Dị tượng cảnh báo: Trời đỏ như máu, nước sông chuyển thành màu đỏ
Vào ngày 7/5/2022 vừa qua, thành phố Chu Sơn tỉnh Chiết Giang xuất hiện dị tượng bầu trời đỏ như máu. Đến tối ngày 11/5, tại thủ phủ Phúc Châu của tỉnh Phúc Kiến cũng xuất hiện bầu trời đỏ hiếm thấy. Gần như vào cùng một thời điểm, nước sông Nhạc Lý ở huyện Điền Lâm thành phố Bách Sắc tỉnh Quảng Tây cũng đột nhiên biến thành màu đỏ như máu vậy.
Nhìn thấy bầu trời và nước sông biến thành đỏ như máu, không ít người cảm thấy kinh sợ và liên tưởng đến “Họa sát thân”, “Oán khí trùng thiên”.
Bài viết này sẽ điểm lại một số dị tượng tương tự đã từng xuất hiện ở phương Đông và phương Tây. Liệu những dị tượng này sẽ mang đến những báo hiệu và gợi mở điều gì cho chúng ta?
https://www.youtube.com/watch?v=yBP00V_GizQ&feature=emb_imp_woyt
Câu chuyện Kinh Thánh: Chúa giáng họa máu cảnh tỉnh Pharaoh
Trong văn hóa tín ngưỡng phương Tây, câu chuyện Kinh Thánh “Exodus” có lẽ rất quen thuộc với mọi người. Pharaoh Ai Cập tùy ý bắt người dân Israel làm nô lệ kéo dài suốt hơn 430 năm, hơn nữa còn cấm người dân Israel thờ phụng Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo ra người Do Thái. Người Israel đã phải chịu đựng sự thống khổ tột cùng về cả thể xác lẫn tinh thần. Và Đức Jehovah đã nhìn thấy hết tất cả những điều này.
Để giải cứu dân Israel, đưa họ trở về với đức tin chân chính và miền đất hứa tươi đẹp, Moses phụng mệnh Đức Jehovah dẫn người Israel đi ra khỏi Ai Cập. Vua Pharaoh tâm địa cương ngạnh, không nghe theo chỉ dẫn của Thần, cũng không chịu thả người. Để trừng trị Pharaoh, Đức Chúa Trời yêu cầu Moses làm phép lạ, ra lệnh cho ông dùng cây trượng đánh xuống sông, và nước sông trong nháy mắt đã biến thành máu. Không chỉ toàn bộ nước ở Ai Cập biến thành nước máu, mà ngay cả đồ gỗ đồ đá trên đất cũng đều nhuốm đầy máu.
Thần giáng tai họa máu chỉ là để cảnh tỉnh Pharaoh, khiến ông ta hồi tâm chuyển ý. Tuy nhiên, Pharaoh vẫn nhất quyết cố chấp, hết lần này đến lần khác làm trái ý muốn của Đức Chúa Trời, quay lưng lại với lời răn của Thần. Đức Chúa Trời đã lần lượt giáng hạ 10 đại tai họa, bao gồm bệnh dịch máu, bệnh dịch ếch nhái, bệnh dịch hạch, bệnh dịch mưa đá và bệnh dịch bóng tối,v.v. Đối mặt với tai họa thảm khốc do Thần trừng phạt, Pharaoh cuối cùng đã nhận ra rằng lời nói và việc làm của mình đã đắc tội với Đức Chúa Trời, cho nên mới mang đến bao nhiêu tai họa cho người dân Ai Cập như vậy. Vì vậy, ông ta đồng ý để người dân Israel rời khỏi Ai Cập và để họ tự do thờ phượng Đức Chúa Trời của dân Do Thái.
Trong câu chuyện Kinh Thánh này, việc nước sông biến thành màu đỏ máu là lời cảnh báo của Thần đối với con người. Khi con người biết ăn năn hối cải và hành động thuận theo Thiên ý, thì sự trừng phạt sẽ dừng lại, và lúc đó con người mới thực sự được giải thoát khỏi tai họa.
Sách cổ cảnh báo: Đỏ như hỏa huyết, thiên hạ loạn
Tại phương Đông, văn hóa truyền thống Trung Quốc xưa đều giảng “Thiên nhân hợp nhất”, sự việc xảy ra nơi con người và thiên tượng là có sự đối ứng với nhau. Thời cổ đại có rất nhiều các bậc hiền triết giỏi xem thiên tượng, có thể căn cứ vào dị tượng biến hóa khác nhau mà suy đoán sự việc sẽ xảy ra ở thế gian, vì thế đã tổng kết ra không ít kinh nghiệm.
Đối với dị tượng màu đỏ, cổ nhân Trung Quốc cho rằng “xích sắc giả chủ binh hoang”, ý rằng màu đỏ chủ về quân vương, binh đao và đói kém mất mùa. Khi xuất hiện các loại hiện tượng giống như trăng máu, bầu trời máu, sẽ bị coi là điềm báo chẳng lành.
