Chúng ta có thể học được gì từ việc đọc Sáng Thế Ký, Chương 1 dưới góc độ thần thoại
Thần thoại và Lý luận? (Phần 4)
Nếu cho rằng trong cấu trúc của vũ trụ có bao hàm đạo đức, thì chúng ta có thể rút ra những hiểu biết sâu sắc gì.
Điều gì sẽ xảy ra nếu đạo đức được đưa vào đặc tính của vũ trụ và điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta trong thời nay?
Trong phần đầu tiên của loạt bài “Thần thoại và Lý luận” này, chúng ta đã thảo luận về điểm khác biệt giữa thần thoại và lý luận. Sau đó, trong phần hai, ta tiếp tục bàn luận về việc con người ưu ái lý luận hơn thần thoại đã dẫn đến việc khoa học lấn lướt tôn giáo. Trong Phần 3, chúng ta xem xét góc nhìn dựa trên thần thoại có thể tiết lộ điều gì và nhìn vào cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh, Sáng Thế Ký, để nghiên cứu xem ý nghĩa và vẻ đẹp được sáng tạo ra như thế nào. Trong bài viết cuối cùng của loạt bài này, chúng ta một lần nữa nhìn lại Sáng Thế Ký nhưng lần này tập trung vào sự tốt lành tại cốt lõi của công việc sáng tạo.
Hãy nhớ rằng từ “tốt lành” trong Sáng Thế Ký Chương 1 trong tiếng Hebrew là “tov,” và trong Phần 3 chúng ta đã định ra năm ý nghĩa có thể dành cho từ này, đức hạnh là một trong những ý nghĩa đó. Rất rõ ràng, từ “tốt lành” mang một khía cạnh đạo đức trong đó, vì trong lối nói thông thường, chúng ta nói những điều như “hãy là một bé trai hoặc bé gái tốt,” hay “anh ấy hoặc cô ấy là người tốt.” Khi chúng ta nói những điều thế này, chúng ta thường đang đề cập đến những phẩm chất đạo đức biểu hiện qua những hành vi tương ứng.
Do đó, khi chúng ta xem xét Sáng Thế Ký Chương 1 (một cách độc lập, mà không tham khảo đến toàn bộ cuốn sách), ta có cảm giác kinh ngạc không chỉ về quyền năng và sự sáng tạo của Chúa, mà còn về đức hạnh của Ngài. Đạo đức có thể được tìm thấy trong kết cấu của chính vũ trụ (đầu tiên và quan trọng nhất là từ ánh sáng, và mở rộng ra là mặt trời và các vì sao), trong các sinh vật sống sinh trưởng và phát triển trên trái đất, nhưng hơn tất cả là ở loài người trong bối cảnh của toàn bộ sự sáng tạo; muôn loài, như Chúa nói, “rất tốt lành.” Hành động của Chúa, nếu chúng ta có thể gọi như vậy, bao gồm việc tạo ra những điều tốt đẹp đến mức mọi thứ trở nên rất tốt lành.
Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Có ít nhất ba điểm chính.
Sự tồn tại là điều tốt lành
Trước hết, sự tồn tại thì đáng trân quý hơn là không hiện hữu. Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng liệu có phải vậy không? Chúng ta với tư cách là con người được trao cơ hội tuyệt vời này: được tồn tại! Vậy nên, phản ứng đầu tiên của chúng ta đối với điều đó phải là lòng biết ơn, thậm chí là niềm hân hoan.
Lòng biết ơn này có nghĩa rằng chúng ta nên phải có tấm lòng trung thành trinh nguyên với vũ trụ, với Trái đất, và với tất cả những ai được hưởng lợi khác (nghĩa là, các sinh vật sống), bao gồm cả chính chúng ta.
Tôi tin rằng, chính vì lòng cảm ân đó, thì một trong những điều cấm kỵ lâu đời và cố hữu nhất trong hầu hết các nền văn hóa theo thời gian đã xuất hiện: sự chỉ trích hay ghê tởm của toàn thế giới đối với việc tự tử (ngoại trừ trong các tình huống cụ thể và được xác định rõ ràng; như trong chiến tranh, vì danh dự, v.v.). Tự tử là khước từ sự sống và từ chối điều tốt lành để chấp nhận trạng thái vô tồn hay là điều “không tốt lành.”
