ĐCSTQ đang gây ra các vấn đề kinh tế cho Trung Quốc
Nền kinh tế của Trung Quốc đang suy sụp.
Tăng trưởng chậm. Thất nghiệp. Người tiêu dùng thiếu niềm tin. Giảm phát. Thuế quan. Kiểm soát xuất cảng. Những thành phố ma. Những khó khăn về dân số. Xuất cảng và sản xuất thu hẹp. Đàn áp trong lĩnh vực công nghệ. Các chi bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong cấu trúc quản trị doanh nghiệp. Vốn và lao động tháo chạy. Vay mượn và chi tiêu của chính quyền lấn át đầu tư tư nhân.
Và giờ đây, cuộc khủng hoảng địa ốc do nợ thúc đẩy đang gây bất ổn cho lĩnh vực tài chính trị giá 58 ngàn tỷ USD của Trung Quốc và những nguồn thu của chính quyền địa phương.
“Các tỉnh đã cắt giảm lương công chức, bao gồm cả lương giáo viên, khiến cho lòng người tan tác,” theo Bloomberg hồi cuối tháng Mười. “Các khu vực nghèo nhất đang vận động hành lang để có được một gói cứu trợ của chính quyền trung ương, với những mối đe dọa tiềm ẩn về việc vỡ nợ trái phiếu.”
Tất cả những người vay tiền dựa trên giả định giá trị tài sản sẽ tăng lên đều đang gặp rủi ro. Tập đoàn tài chính Trung Quốc Zhongzhi Enterprise Group (Tập đoàn Đầu tư Trung Thực) là tập đoàn đầu tiên vỡ nợ. Tập đoàn này đã phát hành một bức thư hôm 22/11 làm rung chuyển niềm tin kinh doanh. Zhongzhi đang lỗ ít nhất 31 tỷ USD. Nợ phải trả của tập đoàn này đang ở mức ít nhất là 59 tỷ USD, vượt quá khối tài sản chỉ có 28 tỷ USD của họ, nhiều trong số các tài sản này là các khoản đầu tư địa ốc kém thanh khoản đã trở thành khoản đầu tư xấu.
Việc Zhongzhi không trả được nợ sẽ khiến các tổ chức tài chính khác gặp rắc rối. Tình trạng vỡ nợ có thể xảy ra hàng loạt, giống như vụ phá sản của Lehman Brothers năm 2008.
Hôm 23/11, tờ Wall Street Journal đã đề cập đến nỗi lo sợ về “thời điểm Lehman” ở Trung Quốc. “Các khoản thanh toán bị bỏ qua của công ty tín thác Zhongrong International Trust (Quỹ Tín thác Quốc tế Trung Dung) đã chồng chất lên nhau,” tờ Journal viết. “Kể từ hồi tháng Tám, ít nhất 16 công ty niêm yết công khai ở Hoa lục đã cho biết trong hồ sơ giao dịch chứng khoán rằng họ đã không nhận được tiền lãi hoặc tiền thanh toán gốc cho các sản phẩm do Zhongrong Trust quản lý.”
Cuối năm 2022, Zhongrong đang quản lý số tài sản trị giá 108 tỷ USD. Các nhà đầu tư của họ chắc chắn muốn lấy lại tiền ngay bây giờ.
Địa ốc và các ngành liên quan chiếm khoảng 30% GDP Trung Quốc. Tuy nhiên, trong nhiều năm, rõ ràng là Trung Quốc không thực sự cần tất cả những tòa nhà mới đó. Toàn bộ những đại đô thị mới đều là những công trình phát triển “ma” không một bóng người. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang cố gắng chuyển các khoản vay mới sang lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc, nhưng biện pháp đó cũng gặp rủi ro trước những nỗ lực quốc tế nhằm “giảm rủi ro” và “tách rời” khỏi Trung Quốc.
Nói một cách đơn giản, trong những năm 2010, các nhà đầu tư đã rất phấn khích trước tốc độ tăng trưởng GDP 10% ở Trung Quốc. Chắc hẳn họ đã nghĩ rằng tăng trưởng nhờ nợ sẽ kéo dài mãi mãi. Nhưng mức tăng trưởng 10% đã không duy trì được lâu, và nợ thì vẫn phải trả.