Trong cuốn sách nổi tiếng “Ất Tỵ chiêm” của cao nhân Lý Thuần Phong đời Đường, có ghi chép rất nhiều dị tượng màu đỏ, ví dụ như:
“Khí đỏ dần dần chuyển sang màu máu, là có hiện tượng đổ máu.”
“Khí đỏ che kín mặt trời như ánh sáng máu, sẽ xảy ra đại hạn, người dân đói kém, đất cằn nghìn dặm.”
“Khí đỏ xoáy và dừng lại ở đâu, phía dưới có binh đao đổ máu.”
“Phía trên thành lũy doanh trại có đám mây hình đầu người màu đỏ, phía dưới xuất hiện đổ máu tang tóc.”
“Khí đỏ xuất ra ở Tham Kỳ, chưa đến một năm, giặc Hồ phía Tây vực xâm chiếm Trung Quốc, không tới ba năm, thiên hạ nhiễu loạn, bách tính buồn phiền.”
Từ những ghi chép trên, chúng ta có thể thấy rằng dị tượng màu đỏ đối ứng đến nhân gian, thường sẽ phát sinh thảm họa chiến tranh và hạn hán, đặc biệt họa sát thân là chiếm phần nhiều.
Trong sách “Cổ kim đồ thư tập thành” thời nhà Thanh đã trích dẫn “Quản khuy tập yếu – Thiên biến sắc chiêm”, nói rằng: “Bầu trời vốn nhẹ và trong. Nếu biến đổi màu thành đen kịt, là quân chủ bất minh; nếu biến đổi thành màu trắng bệch, thì tang tóc lo buồn. Đỏ như máu lửa, là có dấy binh, thiên hạ loạn.”
Trời đỏ như máu, hoàng quyền thay đổi
Trong lịch sử Trung Quốc, khi vương triều sa sút, thì bầu trời đỏ như máu là điềm báo chính quyền lâm nguy và vận mệnh của quốc quân. Theo “Tục tư trị thông giám” quyển 87 ghi chép, Tống Huy Tông sau khi đổi niên hiệu là Kiến Trung Tĩnh Quốc (năm 1101), bầu trời đêm xuất hiện “Khí sắc màu đỏ khắp trời”: Vùng khí đỏ xuất hiện ở phía Đông Bắc, kéo dài về phía Tây Nam, ở giữa có luồng khí trắng; Khi khí sắp tiêu tán, bên cạnh lại có khí đen chẳng lành.
Lúc ấy, đại thần can gián Nhâm Bá Vũ đã giải thích thiên tượng này, cho rằng Thượng Thiên giáng xuống dị tượng, sẽ xuất hiện âm mưu trong cung cấm, bề dưới phạm thượng, đồng thời điềm báo xuất binh ở phương Bắc. Vì vậy ông can gián Thiên tử trọng dụng trung lương, trục xuất gian tà nịnh thần, trừng trị kẻ ác, để vãn hồi Thiên ý.
Theo “Tống sử” quyển 23 ghi chép, vào ngày Đinh Dậu tháng 11 nhuận năm Tĩnh Khang thứ nhất lại một lần nữa xuất hiện dị tượng “khí đỏ đầy trời”. Đúng vào thời gian quân Kim tiến đánh Biện Lương, suốt mấy ngày liền trời giáng xuống bão tuyết, có nơi tuyết cao chừng ba thước, đồng thời còn có dị tượng “Mặt trời đỏ như lửa, không có ánh sáng”. Về sau quân Kim đánh vào kinh đô, bắt Tống Huy Tông và Nhị đế Tống Khâm Tông cùng số lớn hoàng thân quốc thích đưa về phương Bắc. Bắc Tống diệt vong.
Cuối thời Hoàng đế Nguyên Thuận đã từng nhiều lần xuất hiện dị tượng mưa máu, sương mù đỏ, khí đỏ che phủ bầu trời. “Nguyên sử – Ngũ Hành chí – Hỏa bất viêm thượng” quyển 51 ghi chép: “Vào ngày Kỷ Tỵ, tháng 7 năm Chí Chính thứ 21, phía Tây Bắc Hãn Châu đường Ký Ninh, có khí đỏ che phủ bầu trời như máu, mãi mới tan”; “Ngày Ất Dậu, phía bắc đường Đại Đồng, đêm có khí đỏ che kín bầu trời, thẳng qua Thiên Đình, từ đông đến tây, rồi dần tan, đó là lần thứ ba.”
Năm Chí Chính thứ 28 (năm 1368), “ngày Quý Dậu tháng 7, ở Kinh đô khí đỏ đầy trời như lửa chiếu người, từ giờ Dần đến giờ Thìn, khí nóng ngột ngạt.” Cũng vào năm này, triều đình nhà Nguyên rời khỏi đại đô trở về thảo nguyên Mông Cổ, bởi vì Thuận Đế tiếp tục sử dụng quốc hiệu “Đại Nguyên” cho nên lịch sử gọi là Bắc Nguyên.
