Đạo đức, chính trị, và sự suy tàn (Phần 2): Tự do hay Tâm lý nạn nhân
Tự do ý chí là điều mà tất cả chúng ta đều biết; đó là sự hiển nhiên khi chúng ta tự do hành động, hoặc khi chúng ta bị buộc [phải hành động]. Ít nhất, chúng ta có thể nhận ra tự do cho đến khi chúng ta chìm đắm trong dòng chảy của sự cưỡng bách đến nỗi không còn thấy tình trạng nô lệ, đáng thương của chính mình.
Trong Phần 1 của bài viết gồm hai phần này, chúng ta đã xem xét lý niệm về đạo đức, nói theo ngôn ngữ hiện tại, đã trở nên “không thể chấp nhận được” như thế nào, và khái niệm cái ác cũng đang bị xóa bỏ ra sao. Hơn nữa, [lý niệm về] đạo đức đang bị thay thế bằng tâm lý nạn nhân và tâm thần học, ẩn bên dưới điều này là cuộc tấn công căn bản vào tự do và đặc biệt là tự do ý chí. Trong Phần 2, chúng ta sẽ thảo luận kỹ lưỡng hơn về tự do và tự do ý chí.
Tự do, xét đến cùng, là một biểu hiện của tình yêu. Khi chúng ta kết hôn vì tình yêu, chúng ta tự nguyện chọn một ai đó trong số hàng triệu lựa chọn đầy tiềm năng, và chúng ta tự do cam kết ước thúc bản thân bởi vì loại tình yêu đó đã khiến chúng ta trở nên lớn lao hơn theo một cách kỳ lạ nào đó. (Thật thú vị khi “người cận kề nhất” của chúng ta luôn là người bạn đời, mà không phải là con cái, cha mẹ hay những người họ hàng có quan hệ huyết thống khác; không phải họ mà chính là người xa lạ chúng ta đã chọn để yêu; tức là, yêu một cách tự do.)
Tự do hay là trở thành nô lệ cho tâm lý nạn nhân
Tác giả Theodore Dalrymple trong cuốn “Our Culture, or What’s Left of It” (Văn Hóa Của Chúng Ta, Hay Những Gì Còn Sót Lại) đã nhận xét rằng nhà văn lừng danh Stefan Zweig, một người theo chủ nghĩa hòa bình, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của thập niên 1920, và cũng là người đã đào thoát khỏi Đức Quốc xã, “sẽ kinh hoàng khi chứng kiến đống tạp âm của những kẻ ảo tưởng — về tình dục, chủng tộc, xã hội, chủ nghĩa bình đẳng — đang để lại dấu vết lên đời sống tri thức của xã hội chúng ta, mỗi kẻ độc đoán này đòi hỏi những hạn chế pháp lý đối với tự do của người khác nhân danh một lợi ích tập thể được cho là to lớn hơn.” Những yêu cầu này xuất phát từ cùng một tâm lý nạn nhân, cùng một cảm giác về thuyết tất định (Tôi là một nạn nhân của áp lực xã hội, do đó tôi không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình) mà chúng ta đã thảo luận trước đó, và điều này trái ngược với tự do đích thực.
Điều mà ông Dalrymple đề cập chính xác như điều mà tác giả Kenneth LaFave đã đưa ra khi ông nói rằng, “Mục đích chính của việc đặt tự do ở trung tâm của nền văn minh chúng ta là đẩy chính trị ra rìa.” Thực chất thì, điều ngược lại đang xảy ra. Một cách chính xác hơn thì trong phạm vi tự do cá nhân, các nhà chính trị “thức tỉnh” đòi hỏi sự vâng lời. (Để rõ ràng, thuật ngữ “thức tỉnh” (woke) được cả những người theo hệ tư tưởng thiên tả và những người bảo tồn truyền thống sử dụng để mô tả một số hệ tư tưởng cấp tiến hơn, bao gồm thuyết chủng tộc trọng yếu, công bằng xã hội, và lý thuyết giới tính.)