Cuộc sống thật tốt lành
Thứ hai, tiếp nối từ quan điểm đầu tiên, sự sống (nghĩa là, tồn tại một cách sống động, và trong trường hợp của con người là tồn tại có tri giác) thì đáng trân quý hơn là không có sự sống, hoặc điều mà chúng ta thường gọi là cái chết. Cuộc sống là điều tốt lành, đúng hơn là, rất tốt lành. Bất cứ ai, hay có lẽ chính xác hơn, hầu hết những người từng cận kề cửa tử (như bản thân tôi) trong các tình huống nguy hiểm, bệnh tật, tai nạn, v.v., đều được trực giác mách bảo rằng cuộc sống là tốt lành. Bởi cuộc sống trong Sáng Thế Ký Chương 1 không đơn thuần có nghĩa là sự tồn tại hờ hững. Chúng ta lưu ý về từ trái đất “nảy mầm,” thảm thực vật “cho hạt,” cây cối “ra trái,” nguồn nước “dồi dào,” sinh vật “bầy đàn,” chim “bay lượn,” và sau đó Sáng Thế Ký viết rằng “Chúa ban phước cho các loài đó.” Sau này, loài người cũng được ban phước. Khả năng sinh sản là để tự tạo ra nhiều hơn! Trong tất cả những điều này đều có một cảm giác cự đại về năng lượng, về sinh khí: Cuộc sống là việc cảm nhận, thúc đẩy, hân hoan trong sinh khí đó, nhìn nguồn sinh khí đó đúng bản chất của nó, như cách mà Đức Chúa Trời nhìn, là rất tốt lành.
Trong năng lượng của cuộc sống thực này, hầu như tất cả mọi người đều được phục hồi bằng cách tiếp xúc với nó: cơn bão hay sự êm đềm trên biển, những chú chim trên bầu trời, những chú ong đua nhau thu thập nhiều phấn hoa hơn cả mức chúng có thể mang đi. Hoạt động này ở khắp mọi nơi! Và thật khoan khoái biết bao, đôi khi ta ra khỏi văn phòng hay thậm chí ngay tại nhà, để tìm thấy nguồn năng lượng phục hồi đó. Vâng, có những người xấu ở ngoài kia; đây chẳng phải là một thế giới hoàn hảo, nhưng nó “rất tốt lành.”
Rút ra từ việc chỉ đọc một chương này, chúng ta có thể hiểu rằng các phong trào trợ tử thời nay và việc họ khẳng định rằng nhà nước hoặc các tổ chức đại diện, hoặc cá nhân và người nhà của họ, có quyền chấm dứt một cuộc sống “với phẩm đức” về căn bản đã trái ngược hoàn toàn với những ý định của Đức Chúa Trời. Trong bối cảnh này, “nhân phẩm” là một khái niệm thế tục được sử dụng mà đã chống lại điều tốt lành của công việc sáng tạo.
Dù sao thì, nhân phẩm liệu có mang ý nghĩa nhiều không? Bất cứ sự tử vong nào cũng đều không dễ chịu cho dù là một chút. Tất cả cái chết đều liên quan đến việc mất kiểm soát — từ việc mất kiểm soát trí tuệ cho đến việc bài tiết của chúng ta.
Lấy một ví dụ khác, Đức Chúa Trời không bao giờ nghĩ rằng việc phá thai theo yêu cầu là một điều tốt lành — như thể việc ngẫu nhiên sát hại một sinh mệnh sống bởi vì điều đó tiện lợi là hoàn toàn ổn. Rõ ràng, có những trường hợp mà phá thai là sự lựa chọn duy nhất: ví dụ như để cứu mạng người mẹ. Nhưng vì sự sống là điều tốt lành và được ban phước, làm thế nào có thể là tốt khi kết thúc sự sống của một bào thai vô tội?
Cuộc sống thật quý giá, sinh mệnh con người thật thiêng liêng, và việc chủ ý hủy diệt sinh mệnh không bao giờ là đúng, không bao giờ có thể tốt được, dù chúng ta hợp thức hóa những vụ sát nhân của mình bằng hệ tư tưởng về lựa chọn [cá nhân]. Tất cả chúng ta đều có thể chọn trở thành những kẻ sát nhân hay người sát hại sinh linh đang nên hình, nhưng thực hiện lựa chọn như vậy không làm cuộc sống trở nên tốt hơn; mà chỉ đơn giản là thuận tiện và vì vị kỷ.
