Di tích Yonaguni: Kiến trúc 5,000 năm tuổi dưới đáy biển với trình độ kỹ thuật cao khiến giới khoa học bối rối
Giống như những câu chuyện về lục địa Atlantis từ lâu đã thu hút trí tưởng tượng [của nhiều người], một thành phố chìm dưới nước được phát hiện ngoài khơi Nhật Bản đã làm lu mờ ranh giới giữa huyền thoại và hiện thực — và làm nổi lên tranh cãi trong giới khoa học.
Lặn biển là một hoạt động được du khách ưa thích ngoài khơi đảo Yonaguni, một phần của chuỗi đảo Ryukyu Arc, thuộc tỉnh Okinawa. Yonaguni là điểm kết thúc của một loạt hòn đảo trải dài từ Kyushu, hòn đảo chính ở cực Tây Nam của Nhật Bản, về phía Tây Nam gần như đến Đài Loan.
Mặc dù nơi đây có dòng hải lưu mạnh, nhưng viễn cảnh được bơi lội cùng đàn cá mập đầu búa vẫn thu hút những người ưa các trò mạo hiểm dưới nước [đến đây] để thực hiện các tour lặn biển, ngay cả trong những tháng mùa đông.
Không chỉ vậy, hòn đảo này còn có một điều hấp dẫn khác cũng vẫy gọi các nhà thám hiểm lẫn khoa học gia: những tàn tích cổ đại [chìm sâu] dưới nước.
Ở đầu mút của quần đảo cách Đài Loan 75 dặm này là một công trình kiến trúc bằng đá nguyên khối khổng lồ đã chìm dưới nước hàng ngàn năm, chỉ cách bờ biển phía nam đảo Yonaguni 200 yard (~183m). Không quá sâu, khối đá khổng lồ này chỉ sâu khoảng 80 feet (~ 24m) ở điểm thấp nhất; phần đỉnh chỉ nhô cao cách mặt nước 15 feet (khoảng 4.5 m).
Khối đá bí ẩn này được đặt tên là Di tích Yonaguni.
Mặc dù một số người cho rằng Di tích Yonaguni được quan chức du lịch địa phương Kihachiro Aratake, người từng khảo sát khu vực này để tìm địa điểm lý tưởng ngắm cá mập, phát hiện vào năm 1986, nhưng một trong những tên tuổi gắn liền nhất với di tích này là nhà địa chất biển Nhật Bản Masaaki Kimura, đến từ Đại học Ryukyus.
Ông Kimura là một trong số những khoa học gia đầu tiên thám hiểm thành phố này sau phát hiện ban đầu của ông Aratake. Vì tin rằng đó là công trình nhân tạo, nên giáo sư Kimura gọi nó là Machu Picchu dưới nước. Ông còn đi xa hơn nữa khi đề xướng [giả thuyết] rằng kim tự tháp dưới biển này là lục địa Mu huyền thoại đã biến mất — lục địa tương đương với Atlantis ở châu Á.
Trong suốt quá trình nghiên cứu Di tích Yonaguni (kéo dài đến tận thế kỷ 21), ông Kimura tuyên bố là đã xác định được những đặc điểm chỉ có thể là do con người tạo ra, mà không thể nào hình thành một cách tự nhiên.
Những bức tường thẳng đứng cao vút bao quanh một khu vực, về cơ bản, là một khối bầu dục lớn, dài khoảng 950 feet (~290m), rộng 390 feet (~119m), và cao 85 feet (~26m), với mặt chính nhìn về hướng Nam-Đông Nam. Những bậc thang không đều đặn nhô ra khỏi công trình này theo các khoảng cách khác nhau, tạo nên vẻ ngoài như kim tự tháp. Các góc vuông hoặc gần góc vuông rải rác khắp nơi. Di tích Yonaguni trải rộng trên diện tích 984 feet x 492 feet (300m x 150m).
Ông Kimura đã chỉ ra cụ thể những điểm dị thường của thành phố này: một sân vận động lớn hình, một lâu đài với đặc điểm tương tự như của Lâu đài Shuri thế kỷ 14 ở Naha, trên đảo chính Okinawa; một khải hoàn môn; và hệ thống thoát nước.
