ĐCSTQ rút ngắn thời gian cách ly, tiếp tục chính sách zero COVID
Hôm 11/11, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế liên quan đến COVID-19, nhưng lặp lại việc cam kết theo đuổi chính sách “zero COVID”. Chính quyền đã và đang áp dụng nhiều lệnh phong tỏa hơn tại đại đô thị Quảng Châu ở phía nam.
Quốc vụ viện và Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã công bố 20 biện pháp nới lỏng kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hôm 11/11, bao gồm giảm thời gian cách ly tập trung 7 ngày xuống còn 5 ngày cách ly tại nhà. Các biện pháp mới cũng chấm dứt quy định gây tranh cãi về việc cấm bay từ vùng phát hiện ca bệnh đối với các chuyến bay nội địa và chỉ yêu cầu một kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ trước khi lên chuyến bay thay vì hai như trước.
Mặc dù đã được nới lỏng, nhưng các biện pháp hạn chế liên quan đến COVID-19 của Trung Quốc vẫn là nghiêm ngặt nhất trên thế giới, trong khi các chính phủ khác về căn bản đã cho phép người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Cũng trong hôm 11/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong một cuộc họp báo rằng nước này sẽ tiếp tục “kiên định thực hiện chính sách ‘zero COVID’ tổng thể.”
Chính sách này đã tạo gánh nặng cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và mang lại những nỗi đau khủng khiếp và vô số thảm kịch cho người dân Trung Quốc. Chính sách này cũng khiến sự phản đối trong nước đối với các chính sách của chính quyền về các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt ngày càng tăng thêm.
Cùng lúc đó, các hãng thông tấn chính thức của ĐCSTQ đã đăng tải các bài bình luận đổ lỗi cho chính quyền địa phương về việc áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 không phù hợp, trong khi (trên thực tế) họ đang thực hiện các chính sách “zero-COVID” của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.
Bàn về việc nới lỏng một số biện pháp kiểm soát, nhà bình luận về Trung Quốc Chu Hiểu Huy (Zhou Xiaohui) đã chỉ ra cho The Epoch Times trong chuyên mục của mình: “Trước tình hình ngày càng khó kiểm soát, cuộc sống dưới các biện pháp kiểm soát COVID-19 ngày càng trở nên không thể chịu đựng được đối với người dân. Và trong bầu không khí xã hội ngày càng xấu đi, ông Tập và chế độ cộng sản phải nới lỏng sự kìm kẹp một chút để giảm bớt sự phẫn nộ của công chúng cũng như cuộc khủng hoảng trong nước mà chế độ này có thể gây ra khi đổ lỗi cho chính quyền địa phương.”
Các hãng thông tấn quốc tế, như The Wall Street Journal và Bloomberg, dẫn lời các nhà phân tích, cũng cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế không nên quá lạc quan về việc nới lỏng [các chính sách kiểm soát ngặt nghèo này], vì những thay đổi chỉ là các điều chỉnh nhỏ. Các nhà phân tích dự đoán rằng chính sách “zero COVID” của chính quyền Trung Quốc sẽ kéo dài vô thời hạn.
Phong tỏa thêm một đại đô thị
Chính quyền Trung Quốc tiếp tục phong tỏa thêm nhiều thành phố và tiến hành xét nghiệm COVID-19 hàng loạt.
Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, hiện đang đối diện với nguy cơ phong tỏa toàn thành phố, với hàng triệu cư dân phải trải qua đợt xét nghiệm hàng loạt và bị cách ly tại nhà.
Theo một thông báo chính thức, từ ngày 11/11, quận Hải Châu trong thành phố bị phong tỏa. Toàn bộ cư dân trong quận phải ở nhà và trải qua xét nghiệm PCR hàng loạt thường xuyên.
Mỗi gia đình được phép cử một người ra ngoài một lần mỗi ngày để mua những nhu yếu phẩm căn bản gần đó.
Các dịch vụ vận tải hành khách công cộng, bao gồm tàu điện ngầm, xe buýt, taxi, và dịch vụ gọi xe trực tuyến đã bị đình chỉ. Các lối vào và lối ra của đường cao tốc ở quận Hải Châu bị đóng, việc kiểm soát giao thông tạm thời được thực hiện trên toàn quận.
Ông Trần (hóa danh), chủ một nhà hàng thịt nướng ở quận Hải Châu, có năm hoặc sáu nhân viên sống trong hai khu nhà ở tập thể.
Hôm 11/11, ông nói với The Epoch Times: “Tôi không được phép mở cửa nhà hàng; chúng tôi không được phân phát thực phẩm và vật dụng; chỉ có các siêu thị lớn mới được mở cửa. Điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế.”
Ông Trần cho biết sau khi thông báo phong tỏa được ban hành, mọi người đã đến các cửa hàng để mua thực phẩm dự trữ.
Ông nói: “Có rất nhiều người đổ xô đi mua đồ, và nếu họ chậm chân, thì không còn gì để mua, chẳng hạn như không còn rau xanh để mua nữa.”
Kể từ ngày 10/11, tại các quận khác của tỉnh Quảng Châu, một số khu vực có nguy cơ cao và các khu vực chịu sự kiểm soát tạm thời đã được thêm vào danh sách phong tỏa.
Ông Triệu (một người khác sử dụng hóa danh), chủ sở hữu một studio nghệ thuật ở quận Bạch Vân, tỉnh Quảng Châu, nói với The Epoch Times hôm 11/11 rằng đã có các ca nhiễm COVID-19 được báo cáo tại nhiều quận khác nhau ở Quảng Châu và về căn bản mọi ngôi làng đều bị phong tỏa và nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động gần một tháng.
Bản tin có sự đóng góp của Tiêu Luật Sinh và Cố Hiểu Hoa.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times