Bằng chứng thuyết phục nhất cho điều này là khi họ ngày càng khăng khăng đòi chúng ta thay đổi ngay cả những đại từ chúng ta sử dụng, và không chỉ thay đổi chúng, mà còn bắt đầu bóp méo thực tế: một người phụ nữ không phải là “cô ấy” mà là “họ.” Còn điều gì có thể xâm phạm nhiều hơn đến ý thức tự do cá nhân của chúng ta hơn việc này? Như nhà bình luận văn học Canada Northrop Frye đã từng nói, “tự do đích thực là điều mà chỉ có cá nhân mới có thể trải nghiệm.”
Một sự cố chấp khác nữa là những người khác phải “tử tế” và cho phép chúng ta tự do chấp nhận sự mong manh dễ thương tổn của bản thân mình — tâm lý nạn nhân — và thậm chí bắt đầu trình diễn phô trương những điều này. Nhưng đây thực sự không phải là một lập trường đạo đức, vì nghịch lý thay, loại “tự do” này, tất nhiên lại có hậu quả khôn lường, trái ngược với những gì nó tìm kiếm. Cụ thể là, thay vì giải thoát ta, nó ràng buộc chúng ta; vì như triết gia người Anh-Ireland Edmund Burke đã thông thái nêu ra: “Cấu tạo vĩnh hằng của vạn vật đã quy định rằng, những người có tâm trí thái quá không thể có được tự do.”
“Tâm trí thái quá” là cái mà trước đây chúng ta gọi là “đống tạp âm của những kẻ ảo tưởng.” Nghĩa là, chúng ta trở thành nô lệ cho chính tâm lý nạn nhân và cho chính những quan niệm sai lầm mà chúng ta hằng tôn thờ với sự chú tâm và sùng kính như vậy; và khi nói đến những quan niệm sai lầm, ý tôi là những ám ảnh về tình dục, chủng tộc, xã hội, và chủ nghĩa bình đẳng đã nói đến bên trên.
Lý luận không thể là nền tảng của chúng ta
“Đạo đức không phải là một hệ thống phụ trong số các hệ thống khác, chẳng hạn như nghệ thuật, khoa học, tôn giáo, kinh doanh, chính trị, v.v., bên cạnh đạo đức. Thay vào đó, đạo đức là kim chỉ nam cho mọi nỗ lực của nhân loại,” theo giáo sư Mark William Roche của Đại học Notre Dame viết trong cuốn “Why Literature Matters in the 21st Century” (Tại Sao Văn Học Lại Quan Trọng Trong Thế Kỷ 21).
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là đạo đức luôn là kim chỉ nam cho mọi cố gắng của nhân loại — tất cả cố gắng của nhân loại. Chúng ta có thể bất đồng về những vấn đề cơ bản như tôn giáo — có thể có những bất đồng sâu sắc về triết học và thần học — nhưng đối với đạo đức chỉ dẫn cách cư xử và hành vi của chúng ta, ta không nên bất đồng đối với những điều mang tính cốt lõi này. Tôi không được phép sát hại bạn, ăn cắp của bạn, làm chứng giả dối chống lại bạn, hoặc tìm cách ngủ với vợ hoặc chồng của bạn; thật vậy, nếu tôi làm bất cứ điều gì trong số đó, tôi đã chối bỏ các nguyên lý cốt lõi trong tôn giáo của mình. Tất cả các tôn giáo lớn đều dạy những nguyên tắc đạo đức này và trên thực tế, [nếu tôi thực hiện các hành vi đó], tôi sẽ là một kẻ vô đạo đức.
Nhưng đây không phải là điều mà hầu hết các chính trị gia Tây phương và ủy ban đạo đức của họ ngày nay muốn nghe; họ có thông điệp khác. Họ cố gắng xây dựng đạo đức bằng lý luận, vì nếu đó là một vấn đề về lý luận, thì không còn là một thực tại vốn có hay siêu việt. Đạo đức có thể được đem ra tranh luận, sửa đổi và cho phép các chính trị gia nắm quyền kiểm soát thông qua bất kỳ nghị trình chính trị nào mà họ cam kết.
