội danh trước đó,” cô bị kết án tổng cộng 15 năm tù.
Liên quan đến trường hợp của cô Ngưu Hiểu Na, cựu luật sư nhân quyền Trung Quốc Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping) trước đây từng nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, bản án 14 năm trước đó của cô Ngưu Hiểu Na đã qua, và nên được coi là đã chấp hành xong. “Những người tin vào Pháp Luân Công không nên bị truy cứu về bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Dù là từ góc độ thực tế hay pháp lý, đều không thể nhận định Pháp Luân Công là một tổ chức tà giáo.”
Ông Ngô Thiệu Bình nói: “ĐCSTQ không thể chứng minh được rằng tuân theo tín ngưỡng hoặc truyền bá Pháp Luân Công là phạm tội, nhưng vẫn liên tục tạo ra nhiều tội danh khác nhau để tiếp tục bắt bớ và kết án tù các học viên Pháp Luân Công, [qua đó] chứng minh rằng đây là một sự đàn áp chính trị.”
Chuyên gia pháp luật: Điều 300 Bộ luật Hình sự là vi phạm Hiến pháp, nên bị bãi bỏ
Luật sư Lương Thiếu Hoa (Liang Shaohua) thuộc Văn phòng Luật Trần Sấm Sang ở California, Hoa Kỳ, và là người đứng đầu nhóm luật sư Tòa án Công dân, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, Điều 300 của Luật Hình sự “nên được bãi bỏ.”
Luật sư Lương nói rằng Quốc hội Hoa Kỳ đã kêu gọi bãi bỏ Điều 300 của Bộ luật Hình sự, điều này cho thấy cuộc đàn áp các tín đồ tôn giáo của ĐCSTQ “có quy mô rất lớn, đã thu hút sự chú ý của Hoa Kỳ. Hành vi đàn áp của ĐCSTQ vi phạm các chuẩn mực nhân quyền cơ bản của quốc tế.”
Luật sư Lương nói thêm rằng, cái được gọi là lợi dụng các tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi luật pháp của Điều 300 Bộ luật Hình sự “là ‘túi tội danh’ nhắm vào những tín đồ tôn giáo. Không nên có tội danh này. Điều này trái với Hiến Pháp của Trung Quốc, hoàn toàn mâu thuẫn với quyền tự do tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng.”
Điều 36 của Hiến pháp Trung Quốc quy định công dân Trung Quốc có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.
“Các hoạt động tôn giáo bình thường bị ĐCSTQ coi là tà giáo.” Luật sư Lương Thiếu Hoa nói rằng mục đích của Điều 300 Bộ luật Hình sự của ĐCSTQ là phủ nhận quyền tự do tôn giáo của người dân. “Chính là khiến cho các hoạt động tôn giáo bình thường trở thành bất hợp pháp.”
“Tổ chức tà giáo là gì? Là tôn giáo không do chính phủ điều hành ư? Tôn giáo mà ĐCSTQ không thích thì liền bị coi là tà giáo sao?”
“Xét về bất kỳ phương diện nào, Pháp Luân Công đều không phù hợp với định nghĩa về một tà giáo.”
“Tôi không phải là một học viên Pháp Luân Công, nhưng tôi rất tôn trọng pháp môn này. Tôi biết rất nhiều học viên Pháp Luân Công, họ đều rất lương thiện.”
Luật sư Lương Thiếu Hoa nói rằng ĐCSTQ mới là một tà giáo.
Ông nói: “Nếu xét theo tiêu chuẩn của tà giáo, vậy thì ĐCSTQ có thể là một tà giáo, [ĐCSTQ] đã làm rất nhiều điều [tàn ác], đã làm hại rất nhiều người như vậy; [ĐCSTQ] giống như một kẻ xấu tự cho mình là người tốt, và xem những người khác đều là xấu.”
Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp: Phải chấm dứt hoàn toàn mọi bức hại
Ông Levi Browde, giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “Chúng tôi ủng hộ lời kêu gọi bãi bỏ Điều 300 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cần phải chỉ rõ ra rằng cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công đã bắt đầu trước khi Điều 300 này được ban hành.”
Ông nói: “Những thay đổi mới nhất trong pháp luật cho thấy ĐCSTQ đang đi theo hướng ngược lại với việc bãi bỏ. Năm 2015, điều khoản này đã được sửa đổi để nâng mức hình phạt tối đa từ 15 năm lên tù chung thân.”
Ông Browde cho biết, chỉ bãi bỏ Điều 300 của Bộ luật Hình sự là không đủ để chấm dứt cuộc bức hại, mà tất cả mọi hình thức bức hại đều phải chấm dứt.
Ông nói: “Trung Quốc không hoạt động theo một hệ thống dựa trên luật lệ, do đó ngay cả khi Điều 300 bị bãi bỏ thì cũng sẽ không đủ để chấm dứt cuộc đàn áp, và không thể tránh khỏi những điều khoản pháp lý mới sẽ được đưa ra để bỏ tù các học viên Pháp Luân Công.”
“Cần phải thực sự và hoàn toàn chấm dứt đàn áp các học viên Pháp Luân Công dưới mọi hình thức, chứ không chỉ là những thay đổi trên giấy tờ.”
Ông Lưu Tích Đồng, nạn nhân của Điều 300 Bộ luật Hình sự cho biết, ông ủng hộ lời kêu gọi của CECC về việc bãi bỏ Điều 300. Ông nói: “Tôi thực sự hiểu được sự tà ác của Điều 300 Bộ luật Hình sự và nỗi đau đớn mà nó mang lại cho các học viên Pháp Luân Công.”