Ông tin rằng ở đây cũng có các tác phẩm nghệ thuật: một tác phẩm điêu khắc rùa ấn tượng cỡ lớn; một đầu người khổng lồ hướng ra ngoài, giống như những đầu người trên Đảo Phục Sinh; và những thứ trông giống động vật được khắc trên tường đá, một số thậm chí còn mang dấu vết của nước sơn trên đó.
Theo ông Kimura, không tài nào những hiện tượng này lại do xói mòn tự nhiên tạo ra. Ông chỉ ra rằng không có đống đá vụn nào dưới chân Di tích Yonaguni, nơi các mảnh vỡ của công trình này đáng ra phải rơi xuống.
Mặc dù nhiều khoa học gia đã công nhận khẳng định của ông Kimura rằng công trình kiến trúc này là nhân tạo, nhưng những người hoài nghi trong cộng đồng khoa học đã gán cho công trình này là ngụy khảo cổ học (pseudoarcheology). Họ đưa ra một câu chuyện hoàn toàn khác để giải thích nguồn gốc của công trình này.
Đáng chú ý nhất, nhà địa chất Robert Schoch, tại Đại học Boston, tin là những tàn tích ở Yonaguni được hình thành một cách tự nhiên, giải thích rằng các góc vuông chính xác và bề mặt phẳng rõ ràng là do [đặc tính của] loại đá tạo nên công trình. Các lớp trầm tích sa thạch và đá bùn địa phương sẽ dễ dàng tách ra và tạo thành các bề mặt phẳng, nhẵn.
Trong khi đó, các lớp trầm tích chằng chịt khắp nơi sẽ gây ra các vết nứt theo góc vuông tự nhiên — mặc dù các nhà phê bình đã chỉ ra rằng các góc vuông khó có thể xuất hiện một cách nhất quán như vậy ở Yonaguni.
Để giải thích cho việc thiếu các mảnh vỡ đá nằm dưới chân di tích, ông Schoch đưa ra giả thuyết rằng các dòng hải lưu mạnh đã cuốn nó đi.
Ông Schoch cho hay, những điểm dị thường mà ông Kimura tin là mái vòm của trụ đỡ thực chất là do các xoáy nước tạo thành.
Củng cố cho nhận định của ông Schoch về việc khối kiến trúc này là tự nhiên, cả Tổng cục Văn hóa Nhật Bản lẫn chính quyền tỉnh Okinawa dường như đều không mấy quan tâm đến thành phố này. Không cơ quan nào tìm cách bảo tồn hoặc nghiên cứu Di tích Yonaguni.
Tuy nhiên, bất kể bị gắn mác là “ngụy khảo cổ học” và hoài nghi về những phát hiện của mình, ông Kimura vẫn tiếp tục tìm hiểu thứ mà ông gọi là lục địa Mu đã biến mất.
Để xác định niên đại của thành phố bị chìm này, ông đã nghiên cứu các thạch nhũ được tìm thấy trong các hang động dưới nước, mà ông cho rằng đã chìm cùng với thành phố. Những thạch nhũ này có lẽ đã được hình thành qua hàng ngàn năm do các khoáng chất nhỏ giọt từ trần hang động, chúng không thể nào hình thành dưới nước. Trước khi bị chìm, các hang động này chắc chắn đã tồn tại rất lâu trên cạn.
Do đó, Di tích Yonaguni có thể đã bị chìm cách đây hơn 5,000 năm. Các cuộc thăm dò khác đã nghiên cứu sự phát triển của san hô trên các bức tường đá và hoạt động kiến tạo (có thể là một nguyên nhân khiến nó bị chìm) để xác định niên đại.
Tuy nhiên, với việc nhiều blogger YouTube và khoa học gia nổi tiếng ủng hộ kết luận của ông Kimura, ngay cả ông Schoch cũng phải thừa nhận rằng Yonaguni không [hoàn toàn] là công trình tự nhiên. Ông thừa nhận rằng, là một phần của khối đá ngầm bên dưới, Yonaguni có thể đã được con người cải tạo. Đây là một cấu trúc tự nhiên, nhưng có một chút tác động từ con người.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times