Tuy nhiên, nhà cổ điển học người Mỹ Allan Bloom đã nêu quan điểm rất rõ ràng. “Lý luận không thể thiết lập các giá trị, và niềm tin rằng lý luận có thể làm được điều đó là ảo tưởng ngớ ngẩn nhất và nguy hiểm nhất.” Trong cuốn sách “Tôn Giáo” của mình, sử gia về tư tưởng người Ba Lan Leszek Kolakowski đã gọi sự dựa dẫm của thời hiện đại vào lý luận là một giá trị của “chủ nghĩa vô thần Promethean.”
Thông điệp bất biến của chủ nghĩa vô thần Promethean là “sự tự sáng tạo của con người là không có giới hạn, cái ác và đau khổ là ngẫu nhiên, cuộc sống là sự sáng tạo vô tận, không có gì có giá trị — dù là đạo đức hay trí tuệ — chỉ bởi vì chúng đã được truyền thừa xuyên suốt lịch sử, và truyền thống cũng không có thẩm quyền nào cả, tâm trí con người không cần bất kỳ sự mặc khải hay dạy dỗ nào từ bên ngoài, Thiên Chúa chẳng qua chỉ là một người đang tự áp bức và bóp nghẹt lý trí của mình.”
Về bản chất, bạn có thể trở thành bất cứ thứ gì bạn muốn và không quan tâm gì đến luân thường đạo đức. Một lần nữa, ông Theodore Dalrymple nói: “Ai đáng khinh bỉ hơn kẻ từ bỏ niềm tin vào những hiểu biết đạo đức xưa cũ?”
Một trăm năm trước, trong một cuốn tiểu sử của tác giả Công giáo Joseph Pearce, nhà văn và nhà tiên tri G.K. Chesterton đã lường trước tất cả những điều này khi viết rằng:
“Công việc của những kẻ hoài nghi trong hàng trăm năm qua thực sự giống như cơn thịnh nộ vô ích của một vài con quái vật nguyên thủy; không có mắt, chẳng có đầu óc, chỉ phá hoại và nuốt chửng; một con giun cỡ đại đang ngày càng hao mòn trong hành động mà nó thậm chí còn không nhìn thấy; một cuộc đời tối tăm và ác nghiệt, không ý thức được nguyên nhân và hậu quả của chính mình. … Nhưng để nói rằng không có nỗi đau, không có vấn đề, hay điều ác, hoặc không có sự khác biệt giữa loài người và cầm thú, hay thực tế là giữa bất cứ thứ này với thứ khác — đây là một nỗ lực xấu xa nhằm tiêu diệt mọi trải nghiệm và cảm giác về thực tại; và con người sẽ ngày càng ngán ngẩm điều đó khi nó không còn thời thượng nữa. Họ sẽ một lần nữa tìm kiếm điều gì đó có thể tạo ra hình thức cho sự hỗn loạn hệt như vậy trong khi vẫn giữ nguyên tỉ đầu óc của con người.”
Đáng buồn thay, một trăm năm sau, nền văn hóa của ta vẫn chưa chán ngán chủ nghĩa vô thần Promethean ở phương Tây, và đây là mối nguy hiểm khôn lường của chúng ta. Vì như nhà xã hội học người Mỹ W.I. Thomas từng nói, “Nếu nhân loại xác định tình huống là có thật, thì hậu quả của chúng cũng có thật.” Nếu chúng ta xóa bỏ [ranh giới giữa] đúng và sai, tước đoạt lý niệm thông thường của đại đa số dân chúng, dành thời gian để thỏa mãn những ham muốn khoái lạc mà không có bất kỳ sự kiểm soát đạo đức nào, thì phương Tây sẽ sụp đổ.
Sự sụp đổ của Đế chế La Mã ở phương Tây trước những “kẻ man rợ” vào thế kỷ thứ năm chỉ có thể xảy ra bởi vì đế chế đó đã tự tha hóa bản thân mình và đánh mất quyền lực nội bộ của mình. Đó là mối nguy hiểm thực sự mà hiện nay Mỹ quốc và các đồng minh đang đối mặt. Khi chúng ta loay hoay với việc xác định lại đạo đức, ngọn lửa từ phương Đông bùng cháy ngày càng gần hơn bao giờ hết. Một lần nữa chúng ta cần khám phá lại tầm vóc thực sự của tâm trí con người, và điều trọng yếu nhất là phạm vi đạo đức của họ.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times