Sống một cuộc sống đạo đức thông qua trật tự
Điều thứ ba, và cuối cùng trong bài viết quá ngắn này về sức mạnh thần thoại của Sáng Thế Ký Chương 1, ta hãy cùng nhớ lại những lời của một trong những nhà nhân chủng học vĩ đại của thế kỷ 20: ông Claude Lévi-Strauss. Trong cuốn sách “Myth and Meaning” (Huyền Thoại và Ý Nghĩa) của mình, ông nhận xét: “Tôi nghĩ, hình dung về ý nghĩa mà không đi kèm với trật tự là điều bất khả. … Mẫu số chung [của tất cả những nỗ lực tri thức của con người] là luôn đưa ra một loại trật tự nào đó. Nếu điều này đại diện cho một nhu cầu căn bản về trật tự trong tâm trí con người và vì, xét cho cùng, tâm trí con người chỉ là một phần của vũ trụ, thì nhu cầu này có thể tồn tại bởi vì có một số trật tự trong vũ trụ và vũ trụ không phải là một mớ hỗn mang.”
Vũ trụ không phải là một mớ hỗn mang! Vì vậy, vũ trụ không phải là bóng tối lộn xộn, rối tung, không có trật tự. Trước hết, Đức Chúa Trời tạo ra ánh sáng, và điều này cho phép chúng ta nhìn thấy trật tự. Ngày rồi đến đêm. Hay ví dụ, con người không muốn kiệt sức thì phải nghỉ ngơi một ngày trong bảy ngày cho dù việc nghỉ ngơi là vì lý do thiêng liêng hay thế tục.
Ý tưởng này không chỉ giới hạn trong truyền thống của Do Thái — Kitô giáo. Ý tưởng về sự tồn tại có trật tự được tìm thấy ở khắp mọi nơi khi những nhà tư tưởng nghiêm túc quan sát bản chất thực của thế giới. Ví dụ, theo triết gia Trung Quốc Đổng Trọng Thư (khoảng 179–104 trước Công Nguyên): “Các lực lượng sống của Trời và Đất hợp lại tạo thành một thể, phân tách thành âm và dương, chia thành bốn mùa, và tự sắp xếp thành năm nguyên tố (ngũ hành). … Theo thứ tự nối tiếp nhau, chúng sinh ra nhau, trong khi theo một trật tự khác, chúng tương khắc nhau. Do đó, trong việc cai trị, nếu một người vi phạm trật tự này, thì sẽ có rối loạn, nhưng nếu thuận theo nó, thì tất cả sẽ được cai quản tốt.”
Ông Đổng đề cập đến câu chuyện xảy ra sau Sáng Thế Ký: Sự sa ngã của Adam và Eva. Chỉ có ở đây, thay vì gọi là Tội Tổ Tông truyền, nó được mô tả là “vi phạm trật tự,” điều này dẫn đến rối loạn — sự tăm tối thuở sơ khai. Đạo đức cốt ở việc cưỡng lại hoặc phá vỡ sự mất trật tự.
Trong cuốn sách của mình có nhan đề “Beyond Order: 12 More Rules for Life” (Vượt Ra Ngoài Trật Tự: 12 Nguyên Tắc Khác Cho Cuộc Sống), tác giả Jordan B. Peterson chắc chắn chạm đến trọng tâm của vấn đề khi ông viết về “thế giới ảo siêu thực này, bao gồm sự tương tác liên tục giữa rối loạn và trật tự, mà luôn luôn đóng vai trò như chiến trường giữa thiện và ác.” Cuộc chiến chống lại sự rối loạn mà ông Peterson nhắc đến này chính là điều tạo nên hình tượng người anh hùng.
Điều này luôn luôn đòi hỏi một cuộc đấu tranh về mặt đạo đức: vượt qua cái ác hoặc hỗn loạn bên trong, và cái ác hoặc hỗn loạn bên ngoài. Bởi vì luôn có một trật tự trong tâm trí chúng ta cũng như trong vũ trụ. Trật tự trong tâm trí chúng ta, nhu cầu về trật tự, bắt nguồn từ việc chúng ta [được tạo ra] theo hình hài của Chúa và trật tự phản ánh sự sáng tạo của Ngài thuở ban đầu.
Những gì Sáng Thế Ký Chương 1 làm rõ là liệu chúng ta muốn điều tốt lành và đạo đức hay chúng ta muốn lựa chọn điều khác, bóng tối hỗn loạn. Cả hai đều không phải là sự lựa chọn trí huệ; mà là lựa chọn thuộc về mặt đạo đức. Cuối cùng, nó liên quan đến ý chí của chúng ta, thông qua đó chúng ta đưa ra lựa chọn và sống cuộc sống của mình. Tất cả đàn ông và phụ nữ đều được triệu hồi để chiến đấu chống lại cái ác và rối loạn, dù cho họ có nhận thức được điều đó hay không.
Vui lòng đọc phần 1 của loạt bài này tại đây, phần 2 tại đây, và phần 3 tại đây.
Diệu Linh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times