ĐCSTQ tham gia trò chơi đổ lỗi khi khủng hoảng tài chính nảy sinh và những nỗ lực giải cứu thị trường thất bại
Moody’s đã hạ triển vọng xếp hạng nợ A1 của Trung Quốc từ ‘ổn định’ xuống ‘tiêu cực.’
Trong lúc nền kinh tế Trung Quốc đang phải trải qua một cuộc suy thoái mạnh, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại đang cố gắng đùn đẩy trách nhiệm bằng cách trấn áp nhiều quan chức chính phủ khác nhau trong các cuộc điều tra tham nhũng mở rộng.
Theo thống kê từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của ĐCSTQ, kể từ tháng Mười Một, có ít nhất chín giám đốc điều hành tài chính tại các ngân hàng do nhà nước hậu thuẫn đã bị cách chức, với hơn 90 quan chức như vậy bị thanh trừng trong năm nay.
Tình hình kinh tế thảm khốc ở Trung Quốc
Hôm 08/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đã đóng cửa phiên giao dịch ở mức 2969 điểm, đánh dấu lần thứ hai trong năm nay chỉ số này giảm xuống dưới mốc quan trọng 3000 điểm. Đồng thời, Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến giảm xuống dưới 10,000 điểm và thị trường chứng khoán Hồng Kông chứng kiến giá cổ phiếu bốc hơi 25% trong năm nay.
Hôm 05/12, Moody’s Investor Service, một hãng xếp hạng quốc tế nổi tiếng, đã hạ triển vọng xếp hạng nợ A1 của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực.” Moody’s cho rằng Trung Quốc cần hậu thuẫn tài chính nhiều hơn cho chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng địa ốc của Trung Quốc sẽ tạo ra chi phí cao, tất cả những vấn đề này sẽ có tác động tiêu cực đến sự ổn định tài chính.
Ngay ngày hôm sau, Moody’s cũng đã hạ triển vọng của tám ngân hàng lớn Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực.” Trong số các ngân hàng này có bốn ngân hàng nhà nước lớn nhất được mệnh danh là “Big Four” — Ngân hàng Công thương Trung Quốc (Industrial and Commercial Bank of China), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agricultural Bank of China), Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank) — tất cả đều nằm trong số mười ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường.
Tỷ giá hối đoái của USD so với đồng nhân dân tệ Trung Quốc là khoảng 1 USD đổi 7.14 RMB hôm 08/12, vượt mốc 7 trong vòng hơn nửa năm.
Trong lĩnh vực địa ốc, hàng chục công ty địa ốc Trung Quốc đã chứng kiến chuỗi nguồn vốn của họ bị cắt đứt. Nhà kinh tế trưởng chuyên về Trung Quốc của Nomura, ông Lục Đĩnh (Lu Ting), ước tính có khoảng 20 triệu căn nhà chưa hoàn thiện và được bán trước khi xây xong đang bị chậm tiến độ thi công ở Trung Quốc. Một báo cáo giữa tháng Mười Một của Nomura cho rằng sẽ cần khoảng 440 tỷ USD để hoàn thành việc xây dựng những ngôi nhà này.
Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Lý Lâm Nhất (Li Linyi) ở New York nói với The Epoch Times hôm 10/12 rằng nếu cuối cùng khủng hoảng kinh tế bùng nổ ở Trung Quốc, thì ĐCSTQ rất có thể sẽ cố gắng đổ lỗi cho ông Lý Khắc Cường (Li Keqiang) và phe cánh của ông trong nội bộ đảng.
Sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ, Ủy ban Tài chính Trung ương đã được thành lập hồi tháng Ba năm nay, hiện do Thủ tướng Lý Cường làm lãnh đạo và Phó Thủ tướng Hà Lập Phong làm giám đốc văn phòng. Cả hai ông Lý Cường (Li Qiang) và Hà Lập Phong (He Lifeng) đều là những người bạn tâm giao đáng tin cậy của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Giờ đây, những người nắm quyền lực đáng kể trong lĩnh vực tài chính của ĐCSTQ là những người được lãnh đạo đảng tin tưởng,” ông Lý Lâm Nhất nói. “Những quan chức bị thanh trừng gần đây là những người được ông Lý Khắc Cường bổ nhiệm trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông. Đây là một dấu hiệu rõ ràng.”
Theo ông Lý Lâm Nhất, ở tuổi 68, sự qua đời đột ngột của ông Lý Khắc Cường hôm 27/10, diễn ra chỉ nửa năm sau khi ông từ chức thủ tướng, đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc ông đã thực sự từ trần như thế nào.