Bắc Kinh cũng đã phấn khích, và cho rằng chế độ độc tài cộng sản, đặc biệt là kiểu độc tài cộng sản của chính họ, là câu trả lời cho tất cả các vấn đề kinh tế của thế giới. Ông Tập Cận Bình của ĐCSTQ đã tăng gấp đôi việc xây dựng chiến lược quân sự và kinh tế vươn ra hải ngoại (Sáng kiến Vành đai và Con đường) để ép buộc, mua chuộc, và “khai sáng” thế giới, bắt đầu từ Hồng Kông và Đài Loan.
Nhưng những ngày vinh quang không kéo dài. “Kế hoạch kích thích 4 ngàn tỷ RMB được khai triển vào năm 2008, theo sau là sự bùng nổ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nhà ở, đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở mức khoảng 10% mỗi năm cho đến năm 2011,” theo một bài báo của giáo sư Phương Hán Minh (Hanming Fang) của Đại học Pennsylvania. “Tuy nhiên, những khoản đầu tư được tài trợ bằng nợ này cũng gieo mầm mống cho vấn đề nợ nần mà các nhà phát triển Trung Quốc và chính quyền địa phương hiện đang phải đối mặt.”
Khi ĐCSTQ xác định các vấn đề trong nền kinh tế Trung Quốc, chẳng hạn như việc các nhà phát triển địa ốc cho vay quá mức, họ lật sang trang ba trong sách lược cộng sản của mình và bắt đầu ra lệnh cho mọi người xung quanh như một cách giải quyết. ĐCSTQ yêu cầu các ngân hàng lớn của họ tuân theo “ba lằn ranh đỏ” và không cho các nhà phát triển địa ốc có đòn bẩy tài chính quá cao vay thêm tiền. Yêu cầu đó đã khiến các nhà phát triển này ngừng xây dựng những ngôi nhà mà họ đã bán, làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc, và gia tăng bất ổn chính trị, gồm cả sự phản đối của những người mua nhà mà không được giao nhà.
“Ba lằn ranh đỏ” của ĐCSTQ đã gây ra một cuộc khủng hoảng thanh toán cho một số tổ chức tài chính lớn, trong đó có Zhongrong, tổ chức lớn đầu tiên trên đà sụp đổ. Khi các ngân hàng ngừng cho các nhà phát triển địa ốc đang gặp khó vay tiền, thì các nhà phát triển này đã ngừng xây dựng, doanh thu của họ dừng lại, và họ không thể trả được các khoản nợ cũ. Niềm tin của người tiêu dùng và quốc tế đối với toàn lĩnh vực địa ốc, và nói rộng ra là cả nền kinh tế Trung Quốc, đã bị suy sụp, và không diễn biến theo chiều hướng tốt.
“Ngay cả vào thời kỳ trước khi Trung Quốc phong tỏa vì COVID, tăng trưởng đã bắt đầu chững lại trong bối cảnh những khó khăn về dân số, sự suy giảm phát sinh trong lĩnh vực địa ốc, và sự tái xuất của phương thức hoạch định chính sách kinh tế do nhà nước chỉ đạo,” theo ông Phương. “Việc tập trung quyền lực đã làm tăng thêm khó khăn cho mối bang giao đang ngày càng trở nên xấu đi của Trung Quốc với các đối tác phương Tây, đe dọa thêm đến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.”
Giờ đây, các “thiên tài” kinh tế trong trung ương Đảng đã tự đảo ngược các chính sách của mình. ĐCSTQ đang gây áp lực buộc các tổ chức tài chính Trung Quốc phải bắt đầu cho vay đối với các nhà phát triển địa ốc đang gặp khó khăn. Họ thậm chí còn đang xem xét một “danh sách trắng” gồm 50 nhà phát triển đáng được cho vay như vậy, mà sẽ được các ngân hàng cung cấp vốn dưới áp lực của chế độ này để ném thêm tiền vào những dự án xấu. Do đó, các nhà đầu tư và người gửi tiền tại ngân hàng có thể phải gánh nhiều khoản nợ xấu hơn. Biện pháp “sửa chữa” của ĐCSTQ thực ra chỉ là chuyển chi phí và rủi ro của việc đầu tư địa ốc tồi và các chính sách còn tồi tệ hơn của ĐCSTQ từ các công ty địa ốc sang các ngân hàng.
