Hoa Kỳ: Số đơn đặt hàng nhà máy giảm mạnh nhất trong 3.5 năm
Trong một dấu hiệu cảnh báo cho nền kinh tế, số đơn đặt hàng nhà máy đã giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát dẫn đến các lệnh đóng cửa gây suy thoái kinh tế.
Các đơn đặt hàng mới cho hàng hóa do Hoa Kỳ sản xuất đã giảm mạnh nhất trong vòng ba năm rưỡi. Đây là dấu hiệu mới nhất về sự sụt giảm trong sản xuất của Hoa Kỳ, càng làm tăng thêm những nỗi lo về một cuộc suy thoái sắp tới.
Theo dữ liệu tháng mới nhất từ Cục Thống kê Dân số của Bộ Thương mại, số lượng đơn đặt hàng nhà máy đã giảm 3.6% trong tháng Mười.
Đây là mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng Tư năm 2020, khi các lệnh phong tỏa do đại dịch làm rung chuyển nền kinh tế và đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào tình trạng suy thoái.
Báo cáo của Bộ Thương mại cũng cho thấy số đơn đặt hàng mới cho hàng hóa lâu bền đã giảm 5.4% sau khi tăng 4.0% trong tháng Chín.
Số đơn đặt hàng nhà máy đáng thất vọng nói trên xảy ra sau các dữ liệu khác cho thấy lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ đang sa lầy trong tình trạng yếu kém và nền kinh tế đang hướng tới suy thoái.
Nền kinh tế hoạt động với ‘tốc độ ì ạch’
Chỉ số PMI Sản xuất được theo dõi sát sao của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy vào tháng Mười Một, hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ đã giảm trong tháng thứ 13 liên tiếp do nhu cầu giảm và số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Sự suy giảm kéo dài 13 tháng trong lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ là chuỗi giảm dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Lĩnh vực sản xuất chiếm khoảng 11% nền kinh tế Hoa Kỳ.
Mặc dù nền kinh tế Hoa Kỳ đã bất chấp những dự đoán về suy thoái kinh tế, nhưng dữ liệu kinh tế gần đây (ngoài sự sụt giảm trong sản xuất) đã vẽ ra một bức tranh về sự suy thoái đang xảy đến, bao gồm tăng trưởng mờ nhạt trong chi tiêu tiêu dùng và một thị trường việc làm đang hạ nhiệt.
Nhà kinh tế học David Rosenberg cho biết trong một bài đăng trên X rằng các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang đi ngang.
Ông Rosenberg chỉ ra rằng ước tính tăng trưởng kinh tế theo thời gian thực của Hệ thống Dự trữ Liên bang cho quý hiện tại đã giảm từ 2.1% hôm 22/11 xuống còn 1.8% hôm 30/11 và sau đó là 1.2% hôm 04/12.
“Đó là ước tính mới được đưa ra từ mô hình Nowcast của Fed Atlanta về tăng trưởng GDP thực trong quý 4,” ông viết. “Tóm gọn trong hai từ hoặc ít hơn: tốc độ ì ạch.”
Suy thoái ‘trong thời gian tới’
Tuần trước (27/11-03/12), dữ liệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm hơn ⅔ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ, đã tăng 0.2% trong tháng Mười sau khi tăng 0.7% trong tháng Chín.
Một báo cáo khác từ Bộ Lao động cho thấy số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên của tiểu bang đã tăng từ 7,000 lên 218,000 trong tuần kết thúc hôm 25/11, trong khi số người nhận trợ cấp sau tuần nhận giúp đỡ đầu tiên (một chỉ số ước lượng cho việc tuyển dụng) đã tăng lên 1.927 triệu — cao nhất kể từ tháng 11/2021.
Hơn nữa, một chỉ số kinh tế hàng đầu quan trọng của Hoa Kỳ từ Conference Board đã giảm tháng thứ 19 liên tiếp trong tháng Mười, tháng mới nhất có dữ liệu. Chỉ báo này được tạo thành từ 10 chỉ số riêng lẻ và đóng vai trò là thước đo hướng tới tương lai cho nền kinh tế.