Bầu trời đỏ như máu báo hiệu hoàng quyền thay đổi, hoặc vận mệnh quốc quân khó có thể kết thúc yên lành. Cuối triều Minh, hoàng đế Sùng Trinh cũng như vậy.
Trời đỏ như máu báo hiệu Sùng Trinh khó được kết thúc yên lành
Theo “Hán nam tục quận chí” ghi chép: Năm đầu Sùng Trinh triều Minh (năm 1628), “Toàn vùng Thiểm Tây trời đỏ như máu. Năm thứ 5 đói kém, năm thứ 6 lũ lụt, năm thứ 7 có nạn châu chấu và nạn đói, tháng 9 năm thứ 8 Tây Hương hạn hán, Lược Dương úng lụt, nhà cửa không còn. Năm thứ 9 hạn hán châu chấu, năm thứ 10 lúa mùa thu không có, mùa hạ năm thứ 11 châu chấu rợp trời… năm thứ 13 đại hạn… năm thứ 14 đại hạn”. Theo các ghi chép, sau dị tượng trời đỏ như máu, tai ương hoạn nạn liên tiếp xảy ra, mãi cho đến những năm Sùng Trinh cuối cùng.
Trong “Tứ Khố toàn thư” cũng ghi chép tỉ mỉ một dị tượng nhự vậy: “Canh 5, ngày 25 tháng 3 năm Sùng Trinh thứ nhất (năm 1628). Toàn Thiểm tây trời đỏ như máu. Giờ Tỵ dần dần chuyển sang màu vàng. Mặt trời bắt đầu xuất hiện. Chiêm tinh gọi là Xích sảnh (tai họa đỏ), sẽ xảy ra đại hạn, việc binh khẩn cấp. Năm đó, giặc Bạch Thủy là Vương Nhị tạo phản”.
Triều Minh (1368 -1644) là vương triều kéo dài 276 năm, vị Hoàng đế cuối cùng là Sùng Trinh. Từ khi Sùng Trinh bắt đầu đăng cơ, toàn Thiểm Tây xuất hiện dị tượng “bầu trời đỏ như máu”, sau đó các loại tai họa liên tiếp xuất hiện không dứt. Ngoài nạn đói, lũ lụt và hạn hán, còn có đại ôn dịch, chẳng hạn như dịch hạch bùng phát ở Sơn Tây năm 1633, lịch sử gọi là “Đại dịch hạch thời mạt Minh”, và đại ôn dịch bùng phát ở Bắc Kinh năm 1643 khiến hơn 200,000 người chết.
Sùng Trinh năm 16 tuổi ngôi, phải gánh vác trách nhiệm chống cự ngoại xâm và dẹp yên nội loạn. Ông có tâm chăm lo việc nước nhưng dùng người không đúng phương pháp. Ngoài ra, quan viên các cấp trong triều tham nhũng thành thói, lợi dụng sưu cao thuế nặng vơ vét vào túi riêng, đục rỗng vương triều nhà Minh. Dù cho Sùng Trinh chuyên cần chính vụ có ý đổi mới, nhưng bởi vì nghe theo sàm ngôn nên đã giết đại tướng Viên Sùng Hoán, phá hủy Trường Thành – hủy đi phòng ngự phía Đông Bắc, khiến cho Hoàng Thái Cực có cơ hội. Khi Sùng Trinh bắt đầu đăng cơ, toàn Thiểm Tây xuất hiện dị tượng “bầu trời đỏ như máu”, đây cũng chính là điềm báo cho kết cục cuối cùng của ông. Ông tại vị 17 năm, cuối cùng là không thể vãn hồi Thiên ý vong quốc, giang sơn Đại Minh cũng bị mất trên tay ông.
Nhìn lại những ghi chép từ phương Đông và phương Tây, có thể thấy rằng dị tượng nước sông và bầu trời biến thành màu đỏ máu đều là cảnh báo đối với vương triều và quốc quân, rất có tính nhắm thẳng. Đồng thời, những dị tượng này cũng có tính dự báo, là điềm báo cho vận mệnh của đất nước hoặc chính quyền thay đổi, cũng có thể là kết cục cuối của quân vương. Chúng ta nên lấy lịch sử làm gương, sớm thức tỉnh khi Thượng Thiên cảnh báo!
Tư liệu tham khảo: “Kinh Thánh”, “Ất tỵ chiêm’ – quyển 9, “Tống sử’ – quyển 23, “Tam quốc chí – Ngụy thư” – quyển 8, “Nguyên sử – Ngũ Hành chí” – quyển 51, “Tục tư trị thông giám” – quyển 87.