Những nỗ lực giải cứu thị trường không hiệu quả
Mặc dù ĐCSTQ thực hiện nhiều nỗ lực giải cứu thị trường nhưng các biện pháp này vẫn không mang lại kết quả đáng kể.
Hôm 28/08, thuế trước bạ đối với các giao dịch chứng khoán đã giảm một nửa. Tốc độ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã chậm lại. Yêu cầu ký quỹ đối với việc mua ký quỹ của nhà đầu tư đã giảm từ 100% xuống 80% và các quy định khác về việc giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông đã được ban hành.
Hôm 14/09, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương của Trung Quốc, đã công bố giảm 0.25% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tài chính.
Hôm 11/10, các ngân hàng “Big Four” của Trung Quốc đã tăng lượng nắm giữ cổ phiếu của chính họ và công bố kế hoạch tiếp tục làm như vậy trong sáu tháng tới.
Cuối tháng Mười Một, truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ rằng các cơ quan quản lý đang soạn thảo danh sách trắng gồm 50 công ty địa ốc. Các công ty niêm yết sẽ được trợ giúp về tín dụng, trái phiếu, tài chính, và trợ giúp trong các lĩnh vực khác.
Ngoài các chính sách kích thích, Bộ An ninh Quốc gia của Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo hôm 02/11 về việc tích cực “giám sát chặt chẽ” trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, và các lĩnh vực khác. Lời cảnh báo này đặc biệt nhắm đến bốn nhóm người. Họ là những người dự đoán về việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị “đào không” (trở thành “nền kinh tế rỗng”), những người đã thực hiện hành động rút vốn khỏi Trung Quốc, những người lên tiếng và khuyến khích ý tưởng rút vốn ra khỏi Trung Quốc, và những người đang vắt kiệt nền kinh tế Trung Quốc từ bên trong.
Thay vì ổn định tình hình kinh tế thì việc thi hành các chính sách này đã lại càng khiến cho vốn ngoại quốc tháo chạy. Từ tháng Tám đến tháng Mười, các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán tổng cộng 172 tỷ nhân dân tệ (23.6 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc, thêm vào con số 1.78 tỷ nhân dân tệ (250 triệu USD) bị bán đi trong tháng Mười Một. Bốn tháng vốn chảy ra này đã lập kỷ lục về dòng vốn chảy ra liên tục dài nhất kể từ khi Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến-Hồng Kông được ra mắt vào tháng 12/2016.
Rủi ro cho các bên tham gia giải cứu thị trường
Nhiều doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc tham gia giải cứu thị trường đã rơi vào tình thế khó khăn.
Hôm 29/11, các công ty bảo hiểm lớn thuộc sở hữu nhà nước là Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc (China Life Insurance) và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Tân Hoa (New China Life Insurance) đã tuyên bố chung tay thành lập quỹ đầu tư chứng khoán cổ phần tư nhân trị giá 50 tỷ nhân dân tệ (7 tỷ USD). Quỹ không chỉ có quy mô lớn mà còn có thời hạn “10+N” năm, nghĩa là quỹ này có thể được gia hạn sau 10 năm đầu tiên tùy theo hoàn cảnh. Hai đại gia bảo hiểm này nhấn mạnh rằng đây là dự án quan trọng, phù hợp với các chính sách có liên quan, tối ưu hóa danh mục bảo hiểm nhân thọ.
Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã ca ngợi sự hợp tác này như một diễn biến đáng mừng đối với việc vốn dài hạn thâm nhập vào thị trường, có tác động tích cực đến sự phát triển ổn định của thị trường vốn, và đóng vai trò là một “yếu tố giúp ổn định” nền kinh tế.
Chỉ hơn một tuần sau vào hôm 08/12, cổ phiếu của cả hai công ty bảo hiểm niêm yết tại Hồng Kông này đều đã chạm mức thấp nhất trong năm.
Hôm 09/11, Reuters đưa tin, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Công ty Bảo hiểm Bình An (Ping An Insurance Group) của Trung Quốc nắm cổ phần kiểm soát tại Bích Quế Viên (Country Garden) để giải quyết khó khăn tài chính. Tin tức này đã làm thị trường lo ngại, khiến giá cổ phiếu của Bình An giảm hơn 5%.
Bảo hiểm Bình An đã đưa ra tuyên bố khẩn cấp phủ nhận tin tức này, nói rằng họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ yêu cầu nào như vậy từ chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, Reuters vẫn giữ nguyên mà không đính chính bản tin của mình, trích dẫn bốn nguồn tin cho rằng chính quyền Bắc Kinh thực sự đã đưa ra yêu cầu như vậy.