Bà Justyna Zabinska-La Monica, giám đốc cao cấp về chỉ số chu kỳ kinh doanh tại Conference Board, cho biết trong một tuyên bố: “Trong số các chỉ số hàng đầu, sự suy giảm kỳ vọng của người tiêu dùng về điều kiện kinh doanh, Chỉ số Đơn Đặt hàng Mới ISM thấp hơn, chứng khoán giảm, và điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đã dẫn đến sự sụt giảm gần đây nhất của chỉ số.”
Bà nói thêm rằng sự sụt giảm trong tháng Mười báo hiệu một cuộc suy thoái “trong thời gian tới.”
“Conference Board dự kiến lạm phát tăng cao, lãi suất cao, và chi tiêu tiêu dùng bị thu hẹp — do tiền tiết kiệm trong đại dịch cạn kiệt và việc trả nợ sinh viên bắt buộc — sẽ khiến nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào một cuộc suy thoái rất ngắn,” bà cho biết thêm, chia sẻ rằng Conference Board dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng ở mức 0.8% vào năm 2024.
Dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng với tốc độ 5.2% hàng năm trong quý 3, một tốc độ vượt dự báo mà một số nhà phân tích cho rằng trên giấy tờ có vẻ tốt hơn so với thực tế bởi vì khi nhìn từ khía cạnh thu nhập, dữ liệu cho thấy rằng đà tăng trưởng đã suy yếu và tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.
Mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5.2% nhưng tổng thu nhập quốc nội (GDI) chỉ tăng ở mức 1.5% trong quý trước.
Nhà phân tích Mike Shedlock viết trong một bài đăng trên blog, đề cập đến sự khác biệt giữa GDP và GDI: “Các con số phải trùng khớp và tương quan với nhau theo thời gian. Nhưng sự khác biệt giữa các thước đo này là rất lớn.”
“Điểm chính rút ra từ công bố này là nền kinh tế có lẽ không hoạt động tốt như cách mà truyền thông và ông Biden đang miêu tả.”
‘Nguy hiểm và gây lạm phát’
Dữ liệu gần đây từ tháng Mười cho thấy trong khi 69% người tiêu dùng Hoa Kỳ dự liệu một cuộc suy thoái trong 12 tháng tới, thì có tới 84% các giám đốc điều hành thuộc bộ C (C-Suite, các giám đốc đứng đầu các bộ phận chức năng của công ty và có chức danh viết tắt bắt đầu bằng chữ C (chief), như CEO, CFO, CMO, v.v.) tin rằng suy thoái sẽ thành hiện thực.
Một trong số các giám đốc điều hành đã gióng lên hồi chuông cảnh báo là Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon, người gần đây đã cảnh báo rằng lạm phát có thể tăng tốc trở lại và suy thoái kinh tế có thể xảy ra sau đó.
“Có rất nhiều thứ ngoài kia là nguy hiểm và gây lạm phát. Hãy chuẩn bị sẵn sàng,” ông nói tại Hội nghị thượng đỉnh DealBook năm 2023 của The New York Times, được tổ chức ở New York hôm 29/11.
Ông Dimon cho biết căng thẳng địa chính trị và quá trình chuyển đổi năng lượng đang thúc đẩy các chính phủ tăng cường chi tiêu dẫn đến lạm phát. Nếu một đợt lạm phát mới xảy ra, thì lạm phát sẽ gây áp lực buộc Hệ thống Dự trữ Liên bang phải tăng lãi suất hơn nữa, điều mà có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Ông cảnh báo: “Lãi suất có thể tăng và việc đó có thể dẫn đến suy thoái.”
Về phía người tiêu dùng, khi số tiền tiết kiệm dư thừa tích lũy trong đại dịch ngày càng cạn kiệt, thì số người Mỹ phải rút tiền từ tài khoản 401(k) của họ để thanh toán hóa đơn và mua các mặt hàng thiết yếu đã gia tăng đáng kể.
Một báo cáo mới từ Fidelity, nhà cung cấp kế hoạch 401(k) lớn nhất quốc gia, cho thấy một xu hướng đáng lo ngại — người Mỹ đang ngày càng phải viện đến khoản tiết kiệm hưu trí của mình dưới hình thức rút tiền vì gặp khó khăn.
Báo cáo cho thấy 2.3% số người tham gia chương trình hưu trí ở Hoa Kỳ đã rút tiền do gặp khó khăn trong quý 3 năm 2023, tăng từ mức 1.8% của quý 3 năm 2022.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times