Trách nhiệm của việc gây ra sự hỗn loạn kinh tế cho Trung Quốc hoàn toàn nằm trong tay ĐCSTQ. Sau khi yêu cầu các ngân hàng ngừng tài trợ cho các nhà phát triển địa ốc và tạo ra nhiều vấn đề khác làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Trung Quốc, ĐCSTQ đang cố gắng nhưng thất bại trong việc ‘đưa thần đèn quay trở lại chiếc bình.’ Đã quá muộn cho việc đó rồi, và nền kinh tế không thể khởi sắc. Động lực của Trung Quốc đã không còn. Dân số của Trung Quốc đang suy giảm so với thế giới và nền kinh tế của quốc gia này cũng vậy. Hàng ngàn người Trung Quốc đang bỏ phiếu bằng chân và rời bỏ đất nước, hoặc bỏ phiếu trong phòng ngủ bằng cách lựa chọn không có con.
“Xu hướng nhanh chóng thay đổi chính sách của chính quyền Trung Quốc gần đây đã làm tổn hại đến niềm tin,” ông Phương cho biết. “Khả năng này khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc thu hút đầu tư ngoại quốc, và trở thành một rào cản chính đối với việc mở rộng thị trường quốc tế của các công ty Trung Quốc như TikTok và Huawei.”
Vấn đề của Trung Quốc là ĐCSTQ, tổ chức không chỉ đã hủy đi động lực phát triển kinh tế và địa ốc của Trung Quốc mà còn phá hoại các doanh nghiệp quốc tế đang cố gắng đầu tư vào Trung Quốc, toàn bộ ngành tài chính của Hồng Kông, và người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và các học viên Pháp Luân Công, những người đã có thể giúp đỡ Trung Quốc nếu họ được phép.
Thay vào đó, ĐCSTQ đã cố gắng đồng hóa họ bằng các chính sách diệt chủng vốn chính là nguyên nhân gây ra sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế và gây ra nỗi sợ hãi cho các doanh nghiệp quốc tế không muốn mạo hiểm ảnh hưởng đến danh tiếng của họ. Họ đang quay lưng lại với Trung Quốc và xem xét những nơi khác, như Ấn Độ, Mexico, và Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tập là một người mù quáng, và vẫn tiếp tục đi trên con đường kỳ lạ mang tính tự hủy đối với Trung Quốc của mình. Hôm 15/11, ông được cho là đã đưa ra một lời đe dọa chiến tranh ngầm khác chống lại Đài Loan trước mặt Tổng thống Joe Biden tại San Francisco trong hội nghị thượng đỉnh APEC.
Đài Loan là nhà đầu tư lớn vào Trung Quốc. Không có ví dụ nào rõ ràng hơn về việc ĐCSTQ không chỉ là thảm họa về mặt kinh tế mà còn về mặt chính trị cho Trung Quốc, tất cả đều sinh ra từ sự ngạo mạn rằng hệ thống cộng sản của đảng này bằng cách nào đó vượt trội hơn các hệ thống dân chủ thị trường ở những nơi như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan, tất cả đều có GDP trung bình trên dân số cao hơn nhiều.
Các nhà đầu tư từng cho rằng Trung Quốc đang phát triển rất tốt trong những năm 2010 khi dòng tiền chảy vào dễ dàng giờ đây đang suy nghĩ kỹ lại và cố gắng rút lui. Dòng tiền và dòng người chảy ra nói chung đang làm suy yếu thị trường địa ốc và nền kinh tế Trung Quốc, khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với tương lai của Trung Quốc.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times